Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Vĩnh Phúc: Hát Soọng cô của người Sán Dìu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia


Lê Hoàn 
(Vanhien.vn) - Với người Sán Dìu ở tỉnh Vĩnh Phúc, làn điệu Soọng cô là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng. Vào dịp tết đến, xuân về, cưới hỏi, lao động sản xuất hay lúc nông nhàn, các đôi nam nữ (tốp nam, nữ) đều có thể hát đối đáp hoặc giao duyên…
traosongco
Đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc trao Bằng Chứng nhận di sản cho các huyện. Ảnh: Nhật Ánh
Nằm trong chương trình lễ hội Tây Thiên Xuân Kỷ Hợi 2019, chiều 20/3, tại Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên, huyện Tam Đảo tổ chức lễ đón bằng chứng nhận Soọng cô của người Sán Dìu ở các huyện: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ, đại diện Cục Di sản văn hóa Việt Nam công bố Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Soọng cô của người Sán Dìu ở các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Lập Thạch, Tam Đảo, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận đợt này.
Hát Soọng cô của người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc là loại hình trình diễn dân gian đặc sắc ra đời trong lao động, sản xuất và sinh hoạt được cộng đồng người Sán Dìu gìn giữ cho đến ngày nay. Hát Soọng cô chủ yếu là phần đối đáp giao duyên, sau đó là phần hát trong đám cưới. Soọng cô được hát theo sách, có bài bản sẵn. Người đi hát phải thuộc sách hát, họ dẫn câu hát trong sách ra để hát đố, người đáp cũng trích ra những câu hợp cảnh hợp tình để hát đáp câu hỏi. Họ hát những câu hát nói về tình yêu lứa đôi, thiên nhiên, ca ngợi tình nghĩa thuỷ chung vợ chồng, ca ngợi công lao ông bà, cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có nhân, có hiếu… khi cất lên nghe thật dặt dìu, réo rắt, lúc ngân cao, lúc trầm ấm làm say đắm lòng người.
hong_1
Một buổi sinh hoạt của CLB Soọng cô tại huyện Tam Đảo. Ảnh: Minh Hường
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30 câu lạc bộ hát Sọong cô, phân bố chủ yếu ở những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống như thành phố Phúc Yên, huyện Tam Đảo, Lập Thạch với trên 1.000 thành viên tham gia. Hằng năm, các câu lạc bộ đều tổ chức các các lớp truyền dạy, giao lưu tạo môi trường, không gian cho các hội viên, nghệ nhân thực hành, biểu diễn. Qua đó, góp phần giới thiệu giá trị văn hóa của làn điệu dân ca này đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.
Hiện nay, số nghệ nhân người Sán Dìu còn nắm giữ và thực hành di sản soọng cô chủ yếu ở độ tuổi trung niên và người già, cư trú trên địa bàn các xã: Quang Sơn, huyện Lập Thạch; Đạo Trù, Hồ Sơn, Minh Quang, Hợp Châu, huyện Tam Đảo; Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên.
Soọng cô được lưu truyền bằng hai hình thức: truyền khẩu và ghi bằng chữ Nôm – Sán Dìu, trong đó, hình thức truyền khẩu là chủ yếu. Giống như nhiều làn điệu dân ca khác, hát Soọng cô của người Sán Dìu đang bị mai một và bị lấn át bởi những hình thức giải trí hiện đại. Song nhờ hoạt động sôi nổi và hiệu quả của các câu lạc bộ Soọng Cô tại các địa phương đã góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét