Thứ Ba, 26 tháng 3, 2019

Lưu dấu miền Trấn Hà

LCĐT - Khi được nghe những câu chuyện kể về vùng đất Tân An (Văn Bàn) với bề dày lịch sử, với những câu chuyện đã trở thành huyền thoại và đi vào sử sách, tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi bao năm qua lại vùng đất này mà chưa hiểu hết...
Ðến Tân An dịp đầu xuân, khi những cây hồng ăn quả cổ thụ mọc hai bên đường đang bung những nụ hoa trắng rung rinh đón nắng, cảnh sắc nơi đây càng gợi nhớ về một miền đất cổ xưa với âm vang hào khí còn vọng lại. Cho đến tận bây giờ, người dân Tân An vẫn truyền nhau những câu chuyện về thành cổ Trấn Hà nổi tiếng. Còn trong tâm trí không ít du khách đến thăm Tân An, đây là vùng quê trù phú và hội tụ linh khí của đất trời.
Theo những già làng kể thì cái tên Tân An mới có cách đây không lâu, tên cũ mà sử sách ghi nhiều vẫn là Trấn Hà. Địa danh Trấn Hà lấy theo tên một thành cổ được xây dựng ở vùng đất này từ xa xưa.
Ông Hoàng Ngọc Thanh (84 tuổi), dân tộc Dao, người được coi là có sự hiểu biết khá sâu sắc về lịch sử vùng đất cổ ven sông Hồng tiếp chúng tôi. Ông bảo: Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, may mắn được học chữ cổ của người Dao nên tìm hiểu khá kỹ về vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử này, song thành lũy đồn Trấn Hà được xây dựng từ bao giờ thì chưa tìm thấy tài liệu chính thức nào chỉ rõ.
Từ các tư liệu được tìm hiểu trước chuyến đi, chúng tôi trao đổi với ông: Theo dữ liệu lịch sử trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, nơi đây lúc đó thuộc bộ Tân Hưng, là 1 trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang, thời phong kiến thì thuộc phủ Quy Hóa, trấn Hưng Hóa và thành Trấn Hà có thể đã là tiền đồn phía Tây Bắc của Nhà nước Văn Lang sau đó được duy trì và củng cố đến hết thời kỳ phong kiến Việt Nam. Trong sách Hưng Hóa ký lược (đời Lê) cũng có nhắc đến thành Trấn Hà này trong mục thành trì. Trao đổi đến đây, ông Thanh phấn chấn hẳn lên: Đúng là đến giờ tôi mới được nghe đến những dữ liệu này đấy nhà báo ạ!
Để ghi nhận những hình ảnh chân thực về khu đồn Trấn Hà, chúng tôi nhờ mấy cụ  người Dao còn khỏe trong xã đi cùng. Từ trung tâm xã Tân An, theo Tỉnh lộ 151 xuôi bờ sông Hồng khoảng 2 km thì đến. Đồn Trấn Hà được xây trên một quả đồi với diện tích chừng gần một nghìn mét vuông, nằm cách bờ sông Hồng khoảng 50 m. Những dấu tích còn lại cho thấy có thể đồn được xây dựng kiên cố, tường thành xung quanh đắp lũy bằng hợp chất đất, cát, sỏi pha với vôi bột trộn mật mía. Trải qua nhiều cuộc trấn ải các triều đại phong kiến và thời gian, nay đồn Trấn Hà đã bị đổ vỡ gần hết, chỉ còn một đoạn thành ngắn ở mặt phía Nam cao khoảng 3 m, rộng 5 m, dày 0,5 m sót lại. Theo mô tả của mấy cụ cao niên thì đồn Trấn Hà khi Pháp ngược chiến thuyền lên chiếm Yên Bái, Lão Nhai cuối thế kỷ XIX còn khá nguyên vẹn. Mặt phía Bắc của thành đắp dựa vào sườn đồi, mặt phía Nam quay ra sông Hồng, hai mặt còn lại nhìn về hạ lưu và thượng lưu, xung quanh đều là hào sâu. Đồn được mở ba cửa, gồm cửa sau để cơ động quân ra vào và hai cửa bên để tiếp tế vũ khí, lương thực. Mỗi mặt tường của đồn đều đặt một lỗ châu mai cao 60 cm, rộng 30 cm được bố trí lệch nhau. Ngay trên nền khu đồn vẫn còn những mảng tường thành khá lớn bị đổ xuống, cỏ cây mọc che phủ.
Từ kết cấu và vị trí xây dựng đồn Trấn Hà, có thể thấy người chọn địa điểm rất tinh thông về phong thủy, binh pháp, bởi từ trên đồn có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn, gồm cả hai tuyến giao thông thủy, bộ đi qua khu vực này. Đó cũng là nơi quan ải trọng yếu, huyết mạch giao thương của cả vùng cũng như giao thương với nước Điền láng giềng phía Bắc. Hơn nữa, khu vực này, nước sông Hồng chảy xiết, mùa lũ có vạt xoáy, thuyền bè qua lại đều phải đi chậm và cẩn trọng. Trong truyền thuyết cũng kể nơi đây là nơi đóng quân của tù trưởng người Tày tên là Hà Bổng được vua nhà Trần phong làm trại chủ Quy Hóa khi đánh quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta thế kỷ XIII. Cũng chính vì thế, sau này khi chiếm đóng Lão Nhai, thành lập Đạo quan binh và tỉnh dân sự Lao Kay, Pháp vẫn chọn Trấn Hà là nơi đóng đồn, bốt để kiểm soát khu vực này. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1964, khi Mỹ cho máy bay đánh phá miền Bắc, rải bom tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai, Trấn Hà được bố trí một khẩu đội súng phòng không 12,7 mm để chiến đấu bảo vệ vùng trời Tây Bắc. Vì vậy, trong những năm sau này, khi làm ruộng, làm móng nhà, người dân quanh đồn Trấn Hà vẫn đào được vô số đạn chì, đạn sắt, vũ khí và dụng cụ cổ…
Cụ Nguyễn Đức Độ, ở thôn Tân An 1, người đã nhiều năm góp công trông coi di tích đồn Trấn Hà khẳng định: Đồn Trấn Hà - công trình quân sự độc đáo, được xây dựng khá kiên cố, trở thành căn cứ quân sự trọng yếu trên tuyến giao thông dọc sông Hồng, là khu vực phòng thủ, án ngữ cửa ngõ giao thương về đường bộ và đường thủy cả vùng Tây Bắc. Qua đây có thể thấy Trấn Hà và vùng đất Tân An nay là mảnh đất có bề dày lịch sử - văn hóa, tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ của các di tích đền Cô Tân An và đền Bảo Hà. Hàng nghìn năm qua, vùng đất này là một tiền đồn có vị trí quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế, nơi đây dần phát triển thành khu dân cư trù phú nên sau này có tên gọi mới là Tân An.
Di tích đồn Trấn Hà, xã Tân An (Văn Bàn). 
Năm 1971, trận lũ lịch sử đã cuốn trôi nhiều nhà ở của người dân trong vùng nhưng khu vực đồn Trấn Hà thì vẫn bình yên vô sự, vậy nên nhiều hộ đã chuyển về lập nghiệp xung quanh đó. Khi đất nước giành được độc lập, vùng đất Trấn Hà - Tân An hồi sinh xây dựng cuộc sống mới. Sau chiến tranh biên giới (tháng 2/1979), Quốc lộ 279 được mở vắt qua xã và bến phà Tân An qua sông Hồng sang bên kia là xã Bảo Hà (Bảo Yên) được xây dựng thì sự phát triển càng sầm uất “trên bến, dưới thuyền”, vì thế nơi đây còn được gọi là “Tân An phố”.
Tân An hôm nay là xã thuộc huyện Văn Bàn, giáp với xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Với vị trí địa lý rất đặc biệt, là điểm trấn giữ Quốc lộ 279 từ Văn Bàn đi Bảo Yên và ngược lên tỉnh Hà Giang. Đoạn sông Hồng qua Tân An cũng là “yếu huyệt” từ biên giới Việt - Trung xuống nên đã tạo cho vùng đất này lợi thế phát triển cả về kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Đặc biệt, từ khi cao tốc Nội Bài  - Lào Cai được đưa vào sử dụng đã tạo một “cú hích” để vùng đất này bứt phá vươn lên. “Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần cần cù lao động, đoàn kết, người dân vùng đất Tân An đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tân An giờ đã là xã nông thôn mới” - Bí thư Đảng ủy xã Triệu Trung Hương hồ hởi tâm sự.
Nói rồi, anh Hương cùng chúng tôi dong xe máy tham quan các thôn. Anh dẫn chúng tôi đi một vòng 4 thôn nằm dọc hữu ngạn sông Hồng. Trên đường đi, anh kể nhiều chuyện về cuộc sống của đồng bào 11 dân tộc anh em ở 13 thôn, bản trong xã, chuyện làm kinh tế và công cuộc xây dựng nông thôn mới của Tân An 8 năm qua và những dự định phía trước. Với bao trăn trở, Đảng bộ xã Tân An đã vận động người dân cùng các nhà đầu tư đóng góp hơn 7 tỷ đồng, chiếm 28% tổng kinh phí triển khai các dự án. Rất nhiều hộ hiến đất để mở đường giao thông, làm trường học, nhà văn hóa. Đến nay đã có 9 km đường trục xã được trải nhựa, 17 km đường liên thôn được đổ bê tông. Nông dân Tân An hôm nay không còn phải lo cái ăn, tổng sản lượng lương thực từ 1.290 tấn tăng lên 1.731 tấn...Tân An hôm nay đã đổi thay, ruộng vườn xanh tốt; đường thôn, ngõ xóm sạch sẽ; hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh được xây dựng khang trang. Xã có hai cây thế mạnh để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là cây quế với gần 300 ha cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha và cây hồng không hạt (hơn 30 ha). Mỗi năm, cây quế và cây hồng không hạt mang lại giá trị vài chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, những di tích lịch sử, văn hóa như đền Cô Tân An, đồn Trấn Hà đã và đang thu hút khách du lịch, tạo thêm việc làm và nguồn thu cho người dân. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, có biệt thự, xe ô tô. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhanh (8 năm xây dựng nông thôn mới, xã giảm được 140 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 9,7%). Giờ ở Tân An, tỷ phú không hiếm, nhiều gia đình người Dao có diện tích quế hàng chục ha nếu tính thời giá hiện nay thì trị giá cả chục tỷ đồng.
Di tích đồn Trấn Hà là minh chứng cho lịch sử đấu tranh hào hùng của các thế hệ ông cha ta xưa trong bảo vệ đất nước, bảo vệ sự bình yên của dân tộc. Tân An hôm nay mang diện mạo mới; cuộc sống đã có những đổi thay nhưng nét cổ xưa của Trấn Hà vẫn hiện hữu trên những mái nhà, con ngõ, tạo nên sức hút lạ kỳ đối với du khách. Hiện xã đang triển khai nhiều giải pháp để giữ gìn, khôi phục những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương, song để làm được điều này cần có sự hỗ trợ, chung tay từ nhiều phía.
Chia tay vùng đất Trấn Hà - Tân An, đi qua các làng người Dao, người Tày bám ven Tỉnh lộ 151, tôi thấy những cây đào phai đã nở hoa phớt hồng, đài nhà ai đang vang vang câu hát: “Ai đi đâu về đâu, dẫu có cách xa bao lâu, xin đừng quên vùng đất này, đẹp tình người lăm lắm đấy… Dù một lần, anh mới tới, mê say luôn đồng đất quê em…” khiến lòng tôi thêm vui và tin tưởng vùng đất này mãi mãi trường tồn và phát triển.                                                                 
PHẠM VŨ SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét