Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Bí ẩn “xứ mưa”

LCĐT - Nhiều lần đến vùng đất Y Tý trên thượng nguồn huyện Bát Xát, từng đến nhiều thôn, bản từ Lao Chải, Chỏn Thèn đến tận Hồng Ngài, nhưng vùng đất vừa hùng vỹ, vừa quyến rũ này vẫn còn đầy mới lạ đối với tôi. Ngày đầu xuân, trên hành trình lên “xứ mưa” Y Tý, rong ruổi ngắm hoa đào bung nở khắp nơi, tôi được khám phá những điều huyền bí ít người biết tới.
Huyền thoại hổ đá bảo vệ mùa màng
Y Tý - vùng đất quanh năm ẩn hiện trong mây ngàn trên thượng nguồn Bát Xát quả thực vẫn còn rất nhiều bí ẩn, không chỉ đối với tôi, mà còn đối với chính những người dân nơi đây. Khi tôi đến thôn Chỏn Thèn thì trời đất vẫn chìm trong sương mù, anh Có Có Xe, công an viên của thôn dẫn tôi ngược dốc lên một chỏm đồi thấp, rồi đến nương ngô bên rừng cây tống quá sủ. Anh Xe hỏi tôi có nhìn thấy hai phiến đá dáng như hai con sư tử ẩn hiện trong sương mù không? Đó là hai con hổ đá mà người Hà Nhì gọi là Hà Gừ đã có ở đây từ rất lâu rồi. Tôi lại gần xem thì đúng là hai con hổ được chạm khắc bằng đá, dáng gần giống sư tử, được đặt trên bệ đá vuông vắn cao chừng 50 cm. Nhìn kỹ thì con nào miệng cũng há rộng nhưng không có răng nhọn, nét mặt hiền lành chứ không giống những con sư tử đá nhe nanh dữ tợn tôi đã gặp ở nhiều nơi.
Cặp hổ đá bí ẩn ở thôn Chỏn Thèn.
Thấy tôi băn khoăn vì có một con hổ đá mới được đắp lại phần đầu và phần cuối thân bằng xi măng, Có Có Xe bảo không biết Hà Gừ ấy bị vỡ từ khi nào nhưng gần đây bà con đã đắp lại, đồng thời tu sửa bệ đá đặt Hà Gừ vững chãi hơn. Người Hà Nhì coi Hà Gừ là vật thiêng giúp dân bảo vệ mùa màng nên không ai dám động vào. Vậy mà năm trước, có một người trong xã thấy cặp hổ đá đẹp đã thuê người xuống khiêng một con về nhà mình. Tối hôm đó, không hiểu sao mây đen kéo đến vần vũ đất trời, mưa như trút nước. Khi bà con Chỏn Thèn biết tin, kéo nhau lên nhà người kia đòi lại Hà Gừ, khiêng xuống trả về đúng vị trí cũ thì trời mới hết mưa dông. Ngoài cặp hổ đá này, dưới thung lũng Thề Pả thuộc thôn Lao Chải còn một con hổ đá nữa được đặt trên mỏm đồi gần ngôi mộ cổ.
Tuy không biết câu chuyện Có Có Xe kể thực hư thế nào, nhưng rõ ràng với đồng bào Hà Nhì ở Y Tý thì Hà Gừ là linh vật quan trọng trong đời sống tâm linh. Trở về thôn Chỏn Thèn, tôi tìm gặp già làng Chú Thó Xo, 74 tuổi. Lim dim cặp mắt mờ, ông Xo kể: Các cụ già kể lại rằng ngày xưa người Hà Nhì ở Y Tý vẫn xuống thung lũng Thề Pả trồng lúa, nhưng thường xuyên bị mất mùa. Bà con tin rằng trên dãy núi đá đối diện thung lũng Thề Pả có ngựa thần thường xuyên bay xuống phá lúa. Vì thế, người Hà Nhì đã dùng hai con hổ đá đặt ở mỏm đồi đối diện với núi Ngựa để nhờ thần hổ bảo vệ mùa màng. Hằng năm, dân làng đều tổ chức lễ cúng thần Ngựa, kể từ đó đồng ruộng trở lại tươi tốt, cuộc sống ấm no. Từ đó đến nay, cứ vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm, người Hà Nhì ở Y Tý đều thành kính tổ chức lễ cúng thần Ngựa, cầu cho mùa màng tươi tốt. Còn Hà Gừ có từ bao giờ, do ai làm thì cũng không rõ, đó vẫn là một bí ẩn cho đến bây giờ.
Mỏ nước không cạn và tục lấy nước đầu xuân
Ai đến Lao Chải 1 đều thấy ở cuối thôn có một mạch nước ngầm cung cấp nước sinh hoạt cho cả thôn. Với đồng bào Hà Nhì ở thôn Lao Chải 1, nguồn nước này còn quý hơn vàng, vì là nguồn sống của bà con ở đây kể từ thời khai thiên lập địa ra mảnh đất này. Câu chuyện về nguồn nước của thôn Lao Chải 1 cũng có nhiều chi tiết rất khó lý giải.
Trưởng thôn Chu Che Xá bảo, ngày xưa khi đến khai khẩn vùng đất này, tổ tiên người Hà Nhì đã tìm thấy một mạch nước lớn từ dưới đất đùn lên, chảy mãi chưa bao giờ cạn. Khi uống thử thấy nước rất mát, nghĩ rằng đây là đất lành nên người Hà Nhì quyết định lập làng định cư, hình thành nên thôn Lao Chải 1 bây giờ.
Nguồn nước thiêng chưa bao giờ cạn ở cuối thôn Lao Chải 1.
- Có đúng là nguồn nước này chưa bao giờ cạn? Tôi hỏi lại. Trưởng thôn Chu Che Xá khẳng định như dao chém cột rằng dù có những năm hạn hán nhất, các con suối ở Y Tý đều cạn trơ thì nguồn nước của thôn vẫn ào ạt chảy. Kể cả những ngày mưa lũ, nước suối thượng nguồn chảy về đục ngầu thì mỏ nước vẫn cứ trong veo.
Đặc biệt, theo truyền thống từ xưa để lại, người Hà Nhì có phong tục lấy nước đầu năm ở mỏ nước này về làm lễ cúng tổ tiên. Sau giao thừa, gia chủ là nam giới của mỗi gia đình sẽ đến thắp hương ở hai bàn thờ đá gần nguồn nước của thôn, rồi xin phép thần linh được lấy nước mang về làm nước cúng, sử dụng nước làm bánh giày, đồ lễ dâng cúng tổ tiên vào sáng mùng 1 Tết. Người Hà Nhì quan niệm rằng, lấy nước đầu năm ở mỏ nước thiêng này về cúng tổ tiên đầu năm mới sẽ đem lại những điều bình an, may mắn. Ngoài phong tục này, trong nghi lễ cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì ở Lao Chải vào tháng Giêng hằng năm cũng có nghi thức cúng nguồn nước “Lú khù sụ” để cầu thần Nước phù hộ cho suối quanh năm đầy nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Nếu đến thăm nguồn nước thiêng của thôn Lao Chải 1 vào dịp đầu xuân, du khách còn được ngắm những bông hoa lạ màu đỏ rực tuyệt đẹp nở từ một bụi cây mọc ngay phía trên nguồn nước. Không biết bụi cây này có từ bao giờ nhưng rêu xanh phủ đầy cành. Bà con người Hà Nhì ở đây cho biết, loài hoa này rất đặc biệt và chưa bao giờ gặp cây nào khác mọc quanh thôn hay rất ít gặp ngay cả ở trong những khu rừng già xa xôi nhất trên đại ngàn Y Tý.
VÂN SAM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét