LCĐT - Đã từ lâu, khi nhắc đến Lạng Sơn, nhiều người nghĩ ngay tới những món ăn chế biến từ thịt lợn, thịt vịt nướng hay rượu Mẫu Sơn trứ danh. Giờ đây, xứ Lạng còn có món bánh mì nướng dầu hào đặc biệt với hương vị thơm ngon, hấp dẫn và ấn tượng.
Ghé qua tiệm Bư’s Food nằm trên đường Trần Nhật Duật, thành phố Lào Cai, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Thu Hương, chủ quán giới thiệu món bánh mì nướng dầu hào - món ăn có nguồn gốc từ Lạng Sơn. Chị Hương bảo bánh mì là món ăn phổ biến nhưng mỗi nơi có cách thức chế biến khác nhau, tạo thành hương vị riêng. Người dân xứ Lạng có những sáng tạo riêng trong cách chế biến bánh mì và giờ đây được phổ biến vượt ra khỏi ranh giới của một tỉnh.
Món bánh mì nướng dầu hào Lạng Sơn. |
Bánh mì được sử dụng nướng dầu hào là loại ruột đặc và khi nướng bánh cần có 2 công đoạn. Ban đầu là phết dầu nướng cho nóng, sau đó sẽ phết hỗn hợp dầu hào, mật ong để nướng lại lần hai. Thực khách muốn ăn bánh giòn hay mềm đều có thể điều chỉnh theo yêu cầu. Thời gian nướng bánh từ 5 đến 10 phút, sau đó bánh được cắt thành từng miếng nhỏ sao cho vừa miệng. Những miếng bánh mì giòn tan, mang vị bùi của dầu hào được ăn kèm với thịt lợn xiên nướng, họng hoặc dạ dày lợn nướng… thêm chút nước chấm sền sệt độc đáo của xứ Lạng sẽ khiến khách muốn trở lại ngay sau khi được thưởng thức lần đầu.
Điều đặc biệt của món bánh mì nướng dầu hào còn được thể hiện qua cách pha nước chấm có tính “bí quyết” của từng cửa hàng. Chị Hương bật mí rằng mỗi nhà hàng đều có công thức riêng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc của món này là đủ vị cay của tương ớt, vị chua của me, quất, vị thanh, ngọt của đường thốt nốt và trộn với rau răm…
Anh Nguyễn Tiến Cường, một thực khách ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai đã phải thốt lên “rất tuyệt” khi thưởng thức món này lần đầu. Anh bảo, chắc chắn mình sẽ trở lại quán này vì anh vốn yêu thích bánh mì nhưng giờ đây mới tìm được nơi có cách chế biến hợp khẩu vị của mình đến thế. Điều đáng nói là ở cơ sở Bư’s Food, giá một suất bánh kèm thịt nướng chỉ từ 25.000 đến 30.000 đồng.
Còn chúng tôi đã hiểu vì sao món ăn này lại có thể “di thực” từ xứ Lạng về đây mà vẫn có đông thực khách thưởng thức hằng ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét