Bánh
cuốn hấp dẫn ở vị dẻo dai và hương thơm của hạt gạo Cao Bằng, lại có
cách thưởng thức riêng biệt khiến chỉ cần nhắc tới tên, người hiểu biết
đã có thể hình dung ngay trong đầu hình ảnh giản dị mà đê mê của thứ đặc
sản vùng cao. Bánh không được ăn cùng nước chấm pha mắm thông thường mà
quyện vị trong nước canh xương, thoảng thơm vị ớt cùng măng ngâm mác
mật.
Bánh
cuốn ngon trước hết phải từ hạt gạo ngon. Tinh túy từ hạt gạo Cao Bằng
chắt chiu tạo nên loại bột bánh hảo hạng trứ danh. Không phải loại gạo
nào cũng có thể làm bánh cuốn. Gạo dẻo quá hay khô quá đều khó lòng làm
nên thứ bột tráng bánh trắng mịn, thơm tho. Tuy vậy nhưng hạt gạo Cao
Bằng vốn đã được ưu ái cho sự dẻo bùi, nên để lựa gạo làm bánh cuốn quả
có cầu kì, nhưng cũng không làm khó được các bà, các mẹ. Khâu lựa gạo,
ngâm gạo đều được người làm bánh chuẩn bị sẵn sàng từ trước nhưng thông
thường để kịp buổi chợ sáng, các chủ quán thường dậy bắt đầu công việc
chế biến từ 4-5 giờ sáng. Khi này bột gạo mới được xay xát. Nếu xát bột
trước từ tối thì mùa nóng bột sẽ chua, mùa đông bánh cũng kém ngon. Gạo
tẻ ngon sau khi được vo, đãi sạch sẽ được nghiền thành bột loãng, Mức
độ loãng bao nhiêu để tráng được bánh không bở mà còn dai là bí quyết
của mỗi người. Bánh cuốn không tráng trước, chờ khi nào khách gọi, người
chủ mới nhanh tay tráng bột, cuốn bánh nhưng các nguyên liệu như trứng
gà, thịt băm thì có thể xào sẵn trước để thêm vào nhân bánh.
Bánh
cuốn Cao Bằng đặc biệt nhất ở nước dùng. Không như người Hà Nội, Hà Nam
chấm bánh vào nước mắm gia giảm chua ngọt, người Cao Bằng nhúng bánh
cuốn trong thứ nước dùng ninh từ xương ngọt ngào. Cũng bởi lẽ đó nên
nhiều người cũng gọi bánh cuốn Cao Bằng là bánh cuốn canh, để phân biệt
với loại bánh cuốn chấm nước mắm của người miền xuôi. Nước canh ninh từ
xương lợn từ tối hôm trước, nên khi chan ra bát là thấy rõ hương tủy
xương thơm lựng, ngọt lịm. Mỗi bát nước dùng lại được thêm vào vài thìa
thịt băm nhuyễn, rắc chút hành hoa mỡ màng mà mướt mát.
Người
thích ăn bánh cuốn canh không, người lại muốn thêm thắt hương vị bằng
quả trứng hay miếng giò. Giò ăn thêm thì không thể đòi hỏi sự kì công
của chủ quán, nhưng riêng với trứng, tùy yêu cầu của khách mà có thể
chần chín bằng nước canh, hoặc hòa tan vào miếng bánh đang tráng còn
nóng hổi trên khuôn.
Đĩa
bánh cuốn mang tới bàn, cả bánh và nước dùng đều nghi ngút khói hơi.
Người thích dùng đũa nhấc từng miếng nho chấm vào bát canh như cách ăn
bánh cuốn miền xuôi nhưng thông thường người Cao Bằng thả hẳn bánh cuốn
vào bát, rồi dùng thìa đũa ăn khi người ta ăn bún, ăn phở. Người miền
khác tới đây, thử cách ăn này cũng thấy muôn phần thú vị. Ăn bánh cuốn
có thể dùng kèm tương ớt. Thứ tương ớt Cao Bằng đặc biệt ở chỗ sẽ có
thêm vị quả mắc mật mang vị thơm rất riêng. Cũng tùy khẩu vị mà người ăn
có thể gia giảm thêm giấm tỏi, tiêu, chanh...
Buổi
sớm miền núi bắt đầu bằng bát canh nóng, đĩa bánh cuốn nhân thịt mềm
mịn, thấy vừa no dạ vừa thư thái. Mùi thơm của bánh cuốn đặc trưng, thơm
lừng cả một góc chợ, mùi của thịt, của bánh, của nước canh quyện trong
không khí. Hàng nào bánh ngon, nước dùng cũng ngon chắc chắn đông khách
đáo để, người ra kẻ vào tấp nập, ấm cúng tiếng nói cười.
Bánh
cuốn Cao Bằng giản dị mà lừng danh như một thứ quà vùng cao đầy lưu
luyến. Bất cứ ai đã từng thưởng thức đều không thể quên vị dẻo thơm tinh
túy của món ăn này.
Theo Depplus
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét