Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Đài tưởng niệm trăm tuổi có 1-0-2 của Việt Nam

(Kiến Thức) - Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong là một công trình kiến trúc với nét đẹp truyền thống phong cách Huế.

Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong còn được gọi là Bia Quốc Học, toạ lạc bên bờ Nam sông Hương, đối diện cổng trường Quốc Học là một công trình kiến trúc độc đáo, có lịch sử khá đặc biệt ở Huế.

Công trình này được xây vào đầu thế kỷ 20 để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã chết trong hàng ngũ của quân Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Theo Nghị định của toà Khâm sứ Trung Kỳ ký ngày 24/7/1919, một hội đồng gồm 12 người, do viên Khâm sứ làm chủ tịch đã được lập ra để nghiên cứu các đồ án lập đài tưởng niệm.

Địa điểm xây dựng được lựa chọn là khoảng đất trống bên bờ sông Hương, trước trường Quốc học.

Việc tổ chức tuyển mẫu thiết kế đài tưởng niệm đã diễn ra từ ngày 10/4 - 3/5/1920. Trong bốn đồ án dự thi, hội đồng đã chọn đồ án của tác giả Tôn Thất Sa, giáo viên trường Bá công Huế, với giải thưởng là 80 đồng.
Công trình được khởi công xây dựng ngày 12/5/1920; kinh phí thi công là gần 10.000 đồng, và hoàn thành ngày 18/9 cùng năm.

Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 23/9/1920 với sự có mặt của vua Khải Định và các quan chức người Pháp ở Đông Dương.


Theo đề xuất của hội đồng, đài tưởng niệm được xây dựng theo hình dáng là một bình phong lớn, có hai tầng, có mái che, xây trên nền hai bậc thềm. Chính giữa có hình huy chương treo trên một tấm kim khánh. Hai bên đài còn có hai trụ biểu.
Thân và bệ đài được trang trí theo các mô típ rồng, lân, chữ thọ cách điệu cùng đề tài khác như tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), kỷ hà... Các hoạ tiết trang trí, kiến trúc, điêu khắc đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Trước đây, mặt trước thân đài có ghi tên họ 31 người Pháp và 78 người Việt ở Trung kỳ. Phần này sau thời Pháp thuộc đã bị đục xoá.


Mặt sau của đài vẫn còn dấu tích tên một số nhân vật còn lại của tỉnh Thanh Hóa

Ngày nay, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong được coi là một công trình kiến trúc với nét đẹp truyền thống phong cách Huế, hài hòa với cảnh quan sông Hương và trường Quốc Học.
Quốc Lê

Vẻ đẹp của nhà thờ tráng lệ bậc nhất Việt Nam

(Kiến Thức) - Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Huế là một trong những nhà thờ Công giáo to lớn và tráng lệ vào bậc nhất ở Việt Nam.

Tọa lạc ở phường Phú Nhuận của thành phố Huế, nhà thờ này được khởi công vào tháng 1/1959 và khánh thành vào tháng 8/1962 theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc.
Mặt bằng kiến trúc chính của nhà thờ sâu 70m, bề ngang từ 15–37 m. Hành lang hai bên dài 26 m, rộng 4,2m, mái nhà thờ cao 32m. Chính giữa nhà thờ là tháp chuông gồm ba tầng, đỉnh chóp cao 53m.
Nhìn chung, kiến trúc của nhà thờ là sự tổng hòa kiến trúc Đông - Tây, dựa trên việc tuân thủ những quy tắc truyền thống của một nhà thờ Công giáo La Mã.
Nét đặc biệt của nhà thờ là cửa rộng và không có vách. Phần hiên của thánh đường được thiết kế rất rộng, khi đông người dự lễ có thể mở rộng cửa, vì thế người ở ngoài hiên vẫn có cảm giác như đang trong thánh đường.
Vào ban ngày, thánh đường luôn được chiếu sáng bởi ánh sáng tự nhiên qua những tấm kính màu cỡ lớn trên các mảng tường.
Phía trước khuôn viên nhà thờ có tượng Chúa Jesus.
Chi tiết mặt chính diện của nhà thờ.
Tượng trang trí trên cánh phụ trồi ra hai bên nhà thờ.
Quốc Lê

Lời giải nào cho xuất thân của Trần Bình Trọng?

(Kiến Thức) - Những manh mối về nguồn gốc xuất thân có những nét tương đồng có thể cho thấy mối quan hệ giữa Trần Bình Trọng và Lê Tần (Lê Phụ Trần). 
Những manh mối về nguồn gốc xuất thân có những nét tương đồng có thể cho thấy mối quan hệ giữa Trần Bình Trọng và Lê Tần (Lê Phụ Trần). Tuy nhiên, để khẳng định Trần Bình Trọng có phải con của Lý Chiêu Hoàng hay không còn cần thêm nhiều chứng cứ xác thực hơn nữa.
Cùng là dõng dõi Lê Đại Hành
Căn cứ vào Lê triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký cho rằng, Lê Phụ Trần là cha Trần Bình Trọng và có thể chính Lê Tông là Trần Bình Trọng, vì tài liệu chỉ ghi Lê Phụ Trần và công chúa Chiêu Thánh chỉ có một con trai, không nhắc đến người con trai nào khác. Theo chính sử, Chiêu Thánh mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) tại quê hương Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh) thọ 60 tuổi.
Về nhân thân của Trần Bình Trọng, trong sử sách cũng không ghi rõ cha mẹ, chỉ nói ông vốn họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành giống như nhân thân Lê Tần. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng ông chính là con trai của tướng Lê Tần và Lý Chiêu Hoàng.
Mặt khác, Lê Tần được vua Trần phong là hầu tước với danh hiệu Bảo Văn hầu. Thời Trần, chữ đầu tiên trong tước hiệu có thể cho biết vị quý tộc đó xuất thân từ gia đình nào. Chẳng hạn, các vị vương gia con của vua Thái Tông, đều có chữ đầu là Chiêu (Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Quốc vương)... Các vị vương gia con cháu của Trần Liễu đều có chữ Hưng (Hưng Đạo vương, Hưng Ninh vương, Hưng Vũ vương)... Trần Bình Trọng có tước hiệu là Bảo Nghĩa hầu trong khi tước của Lê Tần là Bảo Văn hầu.
Trần Bình Trọng được ghi vốn gốc họ Lê chứ không phải trong vương thất nhà Trần. Người ngoại tộc muốn được phong hầu phải có công lao cực lớn. Trần Bình Trọng mới ít tuổi, trước trận Thiên Mạc chưa thấy công lao to lớn nào được chép lại mà đã là hầu tước, lại mang họ vua chỉ có thể vì ông có người cha được phong hầu và ban quốc tính, ở thế hệ cha của Trần Bình Trọng, chưa thấy nhân vật họ Lê - dòng dõi Lê Đại Hành nào khác được ban quốc tính và phong hầu ngoài Lê Tần?
Tranh minh họa. 
Lai lịch ít biết đến của Lê Tông
Mặt khác Lý Chiêu Hoàng được gả cho Lê Tần vào năm 1258, trong khi Trần Bình Trọng sinh năm 1259 rất là phù hợp.
Vậy là, người con trai Lê Tông của Chiêu Thánh rất có thể khi trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, được ban quốc tính họ vua và đổi tên thành Trần Bình Trọng. Năm Ất Dậu (1285), tướng Trần Bình Trọng, trong một trận đánh với giặc Nguyên - Mông ở bãi Thiên Mạc (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) đã vị giặc bắt và sát hại đã nổi tiếng với câu nói bất hủ: "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc", triều đình thương tiếc truy phong tước Bảo Nghĩa vương. 
Ít ai biết rằng, Lê Tông, tức Trần Bình Trọng còn là phò mã triều Trần, được vua Trần Thái Tông gả con gái là công chúa Thụy Bảo làm vợ, hai vợ chồng ông chỉ sinh một người con gái tuyệt sắc, sau này được tuyển vào cung làm vợ vua Trần Anh Tông, được tấn phong là Chiêu Hiến hoàng hậu (mẹ của hoàng tử Trần Mạnh, tức vua Trần Minh Tông).
Nếu đúng Trần Bình Trọng là con của Lê Tần thì hai cha con họ có một điểm chung khá thú vị, đó là đều lấy lại vợ cũ của người khác. Lê Tần lấy vợ cũ của Thái Tông Trần Cảnh, Trần Bình Trọng được ban hôn cho cưới công chúa Thụy Bảo, con gái vua Thái Tông. Vị công chúa này trước đã có một đời chồng là Uy Văn vương Toại.
TS Nguyễn Thành Hữu

Chuyện danh tướng Việt "đi dưới nước như đi trên cạn"

(Kiến Thức) - Trong cuộc chiến, Yết Kiêu luôn theo sát chủ tướng, xông pha trận mạc, tham gia nhiều trận đánh lớn, tỏ rõ là một danh tướng trung thành, mưu trí...
Trong cuộc chiến, Yết Kiêu luôn theo sát chủ tướng, xông pha trận mạc, tham gia nhiều trận đánh lớn, tỏ rõ là một danh tướng trung thành, mưu trí và gan dạ; chỉ huy đội quân cảm tử tinh nhuệ, dùng tài bơi lặn nhiều lần bí mật tập kích nhấn chìm thuyền giặc, lập công xuất sắc, khiến quân địch kinh hoàng, khiếp sợ.
Đi dưới nước như đi trên cạn
Truyện kể rằng, bấy giờ, quân Nguyên - Mông kéo mấy trăm chiếc thuyền theo đường biển vào đánh chiếm Đại Việt. Không quản mùa đông giá rét, đêm đêm, Yết Kiêu lặn xuống biển, nằm dưới đáy thuyền lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền, làm thuyền giặc bị nước biển chảy ồ vào chìm ngay. Quân giặc sợ lắm. Lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì. Nhưng sau chúng chăng lưới vây bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông:
- Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?
Ông đáp: - Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi kém nhất, chẳng may bị bắt. Nếu các ông thả tôi ra, tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt.
Bọn giặc hí hửng tưởng bở, chúng lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý và không nhìn thấy, ông nhảy tùm xuống biển, lặn mất tăm về doanh trại, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc, lũ giặc đành trơ mặt nhìn nhau căm tức. Vốn thiện thủy chiến, Yết Kiêu cùng Dã Tượng đục chìm thuyền địch và lập mưu bắt sống Phạm Nhan (Nguyễn Bá Linh, tay sai lợi hại của địch) ngay trên thuyền của Ô Mã Nhi. 
Yết Kiêu là một trong 5 thuộc hạ giỏi và trung thành của Trần Hưng Đạo là Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô. Với tài bơi lội "nhập thủy như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung tự tại như đi trên đất), lập nhiều công lao lớn nên đã được vua ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân".
Tháng 6/1285, dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần, Yết Kiêu cùng Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng chỉ huy quân phục kích ở Tây Kết, đánh tan 5 vạn quân do Toa Đô và Ô Mã Nhi chỉ huy, giết Toa Đô tại trận, Ô Mã Nhi phải cướp thuyền nhỏ trốn thoát ra biển. Kết thúc thắng lợi oanh liệt cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông xâm lược lần II (1285).
Ảnh minh họa. 
Ngôi đền với chiếc mũ chiến của Yết Kiêu
Xuất thân từ tầng lớp bình dân rồi trở thành một gia tướng trí dũng song toàn, theo giúp Hưng Đạo Vương trở thành anh hùng kiệt xuất của dân tộc; vốn đức độ, trong sáng, khí phách khảng khái tận trung, Yết Kiêu đã mang hết tài năng xả thân chiến đấu trong cuộc chiến đầy hy sinh gian khổ, trở thành tấm gương trung liệt trong đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc của quân dân Đại Việt thế kỷ XIII. 
Yết Kiêu đã sáng tạo ra cách đánh độc đáo hiệu quả, lập nhiều chiến công xuất sắc được lưu truyền mãi trong lịch sử, góp công và kinh nghiệm quý báu xây dựng nền nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam sau này. Khi ông mất vua Trần cho lập đền thờ trên bờ sông Hạ Bì (tên nôm là làng Quát) quê hương ông.
Hiện nay vẫn còn đền thờ Yết Kiêu, gọi là đền Quát, thuộc tả ngạn sông Đò Đáy, Gia Lộc, Hải Dương. Hội đền Quát được tổ chức long trọng và rất lớn hàng năm vào ngày 15/8 âm lịch để tưởng nhớ Yết Kiêu. Lễ hội có tục bơi thuyền chải nam, nữ. Yết Kiêu được tôn là ông tổ của ngành bơi lặn nước ta. 
Ở Hải Dương, cùng với đền Quát còn có nhiều nơi thờ phụng Yết Kiêu, nhất là những nơi ông đánh trận. Đặc biệt, tại làng chài có tên Nam Hải, thuộc xã Kênh Giang, Chí Linh, Hải Dương cũng có một ngôi đền do nhân dân lập lên để thờ Yết Kiêu. Tại đây, nhân dân coi ông là người khai thiên lập địa, là vị Thành hoàng của cả xã. Vì hầu hết người dân Kênh Giang vẫn giữ nghề sông nước. 
Điều đặc biệt tại ngôi đền này còn lưu truyền được một vật vô giá, đó là chiếc mũ chiến cổ bằng đồng rất nặng của chính Yết Kiêu đội khi đi đánh trận. Lễ hội tưởng nhớ Yết Kiêu tại đây diễn ra vào 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
TS Nguyễn Thành Hữu

Bật mí về “Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân“

(Kiến Thức) - Yết Kiêu cùng với Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là một trong 5 thuộc hạ giỏi và trung thành của Trần Hưng Đạo. 
Yết Kiêu cùng với Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là một trong 5 thuộc hạ giỏi và trung thành của Trần Hưng Đạo. Với tài bơi lội "nhập thủy như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung tự tại như đi trên đất), lập nhiều công lao lớn nên đã được vua ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân".
Người có tâm sáng
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242 - 1301), một trong những gia tướng của Trần Hưng Đạo, là con trai của ông Phạm Hữu Hiệu và bà Vũ Thị Duyên; quê làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay là xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Cha mất sớm, từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi mẹ nên rất thông thạo sông nước, có sức khoẻ và giỏi bơi lặn.
Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về cuộc đời và những chiến tích của ông, kể cả tên gọi Yết Kiêu... Tương truyền, năm 15 tuổi, vào một buổi sáng tinh mơ, khi ra sông, ông thấy sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, thấy hai con trâu trắng đang húc nhau trên bãi cát, nếu không can sẽ có con bị chết, nên ông đã dùng đòn ống can ngăn chúng, cả hai con trâu biến xuống nước, lúc đó ông mới biết hai con trâu đó là trâu thần. Sờ lại đầu đòn ống thấy còn dính vài cọng lông, ông liền đặt xuống nước thì thấy nước rẽ ra làm đôi, nên ông nuốt lấy, từ đó mà bơi lặn giỏi, đi trong nước hàng mấy dặm mà như đi trên đất và thường lặn lội bắt cá, mò trai cả ngày dưới nước...
Khi là gia nô trung thành và cận vệ đắc lực cho Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu lại có tài chỉ huy quân thủy tác chiến trên thuyền, cùng Dã Tượng chỉ huy trên bộ, được Trần Hưng Đạo mến tài thu nạp làm gia tướng. 
Cuối 1282, nhà Trần tổ chức hội nghị Bình Than bàn kế sách chống giặc Nguyên - Mông xâm lược. Hưng Đạo Vương được vua Trần Nhân Tông trao quyền Quốc công tiết chế, thống lĩnh, chỉ huy toàn bộ quân đội đã ướm hỏi Yết Kiêu: "Khi thân phụ ta sắp mất có dặn bảo ta phải lấy cho được thiên hạ thì mới yên lòng nhắm mắt. Nhà ngươi nghĩ thế nào? Ta có nên làm thế không?". Yết Kiêu trả lời: "Làm vậy tuy phú quý nhất thời mà ô danh muôn thuở...", Hưng Đạo Vương khen Yết Kiêu là người có tâm sáng và nghĩa khí, từ đó rất được trọng dụng và luôn cho theo sát bên mình.
 Ảnh minh họa.
Vua mà không có tôi trung thì cũng chỉ là cô quân
Năm 1285, Thoát Hoan chỉ huy 50 vạn quân Nguyên - Mông ồ ạt xâm lược Đại Việt. Hưng Đạo Vương điều quân chốt giữ các cửa ải biên giới phía Bắc, trực tiếp chỉ huy đại quân đóng bản doanh ở ải Nội Bàng (Lạng Sơn) chặn địch. Quân Trần tổ chức nhiều trận kịch chiến với quân Nguyên - Mông, nhưng đều bị thất bại. Trước thế địch đang mạnh, để bảo toàn lực lượng, Hưng Đạo Vương hạ lệnh cho quân rút lui về án ngữ ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) và trực tiếp chỉ huy chặn địch phía sau để đại quân rut lui an toàn. Quân Nguyên - Mông truy đuổi ráo riết, khi đó chỉ có Dã Tượng đi theo chủ tướng. 
Trong tình thế hiểm nguy, Yết Kiêu một mình giữ thuyền chờ đón chủ tướng trên Bãi Tân (Lục Nam, Bắc Giang) kịp thời đưa Trần Hưng Đạo thoát khỏi sự truy sát của địch. Lúc lên thuyền Hưng Đạo Vương mừng và nói: "Chim Hồng Hạc bay được cao là nhờ ở sáu trụ cánh, nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng như các loài chim thường thôi". Ý Trần Hưng Đạo muốn nói: Người tướng tài giỏi, nổi tiếng phần lớn cũng là nhờ những người chung quanh mình ra sức làm việc, phò tá, nếu chỉ có một cá nhân mình thì không sao có thể làm nên sự nghiệp lớn. Vua Trần biết chuyện đã nói: "Đừng nói tướng, đến vua mà không có tôi trung thì cũng chỉ là cô quân". 
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu

Ngỡ ngàng trước “sóng núi” Chợ Chu

TTO - Cảnh đúng là “thiên tạo” với những “sóng núi” sừng sững, nhấp nhô uốn lượn quanh thung lũng. Ai một lần đến Định Hóa, Thái Nguyên cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của phố núi Chợ Chu.  
Phố núi Chợ Chu nằm yên bình dưới chân núi- Ảnh: N.T.Lượng
Đi theo quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Cạn, cách thành phố Thái Nguyên 50km sẽ gặp thị trấn Chợ Chu bình dị có tự bao đời nay. 
Ai đến Chợ Chu một lần cũng đặc biệt ấn tượng. Và cái ấn tượng làm du khách nhớ mãi không phải chỉ ở tấm lòng hồn hậu của con người nơi đây mến khách, khí hậu ở đây mát lành, yên ả mà còn ngỡ ngàng trước những tường thành bằng đá núi bao bọc lấy thung những Chợ Chu tự bao giờ. 
Cư dân Chợ Chu quần tụ bên những cánh đồng xanh mướt và điểm nổi bật là vùng đất này được bao bọc bởi những dãy núi đá cao sừng sững xung quanh, núi liền núi chạy dài tới hút tầm mắt. Đó là cảnh “thiên tạo” mà thiên nhiên ban tặng cho đất và người Chợ Chu.
Chạy dài từ đầu đến cuối phố núi Chợ Chu không gì ấn tượng bằng những dãy núi đá nhấp nhô, uốn lượn.
Người Chợ Chu chẳng thể đoán được dãy núi đá ấy có từ bao giờ, hình thành như thế nào, họ chỉ biết khi mình cất tiếng khóc chào đời đến khi lớn lên đã thấy dãy núi kỳ vĩ bao bọc lấy xóm làng rồi.
Những tảng đá to khổng lồ chồng xếp lên nhau, dựng thành vách cao sừng sững nối tiếp nhau. Đôi chỗ, đá núi nhô lên thành vòng cung tựa như sóng biển. 
Không trơ lì, bạc bẽo như những núi đá vôi trắng xóa, đá núi Chợ Chu được bao bọc bởi một tấm thảm xanh của cây cỏ tự nhiên làm cho không gian sơn thạch trở nên đẹp, mát mẻ và thơ mộng. 
Cầu vồng vụt lên từ đá núi sau cơn mưa- Ảnh: N.T.Lượng
Những tảng đá khổng lồ chồng xếp lên nhau tạo những vách thành- Ảnh: N.T.Lượng
Những tấm thảm xanh bao bọc dãy núi đá- Ảnh: N.T.Lượng
Đứng dưới chân những dãy núi, người ta thấy mình nhỏ bé bao nhiêu, ngước lên trầm trồ rằng chưa từng đặt chân đến những nhô sóng núi trên ấy. Bởi thế, sóng núi Chợ Chu với con người nơi đây vừa gần gũi vừa chứa đựng điều gì như bí ẩn chưa được khám phá.
Biết đâu, trong lòng dãy tường thành ấy lại có những hang động kỳ thú mà con người chưa từng đặt chân đến.
Điều đó là có thể, bởi từ bao đời rồi, ở một ngách núi, có một hang sâu được người dân khám phá, tạo thành một ngôi chùa độc đáo gọi là chùa Hang. Chiều chiều, tiếng chuông chùa vang vang phả vào đá núi, hòa vào không gian thanh bình của xóm núi.
Dưới chân dãy núi, con suối chảy róc rách ngày đêm, những lũy tre xanh tốt và cả cánh đồng bát ngát một màu khiến cho cảnh nơi đây vừa hùng vĩ, vừa thanh bình, gần gũi. 
Chiều chiều, những cánh cò trắng ùa từ đỉnh núi xuống cánh đồng lúa làm cho cảnh đậm chất quê. Sau mỗi cơn mưa, cầu vồng mọc lên từ những đỉnh núi cao của dãy núi, cảnh vì thế trở nên lung linh huyền ảo và thơ mộng.
một vùng quê thanh bình xa xa là dãy núi đá- Ảnh: N.T.Lượng
Cảnh sắc thanh bình dưới sóng núi chợ Chu - Ảnh: N.T.Lượng
Lũy tre làng dưới chân những sóng núi- Ảnh: N.T.Lượng
Hình như dãy núi đá làm cho khí hậu nơi đây có gì đó đặc biệt hơn so với vùng khác. Vào mùa hè, tiết trời mát mẻ, không oi nồng. Mùa đông, trời quang đãng. Mùa thu nắng rực vàng hanh hao se lạnh từ trên triền núi nhấp nhô. 
Vì thế, đến Chợ Chu người ta tìm được cái cảm giác khoan khoái, dễ chịu ở bất kỳ mùa nào.
Phía dưới dãy núi đá chạy dài là những ngôi nhà ngói đỏ, những xóm làng quần tụ quanh những cánh đồng bát ngát. Ở giữa là con đường nhựa chạy dài. Đó là sự kết hợp đến tuyệt diệu của một bức tranh phố núi Chợ Chu. 
Cảnh có nét hoang sơ từ dáng núi uốn lượn nhịp nhàng, có chất sơn thủy hữu tình, có thanh âm trong trẻo của cuộc sống con người.
Đến Chợ Chu một lần, chắc hẳn ai cũng chẳng thể trầm trồ cho kỳ hết...
Kỳ bí ngôi chùa Hang trong lòng đá núi Chợ Chu - Ảnh: N.T.Lượng
NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Những món ngon khó cưỡng ở Mộc Châu

(Dân trí) - Đến với Mộc Châu, du khách không những được hòa mình trong không gian tươi đẹp đầy sắc màu của hoa lá, cây cỏ mà còn có cơ hội thưởng thức nét văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo nơi đây.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá.

Những món ngon khó cưỡng ở Mộc Châu
 
Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Các kỹ thuật chế biến đều là bí quyết gia truyền, song sản phẩm khá thuần nhất. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Các gia vị này thậm chí còn thấy nguyên trên từng thanh thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt.

Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu ngô. Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được khoảng 1 tháng.

Bê chao

Nếu có dịp đi du lịch Mộc Châu, dừng chân thưởng thức món bê chao chắc chắn bạn sẽ khó có thể quên hương vị đậm đà của một món ăn mang đậm chất Tây Bắc này.

Những món ngon khó cưỡng ở Mộc Châu

Những chú bò non ở Mộc Châu khi mới sinh ra (gọi là bê) được xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê con bị loại, người dân ở cao nguyên Mộc Châu đã biến nó thành một món ăn giàu chất dinh dưỡng, ngon và hấp dẫn - món bê chao.

Bê chao ăn nóng, phần bì phồng lên lấm tấm trắng, khẽ cắn vào thì thấy giòn, nhưng nhai kỹ vẫn có một chút dai vương vấn. Một thứ gia vị đi kèm không thể thiếu là nước tương. Nước tương đặc sánh, ngả màu vàng đất được bỏ thêm gừng, sả băm nhỏ cho dậy mùi, trọn vị.

Cá suối Mộc châu

Những món ngon khó cưỡng ở Mộc Châu
 
Cá suối có nhiều loại như: Cá trắng thân dẹt như cá mương, cá hoa, cá bống, lại có loài cá có màu đen lẫn với màu rêu đá.

Cá suối Mộc châu thường không lớn, chỉ bằng ngón tay, to lắm cũng chỉ như cán dao. Điều đặc biệt là cá suối không hề có vị tanh. Cá bắt được, nhóm lửa nướng sơ ngay bên bờ suối để có thể để dành ăn lâu dài hoặc đem lên bán cho các nhà hàng trên thị trấn.

Cải mèo

Những món ngon khó cưỡng ở Mộc Châu

Rau cải Mèo của Mộc Châu được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.

Rau cải Mèo còn hấp dẫn nếu được xào với thịt bò, đặc biệt là thịt hun khói. Những sợi rau giòn, dai hơi nhặng đắng kết hợp với món thịt hun có vị đậm đà rất riêng tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực vùng cao. Nhiều người còn dùng cải Mèo trong danh sách các loại rau để ăn lẩu.

Xôi ngũ sắc

Những món ngon khó cưỡng ở Mộc Châu
 
Để làm ra xôi ngũ sắc cần chuẩn bị khá công phu. Gạo nếp nương loại ngon được chia làm 5 phần và trộn với các loại lá cây rừng khác nhau để nhuộm màu. Tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau. Xôi sau khi đồ rất mềm, dẻo, thơm và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức món ăn này trong các phiên chợ ở Mộc Châu. Chỉ khoảng 10.000 đồng là bạn đã có thể no bụng rồi.

Ốc đá ở Suối Bàng

Du lịch Mộc Châu thưởng thức Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất.

Những món ngon khó cưỡng ở Mộc Châu 
 
Mọi người thường nấu canh, hoặc đơn giản nhất là luộc với xả, ớt chấm mắm ớt. Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn, vị ngọt mát lan d.n xuống cuống họng. Cái ngon ngọt, mát giòn của ốc đá là thế, không tanh mà còn có vị hăng, thơm của lá rừng.


Minh Anh (tổng hợp_)

Những món bún cá không thể bỏ qua ở miền Tây

Bún cá kèn dừa lạ lẫm, bún cá lóc nước lèo thanh ngọt hay bún mắm miền Tây chắc chắn sẽ khiến bạn lưu luyến vùng quê sông nước này.

Từ những loại cá giống nhau nhưng với cách chế biến đa dạng và độc đáo, người miền Tây đã tạo ra những món bún với hương vị hoàn toàn khác nhau, mỗi món mang một đặc trưng rất riêng biệt của miền sông nước. Điểm nhấn là hầu hết các món bún ở đây đều ăn kèm với bông điên điển - một loại bông màu vàng chỉ có ở miền Tây, đặc biệt là vào mùa nước nổi.
Bún cá lóc nước lèo
Cá lóc sau khi luộc được làm sạch da và xương, chỉ để lại phần thịt trắng đem xào sơ qua với nghệ, tỏi, bột ngọt ... cho thấm gia vị. Xương lợn được hầm bằng nước luộc cá cho có vị ngọt dùng làm nước lèo. Trong phần nước lèo còn cho thêm nước cốt nghệ tươi, sả và mắm ruốc nên nước bún có màu hơi vàng. Bông điên điển là một thứ không thể thiếu trong nồi nước lèo bún cá.
Khi ăn, bún được cho vào trước, sau đó cho thêm thịt cá và cho nước lèo vào. Vì người ta ướp cá bằng nghệ tươi nên đã khử được mùi tanh của cá. Món bún nước lèo luôn được ăn kèm với một đĩa rau muống bào, giá tươi và bông điên điển. Một chén nước mắm ngon bên cạnh để chấm cá kèm theo một lát chanh làm tăng thêm độ ngon của món bún. Vị ngọt của cá và hơi lạ miệng của bông điên điển sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
MG-1507-JPG-5765-1416590148.jpg
Một phần bún cá lóc nước lèo thường có giá từ 15 - 20 ngàn.
Bún cá kèn dừa
Nếu không phải dân miền Tây, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thắc mắc "kèn dừa" là gì? Người miền Tây gọi nước cốt dừa là "kèn dừa". Chính vì vậy món bún cá nấu với nước cốt dừa gọi là bún cá kèn dừa.
Cá lóc đồng được làm tương tự như khi nấu bún cá lóc nước lèo, tuy nhiên người ta sẽ chừa ra một phần nhỏ để giã nát, cho vào nấu chung với nước dùng. Nước dùng gồm có nước cốt dừa, bột cà ri, đinh hương, bông tai vị... hòa chung với nhau. Mỗi thứ được cho một lượng vừa phải nên không có cảm giác quá ngấy lại không nồng mùi cà ri. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị thơm của cà ri và những gia vị đặc trưng, đồng thời hơi béo của nước cốt dừa.
Bún ở Châu Đốc dùng là bún của người Khơ me, sợi nhỏ được xếp ngay ngắn thành từng đoạn dài. Khi bán, người ta sẽ tách ra thành từng phần nhỏ và cho vào tô, sau đó cho cá và nước dùng vào, rắc một ít bột ớt lên trên. Mùi tanh của cá đã hoàn toàn biến mất. Vắt một lát chanh để hương vị càng thêm hấp dẫn, sau khi ăn hết phần bún, bạn có thể chấm bánh mì với phần nước dùng, giống như ăn cà ri bánh mì nhưng lại có cảm giác rất lạ.
IMG-1665-JPG-6478-1416590148.jpg
Nhìn tô bún cá kèn dừa có vẻ béo ngậy nhưng khi ăn vào thì cảm giác hoàn toàn khác.
Bún cá kèn dừa là đặc trưng ở Châu Đốc, do một bà lão bán bên lề đường Phạm Văn Vàng vào buổi sáng sớm. Quán khá đông khách nên khoảng 9 giờ sáng thì một nồi nước bún to đã hết sạch, thường thì bạn phải chờ rất lâu mới đến lượt mình.
Bún mắm miền Tây
Khác với bún mắm miền Trung hay miền Bắc là chỉ có bún và mắm, món bún mắm miền Tây được nấu cầu kì hơn, với nhiều loại hải sản và thịt heo. 
Nước dùng của bún mắm được nấu từ nước dừa tươi, nước xương heo hầm và đặc biệt là mắm cá linh và cá sặc - hai loại mắm đặc trưng của miền Tây sông nước. Sả và tỏi cũng được cho vào chung với các loại trên để khử mùi mắm. Nước dùng được nấu đến khi các loại mắm trong nồi nhừ ra, lọc bỏ xác, lấy nước tạo nên một nồi nước dùng có vị ngọt tự nhiên từ xương và nước dừa mà không cần dùng bột ngọt, lại có vị "sông nước" từ các loại mắm miền Tây.
Cho một ít bún sợi to vào tô, phía trên cho thịt quay, cá bông lau, tôm, mực, huyết heo và một ít rau thơm, sau đó chan nước dùng đã được nấu sẵn. Bún mắm ăn kèm với các loại rau của vùng sông nước như thân bông súng, bông điên điển, rau đắng, kèo nèo, bắp chuối, rau muống chẻ. 
bun-mam-JPG-8009-1416590148.jpg
Bún mắm thập cẩm miền tây với giá 20 ngàn ngay chợ Châu Đốc
Yên Hạ