LCĐT - Từ lâu, chiếc chõ đồ xôi là vật dụng không thể thiếu trong mỗi nếp nhà của đồng bào dân tộc Giáy.
Qua lời giới thiệu của bà Nông Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai), chúng tôi tìm đến nhà ông Vi Văn Hò, 64 tuổi ở thôn Kíp Tước 1, xã Hợp Thành - người duy nhất trong xã còn gắn bó với nghề làm chõ đồ xôi bằng gỗ. Nghề này không chỉ giúp gia đình ông có thêm thu nhập mà còn góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Giáy. Vừa đến đầu ngõ, chúng tôi đã nghe thấy âm thanh lộc cộc của chiếc dìu đục gỗ phát ra từ nhà ông Hò. Từ khúc gỗ sần sùi, ông Hò tỉ mẩn, kiên trì dùi mài, gọt đẽo thành chiếc chõ đồ xôi có thân “bóng bẩy”, trông khá đẹp mắt. Với kinh nghiệm 14 năm làm chõ đồ xôi, ông Hò chia sẻ: Làm chõ đồ xôi rất cầu kỳ và mất nhiều công sức, trong đó, 2 khâu quan trọng nhất là chọn gỗ và làm khuôn chõ.
Ông Vi Văn Hò đục khúc gỗ để làm chõ đồ xôi. |
Để chiếc chõ đồ xôi bền và chịu được nhiệt tốt, không bị nứt, ông Hò sử dụng gỗ cơi hoặc gỗ hông làm thân chõ. Đây là những loại gỗ có tính lành, không ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Ngoài ra, còn phải chọn những cây gỗ có thân tròn, kích thước không quá to hoặc quá nhỏ, khi đục khuôn chõ sẽ dễ hơn và không bị vỡ. Khó nhất là công đoạn làm nhẵn hông chõ, nếu không làm nhẵn bề mặt thân chõ, khi nấu xôi sẽ bị dính vào chõ. Bước cuối cùng là làm giá đỡ chõ. Ông Hò phải đan tấm ngăn để làm đáy chõ.
Trong căn nhà của gia đình ông Hò, những chiếc chõ đồ xôi gỗ với đủ kích thước lớn nhỏ được sắp xếp gọn gàng. Cái nhỏ nhất có giá 150 nghìn đồng, cái lớn hơn có giá từ 350 đến 500 nghìn đồng. Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông Hò lên rừng tìm gỗ, rồi về nhà làm chõ đồ xôi mang ra trung tâm xã và các chợ trong thành phố bán. Ông tâm sự: Trước đây, mỗi năm tôi bán được khoảng 130 chiếc chõ, nhưng bây giờ thì không được nhiều vì người ta chọn mua chõ inox, nhôm do giá thành rẻ hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người dân ở đây thì xôi được nấu từ chõ gỗ sẽ dẻo, chín đều, có mùi thơm hơn và để được lâu hơn.
Không kể thời gian đi tìm gỗ, rồi đem về cắt, gọt, ông Hò phải mất tới 2 ngày mới hoàn thành 1 chiếc chõ gỗ. Mặc dù làm chõ xôi đòi hỏi nhiều công sức và độ kiên trì nhưng hằng ngày, ông vẫn miệt mài làm ra những chiếc chõ đồ xôi truyền thống. Ông Hò bảo: Nếu có người muốn học nghề thì tôi sẵn sàng dạy. Tôi muốn gìn giữ nghề làm chõ xôi gỗ để ngày càng có nhiều người biết đến xôi ngũ sắc - một món ăn đậm bản sắc của đồng bào dân tộc vùng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét