Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Ngây ngất ẩm thực ở "Ngã tư quốc tế"

 Lê Hồng Quang
ANTĐ Người Hà Nội từ xa xưa, khi viết thư gửi đi thường biên câu đầu là “Hà thành cát bụi” khác với Sài Gòn là “Sài thành nắng gió”. Hà Nội dù có đẹp mấy thì cái thời tiết ban ngày cũng đầy bụi bặm và vào mùa  hè thì nóng nực vô cùng. Hãy thử đến Hà Nội rồi tận hưởng cái không khí ban đêm ở ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến - “Ngã tư  quốc tế”  và tận hưởng từng món ăn thức uống đặc trưng của Hà thành.
ảnh 1Ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến trở thành “ngã tư quốc tế” 
thu hút rất đông khách du lịch


“Đệ nhất”  bia hơi Hà Nội

Hơn một trăm năm đã trôi qua kể từ khi người Pháp xây dựng một nhà máy bia trên đường Hoàng Hoa Thám. Từ đó, người Hà Nội có bia hơi, bia chai để uống và gọi chung là bia Hà Nội. Bia hơi Hà Nội giá không quá đắt, vị ngon, dễ uống, đậm miệng. Cũng từ đó đến nay, nhiều nhà máy bia khác mọc lên nhưng bia hơi Hà Nội vẫn được coi là “đệ nhất thiên hạ” vì nhiều yếu tố. Nhiều người cứ truyền miệng rằng do người Pháp đã tìm ra được mạch nước ngầm ngon nhất Hà Nội nên đặt nhà máy bia tại đó. Nghe cũng có lý vì phố Hoàng Hoa Thám trước kia là tường thành cổ, giờ lại nằm giữa hồ Tây và sông Hồng. Cứ chiều về tắt nắng, xâm xẩm tối là “giờ vàng” cho bia hơi Hà Nội. Tây “ba lô” nhiều năm nay đã rỉ tai nhau, nếu đến Hà Nội mà chưa uống bia hơi thì cái thú mất đi một nửa. Trong khi, khoảng 20 năm trước, câu họ rỉ tai nhau là đến Hà Nội phải hút thuốc lào, nói chuyện tiếng Pháp với các cụ già.

“Ngã tư quốc tế” cứ chiều đến là nơi tụ họp của những bước chân khách nước ngoài và cả dân ta thích la cà. Bia hơi, bia chai ở nơi đây với đồ nhậu đơn giản nhưng thu hút vô cùng. Con phố nhỏ  Tạ Hiện với hàng nghìn chiếc ghế đẩu gỗ nhỏ xíu nhưng đủ để ngồi và gọi vài vại bia cùng đĩa nem chua nướng. Thế là đã đủ để cuốn hút. Con phố cổ  này từ cả mấy chục năm nay đã nổi tiếng là phố có nhiều món ăn đặc sản mà nổi tiếng nhất là các món quay như chim quay, lợn quay. Cái ồn ào náo nhiệt góc phố này đã thành bản sắc. Tây và ta tất cả đều yêu thích một thứ đồ uống ngon mỹ mãn: Bia hơi Hà Nội.

Độc đáo BBQ kiểu Hà Nội
Hà Nội nổi tiếng với các món quay nướng dù đông hay hè, nem nướng, thịt nướng, vịt quay, chim quay, lợn sữa quay. Nói đến lợn sữa quay, khoảng hơn 20 năm nay, món lợn sữa quay Lạng Sơn thâm nhập về Hà Nội với lá và quả mắc mật nhồi trong bụng lợn sữa, lòng được nhồi giả dồi chó. Thứ lợn sữa quay Lạng Sơn cũng có cái vị béo của thịt lợn non, giòn tan của bì lợn nướng, đỏ au và mùi thơm của lá mắc mật. Nhưng chính gốc Hà Nội phải là lợn sữa quay trên phố Hàng Buồm. Lợn cũng vẫn là lợn sữa nhưng sẽ chế biến theo đặt hàng của khách. Với khách là người châu Âu, lợn sữa chỉ cần  tẩm khoảng 2 đến 3 loại gia vị. Khách châu Á thì phải tẩm ướp nhiều loại gia vị hơn. Đặc biệt với khách quen lâu năm, lợn sữa không được cắt tiết, trước khi đem quay phải tẩm ướp đủ 9 thứ gia vị theo thứ tự hoặc trộn lẫn với bí quyết gia truyền mà không bao giờ được tiết lộ. 

Các món nướng ở Hà Nội thì vô cùng phong phú nhưng đặc trưng về độ đơn giản mà lại hấp dẫn lại chính là bún chả. Thịt lợn băm và thịt miếng kẹp que tre nướng trên than hoa, chín thả vào bát nước mắm pha cầu kỳ, ăn với bún và rau sống. Rau sống gồm xà lách, rau diếp, tía tô, kinh giới, thơm, mùi và cầu kỳ nhất là rau muống vặt bỏ hết lá, chẻ thật nhỏ rồi ngâm nước cho xoăn tít lại. Khi ăn, miếng thịt nướng thơm lừng ngấm nước mắm và rau sống giòn tan. Đơn giản vậy thôi mà nhiều người đến Hà Nội nhất định phải thưởng thức bún chả.

Nhộn nhịp những phố ăn đêm
Phố đêm Hà Nội không chỉ quyến rũ bởi sự u tịch thâm trầm mà còn bởi các món ăn đêm. Khoảng gần 30 năm nay, người Hà Nội và dân du lịch biết đến các hàng quán rất ngược với phong cách Hà thành. Vốn có câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” để nói về lời ăn tiếng nói của người Hà Nội. Thế mà lại có quán phở “quát” và cháo “chửi”. Phở thì chỉ có buổi chiều nhưng cháo là ban đêm. Nguyên xưa kia quãng 30 năm rồi, có hàng cháo gà trên phố Lương Văn Can rồi khoảng năm 1994 hàng chuyển về bán gần phố Nhà Thờ. Khách đến ăn cháo đêm có đủ thành phần công nhân tan ca, dân đi chơi đêm và cả nghệ sỹ rời sân khấu muộn. Đến ăn ai cũng u u con con với bà chủ quán ngọt như mía lùi. Rồi chả biết từ bao giờ mấy cô con gái xuống hỗ trợ mẹ bán hàng, bà quát con gái rồi quen miệng chửi “yêu” khách. Ban đầu, cậu trẻ nào đi cùng bạn đến mà được bà “chửi yêu” cũng oai lắm, vì như thế có nghĩa là khách quen thân. Thế rồi bà xoay sang chửi hết, cứ hỏi một câu là đệm một câu.

Ngoài cháo ra thì ăn đêm ở Hà Nội hấp dẫn là bò nướng và lẩu riêu cua bắp bò. Chả biết từ bao giờ mà người ta nghĩ ra ăn bắp bò với riêu cua nữa. Trước kia, chỉ có quán bún riêu cua trên phố Phan Bội Châu, vào gọi một bát đầy đủ là bát bún riêu cua có đủ cả thịt bò, giò nạc và giò bì ăn với rau sống thái nhỏ và hoa chuối. Rồi sau đó mới thấy xuất hiện lẩu riêu cua bắp bò. Cho dù thế nào thì món lẩu này cũng được đón nhận nhiệt tình. Cái vị cũng khá ngon, bắp bò mềm ngọt, riêu cua bùi béo, rau cải nhúng lẩu giòn đắng nhẹ. Ăn với bánh đa đỏ hoặc mì Chũ.  Đồ nướng thì nầm dê, thịt lợn ba chỉ, gầu bò nướng cùng với đậu bắp, đỗ khế, cà tím rồi chấm với tương hoặc chao. Khói cứ bốc nghi ngút, mỡ bắn kêu xèo xèo, thịt nướng thơm phức. Lại được nhắm với bia Hà Nội nữa, nhưng đêm rồi thì chỉ có bia chai uống với nước đá mát lạnh thôi.

Ăn đêm Hà Nội phong phú nhất vẫn là phố cổ thôi. Từ Mã Mây với đủ món nướng, cơm rang, gà tần, đến cả cánh gà rán. Món đêm Hà Nội ít đặc sản đặc sắc, quanh quẩn cũng chỉ cháo, cơm rang, lẩu, có thêm hải sản nướng. Nhưng ăn đêm món ăn là phụ, không khí là chính mà đã là ẩm thực thì món ăn ngon cũng phải có cả không khí thưởng thức mới làm nên nghệ thuật ẩm thực Hà thành.

Một vòng Hà Nội qua những món ăn

Lê Hồng Quang
ANTĐ Từ xa xưa vẫn có câu “Ăn Bắc - mặc Nam” để nói về sự cầu kỳ và phong phú các món ăn của người dân Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Thế kỷ 21, nhiều món ăn nước ngoài, vùng miền khác… ào ạt xâm nhập thì vẫn không thể nào làm mất đi vị ngon của nghệ thuật ẩm thực Hà thành. Trong chuyến đi đến Hà Nội, chỉ cần chia đều thời gian để thưởng thức gần hết quà Hà Nội cũng đã là đi gần hết Hà Nội rồi.
ảnh 1Du khách đến Hà Nội luôn có cảm giác bình yên và thực sự bị hấp dẫn bởi ẩm thực Hà thành
 
Quà sáng
Nếu Bangkok của Thái Lan có phố Khao Sản, Viên Chăn của Lào có bờ sông Mekong thì Hà Nội có ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến. Từ những năm xa xưa của thế kỷ trước, Tạ Hiện đã nổi tiếng là khu phố nhiều món đặc sản, từ giữa thế kỷ 20, con phố này nổi tiếng với các nhà hàng mà đặc sản ngày đó chủ yếu là chim quay, gà tần, ba ba. Và từ ngã tư này, chỉ cần loanh quanh trong bán kính 1km là đủ thưởng thức trọn vẹn cả ngày lẫn đêm các món ăn của người Hà Nội để khép kín một cung du lịch ẩm thực giữa phố cổ Hà thành.

Say mê Hà Nội từ lúc bắt đầu đi ăn quà sáng với món phở truyền thống. Ăn bát phở ở phố cổ, đôi đũa gắp vài sợi bánh vào chiếc thìa lá, một miếng thịt, một cọng hành, chút rau thơm, miếng ớt tươi rồi khẽ dần thìa phở xuống bát nước nóng hổi cho nước phở tràn đầy chiếc thìa. Vị ngon của phở chính là vị ngọt của nước ninh xương ống, bánh phở dai, thịt bò tái ngọt, hành củ giòn, rau thơm Láng và vị cay xè của ớt. Rất nhiều người thích ăn phở nhưng ít người biết phở ra đời ở đâu, khi nào?

Món phở ra đời từ chính Hà Nội từ khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Ban đầu chỉ có phở bò chín, sau đó mới có thêm phở bò tái. Ngày đó, mỗi tuần chỉ có 3, 4 ngày được phép mổ bò nên những ngày khác không có phở, lúc này, các hàng phở mới chế biến thêm phở gà và được đón nhận ngay tức thì. 

Ngoài món phở thì các món bún như bún thang, bún riêu, các món xôi như xôi lúa, xôi xéo, xôi gà; các món bánh mì patê, ốp la. Nói đến bún thang của người Hà Nội với bát bún được bài trí như một thang thuốc: bún cho vào bát, rồi xếp giò lụa, trứng tráng, thịt gà, thịt lợn, rau thơm tất cả đều thái chỉ rồi chan nước dùng ninh từ xương ống và tôm nõn. Bát bún thang lúc này trông giống một thang thuốc bắc với đủ các vị hoài sơn, đỗ trọng, cam thảo… Khi ăn sẽ nêm thêm mắm tôm và đặc biệt là giọt tinh dầu cà cuống. Khu phố cổ vẫn nổi tiếng với bún thang phố Hàng Hành và bún thang chợ Bắc Qua.

Cà phê
Cái thú cà phê sáng ở Hà Nội với các thương hiệu cả trăm năm như cà phê Nhân, cà phê Giảng, cà phê Lâm. Cà phê chè và cà phê vối, thứ được nước, thứ đậm hương. Người Việt Nam thích vừa đậm miệng vừa hương thơm nên cà phê trộn lẫn cả chè và vối. Nếu muốn thưởng thức cà phê kiểu Việt Nam thì hãy gọi cà phê nóng. 

Cà phê Nhân trong phố Hàng Hành, con phố này là những quán cà phê san sát nhau. Cà phê Hàng Hành thu hút rất đông người yêu thích thứ đồ uống lâu đời này. Phố Đinh Tiên Hoàng đoạn song song với phố Cầu Gỗ với hàng loạt quán cà phê cao tầng nhìn ra hồ Gươm đẹp nhất. Thưởng thức cà phê từ trên cao rồi ngắm nhìn và chụp ảnh cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Rùa và thu gọn cả không gian hồ Hoàn Kiếm vào ống kính. Quầy bán kem Bốn Mùa từ thời bao cấp giờ trở thành quán giải khát ngay bờ hồ Hoàn Kiếm, đồ uống ngon, giá cả hợp lý, lại tha hồ ngắm cảnh với gió hồ nhè nhẹ.

Quà vặt
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, quán chả cá Lã Vọng được một trang về du lịch ghi vào là một trong 150 nơi nên đến. Quán bán độc một món ăn đến cả gần thế kỷ nay là chả cá, lại tọa lạc trên phố Chả Cá, gần ngã tư cắt với phố Hàng Cá. Cá quả, hoặc cá lăng lọc xương, xắt miếng nướng qua trên than hoa, rồi cho vào chảo mỡ đảo với hành hoa, thì là, ăn cùng với bún, mắm tôm, lạc rang, húng Láng, hành củ chẻ ngâm giấm. Dù có là món ăn bữa trưa thì chả cá vẫn được xếp vào hàng “quà” vì ăn chỉ thưởng thức chứ không làm no bụng.

Dân du lịch đến Hà Nội những ngày hè nóng đã biết đến món bánh đúc nộm của bà bán rong dọc phố Hàng Bạc. Bánh đúc thái con sợi mỏng, chan nước trần giá đỗ và lạc vừng, thêm chút rau thơm, kinh giới, ngổ, tía tô, hoa chuối. Bát bánh đúc nộm có vị chua lại có vị bùi của lạc vừng, ngọt của giá đỗ trần. Món bánh đúc nộm có tác dụng giải nhiệt rất tốt, lạ miệng. 

Cùng là món nộm lại nổi tiếng nhất và đông nhất lúc xế chiều là nộm bò khô trên con phố ngắn nhất Hà Nội: phố Hồ Hoàn Kiếm. Thịt bò khô cắt mỏng ăn với nộm đu đủ rắc lạc rang giã rối với tiếng kéo cắt thịt bò xoạch xoạch đặc trưng. Nhưng cũng vẫn là nộm đu đủ ở ngõ chợ Đồng Xuân lại là nộm chim sẻ. Món này lại chỉ ăn vào mùa gặt là lúc sẻ đồng béo nhất, chim sẻ làm sạch lông rán giòn rồi cắt mỏng lẫn với đu đủ nạo, thêm kinh giới, thơm Láng để ra đĩa nộm chim sẻ trứ danh và cũng chỉ có nơi ngõ nhỏ đó mới có món quà ngon đến thế. Lang thang vài con phố, thưởng thức vài món ăn mà xâm xẩm chiều để bước chân lại quay trở về “ngã tư toàn thế giới”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét