ANTD.VN - Đường Phan Đình Phùng là con đường có nhiều cây sấu cổ thụ đẹp nhất Hà Nội nhưng có một con đường khác, cũng nhiều cây sấu lớn không kém và sắp khép tán - đường Trần Phú.
Trụ sở Bộ Tư pháp - một điểm nhấn về kiến trúc trên đường Trần Phú
Những cây sấu ở độ tuổi tráng niên
Ở Hà Nội có rất nhiều loài cây được trồng trên các phố nhưng có lẽ ấn tượng và thơ mộng nhất có lẽ là sấu. Sấu được trồng trên đường Phan Đình Phùng đã trở thành mẫu mực cho cây xanh Hà Nội và bây giờ mỗi khi đi trên đường Trần Phú tôi đều nghĩ rằng chỉ vài năm nữa những cây sấu trên con đường này cũng sẽ có vẻ đẹp lãng mạn và bóng mát không thua kém hàng cây trên phố Phan Đình Phùng. Sấu ở đường Trần Phú được trồng suốt tuyến đường và loài cây này đang ở độ tuổi sung mãn nhất của đời mình, trong quá trình phát triển rất mạnh.
Thế nên, người đi qua phố Trần Phú bây giờ đã được hưởng bóng mát của những cây sấu đang ở độ tuổi tráng niên. Những hàng sấu vào mùa thay lá, độ tháng tư, tháng năm, vàng lá sấu xao xác làm cho con đường đông nghịt xe đi lại cũng yên bình, dễ chịu hơn.
Người đi qua phố Trần Phú ấn tượng bởi con đường rộng rãi, thoáng mát, rợp bóng cây xanh
Những biệt thự Pháp đẹp nhất Hà Nội
Trần Phú là một con đường lớn có từ thời Pháp và cũng giống như đường Phan Đình Phùng, con đường có nhiều biệt thự Pháp vào loại đẹp nhất Hà Nội. Chính vì đường rộng rãi, thoáng mát, nhiều cây xanh, biệt thự cổ điển nên nhiều quốc gia đã chọn đặt đại sứ quán của mình trên con đường này. Có thể kể tên các tòa đại sứ của Đức, Iran, Singapore, Srilanka... tọa lạc trong những tòa biệt thự được bảo tồn rất tốt.
Biệt thự trên phố Trần Phú thì nhiều nhưng có 2 tòa nhà gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi. Đó là tòa nhà ở số 36, là trụ sở của Tổng cục Thể dục Thể thao. Tòa nhà được xây dựng theo phong cách Đông Dương - kiểu kiến trúc pha trộn giữa phong cách châu Âu cổ điển và châu Á truyền thống. Tòa nhà số 36 sở hữu những mái cong gần giống các tàu đao ở các mái đình chùa Việt Nam, có các cửa sổ tròn, hành lang đi trong nhà lát bằng gỗ…
Nhìn bên ngoài, tòa nhà vừa giống một ngôi chùa kiểu Á đông, vừa phảng phất những nét cổ điển của châu Âu hoa lệ. Nhìn kiểu kiến trúc của 2 toà nhà thì biết chúng được thiết kế bởi cùng một người, kiến trúc sư A. Kruze và được xây dựng gần như cùng thời điểm (1939-1940). Và điều đặc biệt, cả hai tòa nhà này đều có hai cây đại cổ thụ được trồng hai bên cổng rất đẹp, vào mùa xuân, hoa đại nở trắng như tuyết trên sân gạch đỏ. Hai cây đại này gợi nhớ phong cách Á đông khi nó là loài cây được trồng rất phổ biến ở các đình chùa Việt Nam và có tuổi thọ rất cao, ví dụ như những cây đại gần nghìn năm tuổi ở trên đỉnh Yên Tử… Tòa nhà số 36 này từng là Câu lạc bộ Thủy quân của sĩ quan Pháp và được bảo tồn khá tốt.
Một tòa nhà trên phố Trần Phú cũng gây cho tôi một ấn tượng mạnh là tòa nhà hiện giờ là Trụ sở của Bộ Tư pháp. Tòa nhà dài và rộng, được thiết kế rất thanh thoát và đẹp, nguyên là một trường dành cho học sinh người Pháp. Trường học được xây dựng năm 1918, với bản thiết kế của kiến trúc sư C.Lacollonge theo phong cách miền Trung nước Pháp. Kiểu kiến trúc có hệ thống mái dốc vừa phải và các con sơn (console) được trang trí rất cầu kỳ, tinh xảo. Trải qua hàng trăm năm, tòa nhà là một trong nhiều nơi trang nghiêm và thẳm sâu của Hà Nội với những kiến trúc cổ điển.
Đường Trần Phú mang nét đẹp rất riêng vào mỗi mùa lá rụng
Vườn hoa của cờ tướng
Trên đường Trần Phú có một vườn hoa giáp ranh với đường Điện Biên Phủ, đường Hoàng Diệu. Đó là vườn hoa Lênin, gọi thế vì mặt chính của vườn hoa có đặt một tượng đài của vị lãnh tụ của giai cấp vô sản. Điều tôi muốn nói ở đây rằng, vườn hoa này có thể gọi là “vườn hoa của cờ tướng”. Vào những ngày đẹp trời, cả sáng và chiều, nơi đây có rất đông người cao tuổi tụ họp để đánh cờ tướng. Những bàn cờ được bày ra trên những ghế đá, chỉ hai người trực tiếp chơi một ván cờ nhưng có hàng chục người đứng xung quanh bình phẩm, mách nước cho cuộc đấu trí căng thẳng. Không khí rất vui vẻ và phấn khích. Và hình như môn cờ tướng là một thú chơi rất tao nhã và phổ biến của nhiều người Hà Nội lớn tuổi. Vườn hoa Lênin tụ họp rất nhiều cao thủ của môn thể thao được coi là rất giàu chất trí tuệ này. Những người chơi cờ mải mê trên bàn cờ, nào xe, nào pháo, nào mã… những người đứng xem cũng bị cuốn theo, họ tạm quên đi phố xá đang đông nghẹt hay những lo toan vật chất của thường ngày…
Trần Phú (1904-1931) - nhân vật được đặt tên đường, cũng là một lãnh tụ vô sản quan trọng trong thời kỳ đầu của Cách mạng Việt Nam. Trần Phú là người đồng sáng lập ra Tân Việt cách mệnh đảng và về sau hợp nhất một số đảng phái khác thành Đảng cộng sản Việt Nam. Trần Phú chính là người soạn thảo bản “Luận cương chính trị” xác định tính chất của Cách mạng Việt Nam và được bầu làm Tổng Bí thư vào năm 1930. Năm 1931 do sự phản bội của Ngô Đức Trí, Trần Phú bị Pháp bắt ở Sài Gòn và mất cùng năm khi đang nằm nhà thương Chợ Quán khi mới 27 tuổi. Một địa điểm ở Hà Nội gắn liền với tên tuổi Trần Phú là ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm, nơi ông đã ở và thảo ra bản “Luận cương chính trị”.
Thêm một điểm đáng chú ý về con đường mang tên vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, một đoạn đường từ chỗ giao cắt với đường Phùng Hưng và Điện Biên Phủ là đường hai chiều nhưng đoạn còn lại, từ ngã tư Điện Biên Phủ kéo dài đến phố Ông Ích Khiêm lại là đường một chiều. Một con đường vừa hai chiều vừa một chiều, một đặc điểm mang tính chất phức tạp và cũng hấp dẫn của những con đường ở Hà Nội!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét