Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

Pú Vạp dinh thự nghỉ mát của Đèo Văn Long

Khu di tích Pú Vạp tọa lạc ở độ cao trên 1.260m so với mực nước biển, cách trung tâm thị xã Mường Lay khoảng 12km về phía Tây, được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc cổ của người Pháp với 02 dãy nhà ngang, 03 gian kiên cố chia thành hai dinh thự nghỉ mát riêng biệt cách nhau khoảng 1km.



     Dinh thự tại khu 1: Công trình tọa lạc ở vị trí cao nhất của dãy núi Pú Vạp với vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch vồ, đất nung, mái lợp đá xẻ. Dinh thự  gồm 2 dãy nhà được thiết kế theo kiểu nhà ngang 03 gian:
     Dãy nhà thứ nhất (nhà chính): Quay về hướng Bắc, với tổng diện tích gần 100m2, gồm 3 gian, trong đó: mỗi gian có diện tích khoảng 25,99m2; gồm 1 cửa chính và 1 cửa sổ (cửa chính cao 2,3m, rộng 1,3m; cửa sổ cao 1,3m, chiều rộng 1,15m), đặc biệt ở gian thứ 2 có 1 bếp sưởi, kích thước cao 1,1m, rộng 1,1m, sâu 0,64m. Do ảnh hưởng của khí hậu, thời gian phần mái ngôi nhà đã bị sập, hiện tại còn một số dấu tích như: Tường nhà cao 3m, dài 16m, dày 0,45m; bể nước có kích thước cao 1,25m, rộng 2,1m, dài 2,1m và 1 bếp lò (nơi phục vụ ăn uống) kích thước: dài 2m,  rộng 2,1m, cao 1,1m.
     Dãy nhà thứ hai: Được xây dựng song song với dãy nhà thứ nhất, có tổng  diện tích 48m2, được chia 3 gian, trong đó mỗi gian có kích thước dài 4m, rộng 4m và có 1 cửa ra vào ở phía trước kích thước dài 0,8m rộng 1,7m. Hiện nay dấu tích còn lại là nền móng và tường nhà (tường nhà cao nhất hơn 3m, dài 12m).
     Ngoài ra ở phía trước của 2 ngôi nhà còn có khoảnh sân rộng và sân khấu để tổ chức các cuộc vui chơi, biểu diễn múa xòe, múa nón, múa sạp...
     Theo lời kể của bà Lò Thị Chăm, (sinh năm 1933) tại bản Mo, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay, là một trong những thành viên múa xoè do Đèo Văn Long tuyển chọn kể lại rằng: “Đội múa xoè có 12 người, là các cô gái Thái bản địa thường xuyên phục vụ Đèo Văn Long và các quan khách, khi có nhu cầu; mỗi lần xòe khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ; mở màn là bài xoè “chào” ra mắt khách, tiếp đến là “xòe khăn”, “xòe vi” hay còn gọi là xòe quạt rồi đến xòe nón...”. Các bài xòe thường dùng nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái như “pí kểu” và “tính tẩu” làm nhạc đệm và sử dụng hai nhạc công. Tiếng “tính tẩu’’ lúc nhặt, lúc khoan như quyện và bện với những động tác lướt chân, vẫy khăn và nón chào quan khách. Những cô gái với đôi bàn chân trần quanh năm lên nương nhưng vẫn trắng nõn nà, uyển chuyển linh hoạt trên sàn như đang bay cùng với tiết tấu của nhịp điệu tính tẩu. Trái với nhiều người ở ngoài nghĩ rằng ở khu nghỉ mát các cô gái Thái trong đội xòe sẽ được ăn ngon, mặc đẹp có cuộc sống sung sướng, nhưng thực tế để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của Đèo Văn Long và những quan khách, họ đã phải chịu nhiều khổ cực. Nhất là những lúc Đèo Văn Long bắt họ phải múa xòe trên nền sàn nóng rẫy, được tạo ra bằng cách khoét một lỗ ở nơi góc sàn gỗ lim lót sắt, rồi đổ dầu vào đốt. Khi nhiệt truyền lan khắp sàn gỗ, mặc dù chưa tới mức bỏng, nhưng cùng đủ làm khó cho những bàn chân trần nõn nà của các cô gái Thái. Đèo Văn Long quan niệm người múa đẹp trên nền đó mới là người xòe giỏi, tiết tấu nhịp độ phải nhanh. Chưa hết có khi có khách quý Đèo Văn Long còn đổ thứ dầu trơn nhẫy lên mặt sàn để các cô gái Thái thể hiện hết tài năng múa xòe. Để múa được trên nền trơn đó họ phải trải qua một thời gian dài kiên trì khổ luyện khéo léo và không ít lần bị trượt ngã. Ngoài ra để tạo thú vui Đèo Văn Long còn tổ chức, hút thuốc phiện, đánh bạc cho quan khách tại đây.
     Dinh thự tại khu 2: Nằm cách dinh thự thứ nhất khoảng 1km về phía Đông, được thiết kế giống dinh thự thứ nhất (kiểu nhà ngang 3 gian, mái lợp đá xẻ), gồm 2 ngôi nhà:
     Nhà thứ nhất: Có diện tích hơn 60m2, chia làm 3 gian, hiện tại xung quanh tường nhà còn nguyên trạng, kích thước cao trung bình  2,3m, dài 11,5m, mỗi gian có diện tích khoảng 20,5m2 đều có cửa ra vào phía trước kích thước cao 2,1m, rộng 0,92m, riêng đối với phần mái, vách ngăn giữa các gian đã đổ sập. Bên cạnh đó tron g khu vực này còn có gian nhà tắm, được xây dựng bằng đá, tường dày 0,43m, cao 2,83m, phần mái đã đổ sập.          
     Nhà thứ hai: Được xây cách nhà thứ nhất 30m, tổng diện tích khoảng 56m2, gồm 3 gian, mồi gian đều có cửa quay về hướng Bắc, diện tích mỗi gian khoảng gần 18m2. Ngôi nhà hiện nay đã sập mái chỉ còn lại tường và móng.
      Nơi đây đã ghi dấu một giai đoạn lịch sử của vùng ngã ba sông Đà và chứng kiến nhừng năm tháng phải sống trong cảnh lầm than của Nhân dân hai tỉnh Điện Biên - Lai Châu dưới quyền cai trị của Thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước Đèo Văn Long. Đồng thời di tích còn thể hiện sự thất bại trong chính sách cai trị của Pháp, qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp lý tưởng cộng sản cho các thế hệ và tiếp bước cha anh để xây dựng, bảo vệ đất nước. Pú Vạp được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2017.
     Đến với Pú Vạp, du khách được chiêm ngưỡng núi non trùng điệp, khí hậu mát mẻ, trong lành và yên tĩnh. Từ trên cao nhìn xuống, thị xã Mường Lay với những nếp nhà sàn nằm san sát, sông nước mênh mông, bên cạnh đó du khách có thể vãn cảnh lòng hồ, suối nước nóng, thăm mô hình nuôi cá lồng của người dân bản địa và tìm hiểu nền văn hóa đa dạng, độc đáo của các dân tộc trên địa phương. Với cảnh đẹp mê hoặc lòng người và mang  ý nghĩa lịch sử sâu sắc thì Pú Vạp cũng như thị xã Mường Lay đã và đang thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu./.
     Hồ Thị Tình - Bảo tàng tỉnh         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét