Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Bánh xèo Hàng Bàng

Bánh xèo không phải là đặc sản riêng của Cần Thơ nhưng rất nhiều người biết đến món bánh này tại xứ “gạo trắng nước trong”. Mấy năm nay bánh xèo Hàng Bàng được rất nhiều người biết đến vì ngon mà rẻ. Khi có bạn bè, người thân ở xa đến chơi, nhiều người Cần Thơ mời món bánh xèo Hàng Bàng vừa nghe đã thấy lạ lẫm...


Bánh xèo Cái Sơn-Hàng Bàng.
Trong khi nhiều nơi đổ cái bánh xèo to, thêm thắt đủ kiểu thì bánh xèo Hàng Bàng vẫn giữ được cách làm truyền thống: bánh mỏng tan, giòn rụm, nhân thịt vịt xiêm và thịt heo được bằm kỹ và chế biến vừa đủ ăn và đậu xanh, củ sắn. Giá mỗi cái bánh 10.000-15.000 đồng.
Tại quán khoảng 50-60 khách ăn nhưng có khá nhiều người thích mua về cho cả nhà thưởng thức. Lúc cao điểm, 10 bếp nổi lửa đổ bánh xèo vẫn không phục vụ kịp. Nhiều người thưởng thức món bánh tấm tắc: bánh ngon giống với bánh xèo tuổi thơ ở quê của mình!
Bánh xèo Hàng Bàng là tên thực khách đặt cho dễ gọi, dễ nhớ bởi quán nằm trên đường vào khu Cái Sơn-Hàng Bàng (cách cầu Cái Sơn khoảng 300 mét). Ban đầu, quán chỉ mở nhỏ bán cho người dân xung quanh. Nhưng nhờ làm ngon, tiếng lành đồn xa và có được cái tên do thực khách gọi nên địa chỉ ăn uống này nhanh chóng lan rộng, được nhiều người biết đến.
Bánh xèo không thể ăn ít rau. Dĩa rau trên bàn vừa vơi đi một nửa, chị chủ quán đã “châm” thêm cho đầy vun lên để khách ăn thỏa chí. Rau được rửa sạch sẽ, khách ăn không “ngượng miệng”.
Nhiều người đến thưởng bánh xèo Hàng Bàng như để tìm lại hương vị món ăn của mẹ làm...năm xưa!
 
Theo V.Thụy (Cần Thơ Online)

Bánh xèo “chảnh”

Thứ Tư, 08:57  22/05/2013

Cô bạn thân thời phổ thông lập nghiệp ở Sài Gòn ra Quy Nhơn công tác được nghỉ hai ngày cuối tuần, nằng nặc đòi dẫn đi ăn bánh xèo Bà Năm ở Mỹ Cang. Hỏi, đã được ăn bao giờ chưa mà coi bộ “rành” dữ vậy thì bạn cười xòa, bảo chưa ăn, nhưng mà nghe “giang hồ” đồn, muốn đi ăn cho biết…


 

Những chiếc khuôn bánh xèo đang hoạt động hết công suất để phục vụ thực khách.
Đấy là vào sáng thứ Bảy, khi hai đứa đã ngồi yên vị trong một quán cà phê giả cổ ở trung tâm thành phố, với ý định vừa ăn sáng vừa uống cà phê, ngắm biển Quy Nhơn buổi sớm mai. Nhưng bạn đã thích thì chìu, dù biết rằng, đi ăn bánh xèo bà Năm ở Phước Sơn vào giờ này, không chừng “lỗi hẹn” là cái chắc!
Xin lỗi, bánh xèo chảnh!

Đường từ Quy Nhơn lên Mỹ Cang (Phước Sơn- Tuy Phước), nơi có quán bánh xèo “độc nhất vô nhị” ngót hơn hai chục cây số. Vừa đi, vừa nhẩn nha trò chuyện. Này, bạn biết không, đây là cầu Trường Úc. Xứ này chuyên nghề nung vôi. Nghề vôi coi “bạc”, nhưng thắm tình. Chả thế mà phụ nữ Trường Úc có câu ca: Bao giờ Trường Úc hết vôi/Thì em hết đứng, hết ngồi với anh (Thì anh hết đứng, hết ngồi với em).

Trong căn bếp này, bà Năm cùng người cháu gái tất bật đúc bánh xèo.

Xem ra, cái sự “đứng, ngồi” ẩn tình chan chứa. Mình chỉ cho bạn khoảnh đất trống nằm sát bên cầu Lò Vôi có phiên chợ Gò nổi tiếng mỗi năm chỉ nhóm họp một lần vào sáng ngày mùng Một tết. Người bán mang đến chợ các sản vật của địa phương. Nhưng nhiều nhất là trầu, cau. Người đi chợ mua trầu cau để cầu lộc, cầu duyên. Nghe kể, bạn cười ha hả, nếu hết năm nay mình chưa đến số “chống lầy”, thế nào cũng về đây nhờ bạn dắt đi chợ Gò mua chút lộc cầu duyên.
Từ chỗ này, đi chừng hai cây số nữa là đến làng Vinh Thạnh, quê hương của Hậu tổ nghệ thuật Tuồng, danh nhân văn hóa Đào Tấn. Xa hơn chút nữa là xứ sở của nem chợ Huyện. Tay cầm bầu rượu nắm nem… không chỉ là câu ca của riêng xứ Lạng đâu. Rượu Bàu Đá gặp nem chợ Huyện có mà… bốc trời, dân nhậu ví như “mối lương duyên” giữa trai anh hùng và gái thuyền quyên.  Nhưng thôi, hôm nay mình đi ăn bánh xèo. Ăn bánh xèo thì phải rẽ sang đường này…
Qua khỏi cầu Trường Úc đến ngã ba, rẽ qua chợ Bồ Đề, nhằm hướng Phước Sơn, đi gần chục cây số nữa thì tới nơi. Quán bánh xèo bà Năm vốn dĩ là một căn nhà nhỏ, mái lợp tranh, nằm sát bên đường, kế bên chiếc cầu bắc qua nhánh sông, lọt thỏm theo cái nhìn từ trên đường xuống.
Quán không bảng hiệu, nếu không để ý kỹ cũng khó nhận ra. Trước hiên nhà đặt vừa hai chiếc bàn nhựa. Nhà ngang một chiếc. Nhà trên thì tận dụng hai chiếc bàn uống nước. Khoảnh sân be bé giáp với nhà hàng xóm cũng kê thêm một chiếc bàn. Liếc quanh, quán chẳng có gì thay đổi kể từ hơn ba năm trước tôi đến đây ăn bánh xèo cùng với mấy người bạn.
Cách bố trí, bày biện theo kiểu tùy hứng. Mà khách ngồi chỗ nào cũng có thể ngó ra chỗ gian bếp ám khói, hừng hực hơi nóng lò than, nơi chủ nhân như đang “múa” với chục chiếc khuôn bánh xèo hoạt động hết công suất.

Mùi thơm vương vấn cả không gian sớm mai yên bình.

Rủ bạn đi vòng ra phía sau, múc gáo nước lạnh từ cái vò cho bạn rửa mặt, chưa kịp tìm cho mình chiếc bàn trống đề ngồi thì đã chạm mặt anh con trai bà chủ với nụ cười ái ngại:
- Xin lỗi anh chị! Quán em hết bánh rồi.
Hơi ngỡ ngàng nhưng cô bạn chỉ ca bột gạo đang xay dở bên chiếc cối xay bằng đá nơi cửa bếp:
- Còn bột mờ anh!
- Dạ, cái này khách gọi điện đặt trước rồi chị. Mười lăm phút nữa họ tới.
 

Từng tiếng “Xèo”… “Xèo”… đánh thức vị giác của thực khách.
Tôi liếc nhìn đồng hồ: mới có 9 giờ sáng. Vừa ngượng nhưng vừa có cớ “lên mặt” với cô bạn. Xứ mình là vậy đó, đi ăn phải gọi điện thoại đặt trước. Bạn cười, xin lỗi, bánh xèo chảnh… thấy ớn! Nói vậy, nhưng trước khi lên xe trở về Quy Nhơn với cái bụng đói meo, bạn đã kịp “tám” với bà Năm về cách làm bánh xèo, sau đó cẩn thận lưu số điện thoại của anh Tuấn, con trai bà Năm chủ quán.
Trải nghiệm thú vị…

Hôm sau, chúng tôi khởi hành từ Quy Nhơn từ lúc 4 giờ 30. Thật ra, cũng không cần phải đi sớm như vậy vì đã có số điện thoại của anh Tuấn, chỉ cần gọi đặt trước là được. Nhưng bạn giục đi sớm vì có lý do của riêng mình.
 

Bột xay đến đâu, đúc bánh đến đó.
5 giờ rưỡi sáng, quán bà Năm vẫn chưa mở cửa. Mọi người vẫn còn đang lục đục chuẩn bị dưới bếp. Nhìn thấy khách lạ, thoạt đầu bà Năm ngạc nhiên. Nhưng khi nhận ra khách ngày hôm qua “bị” ăn bánh xèo hụt, bà lại xuýt xoa: “Trời đất! Ghiền bánh xèo dữ vậy con?” rồi vội vàng hối cô cháu gái nhanh tay nhặt rau, còn mình thì đi xay bột. Trên bếp, những lò than đã đượm hồng.
Bạn cũng xắn tay áo ngồi phụ nhặt rau. Nhặt rau xong, bạn chuyển qua ngồi xem bà Năm xay bột, tò mò xin được thử quay vài vòng cái cối xay bằng đá nặng trịch. Xay được chừng nửa ca bột, bà Năm quay sang đặt khuôn lên bếp. Bạn lại rón rén đứng nép sau lưng bà Năm với vẻ mặt háo hức…
Sau tiếng “Xèo”  rồi… “Xèo”, một mùi thơm tỏa ra khắp gian bếp ám khói, vương vấn cả không gian sớm mai yên bình.
 

Chiếc bánh xèo vàng ươm rời khuôn, với mùi thơm quyến rũ.
 “Bánh xèo đúc tới đâu, ăn tới đó mới ngon, con à!”. Hai chiếc bánh xèo đầu tiên, nóng hôi hổi do chính tay bà Năm bưng ra chiếc bàn đặt giữa sân dành cho khách.
Tay cầm kéo cắt chiếc bánh xèo dòn rụm làm đôi, đặt lên miếng bánh tráng nhúng trải sẵn trên chiếc đĩa, nhặt từng loại rau sống trải đều lên trên sau đó cuốn lại. Giờ chỉ việc chấm cuốn bánh xèo vào chén nước mắm pha tỏi ớt và xoài băm có đủ 4 vị: mặn, ngọt, chua, cay. Từng thao tác quen thuộc nhưng thấy bạn lóng ngóng đến tội nghiệp. Trong khi đó, bà Năm ngồi bên cạnh đon đả: “Có ngon không con? Ăn hết đi rồi bà đúc nữa”.


Sự kết hợp hài hòa về màu sắc và mùi vị.
Theo cách diễn giải của bà Năm, chẳng có ‘bí quyết” nào cho món bánh xèo của bà. Quán bánh xèo của bà Năm tồn tại đã hơn 20 năm. Quán không có bảng hiệu nhưng tên quán thì nằm ngay trong chính tâm thức của thực khách. Nào là Bánh Xèo tôm nhảy. Nào là bánh xèo Mỹ Cang. Nào là bánh xèo bà Năm Phước Sơn… Khách ngồi ăn, bà Năm đon đả đến trò chuyện, hỏi thăm có vừa miệng hay không. Bà cũng không ngại ngần chia sẻ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức làm nên chiếc bánh xèo.
Nguyên liệu tuy mộc mạc, dân dã nhưng cũng có chút cầu kỳ theo cách riêng. Lệ thường, 4 giờ sáng bà Năm đi bộ xuống chợ Gò Bồi mua những mớ rau tươi còn ướt đẫm hơi sương vừa cắt ra từ vườn nhà. Anh Tuấn, con trai bà Năm thì chạy ra xóm Dương Thiện mua tôm. Tôm làm bánh xèo phải chọn kỹ, là thứ tôm đánh bắt đêm hôm từ đầm Thị Nại, phải còn sống nhảy tanh tách, mang về lặt bỏ đầu, đuôi. Rau sống nhặt kỹ, rửa sạch để ráo nước, trộn thêm dưa leo cho đủ vị.
Khi mọi thứ xong xuôi bà Năm mới đi xay bột. Để thực khách cảm nhận được vị tươi ngon của bánh xèo, bột xay tới đâu, đúc bánh tới đó. Bột gạo nguyên chất, bà chỉ “chấm” thêm một chút đường thắng “lấy màu” chứ không pha trứng hoặc nghệ như những nơi khác thường làm.

Thưởng thức bánh xèo trong không gian tĩnh lặng của miền quê.
6 giờ, quán bắt đầu mở cửa đón khách. Khách đến, bà Năm bắc những chiếc khuôn lên lò than hồng. Rưới dầu phộng tráng khuôn. Dầu “tới” thơm lừng bà mới nhẹ nhàng trải tôm lên bề mặt khuôn. Lửa gặp hơi dầu cháy phừng phừng trên mặt khuôn khiến những con tôm đầm chuyển mình sang sắc đỏ. Múc một vá bột, bà nghiêng chiếc khuôn để bột chảy đều trên bề mặt. Tiếng “xèo”, “xèo” vang lên như đánh thức vị giác của thực khách. Tiếp đến, bà Năm rải thêm ít giá đỗ, hành chẻ lên bề mặt bánh, đậy vung và chuyển khuôn sang lò than khác lửa dịu hơn để bánh chín đều.
Chỉ cần nhìn chiếc bánh xèo vàng ươm vừa rời khuôn, khói bốc nghi ngút kèm theo mùi thơm hấp dẫn, thực khách sẽ thấy quãng đường xa của mình đã được đền đáp. Khách của quán bánh xèo bà Năm chủ yếu từ Quy Nhơn hoặc xa hơn, đến đây qua lời giới thiệu của bạn bè.

Quán Xèo “chảnh”.
Nhìn cách bạn thưởng thức, nhìn ánh mắt của bạn, nhìn cách bạn lăn xăn phụ nhặt rau, xay bột rồi đứng thập thò trong bếp sau lưng bà Năm, mình biết hôm nay không chỉ đơn giản là bạn được thưởng thức món bánh xèo độc đáo đúng như “giang hồ” đồn đại. Mà có những điều khác lớn hơn, đang “trở về” với bạn. Những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu dưới mái nhà tranh, căn bếp ám khói, món bánh xèo ngày mưa dầm của ngoại và ánh mắt “háu đói” trẻ con váng vất theo mùi dầu cháy trên bếp than hồng. Tất cả như ùa về…
Và bạn đã đúng! Đi xa để trải nghiệm nhưng đó cũng là cách gần nhất để trở về.
Theo Sơn Phạm (Bình Định Online) 
 

Bánh xèo Cao Lãnh - hương vị khó quên


Làng bánh xèo Cao Lãnh (Đồng Tháp) với trên chục quán nằm dọc theo sông Cái Sao Thượng thuộc đường Lê Duẩn, phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh. Hơn 15 năm tồn tại, hương vị món bánh xèo dân dã nơi đây đã làm nao lòng biết bao thực khách phương xa và những người con xa xứ.


Hấp dẫn bánh xèo mới ra lò
Hấp dẫn bánh xèo mới ra lò
Các quán bánh xèo nơi đây phục vụ cả ngày nhưng đông khách nhất là vào mỗi buổi chiều. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, làng bánh xèo lại nhộn nhịp cả ngày. Những ngày này, thực khách không chỉ là dân địa phương mà còn nhiều dân từ các tỉnh, thành khác.
Là dân Vĩnh Long mới qua Đồng Tháp, nghe những thông tin về làng bánh xèo Cao Lãnh qua lời giới thiệu của một số bạn bè thấy thú vị, lại là người có “tâm hồn” ăn uống, thế là tôi quyết định làm chuyến thực tế về làng bánh xèo Cao Lãnh.
Chiều 30/4, được nghỉ lễ, tôi phóng lên xe dạo một vòng quanh làng bánh xèo, nào bánh xèo Hồng Ngọc, Thành Ngọc, Cây trứng cá, Út Nàng,... quán nào cũng đông khách. Quan sát một lượt tôi quyết định ghé vào quán bánh xèo mang cái tên rất đổi chân phương, mộc mạc: Bánh xèo Út Nàng. Quán khá đông khách, có cả xe du lịch mang biển số Sài Gòn đậu trước quán.
Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy các đầu bếp của quán điệu nghệ trổ tài ngay trước mặt thực khách. Một người phụ trách cùng lúc cả 4 chảo, thực khách vào quán ai cũng được thưởng thức những chiếc bánh nóng giòn bốc khói.
Chờ chưa đầy 5 phút, tôi đã có 2 chiếc bánh chín vàng, để trên chiếc đĩa trắng, nóng hổi, ẩn bên trong là màu trắng của giá, sắc đỏ tươi của tép,... trông thật hấp dẫn.
Nhìn đĩa bánh xèo, tôi tấm tắc khen, các đầu bếp với nét mặt vui vẻ vừa đỗ bánh vừa bật mí: “Để bánh vừa giòn vừa dai, thơm vị dừa mà không quá béo thì bột bánh phải làm từ gạo ngon, thêm ít đậu xanh xay nhuyễn trộn với nước cốt dừa... đặc biệt lúc đỗ bánh phải canh lửa nhỏ và đỗ thật mỏng đều khắp mặt chảo”.
Nước chấm đi kèm cũng được pha chế rất khéo từ nước mắm và gia vị, có vị chua the của chanh và phảng phất vị cay nhẹ của ớt thêm ít cà rốt, củ cải trắng cắt sợi đem đến hương vị rất quen mà lạ. Rau ở đây cũng thật tươi ngon, có cả các loại rau vườn đặc trưng ăn bánh xèo như: lá bằng lăng non, lá cách, đọt soi nhái,...
Tôi xé một miếng vỏ bánh vàng ruộm, thêm nhân, rau cuốn thành cuốn. Tai nghe được tiếng bột “xèo” trên mặt chảo nóng; mũi ngửi hương thơm lựng; mắt nhìn được đủ sắc màu vàng óng của bánh, xanh mượt mà của rau và đỏ au của nước mắm ớt.
Cuộn miếng bánh xèo từ từ cho vào miệng, bao nhiêu hương vị mặn, ngọt, chua, cay như thay nhau đánh thức toàn bộ vị giác. Đúng là thú vị khi thưởng thức món ăn đơn sơ mà tinh tế đến tuyệt vời này.
Ngồi ăn cùng bàn với tôi, chị Phương Thị Mỹ Nhiên quê ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre cho biết: “Một năm tôi cũng đôi, ba lần qua đây công tác, mỗi lần đi công tác tôi đều ghé đây ăn bánh xèo. Ở đây, quán nào cũng bán ngon và có vị lạ của nó. Có quán làm da bánh rất giòn ăn không ngán, lại có nơi làm nhân vô cùng vừa miệng khiến tôi cứ muốn ăn hoài, giá bánh lại rất bình dân, tùy loại nhân: thịt heo, thịt vịt, tôm mà giá dao động từ 13 - 15 ngàn đồng/cái”.
Anh Nguyễn Minh Hiếu ngụ phường 4, TP Cao Lãnh (đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ: “Cuộc sống khiến tôi nay đây mai đó và cũng được thưởng thức nhiều món lạ, thế mà tôi không sao nguôi nhớ món bánh xèo thơm ngon của quê mình”.
Theo Bích Liễu (Đồng Tháp Online)

Đến đầm Chuồn đi tủ, ăn bánh xèo... cá kình

Thứ Ba, 09:23  11/10/2011

Khi thực hiện ký sự “Dọc miền sóng nước”, chúng tôi có dịp lênh đênh trên nhiều vùng thuộc hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, nhưng có lẽ không có nơi đâu mật độ nò sáo dày đặc như ở đầm Chuồn. Chợt nghĩ đến tư duy quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên đầm phá của cả chính quyền và người dân.


Tài nguyên thiên nhiên không bao giờ là vô tận, dù rằng ở một thời điểm nào đó nó có phong phú đến nhường nào. Sống dựa vào thiên nhiên nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt thì những gì diễn ra là điều có thể nhận biết trước. Trước khi thuê thuyền ra đầm phá, chúng tôi ghé vào thưởng thức một ít đặc sản làng Chuồn: “Bánh xèo cá kình”. Những quán bánh nhỏ nằm rải rác khắp làng; có vẻ như ai cũng muốn tìm kiếm một cơ hội mưu sinh trong một điều kiện quá chật hẹp.
Nhân đây cũng xin cung cấp cho các bạn vài thông tin về món đặc sản trứ danh này của làng Chuồn. Vào buổi sáng, cá từ đầm phá được đưa vào còn tươi nguyên. 5 loại cá nổi tiếng thơm ngon của đầm phá là cá ong, cá dìa, cá mú, cá nâu, và cá kình. Thịt cá dai, thơm, ngọt. Phần lớn người ăn bánh xèo cá kình làng Chuồn là tự mình mua cá, mua tôm. Cũng có thể họ không phải mua mà tự tay mình đánh bắt được từ đầm phá, rồi đem đến các quầy bánh xèo nhờ đổ bánh. Những quầy bán bánh xèo chỉ có nguyên liệu là bột. Tiền thu được là tiền công đổ bánh.
Một Sớm đầm Chuồn. Ảnh: nhiepanh.vn
Trên đầm Chuồn có nhiều chiếc thuyền ngư dân dùng để ở như những ngôi nhà di động, mặc dù sau công cuộc định cư cho người dân thủy diện, họ đã có chỗ ở trên bờ. Có những quầy tạp hoá nổi giữa đầm phá mà ghe thuyền cũng vào ra tấp nập.
Vào khoảng 9 giờ sáng, trên một hàng tạp hoá nổi trên đầm Chuồn, chúng tôi gặp ba chàng thanh niên ngồi lai rai. Chuyện trò, họ cho biết, do đi làm cả đêm, bây giờ là lúc rảnh rỗi gặp nhau, có mấy con hàu làm mồi nên lai rai mấy chai. Họ là những người hiếu khách.
Suốt chiều dài hình thành và phát triển, đầm phá đã sản sinh ra rất nhiều nghề. Có những nghề đánh bắt thuỷ sản hết sức độc đáo mà không có chuyến đi này chúng tôi không bao giờ hình dung được. Đây là những nghề, chỉ có những người sống lâu năm gắn bó với đầm phá, biết được đặc tính của từng loài mới đánh bắt được.
Sự độc đáo và thú vị của nghề cào lươn, nghề đi tủ đã kéo chúng tôi cả một ngày lênh đênh theo những ngư dân. Nghề cào lươn, đã và đang là kế sinh nhai của khoảng 4 hộ gia đình trên đầm Chuồn. Sở dĩ ít người làm nghề này là bởi không phải ai cũng hành nghề được. Làm nghề phải có kinh nghiệm, hiểu cặn kẽ môi trường sống, đặc tính của con lươn, nên có thể nói đây là nghề cha truyền con nối.
Lươn là loài sống được cả trong môi trường nước ngọt và lợ. Chúng sống trong các hang ngách, dưới các lớp đất bùn với độ sâu khoảng 10 đến 20cm. Nắm bắt được những đặc tính trên, những cư dân của vùng sông nước, với trí thông minh và tài sáng tạo của mình đã khai sinh ra cái nghề cào lươn.
Chỉ với một cán tre dài khoảng từ 2 đến 2,5m dùng để làm cán của cây cào cộng với một lưỡi cào bằng kim loại là đủ để tạo ra vật dụng chính tiến hành nghề cào lươn. Chỉ cần có thế, một cư dân với một cây cào trong tay đã không chỉ nuôi sống biết bao thế hệ người dân miền sông nước, hơn thế nữa nó còn là nguồn cội khai sinh và làm phong phú thêm cẩm nang ẩm thực với những món ăn khoái khẩu mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền sông nước đầm phá.
Chiếc thuyền mỏng manh tiếp tục rẽ nước đưa chúng tôi về vùng đầm phá ở các xã Phú Thuận, Phú Hải. Ngày hôm ấy, duy nhất chỉ có một chiếc thuyền làm nghề đi tủ mà chúng tôi bắt gặp sau khoảng 2 tiếng đồng hồ tìm kiếm. Cái nghề này cũng rất lạ. Dụng cụ chỉ là một tấm lưới nhỏ có chức năng như một cái đó đặt ở một nơi cố định. Và một dụng cụ khác để bủa cá là một dây thừng to và dài. Dụng cụ này chỉ để đánh được duy nhất loài cá bống.
Với đặc tính cá bống sống và di chuyển ở tầng đáy, khi đặt lưới xong, chiếc thuyền bắt đầu chạy một hình vòng cung, vừa chạy vừa thả dây. Cứ thế, chiếc dây thả sát đáy khép dần. Cá bống thấy sự nguy hiểm cố chạy để tránh chiếc dây. Chúng không ngờ chiếc lưới đặt sẵn để đợi chúng còn nguy hiểm hơn gấp ngàn lần. Một mẻ đánh như thế kéo dài khoảng 30 phút. Mỗi ngày, ngư dân đánh khoảng mười mấy mẻ tùy theo sức lực của mình. Khó nhọc nhưng họ cũng đủ sống.
Sự mênh mông của đầm phá đã tạo nên một đời sống riêng có của mình. Muôn hình muôn vẻ và cực kỳ sinh động. Gắn mình với lênh đênh sóng nước, chúng tôi có cảm giác mọi việc đối với người dân đều trở nên đơn giản. Đơn giản đến độ khoán đạt. Có lẽ ít có bộ phận dân cư nào có phẩm chất này.
 
Theo Lê Phương (Thừa Thiên-Huế Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét