Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Ấn tượng món "Canh bồi măng lửa rau ngót rừng" Buôn Đôn

Djuang Niê 


Buôn Đôn không chỉ lừng danh với những câu chuyện săn bắt, thuần dưỡng voi rừng một thời mà còn được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nguyên dược liệu, rau rừng đa dạng từ rừng khộp. Từ đó tạo nên sự phong phú trong ẩm thực của cộng đồng các dân tộc anh em Êđê, M’nông, Lào nơi đây. Trong đó có thể kể đến là món “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng”.
Anh Y Danh Niê trổ tài nấu “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng” cho khách du lịch.
Canh bồi măng lửa rau ngót rừng là một trong những món ăn truyền thống của người dân ở khu du lịch Buôn Đôn. Để làm được món canh này đúng “chuẩn vị Buôn Đôn” đòi hỏi người chế biến phải chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết và có bí quyết nấu.
Anh Y Danh Niê, buôn Jang Lành, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), cho biết: Với người dân sống bên bìa rừng, rừng khộp không chỉ đóng vai trò là lá phổi xanh của Buôn Đôn mà nơi đây còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào theo mùa. Có những loại rau hoặc cá chỉ có ở rừng khộp mà không nơi nào có. Đặc biệt là đầu mùa mưa này măng lửa bắt đầu mọc và phát triển rất nhanh. Sở dĩ người dân ở đây gọi là “măng lửa” bởi sau khi đốt thực bì những cây le trở nên trơ trụi và xơ xác, đến khi gặp thời tiết thuận lợi, mưa xuống chúng bắt đầu nhú măng và tươi xanh trở lại. Thời điểm này bà con vào rừng bẻ măng, hái rau ngót rừng làm các món ăn truyền thống trong đó có “Canh bồi rau ngót rừng”.
Nguyên liệu làm món “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng” bao gồm măng lửa, rau ngót rừng, một ít gạo đã được ngâm, lá yao, lá keo rừng, xương sườn heo và gia vị cần thiết như củ nén (hành tăm) muối, ớt, bột ngọt. Tất cả các nguyên liệu làm sạch, để tiết kiệm thời gian nấu, phần xương sườn thịt heo được đem hầm trước cho nhừ. Phần gạo ngâm được giã nhuyễn với lá yao (một loại lá tạo màu được dùng trong các món canh bồi của cộng đồng người Tây Nguyên) - đây là một trong những nguyên liệu giúp cho món này lên màu đẹp mắt. Khi phần thịt trong xương đã đến độ chín cũng là lúc bắt đầu bỏ măng lửa đã luộc sẵn vào, tiếp đó cho rau ngót rừng. Khi thấy măng với rau ngót chín cho phần bột gạo đã hòa tan với nước.
Để nồi canh chín đều và không bị vón cục khâu này đòi hỏi người nấu phải chú ý điều chỉnh lửa vừa phải và liên tục khuấy đều tay, đồng thời nêm gia vị. Theo anh Y Danh, điều quan trọng nhất khi làm món này phải làm sao cho có độ cay của ớt mới ngon. Đồng thời trước khi bắc nồi canh xuống không quên bỏ thêm lá keo rừng để tạo mùi thơm đặc trưng - đây chính là bí quyết để nấu món này ngon. Thường món canh bồi rau ngót rừng này được ăn với cơm nóng hoặc dùng không như món súp thông thường.
Chị Lê Tú Anh - khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ: "Trong thời gian 3 ngày lưu trú tìm hiểu cuộc sống của bà con tại vùng đất Buôn Đôn tôi đã có nhiều trải nghiệm vô cùng thú vị, nhất là được khám phá ẩm thực trong văn hóa của người dân Buôn Đôn. Trong số các món ăn, tôi đặc biệt ấn tượng về món “Canh bồi măng lửa rau ngót rừng”, có vị ngọt của xương hòa quyện với măng, mùi thơm của lá keo rừng và vị cay nồng của ớt… tạo cho tôi cảm giác vừa ngon, vừa lạ miệng. Món ăn này không chỉ phản ánh mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên nơi đây mà còn thể hiện sự gắn kết cộng đồng. Nhiều nguyên liệu kết hợp lại với nhau tạo nên một món ăn ngon, đậm vị mang bản sắc riêng. Tôi rất thích điều đó! Không những tôi mà những người bạn nước ngoài đi chung với tôi cũng rất hứng thú và hy vọng sẽ có dịp trở lại nơi đây".
Trước đây các món ăn truyền thống của người dân chỉ phục vụ các bữa ăn trong gia đình, tuy nhiên do thị hiếu của khách du lịch nên giờ đây những món ăn dân dã đó đã trở thành đặc sản hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi khi có dịp đặt chân lên mảnh đất Buôn Đôn.

Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

Đắk Lắk: Đặc sắc lễ cúng thần buôn của người Gia Rai

Dạ Yến Thảo 





Sau một năm bận rộn, vụ mùa đã được thu hoạch xong, đồng bào Gia Rai lại tất bật, rộn rã cùng nhau chuẩn bị những ghè rượu cần thơm ngon và các lễ vật như: bò, heo, gà… để chuẩn bị cho lễ cúng thần buôn. Với người Gia Rai, lễ cúng thần buôn là nghi lễ quan trọng được tổ chức hằng năm.
Chuẩn bị các công đoạn làm cây nêu.
Để chuẩn bị cho nghi lễ, trước đó già làng đã phân công những thanh niên khéo tay vào rừng lấy cây lồ ô, tre, nứa thân to, dài về làm cây nêu. Theo già Y Phi Mjâu (ở buôn A, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp), cây nêu là nhịp cầu tâm linh giúp con người tiếp cận gần hơn với các đấng thần linh. Trong các lễ hội lớn của buôn làng, để làm cây nêu mọi người phải tập trung và mất nhiều thời gian công sức; đặc biệt chỉ có nam giới, còn nữ giới không được tham gia vào bất cứ công đoạn nào.
Sau khi nguyên liệu làm cây nêu được tập kết đầy đủ, người già trong buôn tỉ mỉ kết nối từng bộ phận cho phù hợp. Công đoạn lắp ráp trang trí hoàn tất, cả buôn làng chung tay dựng nêu. Khi tiếng chiêng cất lên, mọi người tập trung về khu vực nhà văn hóa cộng đồng buôn. Lúc này những ché rượu cần được sắp thành từng hàng. Các vật hiến tế: bò, heo, gà… sẽ được mang đặt cạnh cây nêu. Người được chọn làm thầy cúng cho buôn đọc lời cầu khấn Yang (thần linh) để mong dân làng có cuộc sống no ấm, mùa màng bội thu, mọi người tránh được dịch bệnh thiên tai, cùng sống yêu thương và đoàn kết.
Sau khi cúng xong thần buôn, thầy cúng sẽ ra cúng cùng lúc hai thần là Yang T’ho (thần hộ vệ) và thần nước. Khi thầy cúng làm lễ cúng thần T’ho phải đi đến nơi đất mạch và nơi sình lầy – theo quan niệm của người Gia Rai, đây là những nơi linh thiêng nhất để cúng thần hộ vệ, cầu cho buôn làng không bị bệnh tật, luôn khỏe mạnh.
Bà con chuẩn bị lễ vật cúng thần buôn.
Người Gia Rai cho rằng, thần nước là vị thần cung cấp nguồn nước mát lành, bình an, do đó sẽ đến bến nước và làm lễ cúng để tạ ơn thần nước. Vào ngày diễn ra nghi lễ mọi người không được ra ngoài để đảm bảo sự linh thiêng. Khi kết thúc phần lễ cúng, tiếng chiêng vang lên rộn ràng, người người cùng nắm tay đến từng ché rượu của mỗi gia đình để thưởng thức. Những điệu xoang, tiếng hát, tiếng chiêng quyện vào nhau vút lên, bay bổng khắp buôn làng… Cứ như vậy, lễ hội kéo dài vài ba ngày tại nhà cộng đồng. Tất cả mọi người cùng ăn, ngủ và nhảy múa trong suốt lễ hội, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng của bà con buôn làng.
“Lễ cúng thần buôn được người dân trong buôn tổ chức hằng năm, thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh đã phù hộ che chở buôn làng trong suốt một năm và cầu mong được tiếp tục phù hộ mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, không đau bệnh…” - Già Y Phi Mjâu, buôn A, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp
Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam

(Dân trí) - Được mệnh danh là những “hoang đảo” ở Việt Nam: đảo Bình Ba, Hòn Dăm, Hòn Nưa… hấp dẫn du khách bởi sự hoang sơ, vẻ đẹp yên bình gần như chưa có sự tác động của bàn tay con người.

Đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa)
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 1
Đảo Bình Ba là một hòn đảo nhỏ, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. 
Đảo Bình Ba là một hòn đảo nhỏ, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây còn có tên gọi khác là đảo Robinson hay quốc đảo Tôm hùm.
Đúng như tên gọi là đảo “Robinson”, phong cảnh ở đảo Bình Ba hoang sơ, gần như chưa có sự tác động của con người. Đến đây, bạn như lạc vào một hoang đảo với bốn bề xung quanh là biển, rừng thông, vách đá và núi.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 2
Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Bình Ba là từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm.
Nét độc đáo và nổi bật ở Bình Ba chính là những bờ biển cát trắng mịn với làn nước xanh ngắt màu ngọc bích tuyệt đẹp. Bạn có thể thoải mái ngụp lặn, tắm trong làn nước xanh mát lịm hoặc có thể thuê đồ lặn biển để ngắm san hô.
Biển Bình Ba có 3 bãi biển nổi tiếng là Bãi Chướng, Bãi Nồm và Bãi Nhà Cũ, mỗi bãi đều có nét cuốn hút riêng. Nếu như Bãi Chướng là nơi ngắm bình minh tuyệt đẹp, thì bãi Nồm, bãi Nhà Cũ lại nổi bật bởi khung cảnh tuyệt đẹp thơ mộng với những bãi cát dài trắng mịn và làn nước trong vắt.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 3
Đúng như tên gọi là đảo “Robinson”, phong cảnh ở đảo Bình Ba hoang sơ, gần như chưa có sự tác động của con người.  
Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Bình Ba là từ tháng 1 đến tháng 9 hàng năm. Thời điểm này, thời tiết tạnh ráo, ít mưa, bạn có thể tha hồ dạo chơi, ngắm cảnh hoặc thuê thuyền ra khám phá các nơi trên đảo.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 4
Nét độc đáo và nổi bật ở Bình Ba chính là những bờ biển cát trắng mịn với làn nước xanh ngắt màu ngọc bích tuyệt đẹp. 
Đảo Bình Ba là khu quân sự nên nơi đây không có nhiều khách sạn nhà hàng quy mô lớn, chủ yếu là khách sạn 2-3 sao. Du khách đến đây, có thể lựa chọn các resort hoặc các homestay bằng gỗ ven biển, với view nhìn thẳng ra các bãi biển đẹp ở Bình Ba. Nếu đi vào các đợt cao điểm nghỉ lễ, bạn nên đặt phòng trước để chủ động.
Hòn Dăm (Phú Quốc)
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 5
Đúng với cái tên “đảo Robinson”, Hòn Dăm thu hút du khách bởi sự hoang vắng, nguyên sơ
Là một trong 4 hòn đảo đẹp nhất tại Phú Quốc, Hòn Dăm bấy lâu nay vẫn được du khách nhớ đến với cái tên “đảo Robinson” bởi sự hoang vắng, nguyên sơ, thực sự tách biệt với cuộc sống bên ngoài.
Tạm rời xa mọi thiết bị điện tử, không Internet, không ti vi, không máy lạnh,… tất cả những gì bạn có được trong chuyến đi sẽ là sự hòa hợp tuyệt đối với thiên nhiên.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 6
Nằm ở phía Nam thuộc quần thể đảo An Thới, hòn Dăm sở hữu một lượng sinh vật biển rất đa dạng với các loại hải quỳ, hải sâm và nhiều loài cá đủ màu sắc. Điều đầu tiên khiến du khách choáng ngợp khi đặt chân đến nơi đây chính là làn nước biển trong xanh cùng bãi cát trắng tinh khôi và những rạn san hô dày đặc.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 7
 Tất cả những gì bạn có được trong chuyến đi sẽ là sự hòa hợp tuyệt đối với thiên nhiên.
Nếu đã lên lịch thăm thú hòn đảo xinh đẹp này, hãy cân nhắc trước hai lựa chọn: tự dựng trại ngủ ngay trên bãi biển hoặc ở trong khu homestay duy nhất có trên Hòn Dăm.
Nếu lưu trú ở homestay, bạn không cần quá lo lắng về đồ ăn, thức uống và cũng có thể thoải mái sử dụng các dịch vụ ở đây. Còn nếu muốn thực sự “hóa thân” thành Robinson, bạn hãy chủ động trong việc chuẩn bị lương thực và tìm hiểu thật kĩ kinh nghiệm của những người đi trước.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 8
Đảo Hòn Nưa (Phú Yên)
Hòn Nưa (Phú Yên) nằm dưới chân đèo Cả, nơi đây có vị trí địa lý đặc biệt khi nằm giữa ranh giới địa phận tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là một trong những hòn đảo hoang sơ, gần như chưa có sự tác động của con người.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 9
Ở Hòn Nưa vừa có sự hùng vĩ, lại thơ mộng, yên bình khiến cho du khách như lạc vào một thế giới khác, tách biệt với cuộc sống ồn ào, vội vã của phố thị.
Thiên nhiên ưu đãi cho Hòn Nưa vẻ đẹp mà hiếm nơi nào có được, đó là những bãi cát trắng mịn dài bất tận, những ghềnh đá cao nối tiếp.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 10
Biển ở Hòn Nưa trong xanh đặc biệt, vào những hôm trời nắng có thể soi xuống tận đáy nước. Ở Hòn Nưa vừa có sự hùng vĩ, lại thơ mộng, yên bình khiến cho du khách như lạc vào một thế giới khác, tách biệt với cuộc sống ồn ào, vội vã của phố thị.
Khám phá 3 “hoang đảo Robinson” đẹp quên lối về ngay tại Việt Nam - 11
Với vẻ đẹp hoang sơ, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Hòn Nưa – Phú Yên được ví như thiên đường ngủ quên, điểm đến mà nên ghé một lần trong đời.
Hiện nay, trên Hòn Nưa chưa có dịch vụ ăn uống, nhà hàng… vì thế để ra đây, bạn phải chuẩn bị trước tất cả đồ ăn. Hoạt động được nhiều người yêu thích nhất khi đến Hòn Nưa, là nướng BBQ, cắm trại, đốt lửa qua đêm trên đảo. Giá thuê thuyền từ Phú Yên ra Hòn Nưa khoảng 500 nghìn đồng/người, nếu bạn đi đông. Ngoài ra, bạn có thể hỏi thuê luôn các dụng cụ cắm trại, bếp nướng của chủ thuyền.
Hiệp Nguyễn
Tổng hợp

Đường đến thiên đường du lịch Ninh Thuận chưa bao giờ dễ đến thế!

(Dân trí) - Nhiều năm trước, cứ nhắc Ninh Thuận là người ta nghĩ đến vùng cát trắng nghèo đầy nắng và gió… Đến hiện tại, vùng đất này đã thay đổi diện mạo để đón hàng triệu khách quốc tế mỗi năm. Ninh Thuận đang khai thác bền vững cảnh quan thiên nhiên, những di tích với hàng ngàn năm tuổi… mà tạo hóa và lịch sử đồng lòng ban tặng.

Đường đến thiên đường du lịch Ninh Thuận chưa bao giờ dễ đến thế! - 1
Từ tâm điểm Phan Rang - Tháp Chàm, du khách dễ dàng đến với các điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Thuận như Vườn quốc gia Núi Chúa.
Đi xe lửa đến “trek” núi Chúa
Trekking đang là xu hướng của giới trẻ. Từng đến Fanxipang chưa có cáp treo, Bạch Mộc Lương Tử rồi Tà Năng – Phan Dũng, chúng tôi tính “trek” một địa danh mới, rồi chọn núi Chúa ở Ninh Thuận vì sự mới mẻ của vùng đất này.
Hăm hở lên đường vào một buổi tối khi Sài Gòn đang đổ mưa bằng xe lửa. Chỉ riêng chọn đi bằng cách nào cũng khiến chúng tôi tốn khá nhiều thời gian vì cách nào cũng… thuận lợi và đầy ưu điểm. Có ý kiến đi bằng xe đò giường nằm “ngủ một giấc nhè nhẹ là tới Phan Rang - Tháp Chàm”. Có người nói đi bằng xe hai bánh, mệt đâu nghỉ đó, chừng vài tiếng là tới nơi bởi quốc lộ 1 chạy băng băng. Vài em gái rụt rè “đi máy bay, tới sân bay quốc tế Cam Ranh, đón xe chừng 60 km là tới Phan Rang- Tháp Chàm”. Là người dịch chuyển nhiều với các loại phương tiện, từ xe hai bánh, xe 4 bánh, xe đò và cả máy bay nhưng chưa lần nào đến Phan Rang bằng xe lửa nên tôi đề ra là thử loại “xe” này! Cả bọn ồ lên, có dịp dập dềnh trên những thanh ray…
Chúng tôi chọn chuyến tàu lúc 20g30.
Ra khỏi Sài Gòn là xe lửa tăng tốc. Lùi lũi trong bóng đêm. Chỉ sau vài tiếng, tôi nhận ra cánh đồng muối Cà Ná nổi tiếng cả nước của Ninh Thuận trong tầm mắt…
Đường đến thiên đường du lịch Ninh Thuận chưa bao giờ dễ đến thế! - 2
Tiềm năng tự nhiên phong phú khiến Ninh Thuận đa dạng hình thái du lịch
Ngày thứ nhất. Cả nhóm xuống tàu ở ga Tháp Chàm vào 4 giờ sáng. Ăn tô cháo gà nóng hổi, đoàn lên xe để kịp đón bình minh ở hang Rái trước khi bắt đầu trekking núi Chúa. Bác tài cười: “Cách Phan Rang 35 cây số là đến hang Rái. Đường bây giờ “chạy ngon”, 40 phút là tới”. Bác tài nói chẳng sai. Con đường êm như ru... Những vườn nho, đặc sản nổi tiếng của xứ Ninh Thuận loang loáng qua cửa kính. Có nhiều đoạn chạy ven biển, chỉ thấy phía “chân biển” một vệt xanh mờ mờ…
Khi đến Trung tâm Bảo tồn Núi Chúa cũng là lúc màu xanh trời đậm nét hơn. Leo một đoạn dốc 300 mét là nhìn thấy biển và những vách đá lô nhô. Mặt trời vẫn chưa lên, cả nhóm nghỉ chân đợi bình minh đang dần ló rạng… Chưa bao giờ thấy cảnh về biển đẹp như vậy. Những tia nắng đầu ngày chiếu vào vách đá, tạo nên những quầng sáng lung linh khi có đợt sóng kéo vào.
8 giờ, chuyến khám phá bắt đầu. Từ chân núi Chúa, chúng tôi bắt đầu leo bằng những bậc thang được xây bằng đá có chiều dài chừng 6km. Không “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” như nhiều lần trekking trước đây, núi Chúa thoai thoải… mà lên. Chừng 5 giờ chiều đã thấy lạnh, cả đoàn dựng trại ở độ cao 800 mét.
Ngày thứ hai. 8 giờ sáng, cả nhóm lên đỉnh núi Chúa. Nhân viên khu bảo tồn chỉ vào những cây cổ thụ cách chừng 300m đang lao xao: “Đó là voọc!”. Chừng 11 giờ, tới đỉnh Cô Tuy cao 1.040m. Đây là đỉnh cao nhất của núi Chúa. Chụp những tấm hình kỷ niệm, ngắm đã mắt cảnh sắc rồi đoàn xuống núi.
7 giờ tối, thành viên cuối cùng về tới chỗ đón. Ai cũng vui vì hoàn thành chuyến trekking ở một địa danh đầy mới mẻ.
Nếu đủ sức hãy thử một lần trekking núi Chúa.
Đường đến thiên đường du lịch Ninh Thuận chưa bao giờ dễ đến thế! - 3
SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang sẽ là "cánh cửa" đón du khách vào thiên đường du lịch Ninh Thuận
Vòng quanh một Phan Rang – Tháp Chàm thật mới
Ngày thứ 3 của chuyến đi, Phan Rang – Tháp Chàm đón chúng tôi bằng nắng dịu. Nhớ gần 20 năm trước, làng biển Tri Thủy (Ninh Chữ) nơi tôi sinh ra, nghèo như bao làng biển miền Trung với những chiếc ghe nhàu nát, những ô ruộng muối nhỏ xíu. Từ Phan Rang về biển Ninh Chữ gập ghềnh cát trắng, có những đoạn chạy ngang qua ruộng lúa…, chỉ cần yếu tay lái là lọt xuống ruộng.
Còn bây giờ, Phan Rang đã khác. Quốc lộ 1 đã được nắn thành con đường tránh bên ngoài thành phố Phan Rang (được nâng cấp năm 2007). Những khu phố mới mọc lên. Con đường xưa từ Phan Rang về biển Ninh Chữ đã xây mới, 6 làn xe. Dọc biển, những quần thể nghỉ dưỡng dành cho khách du lịch đã giăng kín. Mới nhất và quy mô nhất cả Ninh Thuận, tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Crystal Bay và các đối tác động thổ tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang với 3 tòa tháp: Lazurya, Nuvensa và Crystal Holidays 3.300 phòng tại trung tâm Công viên biển Bình Sơn.
Quy mô là thế, dự án tổ hợp chẳng màng nỗi lo công suất buồng phòng. SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang sẽ nhộn nhịp bởi dòng khách quốc tế lớn sẵn có của tập đoàn Crystal Bay - tập đoàn đầu tư và phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam với thế mạnh đặc biệt về hoạt động lữ hành và hệ sinh thái du lịch. Năm 2018, Crystal Bay đưa 60% khách Nga tới Việt Nam, sử dụng 4,3 triệu phòng/đêm của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc. SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang sau khi hoàn thành sẽ “hút” dòng khách lớn tới Ninh Thuận, trở thành động lực mới thúc đẩy du lịch Ninh Thuận đột phá, mở ra một xu hướng đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm mới tại Việt Nam.
Mang theo hân hoan vì một Phan Rang – Tháp Chàm thay da đổi thịt, buổi chiều cả nhóm rủ lên tháp cổ Poklong Garai. Con đường lên ga Tháp Chàm giờ đã trải nhựa phẳng lì. Leo khoảng 1.000 bậc thang, cả nhóm trầm lắng cảm nhận hồn cốt của di tích. Mưa nắng làm tháp cổ phai theo thời gian nhưng là “báu vật văn hóa” của mảnh đất này nên Poklong Garai được chăm chút. Đến Ninh Thuận mà không ghé thăm tháp cổ Poklong Garai, hẳn là thiếu sót quá lớn…
Trời ngả về chiều. Cả nhóm quay về thành phố, sắp xếp đồ để còn lên lại ga Tháp Chàm. Đi chuyến 20 giờ, vẫn kịp một bữa cơm gà luộc và kho theo vị miền Trung, ăn mà không biết ngán…
Ngoài xe lửa, muốn đến Ninh Thuận còn có những cách đi khác. Nếu đi xe hơi, xe máy, Sài Gòn – Phan Rang Tháp Chàm chỉ 350km, từ Vũng Tàu là 300km, nhớ ghé Cà Ná ăn hải sản. Từ Đà Lạt, theo quốc lộ 27, qua Dran, đèo Ngoạn Mục (hay còn gọi là đèo Sông Pha), rồi thung lũng Ninh Sơn là tới Phan Rang, chừng 120km. Từ Sài Gòn ra Phan Rang Tháp Chàm bằng máy bay sẽ tới Sân bay quốc tế Cam Ranh, sau đó đón xe đi ngược lại chừng 60km.

Đến Sơn La, đừng bỏ lỡ 7 đặc sản từ thịt lợn ngon bá cháy này

Bích Hội 

(Dân Việt) Thịt nướng mắc khén, thịt băm gói lá, lòng dồi hấp..... là những đặc sản ngon nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến Sơn La.

Đến Sơn La mà không được thưởng thức thịt lợn 7 món thì quả là điều tiếc nuối vô cùng. 
1. Lòng dồi hấp hành
 den son la, dung bo lo 7 dac san tu thit lon ngon ba chay nay hinh anh 1
Các cụ ngày xưa vẫn có câu “Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Tuy nhiên, món lòng dồi ở Sơn La không chỉ giòn, ngon bởi vì con lợn béo mà còn bởi nó được chế biến từ “lợn bản” – loại lợn thả rông trên các sườn núi, chỉ ăn lá cây và rau rừng nên cho chất lượng ngon hơn hẳn.
2. Thịt luộc
 den son la, dung bo lo 7 dac san tu thit lon ngon ba chay nay hinh anh 2
Thịt lợn luộc thì ở đâu cũng có nhưng không phải nơi nào cũng ngon như ở Sơn La. Miếng thịt mềm, ngọt, bì dày, mỡ trong đủ chiều lòng những thực khách khó tính nhất.
3. Thịt nướng mắc khén
 den son la, dung bo lo 7 dac san tu thit lon ngon ba chay nay hinh anh 3
Phần thịt được chọn nướng thường là thịt ba chỉ hoặc thịt vai có phần mỡ xen kẽ nhằm giúp miếng thịt ngậy hơn và không bị khô. Thịt được cắt thành miếng vừa ăn, sau đó ướp cùng mắc khén, ớt, hành khô và một ít mật ong cho ngấm đều, rồi cho vào xiên và nướng trên than hoa. Thịt nướng mắc khén không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc bắt mắt, mùi thơm quyến rũ mà còn bởi cái vị cay cay the mát của mắc khén vương vấn nơi đầu lưỡi.
4. Thịt chiên lá mắc mật
 den son la, dung bo lo 7 dac san tu thit lon ngon ba chay nay hinh anh 4
Lá mắc mật là một trong những gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người vùng cao ở Tây Bắc.Mùi thơm mát, vị cay nhẹ của loài lá này khiến cho món ăn mang hương vị rất đặc trưng. Miếng thịt sau khi ướp cùng lá và gia vị sẽ được chiên giòn rụm bên ngoài nhưng lúc cho vào miệng lại mềm ngọt vô cùng. Người Sơn La thường rắc chút vừng trắng lên trên vừa tô điểm thêm màu sắc vừa khiến món thịt dậy mùi hơn hẳn.
5. Thịt băm gói lá chuối nướng
 den son la, dung bo lo 7 dac san tu thit lon ngon ba chay nay hinh anh 5
Mềm, thơm và cay the là đặc trưng của món thịt gói lá này. Thịt được băm nhỏ cùng 1 số loại rau thơm như mùi tàu, mùi ta, húng… rồi trộn cùng mắc khén, ớt, muối sau đó bọc trong lá chuối và nướng trên than hoa. Đặc sản này thường được người Sơn La dùng kèm với xôi hoặc cơm lam.
6. Thịt gác bếp
 den son la, dung bo lo 7 dac san tu thit lon ngon ba chay nay hinh anh 6
Đây là món ăn truyền thống trong mâm cỗ của người Sơn La không chỉ thể hiện sự tinh tế, khéo léo mà còn cho thấy sự sáng tạo của người dân vùng cao trong việc bảo quản thực phẩm lâu dài. Phần thịt nạc mông ngon nhất sau khi mổ lợn sẽ được chọn làm thịt gác bếp. Thịt được cắt thành từng miếng to bản, dày tầm 1cm và ướp cùng các hạt dổi, mắc khén, muối, ớt… sau đó treo lên giàn bếp khoảng 3 ngày là có thể đem ra chế biến được.
7. Canh xương lá vón vén
 den son la, dung bo lo 7 dac san tu thit lon ngon ba chay nay hinh anh 7
Ảnh IT
Lá vón vén còn có tên gọi khác là lá giang, lá chua. Với vị chua thanh của lá, vị ngọt của xương, canh lá vón vén được coi là món ăn giải ngán, giải rượu của người dân nơi đây. Để nấu món canh này, người dân ở đây chỉ cần vò nát lá vón vén rồi cho vào nồi xương đã hầm nhừ. Chính cách nấu đơn giản ấy đã giúp cho món canh giữ được mùi vị tự nhiên nhất, níu chân du khách đến đất này.

Nộm hoa đu đủ trộn cà rừng- đặc sản Tây Bắc, bùi, béo, thơm lừng

Bích Hội - Thiên Long 

(Dân Việt) Loại hoa đắng ngắt bị nhiều người bỏ đi lại có thể trở thành món nộm lạ miệng dưới bàn tay chế biến của bà con người Thái. Nộm hoa đu đủ hội tụ đủ các hương vị bùi, béo, thơm lừng là một trong những món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc mà các món ăn khác khó bề sánh được.


Đu đủ là loại cây ăn quả đã quá quen thuộc đối với nhiều gia đình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngoài phần quả nhiều chất dinh dưỡng ra thì lá và hoa đu đủ lại được bà con người Thái ở Sơn La chế biến thành món nộm đặc sản lạ miệng, hấp dẫn vô cùng.
 nom hoa du du tron ca rung- dac san tay bac, bui, beo, thom lung hinh anh 1
Cà rừng là loại quả tròn nhỏ như đầu đũa, màu xanh nõn, bên trong có nhiều hạt. Sau khi luộc chín, cà rừng sẽ trở nên mềm nhũn, tạo độ béo ngậy cho món nộm. 
Bao đời nay, người Thái vẫn rất quý những thực phẩm đến từ tự nhiên. Lối sống tự cung tự cấp đã giúp họ sáng tạo ra nhiều món ăn không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và trở thành đặc sản Tây Bắc. Nộm hoa đu đủ là cách giúp người dân nơi đây vừa tận dụng được phần hoa đực không thể tạo quả vừa là bài thuốc giúp cải thiện tiêu hóa, phòng chống ung thư.
Cách chế biến món nộm đặc sản Tây Bắc này không quá cầu kì, nhưng đòi hỏi phải có đầy đủ gia vị đi kèm. Có vậy mới làm giảm độ đắng của hoa, đem lại sự hấp dẫn cho món ăn. Hoa và lá đu đủ non, sả, ớt, mắc khén, tỏi, và cà rừng là những nguyên liệu không thể thiếu của món nộm đặc sản Tây Bắc này.
Quả cà rừng, lá non và hoa đu đủ đực sau khi hái và rửa sạch, sẽ được cho vào nồi luộc khoảng 5p. Sau đó, vớt ra và rửa nhiều lần với nước lọc. Theo kinh nghiệm của bà con người Thái, để hoa đu đủ không còn vị đắng và ngái thì sau khi rửa, cần phải vắt nó thật khô rồi mới đem chế biến. Phần nguyên liệu này sẽ được trộn cùng muối, củ sả, ớt, tỏi, mùi tàu và mắc khén giã nhỏ là có thể dùng được luôn...
 nom hoa du du tron ca rung- dac san tay bac, bui, beo, thom lung hinh anh 2
Nộm hoa đu đủ là sự kết hợp của các loại rau và gia vị riêng có ở Tây Bắc. Đĩa nộm đạt chuẩn phải khô ráo, tỏa mùi thơm của các loại gia vị và đặc biệt không bị đắng. 
Khác với các loại nộm ở miền xuôi thường cho thêm chanh và đường để tạo độ chua ngọt cho món ăn. Nộm hoa đu đủ của người Thái lại có vị mằn mặn của muối, vị ngậy của cà rừng và mùi thơm the mát của mắc khén và tỏi ớt hòa quyện.
Dưới đôi bàn tay khéo léo của người Thái, đĩa nộm xanh mát điểm xuyết màu đỏ bắt mắt của ớt cùng chút lạc rang giã nhỏ khiến bữa ăn thêm phong phú hơn. Nỗi sợ hãi ban đầu của thực khách về cái vị đắng ngắt như thuốc đã không còn nữa, thay vào đó là cảm giác thích thú khi được thưởng thức một món ăn dân giã đặc sản Tây Bắc đến từ rừng núi với những hương vị riêng mà không nơi nào sánh được  

Về Hua La tắm khoáng nóng, ăn đặc sản Tây Bắc

Hà Hoàng 

(Dân Việt) Trong những ngày đông lạnh giá cuối năm, suối khoáng nóng ở bản Mòng (xã Hua La, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) luôn tấp nập du khách thập phương đổ về trải nghiệm, thả mình vào những bể nước khoáng nóng để thư giãn, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống. Đồng thời để xua đi cái lạnh cắt da, cắt thịt trong những ngày đông giá rét vùng cao.

Từ lâu, suối nước khoáng bản Mòng, xã Hua La đã nổi tiếng với nhiều người dân địa phương và khách du lịch gần xa. Nguồn nước khoáng có nhiệt độ khoảng 38 độ C và đôi khi có sự chênh lệch hơn chút đỉnh. Với các đặc tính lý hóa gồm nhiều thành phần hóa chất tự nhiên có tác dụng hỗ trợ chữa trị một số bệnh ngoài da, tim mạch, thấp khớp, thần kinh...
Khi đến với mó nước khoáng du khách sẽ được thả mình vào những bể nước sâu, được các hộ đồng bào dân tộc người Thái thiết kế xây dựng dẫn nước từ các mó chảy từ khe núi về, tạo thành một khu du lịch trải nghiệp hấp dẫn.
 ve hua la tam khoang nong, an dac san tay bac hinh anh 1
 Khi tắm nước nóng xong, du khách có thể được thưởng thức món gà thả đồi nướng thơm phức.
 ve hua la tam khoang nong, an dac san tay bac hinh anh 2
Thịt gà bản nướng là món ăn ấn tượng trong lòng khách du lịch.
Bà Tòng Thị Hinh, chủ Nhà hàng dịch vụ nước khoáng nóng ở bản Mòng, xã Hua La, chia sẻ: Vào mùa đông, có hàng nghìn lượt khách du lịch ở khắp nơi đến tắm nước nóng của gia đình. Gia đình tôi xây bể tích nước khoáng nóng từ khe núi về làm dịch vụ đã gần 8 năm. Theo tôi được biết, tắm nước khoáng nóng có thể giúp cơ thể thư giãn, kích thích đổ mồ hôi loại bỏ các độc tố tạo cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
 ve hua la tam khoang nong, an dac san tay bac hinh anh 3
Bà Tòng Thị Hinh, chủ nhà hàng dịch vụ nước khoáng nóng ở bản Mòng nướng cơm lam cho khách.
Tắm nước khoáng tại bản Mòng đem lại cho du khách sự thư thái và dễ chịu vô cùng, du khách tùy theo sở thích mà có thể thoải mái thư giãn trong làn nước khoáng nóng rất dễ chịu. Sau khi tắm khoáng, du khách có thể dạo chơi, nghỉ ngơi tìm hiểu nét đẹp đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái bên những ngôi nhà sàn xinh sắn nép mình dưới  ngọn đồi hoang sơ trong những ngày đông giá rét.
 ve hua la tam khoang nong, an dac san tay bac hinh anh 4
Khi bạn đến suối nước nóng tắm, đừng quên thưởng thức món cơm lam được chế biến từ những hạt gạo nếp thơm ngon của người Thái, tỉnh Sơn La.
 ve hua la tam khoang nong, an dac san tay bac hinh anh 5
Du khách thường đến trải nghiệm suối nước nóng vào mùa đông, đặc biệt là vào ban đêm trong những ngày cuối tuần.
Anh Nguyễn Xuân Tuấn, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: Tôi cùng bạn bè đến tắm nước khoáng nóng ở bản Mòng, xã Hua La nhiều lần rồi. Sau khi tắm xong, tôi thấy rất sảng khoái, tinh thần phấn trấn hơn. Dịp tới, tôi sẽ đưa cả gia đình đến đây trải nghiệm, thư giãn.
 ve hua la tam khoang nong, an dac san tay bac hinh anh 6
Nhiều hộ dân tộc Thái đã ăn nên làm ra nhờ dịch vụ tắm mước khoáng nóng ở bản Mòng, xã Hua La.
Đến tắm nước khoáng nóng  bản Mòng, xã Hua La du khách sẽ được thưởng thức các món ăn dân tộc, dân dã của người Thái như: Canh bon, cá nướng, thịt trâu hun khói, lạp xưởng, cơm lam, gà bản nướng... Ngoài ra, du khách còn được hòa mình vào vòng xòe Thái, lời Khắp theo vũ điệu cồng chiêng, thưởng thức những chum rượu cần thơm ngon được chính bà con dân tộc Thái chế biến, tạo nên một bầu không khí nhộn nhịp vui tươi nơi núi rừng đại ngàn.
 ve hua la tam khoang nong, an dac san tay bac hinh anh 7
Món măng chua xào lòng gà là một trong những món ăn hấp dẫn được du khách yêu thích nhất.
 ve hua la tam khoang nong, an dac san tay bac hinh anh 8
Hoa đu đủ nộm là món ăn đặc sản được đồng bào dân tộc Thái chế biến rất công phu và thơm ngon.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Bùi Thanh Tùng, du khách đến từ Điên Biên, cho hay: Đây là lần đầu tiên, tôi cùng gia đình đến tham quan, trải nghiệm tắm nước khoáng nóng. Tôi thấy rất ấn tượng với nơi này, đặc biệt là được thưởng thức các món ăn ngon như cá nướng, gà bản nướng. Tôi thấy không gian ở đây rất yên bình, những ngôi nhà sàn được thiết kế theo kiểu hiện đại trông rất đẹp, các phòng ngủ cộng đồng sạch sẽ.Thời gian tới, nhất định tôi sẽ cùng gia đình quay trở lại nơi này...