Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì: “Nhân lúc vua ăn yến ban đêm,
say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt
Vương Liễn”. Việc ấy nhằm năm Kỷ Mão (979).
Tượng vua Đinh Tiên Hoàng (Nguồn: Internet)
Theo Việt sử diễn âm, chính là nhằm ngày Tết thượng nguyên:
Tiết vừa chính nguyệt thượng nguyên/ Vua cùng Thái tử mở đêm chơi bời.
Tiệc thôi say rượu nằm ngơi/ Trùng môn để vắng chẳng ai giữ cầm.
Xẩy có gian thần bạn tâm/ Tên là Đỗ Thích ở cùng chân tay.
Vua cùng Thái tử cơn say/ Đỗ Thích giết cả hòa hai chẳng vì.
Ngoài sử liệu được nói đến ở trên, tại
đất Hoa Lư, sự biến động lớn lao này được người dân truyền tụng với một
lý do hết sức đặc biệt, và nó còn truyền mãi đến tận ngày nay. Theo dã
sử và giai thoại ở Hoa Lư, trước đây Đỗ Thích vốn thân phận hèn kén,
nhưng trong thời loạn thập nhị sứ quân, hắn có công cứu vua thoát nạn
trong một trận đánh nên sau khi nên ngôi, nhớ ơn ấy, Đinh Tiên Hoàng đã
cho Đỗ Thích làm Chi hậu nội nhân lo việc phục vụ ăn nghỉ của vua.
Lo việc phục vụ cho vua, Đỗ Thích biết
tất cả những thói quen ăn uống, tính cách của đấng quân vương. Trong
việc ngự lãm, hắn biết Đinh Tiên Hoàng ngay từ thời còn chăn trâu với
chúng bạn, đã từng được mẹ làm thịt lợn khao lũ mục đồng. Ngay từ dạo ấy
Đinh Tiên Hoàng đã thích ăn lòng lợn.
Nhân có đêm mơ thấy sao sa vào miệng,
tưởng sắp được làm vua, nên khi cho rằng thời cơ cướp ngôi đã đến, trong
tiệc ngự thiện đêm tháng 10, Đỗ Thích liền tẩm độc vào đĩa lòng lợn đã
chuẩn bị sẵn. Đúng món khoái khẩu, cha con họ Đinh ăn xong trúng độc mà
mất. Chính vì đĩa lòng lợn tẩm thuốc độc của Đỗ Thích, cha con Đinh Tiên
Hoàng tuyệt mệnh, còn nhà Đinh cũng tuyệt dòng đế vương mãi mãi. Sự thể
đau đớn đó dẫn tới việc tục khi cúng giỗ vua Đinh thì tất cả lục phủ
ngũ tạng của lợn, dê, bò,… đều phải bỏ đi. Bởi nó gợi nhắc nhắc đến món
lòng tẩm thuốc độc đã hại chết vua Đinh ngày đó.
(Dân Việt)
•
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét