Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Lần theo phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ký thông đạt khẳng định phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ là tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia đồng thời nghiêm cấm tự động tiêu hủy

Khối tư liệu phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ chủ yếu được thể hiện bằng chữ Pháp, phản ánh toàn diện các mặt hoạt động của Thống đốc Nam Kỳ từ năm 1858 - năm Phó Đô đốc Rigault de Genounilly giữ nhiệm kỳ Thống đốc đầu tiên ở Nam Kỳ - đến năm 1945. Hiện phông tư liệu này đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP HCM).
Độc nhất và vô giá
TS Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, khẳng định nội dung phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ hết sức phong phú, phản ánh đầy đủ và toàn diện các lĩnh vực chính trị, quân sự, an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội và hoạt động của các đảng phái, đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo ở Nam Kỳ trong thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng gần một thế kỷ. Qua đó thể hiện rõ chính sách cai trị, khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, đồng thời thể hiện rõ tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Bản đồ Sài Gòn 1876 thuộc tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ
Bản đồ Sài Gòn 1876 thuộc tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ
Nhiều năm gắn bó với phông tài liệu, bà Ngô Thị Hiểu, cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, cho biết trong số 26 phông tài liệu thời kỳ Pháp thuộc đang bảo quản tại trung tâm, phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ là phông tài liệu lớn nhất và quan trọng nhất. “Đây cũng là phông duy nhất trong số các tài liệu thời Pháp mà chỉ có ở Việt Nam” - bà Hiểu nhấn mạnh.
Theo bà Hiểu, khối tài liệu hành chính này sản sinh trong suốt quá trình hoạt động của bộ máy chính quyền thuộc địa của Pháp tại Nam Kỳ kéo dài 87 năm, được bảo quản tương đối hoàn chỉnh gồm 2.435,5 m kệ tài liệu với hơn 73.000 tài liệu giấy, ảnh, bản đồ…
Trước đây, phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ bị pha tạp cùng nhiều tài liệu lịch sử khác hay bị phân tán rải rác ở các bộ tài liệu trong kho lưu trữ. Hiện nay, đã có khoảng 570 m tài liệu với 13.000 hồ sơ được chỉnh lý. Ngoài ra, trung tâm cũng dự định tiến hành số hóa bộ tài liệu quý này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu tiếp cận.
Bị bỏ lại Việt Nam vào phút cuối
Một vài nghiên cứu cho thấy Việt Nam đã đồng ý để Pháp đem toàn bộ tài liệu này về nước ngay trong năm 1945. Thế nhưng, vào phút cuối, phía Pháp thay đổi kế hoạch nên lượng tài liệu đồ sộ này bị bỏ lại Việt Nam.
Ngày 8-9-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh thành lập Nha Lưu trữ công văn và thư viện toàn quốc.
Theo TS Phan Đình Nham - giảng viên Bộ môn Lưu trữ học và Quản trị văn phòng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, ngày 3-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Thông đạt số 1C-VP khẳng định “tài liệu này có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”, đồng thời nghiêm cấm tự động tiêu hủy. Cũng vì lý do này mà khối tài liệu được xem “nguy hiểm” và “của địch” này còn tồn tại đến tận ngày nay.
Trong vài thập niên qua, phần lớn tài liệu gần như chỉ nằm trong kho lưu trữ, việc phân loại và nghiên cứu gặp nhiều giới hạn.
Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP HCM)
Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP HCM)
Từng khảo sát, nghiên cứu và sưu tầm tài liệu tại Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Aix-en-Provence (Pháp), TS Đào Thị Diến, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết bà đã có dịp khảo sát rất kỹ tài liệu của phông Đô đốc và các thống đốc Nam Kỳ 1859-1887. Nội dung chính của phông này làm bà nghĩ đến phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ 1859-1945.
Bà Diến nhận định sự tương đồng về lịch sử đơn vị hình thành phông và về nội dung của 2 phông nói trên cho phép chúng ta đặt giả thiết phông Đô đốc và các thống đốc Nam Kỳ đang lưu trữ tại Aix-en-Provence có thể chính là một phần của phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.
Theo bà, nếu những giả thiết trên đây logic thì chúng ta cần tính đến giải pháp hữu hiệu nhất để phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ trở thành phông có “tính xác thực, đầy đủ không thể thiếu”, một “khối tài liệu toàn vẹn và duy nhất đầy đủ về quá trình hoạt động của Phủ Thống đốc Nam Kỳ giai đoạn 1859-1945”.
Trại lao động đặc biệt Bà Rá
Dưới chân núi Bà Rá (huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước), năm 1925, thực dân Pháp đã xây một nhà tù lớn dưới danh nghĩa là trại lao động đặc biệt để giam cầm các chiến sĩ cộng sản Việt Nam và các tội phạm.
Do địa hình nhiều đồi núi nên việc hộ tống tù nhân từ các nơi lên trại tù Bà Rá chỉ được thực hiện bằng đường sắt qua nhiều tuyến khác nhau. Nỗi khổ của tù nhân ở Bà Rá không sao kể xiết: đau ốm, bệnh tật không có thuốc thang, thức ăn khan hiếm lại thường xuyên bị tra tấn, đánh đập dã man.
Theo phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, tù nhân ở đây đã nhóm lên ngọn lửa đấu tranh. Trước sự vùng lên mạnh mẽ của tù chính trị, nhà tù Bà Rá đã đề nghị lên Thống đốc Nam Kỳ chuyển tù nhân đi Côn Đảo, Phú Quốc.
Chính sách của thực dân Pháp chưa kịp thực hiện thì Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tù nhân trại Bà Rá nổi dậy đập tan xiềng xích, trở về chiến khu, quê hương góp phần giải phóng đất nước.
 

Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ có đủ tiêu chí để được lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản Tư liệu thế giới

Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ ở hầu khắp miền Nam, quần chúng nhất loạt nổi dậy. Chính quyền thực dân ở nhiều nơi hoang mang, tan rã. Tuy không giành được chính quyền song cuộc khởi nghĩa đã để lại tiếng vang lớn. Cũng từ đây, lá cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện.
Tù chính trị đấu tranh
Không riêng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1930-1935 cũng được thể hiện rõ nét trong phông tài liệu, đặc biệt là cuộc đấu tranh của tù chính trị.
TS Phạm Thị Huệ, Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Lưu trữ Sài Gòn, dẫn chứng trong báo cáo ngày 4-7-1934, có 5 tù chính trị nổi tiếng và 1 tù thường phạm đã từ chối không đi làm khổ sai. Bị phạt nhốt ở xà lim, họ đã tuyệt thực từ ngày 26 đến 30-6-1934. Tại công văn ngày 29-7-1935 của giám thị trưởng gửi giám đốc Khám lớn Sài Gòn cũng cho biết cuối tháng 7-1935, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu bị Tòa án Sài Gòn xử 5 năm tù; từ ngày 25-6-1935, ông đã tổ chức một cuộc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực ở nhà lao, có cả các tù nhân nữ tham gia.
Công văn số 680 ngày 29-7-1935 của quản ngục gửi giám đốc Khám lớn Sài Gòn về bản yêu sách của nhà yêu nước Trần Văn Giàu và tù chính trị về đấu tranh tuyệt thực
Công văn số 680 ngày 29-7-1935 của quản ngục gửi giám đốc Khám lớn Sài Gòn về bản yêu sách của nhà yêu nước Trần Văn Giàu và tù chính trị về đấu tranh tuyệt thực
Đáp lại, giám đốc nhà tù quyết định phạt ông Trần Văn Giàu và những người bãi công 30 ngày xà lim và bị cắt hết mọi cuộc thăm nuôi và tiếp tế lương thực từ bên ngoài.
Trong khi đó, trước phong trào đấu tranh lên cao, những người tù cộng sản ở Nhà lao Côn Đảo liên tục tổ chức các cuộc vượt ngục đưa cán bộ, đảng viên về đất liền đã làm cho đội ngũ Đảng Cộng sản ở Nam Kỳ ngày càng mạnh.
Chính quyền thực dân cũng phải thừa nhận qua công văn mật ngày 7-2-1935 của thống đốc Nam Kỳ gửi trưởng Nha Cảnh sát: “Bọn vượt ngục ở Côn Đảo, bọn ân xá là những nhân tố gây ra các vụ lộn xộn mới đây. Chúng là cái ngòi cho các cuộc nổi dậy, bạo loạn”. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh ở phiên tòa Đại hình Sài Gòn kết án 119 người, trong đó có nhiều chiến sĩ cộng sản, được gọi là “vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”. Tòa án chính quyền thực dân Pháp đã ra phán quyết 8 án tử hình.
Ngoài ra, theo TS Phan Đình Nham (Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM), phông tài liệu còn thể hiện vụ bắt Hà Huy Tập, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Long; tổ chức ngày giỗ Phan Châu Trinh; tài liệu về hoạt động của cộng sản ở Bà Rịa, Châu Đốc, Long Xuyên, Bạc Liêu, Bến Tre…
Trên đường công nhận di sản
TS Nguyễn Xuân Hoài, nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, từng nhiều năm tiếp cận và bảo quản tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ. Theo bà Hoài, phông lưu giữ nhiều tài liệu vô giá như các bản báo cáo hằng tháng của các tỉnh, thống đốc Nam Kỳ về hoạt động của Đảng và các lãnh tụ, nhà hoạt động cách mạng như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong.... Ngoài ra còn có các thông tư, thông tri, công văn của thống đốc Nam Kỳ và toàn quyền Đông Dương về các biện pháp, âm mưu đối phó của chính quyền thực dân; các tài liệu phân tích, đánh giá nguyên nhân và diễn biến cuộc khởi nghĩa, sự can thiệp của Nhật Bản vào Đông Dương.
“Tài liệu về khởi nghĩa Nam Kỳ thuộc Phông Thủ Thống đốc Nam Kỳ là bản gốc, được sản sinh trong quá trình hoạt động của Phủ Thống đốc Nam Kỳ, ngay trong thời điểm diễn ra sự kiện nên rất giá trị đối với công tác nghiên cứu, làm sáng tỏ các sự kiện, mốc thời gian của Nam Kỳ khởi nghĩa. Đây là tài liệu được chính quyền thực dân Pháp xếp vào loại mật và tối mật” - TS Hoài nhấn mạnh.
Thống kê của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cho thấy Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ là khối tài liệu được các nhà khoa học khai thác nhiều nhất. Từ năm 1976-2013, đã có hơn 600 lượt nhà khoa học trực tiếp đến trung tâm tìm kiếm tài liệu thuộc phông lưu trữ này để thực hiện các công trình khoa học. Mặt khác, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cũng đã đưa gần 30.000 hồ sơ, cung cấp 89.340 trang tài liệu phục vụ hàng ngàn đề tài nghiên cứu, trong đó nhiều cuốn sách và 103 luận án tiến sĩ, 42 luận văn, khóa luận tốt nghiệp.
Hơn 30 năm gắn bó với việc nghiên cứu lịch sử cận đại Việt Nam, PGS-TS Tạ Thị Thúy, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã sớm nhận ra giá trị đích thực của nguồn tài liệu này trong việc nghiên cứu về thời kỳ lịch sử gần 100 năm Pháp thuộc.
“Tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng đây là nguồn tài liệu không thể thiếu đối với những người nghiên cứu về Nam Kỳ nói riêng, về lịch sử Việt Nam cận đại nói chung bởi sự đồ sộ và giá trị thông tin”.
Còn TS Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM, chia sẻ: Tài liệu Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ thực sự là một kho sử liệu có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở thời kỳ cận - hiện đại. Bản thân ông Phước không thể hoàn thành luận án phó tiến sĩ khóa 1 “Lịch sử Nhà tù Côn Đảo (1862-1930)” nếu không có nguồn sử liệu quý này.
Theo TS Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, toàn bộ tài liệu lưu trữ của Phông Phủ thống đốc Nam Kỳ sẽ được hoàn thiện cơ sở khoa học, xây dựng hồ sơ đề cử vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO chậm nhất ngày 31-10 bởi tính xác thực, toàn vẹn, hiếm có và không thể thay thế của tài liệu, các giá trị của tài liệu đối với vùng đất Nam Bộ và Việt Nam, đồng thời tầm ảnh hưởng của tài liệu trong khu vực và trên thế giới.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-9
Bài và ảnh: Phan Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét