Anh Lê
Quán bánh canh có tên rất Huế: O Thanh, là tâm huyết khởi nghiệp của chàng sinh viên 23 tuổi ở Sài Gòn. Mỗi ngày, quán bán 300-400 tô chỉ trong vài tiếng. Đặc biệt, món đầu cá ở đây khiến thực khách mê mẩn.
Bánh canh ‘ăn là ghiền’, đặc biệt món đầu cá
Quán ở địa chỉ 287/29 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM). Người dân trong hẻm này không ai không biết bởi mỗi chiều quán dọn hàng, khách ra vào nghẹt cả lối đi. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng quán bánh canh của anh Hồ Thủy Tịnh lại được lòng nhiều người bởi công thức nấu vừa đậm chất Huế lại có thể đáp ứng khẩu vị của thực khách cả 3 miền.
Quán bánh canh khá nhỏ bởi mặt bằng là khoảng không gian anh Tịnh thuê trước cửa một gia đình. Người Sài Gòn trước giờ vẫn có thói quen lê la các quán xá vỉa hè, không có bàn chẳng sao, chỉ cần có chiếc ghế bệt, ngồi bưng tô húp sì sụp cũng được, miễn sao đồ ăn ngon. Bởi vậy, dù trời nắng gay gắt, khách vẫn ra vào quán này không ngớt.
Đều đặn mỗi ngày, gia đình anh Tịnh dọn hàng lúc 13 giờ và bán hết tầm 18 -19 giờ. Gần như đã qua giờ ăn trưa và cũng chưa đến giờ ăn chiều nhưng cứ dọn ra là khách kéo đến. Hỏi ra mới biết khách đến sớm vì sợ hết món đầu cá là “đặc sản” của quán.
Anh Tịnh cho biết, phần đầu cá thường được nấu theo công thức riêng, khách đến ăn thường gọi một tô bánh canh và một phần đầu cá ăn cùng, vì vậy đầu cá thường hết rất sớm.
Bà Phạm Thị Thuý Lan (63 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi ăn ở đây là cùng với một nhóm bạn, ăn bánh canh cùng với đầu cá rất ngon nên lần này cố tình đến sớm để ăn món đầu cá vì nó rất nhanh hết. Tôi không biết những người khác như thế nào chứ tôi thấy món ăn ở đây hợp khẩu vị của tôi”.
Cũng đồng ý với bà Lan, ông Trần Ngọc Minh (59 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) cũng là một trong những thực khách mê món đầu cá của quán: “Tôi thường ăn ở đây lắm, ngày nào quán này cũng đông khách hết, tôi thích nhất vị nước lèo và đầu cá".
Một tô bánh canh ở đây có giá từ 25.000 - 45.000 đồng/tô tuỳ vào phần ăn của khách. Tô bánh canh đầy ắp, nhìn sơ qua đã thấy bắt mắt vì nước dùng màu vàng óng, vị đậm đà cùng với cá và hành ngò. Sợi bánh canh do nhà làm bằng bột gạo nên đặc và nấu lên có độ sánh đúng chuẩn “home made”, bên cạnh đó còn có chả cá, xương heo,…
Đặc biệt, mỗi phần ăn sẽ có một dĩa trứng cút luộc ăn kèm cùng với các gia vị như nước mắm, nước tương, chanh, sa tế…để khách nêm cho vừa miệng.
Bà Trịnh Thị Phương Hoa (56 tuổi, ngụ quận 3) là khách ruột của quán. Bà Hoa chia sẻ: “Trưa nào tôi cũng ra đây ăn bánh canh, ai cũng thấy lạ hết hỏi sao tôi hổng ngán? Tại vì món ăn ngon, sợi bánh canh được làm bằng gạo nên rất dễ ăn".
Từ 'doanh số' 15 tô/ngày nay lên 300 tô/ngày
Tôi khá bất ngờ khi biết anh Tịnh chính là người đứng nấu còn người đứng bán là mẹ của anh. Tôi thắc mắc, anh Tịnh mới 23 tuổi mà quán bánh canh đã mở được 5 năm có nghĩa là anh mở quán khi anh học năm nhất đại học.
Nghe vậy anh cười tươi và kể: “Mình vốn dĩ là sinh viên công nghệ nhưng có đam mê mở quán. Trước khi nấu bánh canh, mình đã từng 2 lần khởi nghiệp mở quán cà phê nhưng đều thất bại. Khi đó mình còn là sinh viên năm nhất, thất bại 2 lần nên cũng nản chí lắm, còn nợ tiền nữa. Mình đã từng nghĩ là sẽ không bao giờ khởi nghiệp nhưng có lẽ cái duyên của mình là phải làm ăn”.
Sau khi nếm trải những thất bại đầu đời, anh Tịnh quyết tâm đưa mẹ vào Sài Gòn làm lại lần nữa.
“Lúc đó mình đi ăn cũng khá nhiều và nhận ra món nước thì có nhiều nhưng đa phần được nấu với thịt chứ cá thì ít. Gia đình mình ngoài quê cũng bán đồ ăn, nên mình kết hợp công thức giống ở quê và tìm hiểu thêm để nấu bánh canh cá lóc”, anh nói.
Vạn sự khởi đầu nan, với anh Tịnh cũng không phải ngoại lệ. Anh kể tiếp: “Thời gian đầu mỗi ngày mình chỉ bán được khoảng 15-20 tô thôi, đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn. Nhưng lạ một chỗ là dù bán không được nhưng mình chưa bao giờ nghĩ đến dẹp tiệm, một phần vì lần này đã đưa mẹ vào rồi mình không thể để mẹ phải quay về nữa”.
Đứng trước khó khăn, anh Tịnh nhận ra "bán không được là do mình nấu chưa ổn". "Mình đi hỏi phản hồi từ khách hàng xem mình chưa được ở chỗ nào. Có nhiều ý kiến lắm vì khách hàng ở đây nhiều vùng miền. Nói chung mình thay đổi theo những góp ý của khách, dần dần rồi khách hàng cũng ngày một đông, ngày xưa chỉ bán 3 tiếng, giờ phải tăng thời gian để đáp ứng nhu cầu của khách, mỗi ngày mình bán từ 13 đến 19 giờ chiều trung bình bán khoảng 300 đến 400 tô/ngày”, anh kể.
Chia sẻ với tôi được ít phút anh Tịnh phải xin lỗi để quay lại với công việc của mình vì đến giờ đông khách. Nhìn chàng trai trẻ tất bật, mê say với công việc đứng bếp, tôi tin anh sẽ thành công.Khi được hỏi anh có tiếc khi không làm việc đúng ngành học không, anh cười xoà: "Có gì mà tiếc, mình học để có cái nghề, nhưng giờ mình tìm được một công việc khác đúng ý nguyện và có thể phát triển nó là vui rồi. Lúc mới ra trường, cũng có công ty chào mình lương tháng hơn 10 triệu đồng nhưng phải từ chối, mình đã quyết tâm vạch ra kế hoạch sẽ xây dựng thành một thương hiệu bánh canh miền Trung nữa kìa”, anh Tịnh cười tươi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét