Về xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi được già
làng Côn Liên (76 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã, kể về phong tục tôn
thờ cây lúa của đồng bào Pa Kô trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Già Côn Liên cho biết, đồng bào dân tộc
Pa Kô có rất nhiều phong tục tập quán, trong đó tục thờ cây lúa. Người
Pa Kô tôn thờ cây lúa như đấng tối cao, vì vậy họ có những “vương phép”
hết sức ngặt nghèo để bảo vệ cây lúa.
Có 3 điều cấm kị trong phong tục thờ cây
lúa của người Pa Kô. Thứ nhất, khi hạt lúa đã được trỉa trên nương thì
những người phụ nữ đến ngày có kinh nguyệt không được bước chân vào rẫy.
Lý do được già Côn Liên giải thích là do lúa không thích người dơ bẩn.
Những phụ nữ đến ngày này được xem là dơ bẩn, nếu bước chân vào rẫy sẽ
làm lúa “tức giận”. Điều cấm kị thứ hai là lúa không thích nóng nên mỗi
khi lúa đã trỗ bông hay đã thu hoạch về nhà rồi thì cấm đốt lửa gần lúa,
với quan niệm rằng nếu lúa bị nóng thì người trong gia đình có lúa sẽ
bị đau ốm, phải cúng tạ tội với lúa mới được khỏi bệnh. Điều cấm kị thứ 3
đó là khi săn bắn được con mang (cùng nhánh với loài hươu) thì không
được đem về nhà ăn mà phải ăn trên rừng, trên suối, vì theo quan niệm
của người Pa Kô thì cây lúa đặc biệt ghét con mang (chỉ thích hợp với
con bò).
Bà con dân tộc thiểu số chăm sóc lúa nước. (Ảnh minh hoạ, nguồn Báo Quảng Trị)
Cũng theo già làng Côn Liên, những ai vi
phạm ba điều cấm kị trên đều bị thần lúa bắt phạt ốm đau. Để được thần
lúa tha tội, người Pa Kô phải dâng cúng lễ vật hậu hĩnh và thành thật
xin lỗi với thần lúa. Lễ vật cúng gồm một con heo (lợn) nặng chừng 40kg,
hai con gà, rượu, xôi, chè… đặc biệt không thắp hương.
Tục thờ lúa và những điều cấm kị của
người Pa Kô có chút hủ tục nhưng góp phần bảo vệ sản xuất, coi trọng
nông nghiệp, giữ gìn nét văn hóa độc đáo. Dù lúa nhà này ngả qua rẫy nhà
kia cũng không hề bị mất dù chỉ một hạt, bởi vì ai trộm lúa sẽ bị thần
lúa bắt phạt ốm đau. Theo lời già Côn Liên, ai ăn trộm lúa của người
khác sẽ bị thần lúa bắt phạt bệnh tật. Nếu muốn được tha tội thì người
trộm lúa phải mang lễ vật gồm 1 con heo, 1 con gà và xôi, rượu đến tạ
lỗi với thần lúa gia đình bị mất trộm; đồng thời trả lại toàn bộ số lúa
đã ăn trộm..
Theo phong tục của người Pa Kô, trước
khi lên nương trỉa lúa thì phải cúng thần lúa con gà để cầu được mùa.
Sau khi thu hoạch lúa về thì đặt lễ hậu hĩnh để tạ ơn. Khi mùa màng xong
xuôi đồng bào Pa Kô làm lễ cúng cơm mới gọi là Aya.
Ngày nay, người Pa Kô đã biết áp dụng
khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên nhiều người đã chuyển
đổi trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước. Tuy nhiên, dù trồng lúa theo
phương cách nào thì việc thờ thần lúa vẫn luôn được bà con Pa Kô ở đây
duy trì.
(Dân Việt)
•
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét