Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

THƯƠNG HIỆU NHỎ SỐNG LÂU, GIÀU CHẮC (*) Vững như cơm tấm Thuận Kiều

Có mặt tại Sài Gòn từ những năm 1970, sau gần nửa thế kỷ vượt qua những cuộc cạnh tranh khốc liệt, cơm tấm Thuận Kiều vẫn lớn mạnh và trụ vững trong lòng thực khách


Nằm khiêm tốn trên đường Thuận Kiều, phường 4, quận 11, TP HCM có một tiệm cơm tấm mang tên con đường này, gắn bó với nhiều người dân vùng Chợ Lớn hàng chục năm qua. Mặc cho thời gian trôi đi, tiệm Thuận Kiều mỗi ngày vẫn mở cửa phục vụ từng lượt người đến chỉ để thưởng thức món cơm tấm - một đặc sản của người dân Nam Bộ bao đời nay.
Bỏ xứ lên Sài Gòn bán cơm
Khoảng những năm 1950, sau một biến cố lớn của gia đình, người cha của chàng trai Ngô Cúc Minh bị thực dân Pháp kết án tử hình vì đi theo Việt Minh. Đau buồn trước cái chết của cha, Minh quyết định rời bỏ quê hương Bến Tre lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai.
Ông bà Ngô Cúc Minh - Lê Thị Huệ và con trai út Ngô Cúc Mẫn Ảnh: NGỌC MAI
Ông bà Ngô Cúc Minh - Lê Thị Huệ và con trai út Ngô Cúc Mẫn Ảnh: NGỌC MAI
Gặp và nên duyên với bà Lê Thị Huệ, người gốc Quảng Ngãi, ông Minh cùng vợ quyết định mở một tiệm cơm tấm nhỏ ở khu vực Xóm Củi (quận 8, TP HCM ngày nay) phục vụ khách hàng là những người dân tứ xứ neo ghe xuồng buôn bán trái cây. Bà Huệ vốn giỏi việc bếp núc lại khéo buôn bán nên chẳng mấy chốc, tiệm cơm tấm của hai vợ chồng trở nên đắt khách vào loại nhất nhì trong vùng. Thế rồi, họ chọn mua một căn nhà nhỏ có 2 mặt tiền hướng ra đường, một mặt làm gara ô tô, mặt kia mở tiệm cơm tấm, lấy tên đường là Thuận Kiều đặt cho quán để dễ nhớ.
Khách đến dùng cơm tấm Thuận Kiều những năm 1970. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Khách đến dùng cơm tấm Thuận Kiều những năm 1970. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Ngày ấy, Thuận Kiều là con đường người Hoa sống là chủ yếu. Vì thế, các món ăn mang phong cách, hương vị Tàu được bày bán la liệt. Cơm tấm Thuận Kiều len vào tưởng chừng như đơn độc nhưng lại hút khách lui tới thưởng thức rất đông. Không chỉ người Việt mà người Hoa cũng tự nhiên mê mẩn món ăn dân dã của Nam Bộ từ khi có cơm tấm Thuận Kiều xuất hiện.
Say mê với công việc kinh doanh nên vợ chồng ông Minh - bà Huệ đặt hết tâm huyết của mình vào tiệm cơm. Là một phụ nữ đã có 8 con nhỏ nhưng sáng nào bà Huệ cũng tự tay đi chợ chọn mua những thực phẩm ngon nhất, tươi nhất về chế biến. Bà hướng dẫn các con thao tác theo công thức mà mình đã mày mò pha chế để cho ra những thực đơn kèm với cơm tấm tuyệt hảo nhất thời bấy giờ.
Những đứa con nhà cơm tấm Thuận Kiều cũng sớm ảnh hưởng phong cách lao động cần mẫn của gia đình nên sau giờ đi học, mỗi đứa một việc, từ rửa chén, lau nhà đến lặt rau, ướp thịt… Khách đến dùng bữa chẳng những khen cơm ngon mà còn tấm tắc thán phục trước nề nếp chỉn chu của gia đình này. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở tận Sài Gòn - Gia Định cũng phải lần mò đến Chợ Lớn để thưởng thức món cơm tấm Thuận Kiều thơm nức mũi.
Vào những năm 1980, cơm tấm Thuận Kiều phát triển đến đỉnh cao. Gia đình ông Minh nhanh chóng tậu được nhiều căn nhà khác khá bề thế tại TP HCM. Vợ chồng ông quyết định chia cho mỗi người con 1 căn nhà để họ tự bán cơm tấm theo công thức chung của gia đình. Tuy 7 người con đã ra riêng nhưng chỉ có 2 trụ lại được với thương hiệu cơm tấm Thuận Kiều.
Vực dậy, nâng tầm
Là con trai út trong gia đình đông anh em, anh Ngô Cúc Mẫn được cha mẹ cho ăn học thành tài. Cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp Khoa Ngoại thương Trường Đại học Kinh tế TP HCM nhưng anh lại từ chối nhiều lời mời từ các công ty nước ngoài để lăn lộn ngoài đời buôn bán điện thoại di động và phụ tùng xe hơi.
Thành công cũng lắm mà thất bại cũng nhiều, Mẫn quyết định trở về tiếp quản tiệm cơm của gia đình. Đây cũng là lúc thương hiệu cơm tấm Thuận Kiều đang phải vật vã cạnh tranh với hàng loạt quán cơm tấm hoành tráng mọc lên khắp nơi cũng như nhiều thương hiệu thức ăn nhanh của các nước đổ bộ vào TP HCM.
Những kiến thức vĩ mô Mẫn học được trên giảng đường đại học thật xa lạ với thực tế gạo, thịt, mắm muối mỗi ngày. Bằng những bước đi thật chậm cộng với sự truyền nghề của cha mẹ, anh thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu bằng cách trang trí tiệm cơm theo phong cách thân thiện, thống nhất. Nhân viên được đào tạo lại thái độ phục vụ, đồng phục mặc trên người cũng thay đổi sao cho thân thiện, sạch sẽ.
Ông chủ trẻ mạnh tay thay đổi cả quy trình thu nhận hàng hóa theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hết sức nghiêm ngặt và thêm thắt hàng chục món ăn dân dã khác cho thực đơn được phong phú. Dù vậy, món cơm tấm sườn bì chả với nước mắm chua ngọt được truyền lại từ cha mẹ luôn tuyệt đối giữ nguyên hương vị để níu chân biết bao thực khách xa gần.
Trong khoảng thời gian 10 năm đổi mới, cơm tấm Thuận Kiều đã lấy lại vị thế trước đây, khách tiếp tục đến nườm nượp. Thế là từ một tiệm cơm nằm khiêm tốn trên đường Thuận Kiều, anh Mẫn đã nhanh chóng phát triển thêm 8 tiệm cơm tấm khác mang cùng thương hiệu nằm rải khắp các quận trong thành phố. Điều mà không phải ai cũng làm được là mỗi tiệm cơm đều là tài sản riêng của cơm tấm Thuận Kiều chứ không phải đi thuê mặt bằng. Tám tiệm cơm hằng ngày phải về tận Thuận Kiều để lấy thực phẩm đã được sơ chế sẵn theo một quy trình khép kín, sau đó mới thực hiện các thao tác nướng, hấp, xào, nấu... tại mỗi tiệm.
Không dừng lại ở những dĩa cơm tấm thông thường, cơm tấm Thuận Kiều nay đã nâng tầm lên một thương hiệu ẩm thực dân dã mang đậm hương vị Việt. Ngoài yếu tố kinh doanh, thành công của cơm tấm Thuận Kiều còn là thành công của những người con quyết giữ gìn các món ăn được coi là quốc hồn, quốc túy khiến không chỉ khách hàng sành điệu trong nước mê mẩn mà cả thực khách khó tính nước ngoài cũng tìm đến thưởng thức.
NGỌC MAI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét