Lâu nay, mọi người chỉ biết Nghệ An có biển Cửa Lò, quê nôi – quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nam Đàn, sông Lam và Bến Thủy. Du khách đến Nghệ An chỉ lớt phớt kiểu “Cưỡi ngựa xem hoa”, giỏi lắm là qua đêm rồi tiếp tục hành trình. Muốn hiểu hết tiềm năng du lịch xứ Nghệ, ít nhất phải vài tuần. Nghệ An có nhiều điểm đến bất ngờ, ấn tượng và độc nhất vô nhị.
1. Núi Quyết
Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết. - Ảnh: Sách Nguyễn (báo Nghệ An)
Trong thành phố Vinh có núi Quyết, còn gọi là núi Dũng Quyết; nơi Nguyễn Huệ xây dựng Phượng Hoàng Trung đô vào năm 1788. Đỉnh núi có đền thờ của Quang Trung trang nghiêm, bề thế. Nép mình bên dòng sông Lam kiêu hãnh, đỉnh núi Quyết cao 97 m là nơi thỏa sức phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thành Vinh, sang tận Nghi Xuân (Hà Tĩnh), quê hương của đại thi hà Nguyễn Du. Trời quang, có thể thấy núi Hồng Lĩnh, với chùa Hương Tích xây dựng từ đầu thế kỷ XIII, cách núi Quyết 40 km. Thành phố Vinh còn có thành cổ Nghệ An xây dựng từ 1802, chu vi gần 2.500m.
Cửa Tiền của thành cổ Nghệ An - Ảnh: TL
2. Vườn thị cổ tích
Chủ nhân Lê Minh Thưởng cạnh 1 trong 5 cây thị cổ giữa Vườn Thị cổ tích - Ảnh: TL
Sát thành Vinh là Vườn thị Cổ tích ở huyện Nghị Lộc. 5 cây thị tổ, trên 700 tuổi. Tương truyền thuộc tướng của Lê Lợi từng dừng chân nghỉ tại vườn thị trên đường đánh Chiêm Thành. Thắng trận ông đưa cả dòng họ từ Thanh Hóa ra lập nghiệp. Voi chiến và quân sĩ của Quang Trung trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh cũng từng dừng chân tại vườn thị. Hậu duệ đời thứ 18 của tướng Lê Văn Hoan, chủ nhân vườn thị là ông Lê Minh Thưởng, từng là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chi Minh trước năm 1969. Trong nhà ông Thưởng có treo bức ảnh chụp chủ nhân vườn thị với toàn bộ Bộ Chính Trị vào cuối năm 1967 tại Phủ Chủ tịch.
3.Đảo chè Thanh An (Thanh Chương)
Một góc quần đảo chè Thanh An - Ảnh NVM
Ở huyện Thanh Chương, có quần đảo Chè Thanh An (còn gọi là đảo chè Thanh Chương) siêu thực, đẹp hơn tranh. Khác với nhiều đồi chè ở Tây Bắc, Việt bắc, hoặc Bảo Lộc (Lâm Đồng), những đồi chè ở Thanh Cương được nước bao bọc tứ phía. Nhìn từ flycam, đồi chè như lạc giữa biển, xanh mộng mị hự thực giữa nước, lá và trời. Du khách phải dung thuyền rẽ sóng, đổ bộ lên từng đảo để tha hổ selfie và không quên mang đặc sản chè Thanh Chương, sao sấy bằng tay, về làm quà cho người thân. Nghe đâu, Nghệ An đang chuẩn bị đưa dịch vụ du ngoạn khinh khí cầu ngắm toàn cảnh quần đảo chè Thanh Chương.
4. Làng nồi đất và chợ phiên trâu bò
Từ người trẻ đến người già ở xã Trù Sơn đều biết làm nồi đất - Ảnh: TL
Huyện Đô Lượng tự hào với làng nồi đất Lưu Mỹ và chợ phiên trâu bò Đại Sơn (còn gọi là chợ Ú). Làng nồi đất Lưu Mỹ thuộc xã Trù Sơn có từ thời nhà Trần. Đất làm nồi lấy từ huyện Nghị Lộc đem về nhào năn thủ công thành nguyên liệu dẻo như cá thác lác, rồi chia thành từng “rói” nhỏ. Khác với gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), nghệ nhân làng nồi Lưu Mỹ không đi vòng quanh mà ngồi một chỗ, dùng ngón chân di chuyển bàn xoay để làm nồi. Độc đáo nhất là lò đốt nồi lộ thiên. Nồi được xếp chồng lên nhau rồi chất rơm củi để đốt, kiểm tra bằng mắt thường và cảm nhận. Việc đơn giản mà cực khó, đòi hỏi kinh nghiệm và độ chính xác cao. Nồi đất Lưu Mỹ mỏng tang, gõ kêu boog boong, không thấm nước và không làm giả được.
Một góc chợ phiên trâu bò Đại Sơn - Ảnh: TL
Cạnh làng nồi đất là chợ phiên trâu bò Đại Sơn, lớn nhất Asean. Chợ họp từ sáng sớm đến chiều vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hàng tháng. Mỗi phiên có hàng ngàn bò trâu và ngựa, nườm nượp từ các tỉnh Việt Nam và cả Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc về dự bằng kinh thưa các loại phượng tiện. Từ xe tải, xe bán tải, xe ba gác, ghe thuyền, đi bộ…
5. Phức hợp Mường Thanh Diễn Lâm ở Diễn Châu
Một góc Luxury Mường Thanh Diễn Lâm (Diễn Châu)
Mường Thanh là chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện Nay với 53 cơ sở lưu trú trải dài khắp đất nước. Riêng Nghệ An có 11 khách sạn mà Mường Thanh Diễn Lâm là đột phá. Phức hợp Mường Thanh Diễn Châu rộng 300ha với khách sạn 5 sao giữa cảnh quan hữu tình và hùng vĩ. Bên cạnh khách sạn trung tâm là các biệt thự độc lập, có hồ bơi riêng. Phức hợp có Vườn thú Safari lớn nhất phía Bắc với hơn 1.000 cá thể thuộc 70 loài động vật, nhiều loại quí hiếm của thế giới. Có công viên nước, khu trò chơi cảm giác mạnh, khu nhà cổ của người Việt xưa, tắm bùn khoáng, trekking, đạp xe khám phá quanh vùng…Đậc biệt du khách có thể trải nghiệm tập làm nông dân tại Eco farm
Voi, hà mã, hươu cao cổ, cọp trắng…trong Safari Mường Thanh Diễn Lâm - Ảnh: TL
6. Vườn quốc gia Pù Mát
Thác Khe Kèm (Con Cuông) trong vườn quốc gia Pù Mát - Ảnh: TL
Vườn quốc gia Pù Mát thuộc các huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương, rộng hơn 91.000 ha với nhiều báu vật thiên nhiên ban tặng. Đó là rừng đặc dụng săng lẻ (miền Trung gọi là bằng lăng, miền Nam gọi là thao lao) rộng gần 100 ha. Hàng chục thác đẹp mà tiêu biểu nhất là thác Khe Kèm hoang sơ và hùng vĩ giữa đại ngàn quyến rũ.. Là sông Giăng điệu đàng thơ mộng với hàng chục ghềnh đá thử thách. Pù Mát còn ẩn chưa nhiều hang động kỳ bí, chưa có dấu chân người.
Đặc biệt là các bản làng bộ tộc Đan Lại (dân tộc Thổ) với tục ngủ ngồi lạ lùng nhất thế giới.
Người Đan Lai chỉ nằm khi chết. Có người cho rằng, tục ngủ ngồi là để canh chừng, chống thú dữ tấn công. Người khác giải thích, nguồn gốc sâu xa là bị truy đuổi ráo riết. Phải ngủ ngồi để cảnh giác, sẵn sàng chống trả hoặc tháo chạy tùy nghị. Sông Giăng đẹp như mơ, là thủy lộ độc đáo đến với các bản làng của người Đan Lai trong vùng sâu Pù Mát. Có thể đi xe gắn máy địa hình khoảng 2 giờ hoặc trekking vượt núi hơn nửa ngày mới tới. Trải nghiệm ngủ ngồi chỉ có ở Việt Nam, tại Pù Mát với người Đan Lai duy nhất.
Tập tục ngủ ngồi kỳ lạ của người Đan Lai - Ảnh: TL
7. Tiếng Nghệ là phương ngữ khó hiểu nhất ở Việt Nam.
Con gái xứ Nghệ nói chuyện với khách lảnh lót hơn chim hót, ăn đứt người Huế. Nói gì cũng “DZà, xin thưa…” ngọt lịm, làm nhiều trai không còn trẻ cũng ngỡ ngàng, muốn ở lại. Người Nghệ nói chuyện với nhau, khách xa nghe hết nhưng điếc đặc, chẳng hiểu gì, cứ tưởng đang nghe tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt cổ. Bài “Tiếng Nghệ” của nhà thơ xứ Nghệ Nguyễn Bùi Vợi đã phần nào đặc tả ngôn ngữ vùng miền Nghệ đặc trưng.
Tiếng Nghệ
Cái gầu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Ngái là xa đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em…
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Răng (sao) chưa sang nhởi (chơi) nhà choa (tôi, tao)
Bà o (cô) đã nhốt con ga (gà) trong truồng (chuồng).
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê
Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đã sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.
8. Ẩm thực
Nhái cuộn lá lốt và Sâu chít không chỉ để ngâm rượu mà còn chế biến nhiều mó - Ảnh: TL
Ẩm thực xứ Nghệ có nhiều món ngon. Nào cam Xã Đoài, nhút Thanh Chương (chế biến thành nhiều món), tương Nam Đàn, , bánh đa mè Đô Lương (mè nhiều hơn bột), khoai xéo, mực nháy Cửa Lò (nướng, hấp hoặc làm gỏi), cá mát sông Giăng, cá mòi sông Lam, nhái nướng lá lốt, chè xanh (nấu bằng ấm lớn, mời cả xóm), xôi Thái… Nhiều nhất là lươn, có thể làm buffet chỉ toàn các món lươn. Nghe nói toàn lươn tự nhiên, thịt dai, ngọt và thơm. Các dân tộc thiểu số ở xứ Nghệ là vua chế biến nhiều món ngon độc lạ từ côn trùng. Từ dế, cào cào, nhện, các loại kiến, sâu, nhộng…và cả bọ xít. Mấy khoản này người Campuchia, Lào, Thái…cũng không thể sánh bằng.
9.Xứ Nghệ có 37 dân tộc anh em chung sống nghĩa tình
Các diễn viên người Thái ở Khe Rạn, Con Cuông đẹp hơn người mẫu - Ảnh: NVM
Đông nhất là người Việt (Kinh), tiếp đến là người Thái. Người Thái xứ Nghệ, nói tiếng Việt sõi hơn người Việt. Nhà sàn người Thái cao ráo, đường bản sạch sẽ, thường nép mình bên dòng sông, bờ suối. Xem đội văn nghệ với hàng chục diễn viên đẹp hơn người mẫu ở bản Khe Rạn, nhiều du khách quên cả lối về. Chỉ tiếc là bà con làm du lịch cộng đồng tự phát theo mô hình bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) nên kém hiệu quả. Nếu được tư vấn đúng chuẩn và được bảo hành, du lịch công đồng xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An sẽ là điểm sáng của cả nước.
10. Nối kết du lịch 6 tỉnh Bắc Trung bộ có 4 sân bay, đường quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và đường xe lửa Xuyên Việt đi qua. Có các cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Nậm Cắn (Nghệ An), Na Mèo (Thanh Hóa). Cửa khẩu Nậm Cắn nối thành Vinh với Cánh đồng Chum ở Xieng Khoang (Lào), đi qua vườn quốc gia Pù Mát. Du lịch Nghệ An có thể nối kết với Quảng Bình (quần thể hang động Phong Nha, hang Tám Cô, khu di tích mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp…) và Hà Tĩnh (Khu di tích đại thi hào Nguyễn Du, chùa cổ Hương Tích, khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông…). Chùa Hương ở Hà Tây (Hà Nội) là bản sao của chùa Hương Tích, xây dựng sau gần 450 năm. Hoặc nối với Thanh Hóa (Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới, Lam Kinh, suối cá Thần, đền Độc Cước, động Từ Thức, đền thờ An Tiêm…Đặc biệt là hòn Vợ Chồng – còn gọi là hòn Trống Mái). Hòn Vợ Chồng là nơi thử lòng cánh đàn ông. Nếu thật lòng với phụ nữ, khi chạm tay vào hòn Vợ, cả khối đá khổng lồ sẽ rung rinh thổn thức, thay lời muốn nói.
Nghệ An là tỉnh rộng nhất Việt Nam (gấp 23 lần đảo quốc Singapore), dân số xếp thứ 4 (Sau Sài Gòn, Hà Nội, Thanh Hóa). Du lịch Nghệ An, nếu biết cách làm và được các nhà tư vấn thực tiễn hỗ trợ, hứa hẹn mùa vàng bội thu. Trước mắt phải cải thiện dịch vụ, đầu tiên là nhà vệ sinh. Cùng lúc thay đổi thái độ và tinh thần phục vụ. Đoạn tuyệt với cách làm du lịch kiểu phong trào, chạy theo số lượng. Du lịch vốn là ngành kinh tế quan trọng nên phải lấy hiệu quả kinh doanh làm thước đo chất lượng.
Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)