Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Vụ thanh trừng dã man của Hồ Quý Ly gây căm phẫn

Trước khi soán ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã thao túng quyền lực trong triều đình nhà Trần suốt nhiều năm.

Trước khi soán ngôi nhà Trần, lập nên nhà Hồ, Hồ Quý Ly đã thao túng quyền lực trong triều đình nhà Trần suốt nhiều năm, gây ra nhiều hận thù, oán thán. Trong đó đặc biệt phải kể đến những vụ thanh trừng dã man các đối thủ chính trị cản bước mình, độc ác không kém gì màn trả thù Tây Sơn của Gia Long Nguyễn Ánh sau này.
Sát hại quần thần đời Trần Phế Đế
Ảnh minh họa. 
Trong những ngày trị vì cuối đời của Trần Phế Đế, không ít quý tộc và quan lại của triều đình tỏ ra căm ghét Hồ Quý Ly. Họ muốn trừ khử Hồ Quý Ly nhưng lại không biết chung lưng sát cánh để bàn mưu tính kế với nhau, bởi vậy, tất cả đều bị Hồ Quý Ly lần lượt thủ tiêu. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 12-a) chép rằng:
“Trước đó, theo lệ cũ ở các đài, sảnh, chỉ các quan từ chức Đồng bình chương sự trở lên mới được ngồi ghế sơn đen có tựa. Bấy giờ, Trang Định Đại vương Trần Ngạc làm Thái úy, Lê Quý Ly (tên gọi trước của Hồ Quý Ly) làm Đồng bình chương sự.
Quan trị thẩm hình viện là Lê Á Phu nói với Ngạc bỏ ghế của Quý Ly đi, không cho ngồi cùng nữa. Ông lại bí mật tâu vua giết Quý Ly. Cơ mưu bị lộ mà thất bại, bọn Lê Á Phu, Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Kha, Nguyễn Bát Sách, Lê Lặc, và người học sinh được tin yêu là Lưu Thường đều lần lượt bị giết cả”.
Trong số những người chống đối, chỉ có Lê Dữ Nghị là được Hồ Quý Ly tạm cho tha chết, bắt phải tội đi đày, sau cũng vờ cho phục chức, nhưng rồi lại bị Hồ Quý Ly khép vào tội kết bè kết cánh mà giết đi.
Nguyễn Bát Sách thì hoảng sợ mà bỏ trốn, Hồ Quý Ly không thèm đuổi mà cho người bắt giam mẹ của ông. Vì thương mẹ già bị tù tội mà Nguyễn Bát Sách phải ra hàng, rốt cuộc cũng bị Hồ Quý Ly giết nốt.
Trong hoàng tộc lúc ấy, chỉ có Trang Định Đại vương Trần Ngạc (con của Thượng hoàng Nghệ Tông) là người tỏ vẻ căm ghét Hồ Quý Ly ra mặt. Trước đó, chính Trang Định Đại vương đã mật bàn với nhà vua Trần Phế Đế về việc giết Hồ Quý Ly, nhưng Hồ Quý Ly không bị giết, ngược lại nhà vua bị Thượng hoàng giết chết.
Trang Định Đại vương Trần Ngạc chỉ được tạm yên thân một thời gian ngắn. Đến tháng 6 năm Tân Mùi (1391) ông cũng bị Hồ Quý Ly lập mưu giết chết.
Bức tử Vua Trần Thuận Tông
Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông (con rể Hồ Quý Ly) phải nhường ngôi cho con là Thái tử An, để rồi ngay sau đó đã tạm bố thí cho Thuận Tông một tước hiệu thật hài hước là Thái thượng nguyên quân Hoàng đế ! Song, để tiện trong giao tiếp thường ngày, Quý Ly cứ gọi tắt là Nguyên Quân.
Năm ấy, Trần Thuận Tông mới 20 tuổi. Đến tháng 4 năm sau (Kỉ Mão, 1399), Hồ Quý Ly lại cưỡng bức Thuận Tông phải rời kinh thành Tây Đô mà ra tận Quảng Ninh để tu luyện phép thuật của Đạo giáo. Chuyến đi Quảng Ninh năm ấy cũng là chuyến đi vào cõi vĩnh hằng của vị vua trẻ tuổi này. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 33-b) viết:
"Mùa hạ, tháng 4, Quý Ly cưỡng bức Vua phải xuất gia thờ Đạo giáo, ra ở quán Ngọc Thanh thuộc thôn Đạm Thủy (nay thuộc Đông Triều, Quảng Ninh), lại còn mật sai Nội tẩm học sinh là Nguyễn Cẩn đi theo để trông coi
Vua hỏi rằng : "Ngươi theo hầu ta là muốn làm gì chăng?". Cẩn không nỡ trả lời. Quý Ly làm bài thơ bảo Cẩn rằng : "Nguyên Quân (chỉ Nhà vua) không chết thì nhà ngươi phải chết".
Nguyễn Cẩn bèn dâng thuốc độc. Vua không chết. Lại dâng nước dừa và không cho ăn mà Vua vẫn không chết. Đến đây, sai Xa kị vệ thượng tướng quân là Phạm Khá Vĩnh thắt cổ cho chết".
Vụ tru di lớn nhất thế kỷ XIV
Trần Thuận Tông bị giết rồi, triều thần chán nản, ai cũng căm ghét Hồ Quý Ly, kể cả những người từng có mối quan hệ chí thiết với Hồ Quý Ly. Bởi sự căm ghét đó, họ đã cùng nhau bàn mưu tính kế để giết Hồ Quý Ly.
Tiếc thay, mưu lớn không thành, để đến nỗi tất cả đều phải chết một cách thê thảm trong vụ tru di diễn ra vào năm Kỉ Mão (1399). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 8, tờ 34 a-b) đã ghi lại sự kiện này như sau:
“Sự việc bị phát giác. Bọn tôn thất Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm ông Thiện, Phạm Ngưu Tất... và các liêu thuộc, thân thích, gồm hơn 370 người đều bị giết và tịch thu tài sản.
Con cái họ, gái bị bắt làm nô tì, trai từ một tuổi trở lên thì hoặc bị chôn sống, hoặc bị dìm nước. Quý Ly sai lùng bắt dư đảng liền mấy năm không ngớt.
Người quen biết nhau chỉ đưa mắt ra hiệu chứ không dám nói chuyện với nhau. Nhà dân không được chứa người đi đường xin ngủ trọ, hễ có người ngủ trọ thì phải báo nhà láng giềng để cùng nhau xét hỏi giấy tờ, hành lí và lí do đi qua để làm chứng cứ bảo lãnh. Các xã đều đặt điếm tuần canh, ngày đêm tuần tra canh giữ. Lễ minh thệ từ đó không cử hành nữa.
Khát Chân người Hà Lãng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), ba đời làm tướng quân. Người đời truyền rằng, Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét ba tiếng, chết qua ba ngày mà sắc mặt vần như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau, nếu có hạn hán, cầu mưa là được ứng nghiệm ngay
Theo PV /Vntinnhanh

Những giai thoại tình ái ly kỳ của Hồ Quý Ly

(Kiến Thức) - Cuộc đời Hồ Quý Ly còn quá nhiều điều cần khảo cứu để làm sáng tỏ thêm; những giai thoại về tình ái của ông dưới đây phần nào cung cấp thêm thông tin dưới góc độ đời tư của vị vua đặc biệt này.

Gặp may mà trở thành phò mã triều Trần
Theo chính sử vào tháng 5 năm Tân Hợi (1371), vua Trần Nghệ Tông phong chức rồi gả em gái cho Hồ Quý Ly, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 5, lấy người họ ngoại là Lê Quý Ly làm Khu mật viện đại sứ. Hai chị em bà cô của Quý Ly, Minh Tông đều lấy làm cung nhân. Một bà sinh ra vua [Nghệ Tông], đó là bà Minh Từ. Một bà sinh ra Duệ Tông, đó là bà Đôn Từ. Cho nên vua khi mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly. Lại đem em gái mới góa chồng là công chúa Huy Ninh gả cho ông ta (Huy Ninh trước là vợ của tôn thất Nhân Vinh, Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết hại)”.
Nhung giai thoai tinh ai ly ky cua Ho Quy Ly
 Trần Nghệ Tông và em gái – công chúa Huy Ninh. Hình minh họa – Nguồn: truyentranh. 
Trước đó, vào tháng 9 năm Canh Tuất (1370), một người hoàng thất giữ chức Phó ký lang, tước Thượng vị hầu tên là Trần Tung tự là Nhân Vinh (sử thường chép là Trần Nhân Vinh) cùng một số hoàng thân quốc thích, đại thần mưu lật đổ Dương Nhật Lễ nhưng không thành nên bị giết.
Sau khi dẹp được loạn cung đình, Trần Nghệ Tông lên ngôi đã đem em gái góa chồng gả cho Hồ Quý Ly; hai người sống rất hòa hợp, hạnh phúc. Kết quả của mối duyên tình này là công chúa Huy Ninh đã sinh cho Hồ Quý Ly hai người con, con gái là Thánh Ngâu sau trở thành Khâm Thánh hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Còn người con trai tên là Hán Thương, khi Quý Ly lập ra nhà Hồ, làm vua gần một năm thì nhường ngôi cho người con này, Hán Thương ở ngôi hơn 6 năm, đặt hai niên hiệu là Thiệu Thành, Khai Đại.
Chính sử thì ghi chép như vậy, nhưng dã sử và truyền tụng dân gian lại cho biết câu chuyện ly kỳ về mối duyên tình của Hồ Quý Ly với nàng công chúa nhà Trần có hiệu là Nhất Chi Mai.
Tương truyền, Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo người cha đi buôn bán bằng đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát dòng chữ: “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (trong cung Quảng Hàn có một cành mai). Thấy lạ, lại hay nên Quý Ly nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó. Đến khi Quý Ly đã làm quan, một hôm hộ giá vua Trần đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua tức cảnh liền ra câu đối:
- Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế.
Các quan hầu cận cùng đi bất ngờ trước tình huống đó, ai nấy đều lúng túng chưa kịp ứng đối lại thì quan Ngự sử Quý Ly bỗng nhớ lại câu thơ trên bãi biến năm xưa, bèn đọc luôn:
- Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai.
Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh với nghĩa là:
Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế,
Quảng Hàn cung nọ một cành mai.
Nghe xong các quan đều phục tài Quý Ly, còn vua Trần giật mình kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt hiệu là Nhất Chi Mai vô cùng xinh đẹp, nàng ở trong cung cấm không ra đến ngoài. Vua mới hỏi Quý Ly rằng :
- Nhà ngươi làm sao biết được việc trong cung của ta có công chúa tên Nhất Chi Mai, nơi ở của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?
Quý Ly cứ thực tình tâu lại việc tình cờ bắt gặp câu thơ trên bãi biển dạo trước, vua Trần cho là chuyện kỳ lạ, chắc duyên trời đã định bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Công chúa xinh đẹp như nhành hoa mai trắng, duyên dáng thanh tao nên dân gian lấy tên nàng đặt cho mai trắng (bạch mai) và ghép tên nàng cùng chức vụ chồng, cũng từ đó loài mai này được gọi là Mai ngự sử hay Nhất chi mai.
Vậy là nhờ câu thơ trên bãi biển năm xưa đáp lại vế đối của vua Trần, Hồ Quý Ly bất ngờ có được "người tình trăm năm" dòng dõi hoàng tộc - công chúa Nhất Chi Mai, để rồi từ cuộc hôn nhân đó đã mở ra con đường sự nghiệp thênh thang cho ông đến khi thực hiện được mưu đồ thâu tóm thiên hạ. Nàng công chúa Nhất Chi Mai ấy theo sử sách chính là công chúa Huy Ninh.
Bị người đẹp thử thách trong đêm tân hôn
Hồ Quý Ly không chỉ là một nhà cải cách lớn với tầm nhìn sâu rộng, bao quát mà còn là người có trình độc học vấn khá uyên bác. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Hồ Quý Ly đã dịch thiên Vô dật trong cuốn Thượng Thư của Chu Công; dịch và bình giải cuốn Kinh Thi của Khổng Tử, phê phán một số quan điểm của sách Luận Ngữ…Ông còn soạn ra sách Minh Đạo gồm 14 chương để cho vua, hoàng hậu, cung phi học tập. Ngoài ra Hồ Quý Ly còn viết khá nhiều thơ chữ Hán, chữ Nôm với nội dung chủ yếu để khuyên vua, dạy bảo con cháu, nhắc nhở quần thần…
Văn chương giỏi, lại biết võ thuật, đọc sách binh thư, từng nhiều lần tham gia chiến trận, do đó ở một góc độ nào đó có thể nói Hồ Quý Ly văn võ song toàn. Không phải không có lý khi vào tháng 3 năm Đinh Mão (1387), Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phong cho Hồ Quý Ly làm Đồng bình chương sự, ban cho một thanh gươm, một lá cờ đề 8 chữ: “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”.
Ấy vậy mà Hồ Quý Ly đã bất ngờ gặp thử thách văn thơ ngay trong đêm tân hôn với nàng công chúa Trần triều, một câu chuyện ít người được rõ. Chuyện kể rằng, sau khi lễ cưới đã hoàn tất các thủ tục, đến giờ tân lang vào động phòng hoa chúc, lúc Hồ Quý Ly đến bên giường, tân nương không chịu làm lễ hợp cẩn mà bắt chồng đứng bên ngoài màn đối đáp văn chương, thơ phú với mình, nếu hay khiến nàng vừa ý mới cho động phòng. Đầu tiên Nhất Chi Mai ra vế đối rằng:
- Ai đấy phải nâng niu, chiều chuộng
Quý Ly đáp lại:
- Đây xin thề gìn giữ, chăm nom
Nhất Chi Mai lại xướng rằng:
- Đôi trái đào tiên chỉ dành cho người quân tử
Quý Ly đối lại trong niềm hạnh phúc:
- Một tấm thân ngà trong màn trướng duy mỹ nữ
Nàng công chúa tài sắc lại ra một câu đối nữa:
- Nơi ấy thiêng liêng, dành riêng cho chí sĩ
Trước câu đối này, Hồ Quý Ly thấy bối rối, nghĩ mãi không ra câu từ thích hợp để đối lại, đến khi đã quá nửa đêm mới đáp lại được:
- Chốn đó trắng trinh, xin hưởng lộc giai nhân
Bấy giờ công chúa Nhất Chi Mai mới dừng việc thử tài, cùng Quý Ly uống chén rượu giao bôi, động phòng hoa chúc.
Nhung giai thoai tinh ai ly ky cua Ho Quy Ly-Hinh-2
 Đối đáp thơ văn. Hình minh họa – Nguồn: vnthuquan.
Lấy vợ người làm vợ mình, nhận con người làm con mình
Hồ Quý Ly có bao nhiêu vợ, bao nhiêu con, đó là điều khó mà biết rõ tường tận được, tuy nhiên nguồn tư liệu dân gian địa phương phần nào bổ sung thêm một số thông tin hữu ích, như tại xã Thanh Thủy (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) hiện có ngôi đền thờ bà Nguyễn Thị Dầm, một phi tần của Hồ Quý Ly được triều đại sau này sắc phong là Bảo Long Thánh Mẫu, Hoàng hậu đệ tam trinh tiết.
Tương truyền bà Dầm là một thôn nữ, xinh đẹp một hôm đi cắt cỏ ven sông Đáy vừa làm vừa hát:
Tay cầm bán nguyệt đưa ngang,
Em là phận gái sửa sang cõi bờ.
Nửa vành trăng sáng đơn sơ,
Trăm ngàn ngọn cỏ ngẩn ngơ quy hàng.
Bấy giờ Hồ Quý Ly đang chỉ huy quân lính tập trận tại thôn Ô Cách, cách đó không xa. Tình cờ nghe tiếng hát trong trẻo, thánh thót của cô gái lấy làm yêu mến bèn ghé thuyền lên bờ hỏi chuyện rồi cho võng kiệu đón vào cung làm vợ, sau này bà Dầm sinh được hai người con gái.
Về khía cạnh tuyển lựa người vào hậu cung, trừ những phụ nữ kết duyên với vua khi họ còn hàn vi, chưa có được danh vị cao sang làm nên sự nghiệp, bước lên trên ngôi báu; hoặc tình cờ gặp gỡ với vua mà trở thành vợ chồng, còn lại muốn được nên danh phận thì phải trải qua đợt tuyển tú nữ từ dân gian. Trong quan niệm của giai cấp thống trị, hoàng đế là thiên tử nên họ có quyền sở hữu tất cả những gì họ muốn, tất cả những gì trong thiên hạ đều là của vua vì thế, việc tuyển chọn phi tần cho nhà vua được tiến hành trên quy mô rộng lớn nhằm lựa ra những người con gái tài sắc vẹn toàn vào cung. Thế nhưng ngoài công chúa Huy Ninh (Nhất Chi Mai) và phi tần Nguyễn Thị Dầm, Hồ Quý Ly còn một người vợ nữa và điều lạ lùng là người này cũng từng trải qua một đời chồng.
Nhung giai thoai tinh ai ly ky cua Ho Quy Ly-Hinh-3
Tranh vẽ chân dung Hồ Quý Ly. Hình minh họa. Nguồn: mythuat.  
Trường hợp công chúa Huy Ninh lấy Hồ Quý Ly là do sự định đoạt đơn phương của anh trai nàng là vua Trần Nghệ Tông, do đó sự kiện này đã bị sử sách phê phán. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép lời bình của sử thần Ngô Sĩ Liên như sau: “Nhân Vinh chết vì thù nước, Huy Ninh để tang chồng mới được 6 tháng mà vua đã đem gả cho Quý Ly. Thế là làm hỏng nhân luân bắt đầu từ vua, mà kẻ làm chồng, người làm vợ cũng không có nhân tâm. Phá bỏ lẽ chồng vợ, đảo loạn đạo tam cương, thì làm sao mà chẳng sinh loạn?”.
Công chúa Huy Ninh có một người con gái với chồng trước Hồ Quý Ly đã nhận làm con nuôi và phong làm công chúa Hoàng Trung, sau đem gả cho Trần Mộng Dữ, con trai của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Ngoài ra Hồ Quý Ly còn lấy vợ góa của Thượng vị hầu Trần Tông (còn gọi là Trần Tung), vốn có một người con là Trần Đỗ, sau được làm Cung lệnh, đổi thành họ Hồ, phong làm tướng cầm quân. Sử chép rằng: “Năm Mậu Thìn (1388), mùa hạ, tháng 5, lấy Trần Đỗ làm cung lệnh. Đỗ là con Thượng vị hầu Tông, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly, cho nên có lệnh này. Sau Đỗ đổi làm họ Hồ” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Trên đây là một số giai thoại tình ái ly kỳ, thú vị vừa hư vừa thực của Hồ Quý Ly, một con người không thể thực hiện được ước mơ xây dựng một đất nước hùng mạnh, phú cường, để lại mối hận nghìn thu, như trong bài thơ của Nguyễn Trãi nói về Hồ Quý Ly có câu: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng để hận đến nghìn năm). Cuối cùng vị vua tài ba ấy phải gửi nắm xương tàn nơi đất khách, trước khi mất ông thổ lộ tâm tình xót xa, sự tủi thẹn của mình qua bài thơ “Cảm hoài”, trong đó có câu:
Cứu nước, tài hèn, thua Lý Bật,
Dời đô, kế vụng, khóc Bàn Canh.
Bình vàng đã mẻ làm sao gắn,
Đợi giá, ngọc vàng chẳng dám khinh.
Lê Thái Dũng

Vì sao Hồ Quý Ly ép cháu nhường ngôi dù chưa có "điềm lành"?


Trong số trước, chúng tôi đã nhắc đến chuyện năm 1400, Hồ Quý Ly tranh thủ khi Trung Quốc chìm trong nội chiến để tiến hành cuộc đổi ngôi. Cuộc đổi ngôi này là vở kịch hay nhưng sử nhìn chung ít đề cập. Trong cuộc đổi ngôi này, Hồ Quý Ly đã ép Trần Thiếu Đế, cũng là cháu ngoại của mình phải nhường ngôi. Sử chép: "Tháng 2, mùa xuân (1400). Quý Ly truất nhà vua làm Bảo Ninh đại vương, Quý Ly tự xưng hoàng đế".
Trước thời Hồ Quý Ly thì nước ta trải qua 3 lần đổi ngôi. Cuộc đổi ngôi đầu tiên là Dương Vân Nga với tư cách Thái hậu đã trao long bào cho Lê Hoàn. Cũng có rất nhiều điều tiếng trong cuộc đổi ngôi từ Đinh sang Lê nhưng chúng tôi chưa bàn ở đây. Cuộc đổi ngôi thứ 2 là vua Lê Long Đĩnh băng hà trong khi con trưởng Lê Cao Sạ vẫn còn ít tuổi, Đào Cam Mộc dẫn đầu các quan đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Cuộc đổi ngôi Lê - Lý cũng xin bàn trong dịp khác. Cuộc đổi ngôi Lý - Trần thì hình thức có vẻ dễ dàng hơn khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhưng cuộc đổi ngôi Lý - Trần cũng có nhiều chi tiết đáng bàn bạc, suy ngẫm.
 Điềm lành khi Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long. Ảnh: Internet.
Trong 3 cuộc đổi ngôi trên, người nhận ngôi đều rơi vào thế bị "ép nhận long bào". Và cứ khi có long bào thì cũng có xuất hiện các thông tin dọn đường dư luận, để dân chúng tin tưởng họ có chân mệnh thiên tử mới. Với Lê Hoàn là "Trước kia, mẹ ngài là Đặng thị đang có thai, chiêm bao thấy bụng nở ra hoa sen, rồi kết thành nhân sen ngay. Đặng thị đem chia cho mọi người, riêng mình lại không ăn. Lúc tỉnh dậy, lấy làm lạ lắm.Kịp khi sinh con, thấy con mặt mũi hình dáng khác thường, Đặng thị nói với người ta rằng: "Thằng cháu này mai sau chắc sẽ làm nên sang cả, chỉ hiềm tôi không kịp hưởng lộc thôi!"
Với Lý Công Uẩn là: "Khi còn nhỏ, thường học nhà sư Vạn Hạnh. Sư Vạn Hạnh lấy làm lạ, nói rằng: "Người này không phải tầm thường, mai sau tất làm chúa cả nước". Với Trần Cảnh thì có tích được Lý Chiêu Hoàng té nước ướt áo rồi được diễn giải là "cho nước". Ngay cả vua Đinh Tiên Hoàng khi lên ngôi thì cũng có truyện mang đậm tính truyền thuyết: "Trong nhà nuôi được con lợn, thừa lúc mẹ đi vắng, Vua mổ lợn khao bọn trẻ rồi di cư đến Đào Úc Sách. Bà mẹ sợ, mang chuyện ấy nói với chú Đinh Dự, Dự cầm dao đi tìm, đuổi đến bờ sông, Vua chạy sa vào bùn lầy, thấy có con rồng vàng, đỡ hai bên Vua sang qua sông. Ông chú sợ bỏ về, Vua bèn theo bọn ngư hộ làm nghề đánh cá, bắt được ngọc huê lớn để vào đáy giỏ. Đến đêm vào chùa ngủ trọ, nhà sư thấy trong cái giỏ có tia sáng tròn, hỏi cớ sao, và nói rằng: "Anh này ngày sau cao quý không thể nói được".
Quay lại việc Hồ Quý Ly cướp ngôi. Hồ Quý Ly cũng muốn cuộc đổi ngôi của mình diễn ra theo hình thức bị thiên hạ ép nhận nhưng ông vẫn sợ mang tiếng là cướp ngôi của cháu ngoại nên còn làm màu mè hơn rất nhiều. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép: "Quý Ly nói thác ra rằng nhà vua truyền ngôi cho. Bầy tôi khuyên mời lên ngôi vua. Quý Ly giả vờ thoái thác nói: "Ta sắp đến ngày xuống lỗ rồi, nếu làm như thế, thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới đất được?". Bầy tôi ba lần dâng tờ biểu, mới nhận lời, xưng là hoàng đế, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu và đổi họ mình là họ Hồ, truất Thiếu Đế làm Bảo Ninh đại vương, vì Thiếu Đế là cháu ngoại, nên không giết chết".
Hồ Quý Ly khi đó cũng ngoài 60 nên nói sắp đến ngày xuống lỗ cũng không sai. Việc Hồ Quý Ly nói nếu cướp ngôi không còn mặt mũi nào nhìn tiên đế (tức Trần Nghệ Tông) cũng đúng. Năm 1394, Nghệ Tông đã có ý nghi Quý Ly cướp ngôi nên dùng chiêu tâm lý chiến bằng việc lôi một loạt điển tích ra đánh động vào tâm khảm Hồ Quý Ly vì Nghệ Tông biết Quý Ly rất rành sử, điển tích, thông hiểu Nho giáo.
Sử chép: Thượng hoàng triệu Quý Ly vào cung bảo rằng: "Bình chương là họ thân thích nhà vua, hết thảy công việc nhà nước đều ủy thác cho khanh cả, nay thế nước suy yếu, mà trẫm đã đến tuổi già lẫn, sau khi trẫm qua đời, nếu quan gia có thể giúp được thì giúp, nếu là người hèn kém ngu tối, thì khanh tự nhận lấy ngôi vua". Quý Ly tháo bỏ mũ, lạy sát đầu xuống đất vừa khóc vừa tạ tội, rồi chỉ lên trời thề rằng: "Nếu tôi không làm thế nào hết trung hết sức để phò tá quan gia, thì dòng dõi nhà tôi sau này sẽ bị trời chán ghét". Quý Ly lại nói: "Lúc Linh Đức vương làm điều bất đức, nếu không nhờ oai linh bệ hạ thì tôi đã ngậm cười dưới đất rồi, còn đâu được đến ngày nay nữa? Tôi dầu nát thịt nát xương cũng chưa thể báo đáp ơn bệ hạ lấy một phần trong muôn phần, còn đâu dám mưu đồ sự khác, xin bệ hạ soi xét tấm lòng ấy cho hạ thần, không nên lo nghĩ quá".
Chiêu này là Nghệ Tông học chiêu Lưu Bị gửi gắm con côi cho Khổng Minh và Hồ Quý Ly cũng diễn như Khổng Minh. Trước đó, Thượng hoàng sai vẽ tranh Chu Công giúp Thành vương, Hoắc Quang giúp Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Hậu Chúa, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông gọi là "tứ phụ đồ", ban cho Quý Ly và dặn bảo rằng: "Khanh giúp quan gia cũng nên theo như những người ấy".
Điều Nghệ Tông không thể ngờ sau đó Hồ Quý Ly không phải trung thần kiểu Khổng Minh hay Tô Hiến Thành gì cả mà giết luôn Trần Thuận Tông (con Trần Nghệ Tông) rồi ép cháu ngoại Trần Thiếu Đế (cũng là cháu nội Trần Nghệ Tông) nhường ngôi.
Chỉ có một điều lạ là khi chuyển ngôi Trần sang Hồ thì sử chẳng chép lấy một dòng nào về điềm lành xuất hiện cả. Với một ngày rành điển tích và "thích làm màu mè" như Hồ Quý Ly mà thời điểm nhận long bào không sáng tác ra được điềm lành gì thì cũng vô cùng lạ.
Chúng tôi mạo muội đoán trước thời điểm cướp ngôi thì kiểu gì Hồ Quý Ly cũng phải "cho" xuất hiện những điềm lành kiểu như Lân vàng xuất hiện hay Mây hình rồng để mê hoặc lòng người. Nhưng có lẽ các chi tiết này không được sử gia đời sau chép để khỏi thừa nhận sự chính danh của nhà Hồ mà thôi. Ngay cả khi Hồ Quý Ly rời đô về Tây Đô thì cũng chẳng thấy sử nào chép về rồng vàng xuất hiện như khi Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long. Phải chăng một triều đại bị hậu thế coi là ngụy triều thì các chuyện về điềm lành không thể tồn tại?
Theo Anh Tú/Một thế giới

.

Cái kết cay đắng cuối đời của Hồ Quý Ly


Theo Thù Vực Chu Tư Lục thì vua tôi nhà Hồ đều bị xử chết cả chỉ có mỗi Hồ Nguyên Trừng được tha vì có tài. Còn theo Cô thụ bao đàm, vua tôi Hồ Quý Ly được tha, riêng Quý Ly bị đẩy đi làm lính thú ở Quảng Tây.
Trong cuộc tra hỏi của Minh Thành Tổ Chu Đệ đối với Hồ Quý Ly, Quý Ly ngậm miệng cầu an. Số phận của Quý Ly sau đó thế nào? Có khá nhiều thuyết khác nhau.
Đại Việt Sử ký toàn thư không chép rõ về số phận của Hồ Quý Ly nhưng kể về số phận của các quan triều Hồ bị bắt khá thê thảm: “Nhà Minh vờ cho Vương Nhữ Tương, Đồng Ngạn Hú, Nguyễn Quân, Lê Sứ Khải làm Kinh Bắc (có lẽ là ám chỉ Bắc Kinh) thị lang và tham chính ở Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông, sai người đưa đi, đến nửa đường thì giết”.
Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sỹ thì cho rằng Quý Ly bị giết bằng lời chú trong một giai thoại về Hồ Quý Ly như sau: Quý Ly nằm mộng vị thần đọc thơ rằng: "Nhị nguyệt tại gia, tứ nguyệt loạn hoa, ngũ nguyệt phong ba, bát nguyệt sơn hà, thập nguyệt long xa". Đến khi nghe tin quân Minh lại sang, mới có ý lo sợ, (Vua Nghệ Tôn nằm mộng được câu thơ bạch kê, rồi họ Hồ cướp ngôi; Quý Ly nằm mộng được câu thơ phong ba, sơn hà, rồi bị bắt giải về Kim Lăng, thế gọi là làm điều bất thiện tất trong lòng tự biết trước). (Tháng 12 năm sau Hồ Trừng bị thua ở Lỗ Giang, tháng 4, hai cha con Hồ phải đi ra biển, liền bị bại ở Điển Canh, tháng 5 bị bắt ở cửa biển Chỉ Chỉ, tháng 8 bị giải đi, tháng 10 bị giết; số tháng trong bài thơ đều đúng cả. Con bọ ngựa chưa bị bắt, mà hồn bướm đã mơ thấy rồi).
Ảnh minh họa. 
Sau Khâm Định Việt sử thông giám cương mục chép với ý khác hẳn: “Vua nhà Minh ngự điện nhận tù binh và hỏi Quý Ly rằng: "Giết vua, cướp nước, như thế có phải là đạo người bầy tôi không?". Quý Ly không trả lời được, bèn giao cả xuống giam vào ngục tù, chỉ tha cho con là Trừng, cháu là Nhuế. Sau, Quý Ly ở trong ngục được tha ra, bắt đi thú thủ ở Quảng Tây; Trừng vì lành nghề chế binh khí, dâng phép chế súng lên vua Minh, nên được tha ra để dùng”.
Đồng thời các sử gia nhà Nguyễn còn phản bác thông tin nói rằng Quý Ly bị giết bằng lời cẩn án như sau: - Sử cũ chép: "Khi Quý Ly đến Kim Lăng, vua nhà Minh giả vờ trao cho chức tham chính, sai người hộ tống đến nơi làm việc, rồi giết chết ở dọc đường". Có lẽ nào đánh bắt được người đầu sỏ của giặc, không đem làm tội một cách đường hoàng mà lại phải dùng kế giả dối để giết bao giờ? Thật là vô lý! Nay theo sách Minh sử kỷ sự cải chính lại
Việt sử toàn thư của Phạm Văn Sơn cũng đồng ý với thông tin của Khâm định Việt sử thông giám cương mục khi viết: "Minh Thành Tổ hỏi Quý Ly: "Giết vua cướp nước có phải là đạo bề tôi không?" Quý Ly không trả lời. Vua Minh bèn giam cả vào ngục chỉ tha có Nguyên Trừng và cháu là Nhuế Lỗ. Sau Quý Ly cũng được phóng thích nhưng phải làm lính tuần ở Quảng Tây. Nguyên Trừng giỏi việc chế tạo võ khí, đem súng tiến vua được làm quan, sau được phong đến Công Bộ Thị Lang và soạn ra sách Nam Ông Mộng Lục còn truyền đến bây giờ".
Còn tư liệu Trung Quốc viết gì về số phận của Hồ Quý Ly. Theo Thù Vực Chu Tư Lục thì vua tôi nhà Hồ đều bị xử chết cả chỉ có mỗi Hồ Nguyên Trừng được tha vì có tài. Còn theo Cô thụ bao đàm, vua tôi Hồ Quý Ly được tha, riêng Quý Ly bị đẩy đi làm lính thú ở Quảng Tây.
Nhưng dù cái kết là bị xử trảm hay bị đi làm lính thú ở tuổi 70 thì cũng là quá buồn cho Hồ Quý Ly một thời quyền lực khuynh đảo trong triều Trần, một thời làm vua, một thời làm Thái thượng hoàng. Đã vậy về sau còn bị người đời chê bai.
Theo Anh Tú / Một Thế Giới




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét