Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Chuyện danh tướng Việt "đi dưới nước như đi trên cạn"

(Kiến Thức) - Trong cuộc chiến, Yết Kiêu luôn theo sát chủ tướng, xông pha trận mạc, tham gia nhiều trận đánh lớn, tỏ rõ là một danh tướng trung thành, mưu trí...
Trong cuộc chiến, Yết Kiêu luôn theo sát chủ tướng, xông pha trận mạc, tham gia nhiều trận đánh lớn, tỏ rõ là một danh tướng trung thành, mưu trí và gan dạ; chỉ huy đội quân cảm tử tinh nhuệ, dùng tài bơi lặn nhiều lần bí mật tập kích nhấn chìm thuyền giặc, lập công xuất sắc, khiến quân địch kinh hoàng, khiếp sợ.
Đi dưới nước như đi trên cạn
Truyện kể rằng, bấy giờ, quân Nguyên - Mông kéo mấy trăm chiếc thuyền theo đường biển vào đánh chiếm Đại Việt. Không quản mùa đông giá rét, đêm đêm, Yết Kiêu lặn xuống biển, nằm dưới đáy thuyền lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền, làm thuyền giặc bị nước biển chảy ồ vào chìm ngay. Quân giặc sợ lắm. Lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì. Nhưng sau chúng chăng lưới vây bắt được Yết Kiêu. Chúng hỏi ông:
- Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?
Ông đáp: - Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi kém nhất, chẳng may bị bắt. Nếu các ông thả tôi ra, tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt.
Bọn giặc hí hửng tưởng bở, chúng lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc giặc sơ ý và không nhìn thấy, ông nhảy tùm xuống biển, lặn mất tăm về doanh trại, tiếp tục cùng quân dân ta đánh giặc, lũ giặc đành trơ mặt nhìn nhau căm tức. Vốn thiện thủy chiến, Yết Kiêu cùng Dã Tượng đục chìm thuyền địch và lập mưu bắt sống Phạm Nhan (Nguyễn Bá Linh, tay sai lợi hại của địch) ngay trên thuyền của Ô Mã Nhi. 
Yết Kiêu là một trong 5 thuộc hạ giỏi và trung thành của Trần Hưng Đạo là Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô. Với tài bơi lội "nhập thủy như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung tự tại như đi trên đất), lập nhiều công lao lớn nên đã được vua ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân".
Tháng 6/1285, dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần, Yết Kiêu cùng Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng chỉ huy quân phục kích ở Tây Kết, đánh tan 5 vạn quân do Toa Đô và Ô Mã Nhi chỉ huy, giết Toa Đô tại trận, Ô Mã Nhi phải cướp thuyền nhỏ trốn thoát ra biển. Kết thúc thắng lợi oanh liệt cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông xâm lược lần II (1285).
Ảnh minh họa. 
Ngôi đền với chiếc mũ chiến của Yết Kiêu
Xuất thân từ tầng lớp bình dân rồi trở thành một gia tướng trí dũng song toàn, theo giúp Hưng Đạo Vương trở thành anh hùng kiệt xuất của dân tộc; vốn đức độ, trong sáng, khí phách khảng khái tận trung, Yết Kiêu đã mang hết tài năng xả thân chiến đấu trong cuộc chiến đầy hy sinh gian khổ, trở thành tấm gương trung liệt trong đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc của quân dân Đại Việt thế kỷ XIII. 
Yết Kiêu đã sáng tạo ra cách đánh độc đáo hiệu quả, lập nhiều chiến công xuất sắc được lưu truyền mãi trong lịch sử, góp công và kinh nghiệm quý báu xây dựng nền nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam sau này. Khi ông mất vua Trần cho lập đền thờ trên bờ sông Hạ Bì (tên nôm là làng Quát) quê hương ông.
Hiện nay vẫn còn đền thờ Yết Kiêu, gọi là đền Quát, thuộc tả ngạn sông Đò Đáy, Gia Lộc, Hải Dương. Hội đền Quát được tổ chức long trọng và rất lớn hàng năm vào ngày 15/8 âm lịch để tưởng nhớ Yết Kiêu. Lễ hội có tục bơi thuyền chải nam, nữ. Yết Kiêu được tôn là ông tổ của ngành bơi lặn nước ta. 
Ở Hải Dương, cùng với đền Quát còn có nhiều nơi thờ phụng Yết Kiêu, nhất là những nơi ông đánh trận. Đặc biệt, tại làng chài có tên Nam Hải, thuộc xã Kênh Giang, Chí Linh, Hải Dương cũng có một ngôi đền do nhân dân lập lên để thờ Yết Kiêu. Tại đây, nhân dân coi ông là người khai thiên lập địa, là vị Thành hoàng của cả xã. Vì hầu hết người dân Kênh Giang vẫn giữ nghề sông nước. 
Điều đặc biệt tại ngôi đền này còn lưu truyền được một vật vô giá, đó là chiếc mũ chiến cổ bằng đồng rất nặng của chính Yết Kiêu đội khi đi đánh trận. Lễ hội tưởng nhớ Yết Kiêu tại đây diễn ra vào 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
TS Nguyễn Thành Hữu

Bật mí về “Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân“

(Kiến Thức) - Yết Kiêu cùng với Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là một trong 5 thuộc hạ giỏi và trung thành của Trần Hưng Đạo. 
Yết Kiêu cùng với Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là một trong 5 thuộc hạ giỏi và trung thành của Trần Hưng Đạo. Với tài bơi lội "nhập thủy như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung tự tại như đi trên đất), lập nhiều công lao lớn nên đã được vua ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân".
Người có tâm sáng
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242 - 1301), một trong những gia tướng của Trần Hưng Đạo, là con trai của ông Phạm Hữu Hiệu và bà Vũ Thị Duyên; quê làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay là xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Cha mất sớm, từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi mẹ nên rất thông thạo sông nước, có sức khoẻ và giỏi bơi lặn.
Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về cuộc đời và những chiến tích của ông, kể cả tên gọi Yết Kiêu... Tương truyền, năm 15 tuổi, vào một buổi sáng tinh mơ, khi ra sông, ông thấy sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, thấy hai con trâu trắng đang húc nhau trên bãi cát, nếu không can sẽ có con bị chết, nên ông đã dùng đòn ống can ngăn chúng, cả hai con trâu biến xuống nước, lúc đó ông mới biết hai con trâu đó là trâu thần. Sờ lại đầu đòn ống thấy còn dính vài cọng lông, ông liền đặt xuống nước thì thấy nước rẽ ra làm đôi, nên ông nuốt lấy, từ đó mà bơi lặn giỏi, đi trong nước hàng mấy dặm mà như đi trên đất và thường lặn lội bắt cá, mò trai cả ngày dưới nước...
Khi là gia nô trung thành và cận vệ đắc lực cho Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu lại có tài chỉ huy quân thủy tác chiến trên thuyền, cùng Dã Tượng chỉ huy trên bộ, được Trần Hưng Đạo mến tài thu nạp làm gia tướng. 
Cuối 1282, nhà Trần tổ chức hội nghị Bình Than bàn kế sách chống giặc Nguyên - Mông xâm lược. Hưng Đạo Vương được vua Trần Nhân Tông trao quyền Quốc công tiết chế, thống lĩnh, chỉ huy toàn bộ quân đội đã ướm hỏi Yết Kiêu: "Khi thân phụ ta sắp mất có dặn bảo ta phải lấy cho được thiên hạ thì mới yên lòng nhắm mắt. Nhà ngươi nghĩ thế nào? Ta có nên làm thế không?". Yết Kiêu trả lời: "Làm vậy tuy phú quý nhất thời mà ô danh muôn thuở...", Hưng Đạo Vương khen Yết Kiêu là người có tâm sáng và nghĩa khí, từ đó rất được trọng dụng và luôn cho theo sát bên mình.
 Ảnh minh họa.
Vua mà không có tôi trung thì cũng chỉ là cô quân
Năm 1285, Thoát Hoan chỉ huy 50 vạn quân Nguyên - Mông ồ ạt xâm lược Đại Việt. Hưng Đạo Vương điều quân chốt giữ các cửa ải biên giới phía Bắc, trực tiếp chỉ huy đại quân đóng bản doanh ở ải Nội Bàng (Lạng Sơn) chặn địch. Quân Trần tổ chức nhiều trận kịch chiến với quân Nguyên - Mông, nhưng đều bị thất bại. Trước thế địch đang mạnh, để bảo toàn lực lượng, Hưng Đạo Vương hạ lệnh cho quân rút lui về án ngữ ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) và trực tiếp chỉ huy chặn địch phía sau để đại quân rut lui an toàn. Quân Nguyên - Mông truy đuổi ráo riết, khi đó chỉ có Dã Tượng đi theo chủ tướng. 
Trong tình thế hiểm nguy, Yết Kiêu một mình giữ thuyền chờ đón chủ tướng trên Bãi Tân (Lục Nam, Bắc Giang) kịp thời đưa Trần Hưng Đạo thoát khỏi sự truy sát của địch. Lúc lên thuyền Hưng Đạo Vương mừng và nói: "Chim Hồng Hạc bay được cao là nhờ ở sáu trụ cánh, nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng như các loài chim thường thôi". Ý Trần Hưng Đạo muốn nói: Người tướng tài giỏi, nổi tiếng phần lớn cũng là nhờ những người chung quanh mình ra sức làm việc, phò tá, nếu chỉ có một cá nhân mình thì không sao có thể làm nên sự nghiệp lớn. Vua Trần biết chuyện đã nói: "Đừng nói tướng, đến vua mà không có tôi trung thì cũng chỉ là cô quân". 
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét