Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Quan niệm về "chết xấu" của người Jrai

Quan niệm “chết xấu” (djai dreng) của người Jrai giống như cái chết “bất đắc kỳ tử” (cái chết đột ngột, không vì nguyên nhân tự nhiên) của người Kinh. Trong đó, tự tử là cái chết xấu nhất. Đó là lý do khiến nghi thức tống tiễn con ma “chết xấu” theo luật tục Jrai có nhiều nghi lễ phức tạp.
Theo phong tục Jrai, người “chết xấu” buộc phải quàn xác ở rìa làng do quan niệm nếu đem vào làng thì người dân sẽ gặp nhiều điềm xấu, có người lặp lại cái chết tương tự. Thời gian quàn xác không quá một ngày đêm. Đám ma người “chết xấu” tổ chức đơn giản, có phần lặng lẽ (không cả khua chiêng trống thông báo, tiễn hồn), chỉ người thân trong gia đình, cộng đồng làng sống gần đưa tiễn. Mộ người “chết xấu” không được xây kiên cố, không cả mái che, rào chắn. Đơn giản chỉ đắp mộ đất.

“Chết xấu” vì lý do tự tử xảy ra ở đâu buộc phải phá bỏ nơi đó, dù đó là ngôi nhà, chuồng nuôi gia súc hay vườn cây… Sau khi chôn con ma “chết xấu”, người nhà phải nhờ thầy cúng định ngày, chọn địa điểm tiến hành cúng xả xui (Prah chlom) cho gia đình. Con vật hiến tế được mặc định: chó hoặc dê cùng 1 ghè rượu. Nơi tổ chức cúng nhất thiết phải là bến sông, bờ suối, khe nước, tựu trung là nơi có dòng nước chảy xuôi. Sau lễ cúng, thầy cúng mặc đồ cũ của người “chết xấu” bơi/lội ngược dòng nước, đến chỗ kín đáo trút bỏ bộ đồ đang mặc thả trôi xuôi theo dòng, thay vào bộ đồ của mình. Kết thúc phần nghi lễ, người nhà của con ma “chết xấu” ra về, còn thầy cúng và dân làng ngồi lại, nấu nướng, cùng ăn bằng hết con vật hiến tế. Mọi hoạt động được kết thúc trước khi mặt trời lặn. Lúc ra về, không ai được mang theo bất cứ thứ gì, kể cả vật dụng xẻ thịt, dùng nấu nướng thức ăn. Việc làm ấy được hiểu, nhằm không cho Yang Sat (tạm dịch: Thần xấu) theo về, xui khiến hành vi xấu, dẫn đến cái chết tương tự với người khác.
 
Nhà mồ của người Jrai. Ảnh: tapchikientruc.com.vn

Cũng theo tập tục Jrai, với người “chết xấu”, trong thời gian không quá một tháng gia đình phải tiến hành bỏ mả. Trước đó, gia đình phải cúng xả xui cho làng (Ngă Yang chlom bon) gồm heo/bò (1 con) và ghè rượu. Lễ cúng được tổ chức tại nhà rông của làng, có cộng đồng làng chứng kiến, tham dự.

Ở lễ bỏ mả, con vật hiến tế bắt buộc là trâu trắng hoặc ngựa và ghè rượu. Động tác giết con vật là “Koh” (chém) nhằm nhấn mạnh, phân biệt tác động dẫn đến cái chết của con vật hiến tế trong các nghi lễ khác như đâm (trong đâm trâu), đốt (trong đốt bò/dê, heo, gà…). Lễ bỏ mả không được tổ chức linh đình, kéo dài mà chỉ diễn ra trong ngày. Trống, chiêng không dùng đến, hẳn nhiên là không có cả xoang. Giống như ở lễ cúng xả xui, phần thịt con vật hiến tế chỉ sử dụng ở đám bỏ mả, tuyệt đối không được mang về.

Tuy nhiên, hiện nay, một số tập tục nêu trên cũng có chút thay đổi cho phù hợp với thực tế. Mới đây, tôi vừa tham dự đám ma của một người đàn ông Jrai vừa ngoài 40 tuổi, chết vì treo cổ ở xã Đất Bằng, huyện Krông Pa (Gia Lai). Tất nhiên, việc đầu tiên là cơ quan chức năng phối hợp khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết, sau đó bàn giao cho gia đình lo việc chôn cất. Tuy xác định là “chết xấu”, xảy ra nơi chuồng bò, nằm cạnh chính nhà mình nhưng quan tài vẫn được đặt ở nhà riêng. Việc ma chay tiến hành trong thời gian ngắn, không quá 24 giờ; nghi lễ đơn giản, lặng lẽ dù người nằm xuống và cả người thân trực hệ có nhiều mối quan hệ xã hội. Các nghi lễ khác như cúng xả xui cho làng, cho gia đình người chết cũng được tiến hành đúng theo phong tục. Người nhà người đàn ông này cho biết, gia đình đang tiến hành xây mộ, xong đâu đấy sẽ bỏ mả. Vật hiến tế trong lễ bỏ mả là con bò thay cho trâu trắng/ngựa. Nơi xảy ra cái chết vẫn được giữ nguyên chứ không phá bỏ.

Nghi thức tống tán đối với người “chết xấu”, nhất là tự tìm đến cái chết, theo luật tục người Jrai khá phức tạp, tốn kém, dù vậy ý nghĩa lớn nhất là nhằm răn đe người sống không nên lặp lại hành vi đó để rồi làm khổ người thân, gia đình; chưa kể còn bị cộng đồng phân biệt đối xử ngay cả khi đã nằm tận đáy mồ.
Theo baogialai.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét