Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Những món ngon ở Yên Bái đừng nên bỏ lỡ

man_tam_hoa
Yên Bái không chỉ có thị xã Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải mù sương cùng những cô gái Thái xinh đẹp. Những món ngon ở Yên Bái đừng nên bỏ lỡ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về ẩm thực mảnh đất hùng vĩ này.
1. Khoai tím Lục Yên
Khi có dịp lên huyện Lục Yên – tỉnh Yên Bái, du khách có thể thưởng thức món khoai mon (khoai tím) Lục Yên hầm xương lợn. Món ăn nhìn qua thấy bình thường, nhưng ăn rồi thì khó quên. Nó bùi, béo, dẻo, bở và có mùi thơm riêng biệt của khoai mon nơi đây mà không có thứ khoai nào có được.
khoai_tim [1]
Đồng bào ở miền núi gọi đó là khoai Dao, khoai Xá vì chỉ có người Dao, người Xá mới trồng được trên nương của họ. Nhiều người khác còn gọi là khoai mon, họ giải thích câu “Lên rừng nhớ vợ, nhớ con. Về nhà nhớ củ khoai mon trên rừng”, ngụ ý: Khoai ngon đến mức mà người từ biên ải được trở về xuôi sum họp với gia đình rồi lại thấy nhớ da diết củ khoai mon như khi ở trên rừng nhớ những người thân yêu nhất nơi quê hương miền xuôi.
2. Mật ong rừng Tây Bắc
Rừng đại ngàn Tây Bắc rộ nở bao nhiêu loài hoa rừng. Trên những triền nương, trong vườn nhà hay trong những trang trại, bạt ngàn hoa đào, hoa ban, hoa nhãn, hoa xoài… khoe sắc, đua hương.
Ở đâu, ta cũng thấy những con ong náo nức trong nắng hồng, cánh nhỏ rung rung say sưa hút mật, gom nhụy. Những đôi chân nhỏ bé dính đầy phấn hoa đã vô tình thụ phấn cho hoa, làm cho mùa quả ngọt thêm trĩu cành sai trái….
mat_ong [2]
Trên các nẻo đường Tây Bắc, những chàng trai người Mông vai đeo lù chở chất đầy những tầng ong ăm ắp mật. Khách mua được người bán vắt ngay tại chỗ.
3. Măng rừng Yên Bái
Rừng Yên Bái có vô số các loại măng: Măng nứa, măng vầu, măng sặt, măng lay, măng trúc, măng giang, măng mai, măng tre… Mỗi lọai đều có hương vị riêng rất độc đáo, mà thực khách dù chỉ mới được thưởng thức một lần cũng không thể nào quên.
mang_rung [3]
Măng nứa mỏng, trắng ngần, dùng để xào với tỏi xém cạnh ngon tuyệt trần, còn nếu phơi khô, mỗi khi ăn hầm với xương, nhiều người sành còn thấy ngon hơn cả măng lưỡi lợn.
Măng vầu đặc hơn măng nứa, để luộc hay xào đều thi vị. Nếu như măng vầu ngọt có vị như đã cho mì chính khiến thực khách không khỏi trầm trồ, thì măng đắng lại có hậu trong cái dư vị nhằn nhặn trên đầu lưỡi.
4. Mận tam hoa Mù Cang Chải
Mù Cang Chải không chỉ nổi tiếng với ruộng bậc thang, kỳ quan do bàn tay con người tạo nên, nổi tiếng với những phiên chợ vùng cao người Mông lung linh màu sắc mà còn làm say lòng du khách bởi hương vị đậm đà, giòn tan của mận tam hoa.
man_tam_hoa [4]
Ở nước ta vốn đã rất nổi tiếng với mận tam hoa Bắc Hà, Lào Cai nhưng có lẽ nhiều người dân Yên Bái dù đi xa vẫn khó có thể quên cái vị đậm, chua nhưng không gắt, hơi giòn và rất ngon của mận tam hoa Mù Cang Chải.
Mận tam hoa Mù Cang Chải quả to, màu đỏ, thịt bên trong hồng tươi, ngoài phủ một lớp phấn trắng mịn, sẽ làm cho du khách cảm nhận được sự tinh khiết, trong lành của thiên nhiên vùng du lịch sinh thái đầy hấp dẫn và hứa hẹn.
5. Cam Văn Chấn
Bắt đầu vào đầu đông, trong các vườn, triền đồi từ Cát Thịnh, thị trấn Trần Phú đến Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn (Yên Bái) vàng rực một màu cam chín.
Do địa hình đồi núi nên cây cam cũng được trồng theo tầng như trồng rừng: trên cao nhất của sườn đồi là trồng cam chanh; xuống dưới là cam sành và dưới thấp nhất là cam sen hoặc quýt.
cam_van_chan [5]
Trong số loài cây ăn quả bản địa có những cây bưởi ngọt, bưởi chua gốc to cả người ôm, quả sai trĩu cành, da mỏng, múi mọng. Bưởi ngọt, thì ngọt mát có mùi thơm dịu, bưởi chua vẫn có vị ngọt riêng không quá gắt như nhiều giống bưởi chua khác.
6. Bánh chim Gâu
Bánh chim gâu – một trong những món ăn được coi là đặc sản ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Gọi là đặc sản bởi sự cầu kỳ trong cách làm bánh và câu chuyện về chiếc bánh mang ý nghĩa của tình mẫu tử này. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp và không thể thiếu được lá dứa rừng – thứ lá giờ được nhiều không ít gia đình mang về trồng quanh nhà để đồng bào lấy làm vị thuốc chữa bệnh dạ dày.
banh_chim_cau [6]
Cầu kỳ hơn, người làm bánh có thể trộn thêm một chút đỗ xanh, hay nhuộm gạo các màu bằng các loại lá cây hoặc ngâm gạo bằng nước tro nẳng để tạo thêm hương vị khác nhau.


Bánh chim gâu giờ không còn là món ăn trong gia đình vào những ngày rằm, ngày tết mà đã vượt ra khỏi ranh giới ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào đến với các lễ hội. Và có thể nhờ thứ lá vỏ bánh và vị thuốc chữa một số bệnh mà bánh chim gâu trở thành đặc sản được các thực khách yêu thích.
Phương Thảo(tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét