Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Lời giải nào cho xuất thân của Trần Bình Trọng?

(Kiến Thức) - Những manh mối về nguồn gốc xuất thân có những nét tương đồng có thể cho thấy mối quan hệ giữa Trần Bình Trọng và Lê Tần (Lê Phụ Trần). 
Những manh mối về nguồn gốc xuất thân có những nét tương đồng có thể cho thấy mối quan hệ giữa Trần Bình Trọng và Lê Tần (Lê Phụ Trần). Tuy nhiên, để khẳng định Trần Bình Trọng có phải con của Lý Chiêu Hoàng hay không còn cần thêm nhiều chứng cứ xác thực hơn nữa.
Cùng là dõng dõi Lê Đại Hành
Căn cứ vào Lê triều miêu duệ và Cổ Mai bi ký cho rằng, Lê Phụ Trần là cha Trần Bình Trọng và có thể chính Lê Tông là Trần Bình Trọng, vì tài liệu chỉ ghi Lê Phụ Trần và công chúa Chiêu Thánh chỉ có một con trai, không nhắc đến người con trai nào khác. Theo chính sử, Chiêu Thánh mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) tại quê hương Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh) thọ 60 tuổi.
Về nhân thân của Trần Bình Trọng, trong sử sách cũng không ghi rõ cha mẹ, chỉ nói ông vốn họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành giống như nhân thân Lê Tần. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng ông chính là con trai của tướng Lê Tần và Lý Chiêu Hoàng.
Mặt khác, Lê Tần được vua Trần phong là hầu tước với danh hiệu Bảo Văn hầu. Thời Trần, chữ đầu tiên trong tước hiệu có thể cho biết vị quý tộc đó xuất thân từ gia đình nào. Chẳng hạn, các vị vương gia con của vua Thái Tông, đều có chữ đầu là Chiêu (Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Quốc vương)... Các vị vương gia con cháu của Trần Liễu đều có chữ Hưng (Hưng Đạo vương, Hưng Ninh vương, Hưng Vũ vương)... Trần Bình Trọng có tước hiệu là Bảo Nghĩa hầu trong khi tước của Lê Tần là Bảo Văn hầu.
Trần Bình Trọng được ghi vốn gốc họ Lê chứ không phải trong vương thất nhà Trần. Người ngoại tộc muốn được phong hầu phải có công lao cực lớn. Trần Bình Trọng mới ít tuổi, trước trận Thiên Mạc chưa thấy công lao to lớn nào được chép lại mà đã là hầu tước, lại mang họ vua chỉ có thể vì ông có người cha được phong hầu và ban quốc tính, ở thế hệ cha của Trần Bình Trọng, chưa thấy nhân vật họ Lê - dòng dõi Lê Đại Hành nào khác được ban quốc tính và phong hầu ngoài Lê Tần?
Tranh minh họa. 
Lai lịch ít biết đến của Lê Tông
Mặt khác Lý Chiêu Hoàng được gả cho Lê Tần vào năm 1258, trong khi Trần Bình Trọng sinh năm 1259 rất là phù hợp.
Vậy là, người con trai Lê Tông của Chiêu Thánh rất có thể khi trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, được ban quốc tính họ vua và đổi tên thành Trần Bình Trọng. Năm Ất Dậu (1285), tướng Trần Bình Trọng, trong một trận đánh với giặc Nguyên - Mông ở bãi Thiên Mạc (thuộc Khoái Châu, Hưng Yên) đã vị giặc bắt và sát hại đã nổi tiếng với câu nói bất hủ: "Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc", triều đình thương tiếc truy phong tước Bảo Nghĩa vương. 
Ít ai biết rằng, Lê Tông, tức Trần Bình Trọng còn là phò mã triều Trần, được vua Trần Thái Tông gả con gái là công chúa Thụy Bảo làm vợ, hai vợ chồng ông chỉ sinh một người con gái tuyệt sắc, sau này được tuyển vào cung làm vợ vua Trần Anh Tông, được tấn phong là Chiêu Hiến hoàng hậu (mẹ của hoàng tử Trần Mạnh, tức vua Trần Minh Tông).
Nếu đúng Trần Bình Trọng là con của Lê Tần thì hai cha con họ có một điểm chung khá thú vị, đó là đều lấy lại vợ cũ của người khác. Lê Tần lấy vợ cũ của Thái Tông Trần Cảnh, Trần Bình Trọng được ban hôn cho cưới công chúa Thụy Bảo, con gái vua Thái Tông. Vị công chúa này trước đã có một đời chồng là Uy Văn vương Toại.
TS Nguyễn Thành Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét