Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Ốc đảo giữa Sài Gòn

Mấy chục năm, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, ốc đảo xóm Gò, ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM vẫn như ngày nào. Con đường nhỏ hun hút chạy quanh ốc đảo thấp thoáng vài mái nhà lá, nơi có những người dân đang sống một cuộc đời gần như tách biệt với thế giới náo nhiệt bên ngoài.
“Sài Gòn thế kỷ trước”
Cách khu đô thị Phú Mỹ Hưng hoa lệ chừng 6km và Quốc lộ 50 nhộn nhịp chỉ 2km, xóm Gò như một vùng đất bị lãng quên. Nơi đây có những con người âm thầm sống, âm thầm bám trụ. “Đây là Sài Gòn của thế kỷ trước”- ông Võ Tấn Đại, 76 tuổi, một lão nông nói.
Bà Trương Thị Hoa đang tách lấy bồn bồn. Ảnh: M.T

Bao quanh xóm Gò là những con rạch mấy năm nay vẫn bốc mùi hôi thối. Để vào được “ốc đảo” này bằng đường bộ, chỉ có duy nhất một cách là đi qua cây cầu Xóm Gò bắc ngang kênh Cống Lớn. Sau đó để đến từng nhà cứ chạy theo con đường chính được rải đá dăm bề ngang vừa đủ một chiếc xe máy. Hai bên đường là cây bình bát, dừa nước, cỏ dại, tràm và những ao bồn bồn.
Cách đây hơn một năm, chưa có cầu, mỗi khi có việc người dân phải đi đò qua hoặc đợi nước xuống, đi trên cây cầu làm bằng cây ngập dưới nước trơn trượt. Cách đây một năm, khi có cầu và có điện, sinh hoạt người dân mới thay đổi đôi chút khi có tivi, có điện thoại. Tuy nhiên, dường như thay đổi cũng chỉ bấy nhiêu đó khi cuộc sống vẫn bình lặng như thuở nào.
Trồng bồn bồn, chặt lá dừa nước, nuôi cá hoặc tôm là 3 công việc mà những người dân của “ốc đảo” làm kiếm sống lâu nay. Ngoài những việc này, nơi đây không thể tìm thêm được bất cứ nghề nào khác. Cần câu cơm chính của người dân nơi đây lại phụ thuộc tất cả vào tự nhiên, nhất là chất lượng nguồn nước.
Đàn bà bỏ chạy
“Chặt dừa nước thì không nhiều tiền. Dân trong xóm đa số trồng bồn bồn với nuôi cá. Bồn bồn lúc được mùa thì mất giá, chỉ 3-4 ngàn 1kg. Lúc lên 12 ngàn như bây giờ thì chết gần hết vì nước ô nhiễm quá” - ông Đại cho biết.
Bồn bồn là một loại rau được bà con trồng trong ao, không bón phân hay phun thuốc mà để tự lớn. Tuy nhiên, để có được chục ký lô bồn bồn, người dân phải ngâm mình trong nước cả ngày trời. Công việc này khiến nhiều người làm một lần rồi không dám lần thứ hai, bởi nước ở đây mấy năm nay liên tục bị ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước cách đó không xa.
Bà Trương Thị Hoa, người có thâm niên với nghề cho biết, sau khi ngâm mình dưới ao, khi về phải ngâm mình trong nước nóng có pha nước vệ sinh. Sau đó tiếp tục thoa phấn em bé lên vùng bị ngứa thì mới không bị chúng hành hạ. “Lớn rồi mà cứ như em bé, nhà lúc nào cũng phải có phấn rôm” - bà Hoa cảm thán.
Nhà bà Hoa có tới 3 ao bồn bồn, mỗi năm thu nhập cũng hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay vì nước bị ô nhiễm nặng quá nên bồn bồn không lên nổi, bà “không thu được một cắc” nào. Đã vậy, “Ở đây, nắng thì không sao chứ trời mưa là mùi hầm cầu, mùi rác, mùi nước tiểu đến đau đầu, xây xẩm, muốn ói. Nhiều lúc nửa đêm mà mùi hôi xộc thẳng vô tận nhà, không biết chạy đâu cho thoát. Nằm trong nhà mà như đang bị tra tấn” - bà Hoa cho biết.
“Hồi tôi mới về buồn muốn khóc. Ở quê dù lạc hậu nhưng cũng có người, có hàng xóm, đường sá dễ đi. Lên trên này, nghe tiếng là Sài Gòn nhưng quanh năm suốt tháng chỉ thấy mặt chồng, người lạ hiếm khi nào gặp. Đã vậy, mỗi lần định bụng ra đường lộ mua sắm, đi chơi, nghĩ đến đường đi là hết muốn” - chị Võ Thị Thu Thảo, quê ở Tiền Giang, làm dâu xóm Gò hơn 2 năm cho biết.
Chính vì khổ sở như vậy nên thanh niên trai tráng trong làng, nhất là con gái khi lớn lên đều đi nơi khác làm việc, lấy chồng. Ông Đại nói đùa mà cũng thật: “Xứ này hiếm hoi đàn bà vì chúng lớn lên bỏ đi làm xa hết. Người lạ thì không ai dám tới. Nhưng ai có vợ ở xứ này thì yên tâm, bởi cả ngày cặm cụi với bồn bồn, với dừa nước, với cá thì tối về mệt chỉ có ngủ. Muốn đi chơi thì xách đèn pin đi xa lắc, lúc về đường vắng chắc gì dám về”.
Xóm Gò gồm 23 tổ dân phố với hơn 170 hộ dân sinh sống tản mác trên diện tích hơn 300ha. Bao bọc chung quanh xóm Gò là các con rạch: rạch Cống Lớn, rạch Chiếu, rạch Vắng, rạch Bà Lào khiến vùng đất này trở thành một cù lao tách biệt với Sài Gòn.
 Minh Trí(Dân Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét