Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

Đại đồn Chí Hòa

Trận chiến không thể quên

TTO - 158 năm trước, sáng sớm 24-2-1861, tướng Charner, chỉ huy liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Sài Gòn, đã phát lệnh tấn công đại đồn Chí Hòa. Thế nhưng sử ta viết rất ít về trận chiến này và Chí Hòa nằm ở đâu nhiều người Sài Gòn cũng không biết.

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 1: Trận chiến không thể quên - Ảnh 1.
Bản đồ tấn công đaại đồn Chí Hòa của quân Pháp
Sau ba giờ tấn công, đồn Tiền thất thủ. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nã đại bác vào đại đồn và tấn công vào mặt chánh của đồn
Trận chiến diễn ra trong hai ngày 24 và 25-2-1861. Quân ta bại trận, gần 10.000 người chết và bị thương, chưa kể khí tài, tiền của và mất mát vô cùng lớn lao: gần 100 năm làm thuộc địa. Thế nhưng sử ta viết rất ít về trận chiến này.
Điều kỳ lạ hơn là Chí Hòa nằm trong lòng hay ven Sài Gòn, người Sài Gòn hôm nay hoàn toàn không biết chính xác! Nhiều tài liệu, bài viết về vị trí của địa danh này đều chưa chính xác!
Cứ điểm quân sự 10.000 quân
Tháng 10-1860, tướng Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế cử vào Gia Định nắm quyền chỉ huy ở Nam Kỳ với quyết tâm đuổi kẻ thù ra khỏi đất nước.
Để chống lại liên quân Pháp - Tây Ban Nha đang chiếm cứ Sài Gòn từ đầu năm 1859, Nguyễn Tri Phương mở rộng đồn Chí Hòa thành một cứ điểm quân sự lớn với 10.000 quân chánh quy và hơn 20.000 quân nghĩa dõng, lính đồn điền gọi "đại đồn Chí Hòa".
Từ giữa năm 1860, liên quân Pháp - Tây Ban Nha cũng hình thành một phòng tuyến đối diện với quân ta chạy dài từ Sài Gòn vô Chợ Lớn; gọi là "phòng tuyến các chùa".
Bắt đầu là chùa Khải Tường (Pháp gọi là chùa Barbet, nay là khu vực Trường Lê Quý Đôn, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh), rồi chùa Ao (nay là khu vực Bộ Công an phía Nam), chùa Chuông (chùa Clochetons, khu vực plaza Hùng Vương và Trường Hùng Vương, quận 5) và cuối cùng là chùa Cây Mai (sau gọi là đồn Cây Mai).
Phòng tuyến này nhằm ngăn chặn quân ta từ phía ngoài xâm nhập hoặc tấn công ồ ạt vào nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn; đồng thời bảo vệ con đường xuất khẩu gạo của họ qua cảng Sài Gòn để lấy tiền nuôi chiến tranh.
Người trực tiếp tham gia cuộc chiến và chứng kiến đã ghi "Bảy mươi tàu và 100 ghe thuyền chuyên chở trong vòng bốn tháng 60.000 tấn gạo cho Hong Kong và Singapore, đem đến một số lời khổng lồ cho ta" (Léopold Pallu, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, NXB Phương Đông 2008, trang 45, Hoang Phong dịch).
Trên phòng tuyến các chùa, Pháp cũng bố trí "3 ổ súng cối 80 li và hai dàn hỏa tiễn tấn công 125 li" (chùa Barbet), "4 khẩu đại bác của hải quân 30 li nòng có khía" (chùa Clochetons, tức chùa Chuông hay chùa Kiểng Phước), "một khẩu 30 nòng có khía và một ổ súng cối 80" (chùa Cây Mai - Pallu, sđd, trang 65).
Đại đồn Chí Hòa - kỳ 1: Trận chiến không thể quên - Ảnh 3.
Tướng Charner, người tấn công đại đồn Chí Hòa
Thám thính và tấn công
Đầu tháng 2-1861, từ Trung Quốc tới Sài Gòn, tướng Charner, người được Pháp giao toàn quyền giải quyết việc ở châu Á, đã lập tức đi thám thính, dò xét địa thế của đại đồn Chí Hòa. Charner sử dụng nhiều quân thám báo người Việt, Hoa.
Đồng thời sử dụng một phương tiện "hiện đại" thời bấy giờ là khinh khí cầu để nắm được bao quát hình thể đại đồn cũng như những vùng xung quanh đồn mà quân ta không hề hay biết.
"Sau khi quan sát và thấy rằng với phương tiện hết sức dồi dào của đạo quân viễn chinh hiện nay, Charner có thể đánh bọc hậu bất ngờ quân An Nam trong khi họ đang bận lo phòng thủ trước mặt và hai bên cánh" (L.Pallu, sđd, trang 53).
Sáng sớm 24-2, Charner ra lệnh tấn công. Sau nhiều loạt đại bác từ đồn Cây Mai, chùa Barbet, chùa Kiểng Phước là những nơi đặt đại bác hạng nặng, Charner xua quân tấn công đồn Tiền (Redoute hay đồn Mồ Côi) nằm án ngữ trước mặt đồn Cây Mai.
Sau ba giờ tấn công, đồn Tiền thất thủ. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nã đại bác vào đại đồn và tấn công mặt chánh của đồn.

Tối hôm đó, do đã nắm được các vùng đất xung quanh đồn, Charner cho một đạo binh kéo theo đại bác từ đồn Cây Mai đi vòng qua các làng Tân Thới, Bình Hưng lên Tân Sơn Nhì và đóng quân tại một vùng đất nay gọi là Gò Cát thuộc huyện Bình Tân.
Sáng hôm sau, từ Gò Cát (khu vực nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa) quân Pháp kéo xuống Bà Quẹo và tấn công vào hậu đồn, trong khi đại bác vẫn cứ nã vào mặt tiền đồn.
L.Pallu mô tả đồn Hậu: "Mặt hậu tuyến của thành Chí Hòa có xây ụ phòng thủ nhô ra ở hai góc. Mặt hậu tuyến là một thành hẳn hoi, xây kín gọi là thành Giữa, dùng làm cổng sau cho cả doanh trại Chí Hòa; thành Giữa nằm trên đường ranh hậu tuyến.
Hai ụ phòng thủ hai bên và thành Giữa bảo vệ lẫn nhau. Tầm súng của địch trong thành có thể quét quân tấn công khi đến gần vùng ven biên, nơi mà quân ta phải xông vào, vùng ven biên được bảo vệ bằng hầm chông, hào và bàn chông trong khoảng rộng một trăm thước kể từ chân tường thành" (sđd, trang 90).
Đại đồn Chí Hòa - kỳ 1: Trận chiến không thể quên - Ảnh 4.
Quân Pháp dàn trận tấn công đại đồn Chí Hòa
Thất trận
Liên quân dùng chiến thuật tiền pháo hậu xung, dù ít người nhưng vũ khí hiện đại hơn, khi đánh cận chiến thì súng dài lại có gắn lê trên đầu súng. Pháo thì phá vách thành và làm cho lính Việt hết hồn; thang dùng lướt qua các hầm chông; trái nổ (lựu đạn) vẹt các đám tre gai trồng bên ngoài đồn...
Dù "Quân An Nam có lợi thế hơn vì mặt trời chiếu thẳng vào mắt quân Pháp nhưng liên quân đã chiến thắng. Tất nhiên thiệt hại của liên quân không nhỏ với "300 người bị loại khỏi vòng chiến, 12 bị giết tại trận, nhiều người bị thương không cứu được" (sđd, trang 95).
Riêng trung úy hải quân Jouhaneau Laregnère (còn được biết với tên Etienne Laregnière) tử trận.
Người ta đã chôn binh lính trong một cái hố nằm giữa đồn Tả Hậu và tường thành của đồn Hữu, và chôn ông Laregnère ở nơi ông đã ngã xuống" (Hội Nghiên cứu Đông Dương, Chuyên khảo về tỉnh Gia Định, NXB Trẻ 2017).
Về phía quân ta thì tán lý Nguyễn Duy chết trận, tướng Nguyễn Tri Phương bị thương nơi tay và quân lính thì bị thương và chết vô số. Cho tới nay, chưa có tổng kết nào về thương vong của ta trong trận đại đồn Chí Hòa.
1.000 hay 10.000?
Ta nói mất khoảng 1.000 người, còn Pháp thì nói ta mất 10.000 người! Song phải thừa nhận rằng thương vong của trận chiến này không nhỏ và chúng ta đã thua không phải vì ý chí mà chính vì chúng ta chưa (hay không biết) thế giới đã tiến rất xa trong việc phát triển vũ khí.
Chính điều đó đã khiến đại đồn Chí Hòa thất thủ.
Còn quân Pháp tràn vào đồn thì "quân An Nam người nào chạy không kịp đều bị giết sạch; trận chiến chấm dứt bằng một cảnh thảm sát cuối cùng" (sđd, trang 95)

Làng Chí Hòa ở đâu?

TTO - Sẽ có nhiều người buồn cười trước câu hỏi này. Bởi cái tên Chí Hòa, Kỳ Hòa vẫn hiện diện ở quận 10, giữa trung tâm thành phố. Thế nhưng, vẫn chưa có ai trả lời chính xác "làng Chí Hòa ở đâu?".

Đại đồn Chí Hòa - kỳ 2: Làng Chí Hòa ở đâu? - Ảnh 1.
Đình Chí Hòa (cũng là đình Hòa Hưng) là ngôi đình cổ xưa nhất của Sài Gòn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều trang mạng khẳng định rằng "vùng đất có đình, có nhà giam, có hồ Kỳ Hòa hiện nay chính là nơi Nguyễn Tri Phương xây dựng đại đồn Chí Hòa xưa". Nói vậy, thấy vậy nhưng chưa chắc vậy!
Các địa danh Chí Hòa
Ở TP.HCM hiện nay, có một số địa điểm mang tên Chí Hòa. Đó là đình Chí Hòa, nhà giam Chí Hòa, hồ Kỳ Hòa (phiên âm từ chữ người Pháp viết Kihoa, do họ không đọc được chữ Chí Hòa) thuộc quận 10, nhà thờ Chí Hòa ở quận Tân Bình...
Trước năm 1975 còn có nghĩa địa Chí Hòa (nay là công viên Lê Thị Riêng, quận 10), đoạn đầu máy Chí Hòa ở quận 3...
Chúng tôi đã cất công tìm kiếm trên thực địa lẫn trong tàng thư vẫn không tìm thấy cái tên "làng Chí Hòa" ở thế kỷ 19. Có nhiều địa danh đã chết, hoặc không nằm trong địa bạ song vẫn có đời sống riêng trong lòng dân chúng.
Có lẽ với suy nghĩ "đình ở đâu, làng ở đó", một vài nhà nghiên cứu vội vã "phán" "Đại đồn Chí Hòa nằm lân cận đình Chí Hòa thuộc quận 10 hiện tại".
Nếu chịu khó, các nhà nghiên cứu ấy sẽ dễ dàng biết rằng "đình Chí Hòa nguyên là đình làng Hòa Hưng" và "chỉ đổi tên thành đình Chí Hòa những năm 1930 của thế kỷ 20" khi làng Hòa Hưng đổi tên thành làng Chí Hòa vào khoảng năm 1939.
Đình Hòa Hưng (Chí Hòa) là một trong những ngôi đình cổ nhất ở TP.HCM và vùng đất Chí Hòa đã trở thành địa danh đầu tiên kháng Pháp ở Nam Kỳ lục tỉnh, gắn với tên tuổi anh hùng Nguyễn Tri Phương.
Khu vực có đình Chí Hòa nguyên là làng Hòa Hưng của tổng Dương Hòa Thượng và là một nghĩa địa "tự do" (ai chôn cũng được) của Sài Gòn.
Các tài liệu viết trong thập kỷ 1860 của Pháp đều cho biết "Chẳng có ai đến Sài Gòn chỉ trong một ngày mà lại không nghe nói đến ít nhứt về cái nghĩa địa bao la này được gọi dưới cái tên là Đồng Mả Mồ".
Đồng này trải dài bên phải của con đường chiến lược từ Sài Gòn (đường Nguyễn Thị Minh Khai) đến Chợ Lớn và bị cắt ngang đoạn giữa bởi đường Thuận Kiều (CMTT hiện nay).
Đây là vùng đất cao, khô, thiếu nước dù nằm sát rạch Nhiêu Lộc, từ xưa được dân cư Bến Nghé dùng làm nơi chôn cất, sau trở thành làng Hòa Hưng".
Còn nhà thờ Chí Hòa nguyên tên là nhà thờ làng Thạnh Hòa, sau mới đổi tên thành nhà thờ Chí Hòa!
Soát lại các địa bạ có từ năm 1820 cho tới đầu thế kỷ 20, Sài Gòn "không hề có làng nào tên Chí Hòa".
Tổng Dương Hòa Thượng cho đến năm 1897 có 14 làng gồm: Bình Hưng Đông, Bình Hưng Thôn, Bình Thới, Phú Nhuận, Phú Thọ, Tân Hòa, Tân Hòa Tây, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Nhứt, Tân Thới, Tân Trụ, Thạnh Hòa, Hòa Hưng và Phú Thạnh.
Đến năm 1939, tổng này còn chín làng thuộc quận Gò Vấp là Bình Hưng Đông, Bình Hưng Thôn, Chí Hòa, Phú Nhuận, Phú Thọ, Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Nhứt, Tân Thới Hòa và Tân Trụ (Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng nói miền Nam, NXB Trẻ 1998, trang 174 và 177).
Thời điểm này làng Chí Hòa được hình thành từ làng Hòa Hưng và làng Phú Thạnh nhập lại, ranh giới của làng này từ đường Bắc Hải đến Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay.
Làng Tân Thới Hòa hình thành từ các làng Bình Thới, Tân Hòa, Tân Hòa Tây và Tân Thới nhập lại. Và làng Thạnh Hòa sáp nhập vào làng Tân Sơn Nhì.
Như vậy làng Chí Hòa thay thế cho làng Hòa Hưng chỉ xuất hiện từ năm 1939 hoặc trước đó ít lâu.

Đình Chí Hòa nguyên là đình làng Hòa Hưng và chỉ đổi tên thành đình Chí Hòa những năm 1930 của thế kỷ 20.
Tên Chí Hòa có từ giữa thế kỷ 18
Trên đường tìm kiếm, chúng tôi thấy một ghi chép trong loạt bài "Kể lại gốc tích mỗi họ trong các sở địa phận Nam Kỳ" của giới Công giáo đăng trên tuần báo Nam Kỳ Địa Phận: "Độ chừng năm Chúa Giáng sinh 1760, một ít người có đạo ngoài Huế vào Gia Định mà kiếm nghề làm ăn.
Mấy người ấy làm nghề rẫy bái, đã gặp chỗ trong Chí Hòa, làng Tân Sơn Nhứt...
Lúc ấy đức thầy Vêrô ở Gia Định - Sài Gòn với vua Gia Long đang lo sắm sửa binh khí thảo trừ binh Tây Sơn. Bữa kia đức thầy dạo chơi tới Chí Hòa, gặp được một ít nhà có đạo ở đó thì mầng (mừng) lắm...
Đến sau đức cha thấy nơi ấy vắng vẻ, khí thanh mát thì năng vào ở đó với bổn đạo, lại ý người muốn gửi thân mình lại đó cho nên đã xin chủ đất để lại cho mình một ít cao (1 cao = 100m2) đặng sau mà mai táng xác mình...".
Khi đức cha Vêrô tạ thế tại Quy Nhơn, vua Gia Long cứ theo lời đức cha trối lại nên đem xác ông về Sài Gòn, chôn cất trọng thể, mai táng tại Chí Hòa, xây một cái lăng cao lớn... Từ đó không còn kêu họ Chí Hòa nữa mà kêu là họ Lăng Cha Cả" (Nam Kỳ Địa Phận số 515 ngày 26 decembre 1918).
Đại đồn Chí Hòa - kỳ 2: Làng Chí Hòa ở đâu? - Ảnh 3.
Nhà thờ mang địa danh Chí Hòa (đường Bành Văn Trân, Q.Tân Bình) nằm ở khu vực đại đồn Chí Hòa xưa - Ảnh: T.N.V.
Vêrô là tên thánh của giám mục Pigneau de Behaine, hiệu tòa giám mục là Adran và có tên Việt là Bá Đa Lộc, người có công giúp Nguyễn Ánh trong việc đối đầu với Tây Sơn.
Ngôi mộ của ông được dân chúng quen gọi là "Lăng Cha Cả", nay là vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa thuộc quận Tân Bình.
Trong ghi chép trên chỉ có hai chi tiết "cần điều chỉnh" là 1790 thay vì 1760 (thời điểm này Nguyễn Ánh chưa vào Gia Định và chưa gặp Bá Đa Lộc) và Nguyễn Ánh thay vì Gia Long (vì đến năm 1802 Nguyễn Ánh mới lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long).
Từ ghi chép trên, chúng ta so lại bản đồ đại đồn Chí Hòa do người Pháp vẽ được in trong tác phẩm của L.Pallu thì thấy trước mặt khoảng giữa đại đồn có một con đường nhỏ dẫn thẳng đến khu lăng mộ d’Adran (tombeaux d’Adran) chính là lăng Cha Cả.
Đây cũng là một chỉ dấu không thể thay đổi khiến ngày nay chúng ta dễ dàng định vị vị trí của đại đồn.
Hầu hết các tài liệu xưa nay đều nói rằng "Đại đồn có chiều dài ước khoảng 3 cây số, ngang 1.000m". Như vậy đại đồn không thể nào năm trên đất Hòa Hưng hiện nay được!
Thôn Chí Hòa thuộc làng Tân Sơn Nhứt
Có thể nói rằng địa danh Chí Hòa ở thế kỷ 19 là một thôn, ấp nhỏ thuộc làng Tân Sơn Nhứt nằm giáp ranh làng Tân Sơn Nhì của tổng Dương Hòa Thượng, nay thuộc quận Tân Bình và không liên quan gì đến quận 10 ngày nay cả.
Và có thể nói rằng đất của đại đồn Chí Hòa xưa nằm trọn trong khu vực quận Tân Bình ngày nay, không liên quan gì đến những địa điểm hiện mang tên Chí Hòa.

 Hệ thống đồn trại Chí Hòa

TTO - Đại đồn Chí Hòa trên cơ sở mở rộng đồn Chí Hòa không phải là một đồn và cũng không phải là "một dãy đồn" như các tài liệu xưa đã nói. Đại đồn Chí Hòa là một hệ thống đồn trại với rất nhiều đồn kéo dài từ Phú Thọ đến Tân Bình

Đại đồn Chí Hòa - kỳ cuối: Hệ thống đồn trại Chí Hòa - Ảnh 1.
Khu vực hồ Kỳ Hòa, quận 10 hiện nay không liên quan gì đến đại đồn Chí Hòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương mở rộng thuộc quận Tân Bình và hoàn toàn không liên quan gì đến quận 10 cả
Các đồn bót thời Nguyễn Tri Phương
Sau khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha hạ thành Gia Định đầu năm 1859, quân ta rút ra khỏi trung tâm Bến Nghé và Chợ Lớn và hình thành những đồn bót ở vùng ven Sài Gòn.
Những đồn bót riêng lẻ này đã liên kết lại thành một hệ thống đồn trại sau khi Nguyễn Tri Phương mở rộng đồn Chí Hòa thành đại đồn vào cuối năm 1860, đầu năm 1861.
Hệ thống đồn này kéo dài từ Cầu Kiệu (người Pháp gọi là cầu số 3) chạy đến Phú Thọ. Đối diện với phía Pháp là hệ thống chiến lũy các chùa kéo dài từ chùa Khải Tường đến chùa Cây Mai.
Đồn tiền của đại đồn Chí Hòa là hai đồn gồm tả và hữu nằm đối diện chùa Cây Mai chừng 400m, nay có thể là khu vực của Trường tiểu học Phú Thọ trên đường 3 Tháng 2 và khu vực trường đua Phú Thọ.
Người Pháp gọi đồn Tiền là "đồn Mồ Côi - Redoute". Đây cũng là nơi đầu tiên Pháp tấn công ngày 24-2-1861.
Sau lưng đồn Tiền nằm dọc theo đường Thiên Lý phía tây là hệ thống năm đồn vừa mở rộng nằm trên đất của làng Phú Thọ và làng Thạnh Hòa. Đồn kéo dài đến gần chợ Võ Thành Trang thuộc Bà Quẹo hiện nay.
Về hậu đồn cũng có hai đồn tả và hữu cách nhau vài chục thước, nằm trên đất làng Tân Sơn Nhì. Phía đông của đồn có thể cận con đường Bắc Hải hiện nay giáp giới giữa Tân Bình và quận 10.
Toàn bộ đại đồn đều nằm dọc ở phía nam đường Thiên Lý phía tây, đối diện là con rạch Nhiêu Lộc.
Đại đồn Chí Hòa - kỳ cuối: Hệ thống đồn trại Chí Hòa - Ảnh 3.
Ngày 25-2-1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha dàn trận đánh chiếm đại đồn Chí Hòa - Hình vẽ tư liệu
Mả thằng Tây
Người ở Bà Quẹo trước năm 1975 đều biết một chỗ gọi là "mả thằng Tây". Đây là một đài kỷ niệm nằm trên lề quốc lộ 1 thuộc phường 13, quận Tân Bình cũ, nay là cạnh trái của hàng rào cơ quan BCH quân sự quận Tân Bình trên đường Trường Chinh.
Đáng tiếc khi mở rộng đường Trường Chinh thì đài này đã bị dẹp bỏ nên không còn dấu vết gì cả. Theo Vương Hồng Sển thì "đài trận chiến Pháp - Nam ở Chí Hòa; đài Lareynière tại Tân Sơn Nhứt, dựa đường Sài Gòn đi Nam Vang.
Đài chiến trận này nay không rõ nằm đâu, riêng đài Lareynière tôi may mắn được biết". Chỉ có một chi tiết ông Vương Hồng Sển ghi không chính xác là đài nằm trên đất của làng Tân Sơn Nhì chớ không phải làng Tân Sơn Nhứt ở phía đối diện.
Đài kỷ niệm này ghi rõ tên và ngày tháng mất của người chôn dưới đó.
Trong địa chí tỉnh Gia Định được Hội Nghiên cứu Đông Dương thực hiện vào năm 1902 có ghi rõ: "Đến 8 giờ, quân Pháp làm chủ Chí Hòa. Trận đánh kéo dài hai ngày này làm nhiều lính Pháp bị thương và 30 người bị chết, trong đó một sĩ quan, trung úy hải quân Lareynière.
Người ta đã chôn binh lính trong một cái hố nằm giữa đồn Tả Hậu và tường thành của đồn hữu, và chôn ông Lareynière ở nơi ông đã ngã xuống".
Cứ theo ghi chép của quyển địa chí này, đồn Hậu gồm hai đồn gần nhau của đại đồn Chí Hòa nằm trên đất của làng Tân Sơn Nhì; và dấu vết của "mả thằng Tây" có thể suy đoán đại đồn Chí Hòa xưa, điểm cuối cùng nằm giáp Bà Quẹo.

Ở Tân Bình cũng có một con đường lạ. Đó là đường Trương Công Định! Xưa đó là một con đường đất đỏ, lớn và chạy thẳng từ đường cái ra... ruộng!
Mọi con đường dù ở nông thôn hay thành thị xưa nay đều dẫn tới một thôn xóm, làng mạc nào đó. Song đường Trương Công Định hiện nay, xưa lại chạy đến nơi không có nhà cửa chi cả!
Với những tài liệu có được, chúng tôi có thể đoan chắc rằng con đường này vốn là thành lũy của đồn Hậu thuộc đại đồn Chí Hòa xưa.
Nếu ước tính đại đồn dài khoảng 3km (3.000m), thì từ đường Trương Công Định đến khoảng qua ngã ba Ông Tạ độ vài trăm thước thì vừa ba cây số. Có thể khu vực các trạm phát tuyến của đài phát thanh Sài Gòn cũ cũng chính là mặt phía đông của đại đồn Chí Hòa.
Mặt bắc của đại đồn là rạch Nhiêu Lộc. Còn trung tâm đại đồn, mà người Pháp gọi là đồn Trung, nay nằm trong khu vực Bệnh viện Thống Nhất và khu dệt Bảy Hiền.
Phía trước (xem bản đồ đại đồn Chí Hòa do Pháp vẽ) là con đường đi về khu lăng mộ của Bá Đa Lộc, nay là vòng xoay Cộng Hòa - Hoàng Văn Thụ hay là vòng xoay Lăng Cha Cả.
Như vậy, đại đồn Chí Hòa do Nguyễn Tri Phương mở rộng từ đồn Chí Hòa, nằm ở phía nam đường Thiên Lý phía tây (Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh) từ ngã ba Ông Tạ đến giáp Bà Quẹo, đều thuộc quận Tân Bình và hoàn toàn không liên quan gì đến quận 10 cả.
Đại đồn Chí Hòa - kỳ cuối: Hệ thống đồn trại Chí Hòa - Ảnh 4.
Mả thằng Tây - đài tưởng niệm trung úy hải quân Lareynière ở làng Tân Sơn Nhì
Thất bại vì thiếu hiểu biết
Đại đồn chứa đến hơn 30.000 người, gồm cả binh lính chuyên nghiệp và dân quân tự nguyện đánh giặc, song đã bị hơn 3.000 người đánh bại, 1 chọi 10, một cách thê thảm. Nhiều người chết hơn bất cứ trận đánh nào xưa nay.
Có một điều mà sử ta không ghi nhận là thất bại thảm hại này phần lớn là do sự thiếu hiểu biết của người cầm quân về vũ khí và chiến thuật của đối phương.
Sau thất bại của thành Gia Định đầu năm 1859, các tướng lãnh của nhà Nguyễn vẫn không thay đổi chiến thuật đánh với quân Pháp mà cứ dựa vào thành lũy. Do thụ động trong chiến đấu nên bị thất bại thê thảm.
Năm 1860, một nhóm dân quân dùng chiến thuật "du kích" đã giết được tên quan Ba Barbet ở gần chùa Khải Tường. Tại sao các tướng lại không dùng chiến thuật này để tấn công chúng mà cứ nằm trong thành lũy đợi chúng tấn công?
Mặt khác, trong khi vũ khí chiến tranh từ thời Gia Long đến Tự Đức, các nước đã tiến rất xa, rất nhanh, còn ta thì vẫn như xưa. Trận Chí Hòa cho thấy liên quân Pháp - Tây Ban Nha thắng ta cũng nhờ có vũ khí tốt, hiện đại hơn.
Thua vũ khí
Người lính Việt Nam cầm cây súng hỏa mai, đổ thuốc đạn vào dùng cây nhấn cho dẻ, bỏ viên đạn tròn vào rồi bấm cò chờ mồi thuốc cháy súng mới nổ.
Trong khi đó, người Pháp dùng súng đá lửa, chỉ cần bóp cò là đạn nổ ngay. Tốc độ bắn nhanh, súng lại dài hơn nên độ chính xác cao, nên khi đối mặt với kẻ thù ta chỉ có chờ chết!
Mặt khác, súng đại bác của Pháp hiện đại hơn đại bác của ta. Pháp có cả "trái nổ" tức lựu đạn... Những vũ khí này đã "hớp hồn" những người lính Việt, và tiêu diệt sức lực của quân ta dù núp sau những thành lũy tưởng là vững chắc.
Dù yêu nước đến mấy cũng không thể lấy thịt da ra chống chọi với thuốc nổ và đạn pháo của kẻ thù!

TRẦN NHẬT VY

Đại đồn thất thủ, làng Chí Hòa đau thương xưa giờ ở đâu?

TTO - 4h sáng 24-2-1861, đại bác trên bộ và trên tàu của liên quân Pháp - Tây Ban Nha cùng nổ, nhắm vô đại đồn Chí Hòa. Chiều tối 25-2, đại đồn thất thủ, Sài Gòn - Gia  Định rơi vô tay người Pháp, đến nay đúng 156 năm.

Bàn thờ nhà giáo Võ Trường Toản trong đình Chí Hòa, ở số 475 đường cách mạng tháng tám, P13, Q10, TPHCM
Bàn thờ nhà giáo Võ Trường Toản trong đình Chí Hòa, ở số 475 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q.10, TP.HCM - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Đại đồn Chí Hòa xây dựng hơn một năm, với công sức của mấy vạn người, được 30.000 quân Đại Nam bảo vệ gần hai ngày thì bị triệt hạ.
Từ trước đến giờ, nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào nhiều nguồn tài liệu để xác định vị trí của đại đồn Chí Hòa. Theo nhà văn Sơn Nam, đại đồn nằm trong địa phận làng Chí Hòa và Phú Thọ, dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường thiên lý đi Tây Ninh (đường Cách Mạng Tháng Tám ngày nay) làm trung tâm để xây dựng chiến lũy.
Còn theo Địa chí văn hóa TP.HCM, trước đại đồn nằm trong thôn Tân Hưng, đến năm 1836 đổi tên thôn là Hòa Hưng, thuộc tổng Bình Chánh Thượng. Năm 1910, thôn Hòa Hưng thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. 
Đại đồn chiều dài 3.000 mét, chiều ngang 1.000 mét. Do đại đồn xây ở làng Chí Hòa nên được gọi đại đồn Chí Hòa.
Đại đồn Chí Hòa (màu cam - khu vực chỉ huy nằm gần Bà Quẹo - phía bắc đại đồn) và hệ thống đồn lũy xung quanh (đỏ). Giữa các đồn phía nam có thêm hai lũy dọc và ngang mà bản đồ ghi là phòng tuyến mới (nouvelle ligne). Bản đồ này vẽ thiếu đồn Tây Thới giữa đồn Thuận Kiều và Rạch Tra. Các điểm màu vàng là "phòng tuyến chùa" của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Màu hồng là thành Gia Định thất thủ năm 1859 - Bản đồ hành quân của  Léopold Pallu - Đồ họa: Trị Thiên
Vị trí đại đồn Chí Hòa trên bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận 1892. Lúc này con rạch tự nhiên cắt ngang đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay; tạo nên góc lõm của đại đồn vẫn còn. Bên hông đại đồn là Đầm Sen. Khi tấn công đại đồn, liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải đánh vòng qua đây  - Ảnh tư liệu - Đồ họa Trị Thiên
Vị trí đại đồn Chí Hòa trên bản đồ hiện nay. Chắc chắn làng Chí Hòa rộng hơn và bao trùm đại đồn  - Đồ họa: Trị Thiên
5 dấu chỉ của làng Chí Hòa xưa còn tồn tại trên bản đồ TP.HCM ngày nay: 1.Đình thần Chí Hòa, 2.Trại tạm giam Chí Hòa, 3.Công viên Lê Thị Riệng, 4.Nhà thờ Chí Hòa, 5.Đền Ông Súng - Đồ họa: T.Thiên
5 địa điểm còn tên Chí Hòa của làng Chí Hòa xưa trên bản đồ TP.HCM ngày nay: 1.Đình thần Chí Hòa, 2.Trại tạm giam Chí Hòa, 3.Công viên Lê Thị Riêng, 4.Nhà thờ Chí Hòa, 5.Đền Ông Súng - Đồ họa: T.Thiên
Vấn đề là làng Chí Hòa xưa đến nay nằm ở vị trí nào của TP.HCM?
Đình ở đâu, làng ở đó! 
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra một vài dấu tích của làng Chí Hòa xưa còn tồn tại đến tận ngày hôm nay để có thể tạm hình dung được đại đồn Chí Hòa xưa rộng lớn như thế nào.
Trước hết, theo thông lệ từ thời Hậu Lê, triều đình quy định mỗi làng phải dựng một ngôi đình để thờ phụng Thần Thành Hoàng có chức năng phù hộ cho tất cả thành viên trong làng. Do đó, có thể nói một cách chắc chắn rằng: đình ở đâu thì làng ở đó!
Ngày nay, tại số 475 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q. 10 là nơi tọa lạc của ngôi đình mang tên Chí Hòa. Như vậy, có thể kết luận rằng vùng đất bao quanh đình Chí Hòa ngày nay chính là làng Chí Hòa xưa.
Một chi tiết lý thú thứ hai là trong đình Chí Hòa hiện nay có bàn thờ Võ Trường Toản. Đây là một nhà Nho nổi tiếng của đất Gia Định xưa, từng đào tạo nên nhiều học trò giỏi văn thơ từ đầu đến giữa thế kỷ 19, trong đó có ba người từng được mệnh danh là “Gia Định tam gia”: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh.
Công viên văn hóa Lê Thị Riêng tọa lạc tại số 875 đường Cách mạng tháng 8, P15, Q10, TPHCM
Công viên văn hóa Lê Thị Riêng tọa lạc tại số 875 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.15, Q.10, TP.HCM  - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Nguyên do của việc thờ phụng Võ Trường Toản được các vị bô lão ở đình Chí Hòa xưa nay truyền nhau rằng: Thầy giáo Võ Trường Toản đã mở trường dạy học trò ngay đình Chí Hòa thuở xưa.
Võ Trường Toản mất năm 1792, nhưng đến năm 1859, khi Pháp chiếm Gia Định, các thế hệ học trò của ông đã hốt cốt đưa về chôn ở Bến Tre, không để bậc thầy đáng kính như ông phải nằm trên vùng đất bị giặc xâm lăng chiếm đóng!
Làng Chí Hòa bao trùm đại đồn Chí Hòa, diện tích rất rộng
Một dấu tích thứ hai là trại giam Chí Hòa do Pháp xây năm 1943, tọa lạc tại số 324 đường Hòa Hưng, P. 13, Q. 10, TP.HCM. Trại có hình bát giác với 8 cạnh đều nhau, gồm 3 tầng lầu, trải rộng diện tích 7ha. 
Một dấu tích thứ ba cũng mang tên Chí Hòa, nằm cách đình Chí Hòa khoảng 1km là Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, số 875 đường Cách Mạng Tháng Tám, P. 15, Q. 10. Công viên này xây dựng ngay trên nghĩa địa Chí Hòa (hay còn gọi nghĩa địa Đô Thành - nghĩa địa này đã được giải tỏa giữa thập niên 1980).
Nghĩa địa Chí Hòa rộng 25 ha, cổng chính hướng ra đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc Q.10). Cổng chính hồi đó có một bức tượng Địa tạng vương màu đen khá nổi tiếng, cao 5 - 6 mét.
Đình Chí Hòa ở số 475 đường Cách mạng tháng 8, P13, Q10, TPHCM
Đình Chí Hòa ở số 475 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.13, Q.10, TP.HCM  - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Nghĩa địa Chí Hòa vốn là nghĩa trang của đa số người bình dân đất Sài Gòn - Gia Định. Theo các cao niên cư trú tại đây nhiều năm, xưa kia nghĩa địa Chí Hòa vốn là vùng đất linh thiêng bậc nhất. Đặc biệt là qua các thời kỳ chiến tranh, nhiều nấm mồ không tên mọc lên tại đây, mà đa số là của lính chết trận không người thân nhận xác.
Dấu tích thứ tư chính là Nhà thờ giáo xứ Chí Hòa, số 149 đường Bành Văn Trân, P.7, Q. Tân Bình, cách đình Chí Hòa khoảng 3km, gần như tương ứng với chiều sâu của đại đồn Chí Hòa xưa. Giáo xứ Chí Hòa thành lập năm 1890 với tên là Thạnh Hòa, đến năm 1910 mới đổi thành Chí Hòa cho tới ngày nay.
Dấu tích thứ năm cách đình Chí Hòa về phía Thị Nghè, khoảng 2km đường chim bay. Đó là đình Ông Súng, tọa lạc tại số 394A đường Lê Văn Sỹ, thuộc P.14, Q.3. Đây là một ngôi đình khá đặc biệt ở tên gọi, bởi vì không phải đình thờ Ông Súng là Thần Thành Hoàng mà có tên gọi như vậy.
Đình được xây dựng từ thế kỷ thứ 19. Căn cứ vào chất liệu, hoa văn của chiếc khánh thờ và cặp liễu đối có niên đại khoảng thế kỷ 19, cũng như nội dung bài vị có tại đình thì đình Ông Súng vốn thờ phụng viên chánh lãnh binh Lê Đường Cung - người từng chiến đấu và hi sinh rất hiển hách tại làng Chí Hòa ngày xưa, khi đại đồn Chí Hòa bị Pháp tấn công năm 1861.
Nhân dân cùng thân tộc của viên chánh lãnh binh này đã lập miếu thờ ông ngay trên vùng đất mà ông đã hi sinh và đặt tên là miếu Chí Bửu để qua mắt thực dân Pháp cùng tay sai. Khẩu súng đại bác đã từng vào trận với ông cũng được đưa vào trong miếu và lâu ngày trở thành một vật thiêng.
Ngôi miếu dần trở thành thân quen với nhân dân trong vùng và được nhiều người đến lễ bái, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Sau nhờ có nhiều bá tánh ủng hộ, quyên góp nên ngôi miếu được xây dựng thành một ngôi đình và dân trong vùng gọi là đình Ông Súng.
Tóm lại, làng Chí Hòa xưa, nơi đã từng xây dựng đại đồn Chí Hòa, có thể có chiều ngang rộng hơn khoảng cách từ đình Chí Hòa (P. 13, Q. 10) đến đình Ông Súng (P. 14, Q. 3). Còn chiều dài của làng trải dài từ đình Chí Hòa đến khoảng nhà thờ Chí Hòa (P. 7, Q. Tân Bình) ngày nay.
Khẩu súng thần công đặt trước đình Ông Súng ở số 394A đường Lê Văn Sỹ, P14, Q3, TPHCM
Khẩu súng thần công đặt trước đình Ông Súng ở số 394A đường Lê Văn Sỹ, P.14, Q.3, TP.HCM  - Ảnh: HỒ TƯỜNG
Lối vào đình Ông Súng nằm ở số 394A đường Lê Văn Sỹ, P14, Q3, TPHCM
Lối vào đình Ông Súng 
Nhà thờ Chí Hòa tọa lạc tại số 149 đường Bành Văn Trân, P7, Tân Bình, TPHCM
Nhà thờ Chí Hòa tọa lạc tại số 149 đường Bành Văn Trân, P.7, Q.Tân Bình, TP.HCM  - Ảnh: HỒ TƯỜNG
TS HỒ TƯỜNG

Đại đồn Chí Hòa, chiến lũy vĩ đại giữa Sài Gòn xưa

TTO - Sau khi bao vây, Nguyễn Tri Phương cho quân liều chết dưới mưa đạn để hãm đồn Cây Mai. Đêm 3 và 4-7-1860, 3.000 quân Việt đã tràn lên đánh chiếm một đồn lũy có 160 lính Tây Ban Nha và Pháp.

Đường Cách Mạng Tháng Tám sáng 11-11, đoạn gần ngã ba Ông Tạ hướng về ngã tư Bảy Hiền. Đây là con đường Thiên Lý thời nhà Nguyễn và là trục dọc của đại đồn Chí Hòa - Ảnh: M.C.

​Bản đồ quân sự mà trung úy hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tùy viên tổng hành dinh tướng Charner (chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến đánh đại đồn Chí Hòa) vẽ là hình ảnh rõ nhất về đại đồn Chí Hòa.
Đại đồn lớn đến mức trong Lịch sử cuộc viễn chinh Nam kỳ năm 1861, Léopold Pallu gọi đó là thành (citadelle). 
Đại đồn Chí Hòa lớn gấp 15 lần thành Gia Định
Thành Gia Định bị thất thủ năm 1859 vuông vức, mỗi cạnh khoảng 450m, tổng diện tích khoảng hơn 0,2km(hơn 20 ha).
Cụm đồn lũy Chí Hòa chỉ tính  riêng khu vực chính (đại đồn) đã gần 3km(300 ha).
Những đồn lũy đầu tiên của đại đồn được xây dựng ngay sau khi thành Gia Định thất thủ ngày 14-2-1859. Theo Monographie de la province de Gia Đinh (chuyên khảo về tỉnh Gia Định - 1902), thượng thư bộ Hộ Tôn Thất Hiệp đã sai lính đắp đồn Tiền trên đường Thiên Lý (nay là Cách Mạng Tháng Tám) đi Tây Ninh. Đồn Hữu (phải) và đồn Tả (trái) hai bên.
Lúc này quân Pháp đang ở khu vực trung tâm Sài Gòn. 
Hai bên đã từng đụng độ nhau. Hai tháng sau khi thất thủ Gia Định, 6g sáng 10-4-1859, một nhóm quân Việt từ đồn Tiền đi Chợ Lớn đã bất ngờ đụng một tiểu đội Pháp. Hai bên dàn quân và nổ súng vào nhau. Cả hai bên đều có người chết.
Một năm sau, 16-4-1860, Pháp đánh chiếm khu vực chùa Cây Mai (góc Nguyễn Thị Nhỏ - Hồng Bàng hiện nay) và chùa Kiểng Phước (theo học giả Vương Hồng Sển và nhà văn Sơn Nam, nằm góc Lý Thường Kiệt - Nguyễn Chí Thanh, có thể ở khu vực Trường ĐH Y dược TP.HCM hiện nay) mà lính Việt lúc ấy đang đóng quân.
Người Pháp tổ chức đánh chiếm tiếp đồn Tiền nhưng gặp sự chống trả mạnh mẽ của quân dân đại đồn nên đã tổn thất nặng, phải co cụm trở về. 
Lính Pháp (trái), Việt (giữa) và Tây Ban Nha (phải) trong trú đóng khu vực đại đồn Chí Hòa và xung quanh đồn - Ảnh tư liệu
Triều đình Huế cử Nguyễn Tri Phương vào Nam với chức kinh lược đại thần để điều khiển mọi việc. Ông đã tu bổ, xây dựng vững chắc, quy mô hơn phòng tuyến đồn lũy, hình thành rõ nét đại đồn Chí Hòa.
Theo bản đồ của Léopold Pallu, đại đồn có hình thang dài, đáy lớn lõm ở giữa (theo hình thế một con rạch tự nhiên chảy ra kênh Nhiêu Lộc - con rạch này giờ không còn), cắt qua Cách Mạng Tháng Tám hiện nay ở đoạn đường Bắc Hải. Đáy nhỏ nằm khoảng khu vực đường Trương Công Định, Bàu Cát (Tân Bình). 
Đại đồn nằm dài theo đường Thiên Lý (nay là Cách Mạng Tháng Tám - trên bản đồ hiện nay chiều dài này khoảng gần 3km). Bản đồ vẽ rất rõ đồn gồm năm khu vực ngăn cách nhau theo chiều ngang này; mỗi khu vực như một thành lũy riêng biệt, qua lại bằng những cánh cổng lớn chắc chắn như cổng thành.
Có lẽ thiết kế này để phòng khi khu vực nào thất thủ, quân đồn trú có thể rút sang khu vực khác và thực tế đã xảy ra như vậy khi Pháp tấn công đại đồn sau này.
Riêng khu vực cuối cùng có thêm một tường bao bên trong và hai đồn lớn bên ngoài, theo bản đồ hiện nay một ở khoảng ngã tư Bảy Hiền và một ngay cạnh vòng xoay Lăng Cha Cả. Bản đồ ghi fort des Mandarins (đồn chỉ huy).
Đầm Sen gần đại đồn được tận dụng che chắn cạnh dài phía nam đại đồn. Và thực tế, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công, họ đã phải đánh vòng qua khu đầm này.
Đại đồn Chí Hòa (màu cam - khu vực chỉ huy nằm gần Bà Quẹo - phía bắc đại đồn) và hệ thống đồn lũy xung quanh (đỏ). Giữa các đồn phía nam có thêm hai lũy dọc và ngang mà bản đồ ghi là phòng tuyến mới (nouvelle ligne). Bản đồ này vẽ thiếu đồn Tây Thới giữa đồn Thuận Kiều và Rạch Tra. Các điểm màu vàng là "phòng tuyến chùa" của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Màu hồng là thành Gia Định thất thủ năm 1859 - Bản đồ hành quân của  Léopold Pallu - Đồ họa: Trị Thiên
Vị trí đại đồn Chí Hòa trên bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận 1892. Lúc này con rạch tự nhiên tạo nên góc lõm của đại đồn vẫn còn. Bên hông đại đồn là Đầm Sen. Khi tấn công đại đồn, liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải đánh vòng qua đây  - Ảnh tư liệu - Đồ họa Trị Thiên
Vị trí đại đồn Chí Hòa trên bản đồ hiện nay - Đồ họa: Trị Thiên
13 đồn lũy dày đặc quanh đại đồn và áp sát Sài Gòn - Chợ Lớn
Thật ra, không chỉ co cụm trong khu vực 3km2 đại đồn, tướng Nguyễn Tri Phương còn cho xây dựng thêm hàng loạt đồn lũy mới bảo vệ đại đồn từ vòng ngoài với phạm vi kiểm soát rất rộng, hàng trăm km2
Cụ thể, thay cho đồn Cây Mai và đồn Kiểng Phước bị mất, bên cạnh đồn Hữu rất lớn cách đồn Cây Mai (đã bị Pháp chiếm) gần 2km, ông cho xây dựng bốn đồn khác gần như áp sát hai đồn cũ, có đồn chỉ cách 400, 500m. Hai chiến lũy dài khoảng 5km nối các đồn với nhau để bảo vệ nhau cùng với bảo vệ từ xa cạnh phía nam dài 3km.
Mặt bắc đồn cũng có bốn đồn nằm cạnh các con rạch: một đồn nằm ở khu vực cầu Lê Văn Sỹ hiện nay, hai đồn hai bên cầu Kiệu - ba đồn này cách thành Gia Định thất thủ khoảng 3km. Một đồn khác rất lớn bản đồ quân sự của  Léopold Pallu ghi fort Annammite (đồn An Nam) nằm giữa rạch Vàm Thuật và cầu kinh Thanh Đa - chúng tôi ước đoán ở khúc nối rạch Lăng và rạch Cầu Sơn, khoảng đường Nguyễn Xí (Bình Thạnh) hiện nay. Đồn này án ngữ con đường quan trọng đi Biên Hòa, nối với lực lượng quân Việt ở thành Biên Hòa chưa bị chiếm lúc đó.
Hai đồn khác, một nằm sát khu vực chỉ huy của bộ phận chỉ huy đại đồn (Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Hiệp, Phạm Thế Hiển -  bản đồ ghi là des Mandarins), nay là khoảng ngã tư Bảy Hiền và một nằm gần khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả hiện nay.
Khu vực ngã tư Bảy Hiền về hướng Bà Quẹo hiện nay. Đây là khu vực trung tâm chỉ huy đại đồn Chí Hòa xưa - Ảnh: M.C.
Vòng xoay Lăng Cha Cả sáng 11-11. Khu vực này xưa cũng có đồn cạnh bên khu lăng mộ này để kiểm soát quân Pháp từ hướng Nam Kỳ Khởi Nghĩa và bảo vệ đồn chỉ huy ở ngã tư Bảy Hiền - Ảnh: M.C.
Phía sau đại đồn, về hướng bắc cũng có ba đồn lớn: Thuận Kiều (ở Tân Thới Nhứt, Q.12 hiện nay) và Tây Thới (xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn), Rạch Tra (nằm giữa địa Hóc Môn - Củ Chi) nhằm hỗ trợ đại đồn cũng như rút quân về phía Tây Ninh khi cần thiết.
Theo nhà văn Phan Trần Chúc, một vị tướng Pháp lúc đó khen ngợi: "Thấy phương pháp dụng binh của Nguyễn Tri Phương, người ta phải tin rằng vị nguyên soái anh hùng của nước Nam đã biết phương lược xây dựng lối pháo đài tạm thời như Totleben ở Sébastopol, Denfert Rochereau ở Belfort, Osman Pacha trong trận Plevna". 
Quân Pháp nhận xét: "Thành lũy của Nguyễn Tri Phương dựng mau như nấm mọc, hễ chỗ nào có lối đi là có ngay chiến lũy ngăn cản".
Có ý kiến cho rằng sau khi mất thành Gia Định năm 1859, nhà Nguyễn chủ trương "thủ để hòa", nhưng chắc chắn lực lượng quân dân Việt khu vực đại đồn Chí Hòa không chỉ thủ mà thực tế đã có lúc tấn công dữ dội lực lượng quân Pháp đang chiếm đóng khu vực bên ngoài thành Gia Định và dọc kinh Bến Nghé.
Cụ thể, theo nhà văn Phan Trần Chúc, "sau khi bao vây được quân Pháp, Nguyễn Tri Phương cho quân liều chết dưới mưa đạn để hãm đồn Cây Mai. Trong đêm 3 và 4-7-1860, 3.000 quân của ông đã anh dũng chiếm được một đồn lũy do đại úy người Tây Ban Nha Fernandez chỉ huy với 100 lính Tây Ban Nha và 60 lính Pháp. Trong tháng 11 cùng năm, quân Pháp lại tấn công dữ dội các pháo đài ở Gia Định nhưng quân nhà Nguyễn đã đánh lui được đối phương khiến quân Pháp bị thiệt hại... (Nguyễn Tri Phương - Nxb Văn Hóa Thông Tin).
Cũng từ khu vực đại đồn, các nhóm dân quân Việt đã nhiều lần đột nhập tận nơi quân Pháp trú đóng, như chiều 7-12-1860 nhóm này đã phục kích giết chết đại úy thủy quân lục chiến Barbé khi viên sĩ quan này từ chùa Khải Tường (Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3 hiện nay - đường Lê Quý Đôn bên hông Trường THPT Lê Quý Đôn trước 1955, chính quyền Pháp đặt tên là đường Barbé) đến đền Hiển Trung (nay thuộc khu vực Bộ Công an trên đường Nguyễn Trãi, Q.1).
Léopold Pallu viết: "Chiều hôm đó, đại úy thủy quân Barbé cưỡi ngựa đi tuần tra như thường lệ. Bọn sát nhân rình rập trong một bụi cây... Ông bị đột kích bằng giáo té ngay xuống ngựa. Bọn An Nam liền cắt đầu, bò qua các bụi rậm và cỏ cao trở về giới tuyến cũ của thành Kỳ Hòa (tên người Pháp gọi đại đồn Chí Hòa). Sáng hôm sau, người ta thấy phần thân thể còn lại (của Barbé) bị bỏ bên vệ đường...".
Quân dân Việt ở toàn bộ khu vực đồn lũy Chí Hòa cuối năm 1860, theo các tư liệu của người Pháp có khoảng 21.000 quân chính quy và 10.000 quân dân dũng (vốn làm ở đồn điền nên còn gọi là lính đồn điền, "mến nghĩa làm quân chiêu mộ"). Trong khi đó, quân Pháp - Tây Ban Nha lúc cao điểm chỉ có khoảng 800 quân, bị vây chặt tới nỗi sáu, bảy tháng liền không nhận được tin tức gì từ phía Pháp.
Ngươc lại, có lẽ quân dân nhà Nguyễn cũng không nắm hết thực lực địch nên chưa quyết định tổng tấn công tái chiếm thành Gia Định.
"Một cơ hội giải phóng đất nước đã bị bỏ qua" - hầu hết các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa của chúng ta đã thốt lên tiếc rẻ về giai đoạn này như vậy.


CÙ MAI CÔNG

'Những người lính An Nam lạ lùng' ở đại đồn Chí Hòa

TTO - "Quân An Nam thối lui mang theo giáo mác, súng lớn và súng tay của họ. Quân An Nam lùi lại một bước thế thôi, gần như thản nhiên, giống như những người thợ đang làm việc rồi ngưng tay; quả thật là lạ lùng".

Khu vực lính liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ cánh đồng mồ mả nhìn về đại đồn Chí Hòa - Tranh tư liệu

"Lính Việt ở đại đồn Chí Hòa khinh thường cái chết" - Một tháng sau khi chiếm được đại đồn Chí Hòa, viên sĩ quan Pháp Philippe Aude viết thư về gia đình như vậy.
Viên sĩ quan này nêu cụ thể về "lòng can đảm" của lính Việt khi đối đầu với liên quân Pháp - Tây Ban Nha vốn có vũ khí hiện đại hơn hẳn: "Khi hai bên giáp chiến, họ dùng giáo, một loại vũ khí chỉ có thể đâm địch trong vòng 4m, một lối tự vệ rất can đảm mà quân Trung Hoa cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến" (Nguyễn Tri Phương - Phan Trần Chúc).
Còn báo cáo về Pháp của lực lượng đánh chiếm đại đồn Chí Hòa khẳng định: "Quân ta đã tấn công thành lũy. (...) Người Nam dũng cảm hơn người Tây nhiều" (Nguyễn Tri Phương - Đào Đăng Vỹ, Văn hóa Tùng thư, SG 1974).
Cảnh tượng kỳ lạ trước mắt đội quân viễn chinh
Sau khi giải quyết xong mối quan hệ với nhà Thanh với Hòa ước Bắc Kinh năm 1860, vua Pháp Napoléon III cử đề đốc Léonard Charner chỉ huy toàn bộ quân Pháp ở Viễn Đông. 
Số quân Pháp ở Trung Hoa liên tục đổ về Sài Gòn. Theo GS Theo Trần Văn Giàu, cùng với 800 quân có sẵn, đầu năm 1861 lính Pháp chuẩn bị cho cuộc đánh chiếm đại đồn Chí Hòa khoảng 5.000 quân và 50 chiến thuyền.
Sau khi dàn thuyền chiến và pháo trên các con sông rạch xung quanh đại đồn, các chùa của "phòng tuyến chùa chiền", 5g30 sáng 24-2-1861, lính Pháp bắt đầu tiến quân sau khi hàng ngàn viên pháo bắn xối xả vô khu vực đại đồn trước đó một giờ. Trong đó, riêng đồn Hữu (Pháp gọi là Redoute) phải hứng dồn dập 500 viên.
Quân dân nhà Nguyễn  ngay lập tức nổ pháo đáp trả và dàn trận kháng cự.Lịch sử viễn chinh Nam kỳ 1861 ghi nhận: Đối phương lập tức đốt khói để che và mặc dầu súng nhỏ và các điều kiện quân sự thua thiệt, họ vẫn kháng cự quyết liệt... Pháo binh chịu trận trước tiên; chỉ trong vài phút nhiều pháo thủ và ngựa bị trúng đạn… Mặc dù tầm đạn của ta chính xác, liên tục và ưu thế hơn, nhưng sức kháng cự của bọn An Nam không bị đánh tan cũng không nao núng chút nào.
Một loạt sĩ quan chỉ huy cao cấp của liên quân trúng đạn bị thương nặng phải đưa về tuyến sau như tướng de Vassoigne, đại tá Tây Ban Nha Palanca Gutierrez, chuẩn úy Lesèble... 
Đề đốc Léonard Charner phải trực tiếp cầm quân và chỉ huy, thúc lính xông về phía đồn Hữu. Hàng chục thớt voi và hàng ngàn quân từ đại đồn xông ra và lao tới chi viện cho đồn Hữu dù vũ khí hai bên cực kỳ chênh lệch…
Cuối cùng, hàng ngàn lính Pháp đã áp sát đồn Hữu và đồn Tiền ở mặt nam đại đồn và leo lên tường chiến lũy nối hai đồn  Khi vô được bên trong, họ nhìn thấy một cảnh tượng kỳ lạ trong đời lính viễn chinh của mình: Quân An Nam thối lui mang theo giáo mác, súng lớn và súng tay của họ. Quân An Nam lùi lại một bước thế thôi, gần như thản nhiên, giống như những người thợ đang làm việc rồi ngưng tay; quả thật là lạ lùng (...). Họ thối lui nhưng không chạy, khoảng cách vẫn còn nhìn thấy nhau. Mấy phút sau, họ rút về phía đại quân có cờ đuôi nheo phấp phới bên trong thành Kỳ Hòa. (Lịch sử viễn chinh Nam kỳ 1861).
Và đến tối 24-2-1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha chỉ tiến được 1km, sau một ngày công kích dữ dội bằng vũ khí hơn hẳn dân quân nhà Nguyễn.
Ngày 24-2-1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha chuẩn bị đánh chiếm đồn Hữu (Redoute), phía nam đại đồn Chí Hòa trước khi đánh chiếm đại đồn - Tranh tư liệu

Ngày 25-2-1861, liên quân Pháp - Tây Ban Nha dàn trận đánh chiếm đại đồn Chí Hòa - Tranh tư liệu 
Lược đồ hành quân, tập kết quân tạm thời của liên quân Pháp - Tây Ban Nha hai ngày 24 và 25-2-1861 đánh chiếm đại đồn Chí Hòa với các đường ngắt khúc. Đồn màu vàng là khu vực đóng quân của liên quân. Màu cam là đồn, lũy và đại đồn Chí Hòa của quân dân Việt. Màu hồng là thành Gia Định bị Pháp chiếm năm 1859. Màu xanh lá cây là khu mộ Lăng Cha Cả (nay là vòng xoay Lăng Cha Cả). Bản đồ này thiếu đồn Tây Thới của ta nằm giữa hai đồn Thuận Kiều và Rạch Tra - Đồ họa: Trị Thiên
"Trận chiến kịch liệt nhất giữa người An Nam và người Âu châu"
Đó là nhận định của trung úy hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tổng hành dinh đề đốc chỉ huy Leonard Charner và bản thân cũng tham gia trận đánh này vào buổi thứ hai của nó, 25-2-1861, đánh chiếm đại đồn Chí Hòa.
Ông viết: Pháo binh vừa đạt vị trí 1.000 thước đã thấy có thiệt hại. Ðã có người và ngựa chết hoặc bị thương; một xe tải đạn có một bánh xe vỡ tan tành từng mảnh. (...) Hai bên bắn nhau kịch liệt...Trên ruộng không có chỗ nào ẩn nấp, chỉ biết đưa thân cho súng đạn. Thiệt hại đã khá rõ (...) Thủy sư đề đốc Léonard Charner ra lệnh cho hai cánh quân tiến lên.
Quân sĩ nào mà leo lên được tường thành (...) thì bị bắn ngay mặt, hoặc bị mồi lửa của địch ném phỏng mặt, hoặc bị giáo đâm lọt ra ngoài. Những người trèo lên trước nhất trên tường thành, và trước khi bị đánh bật trở xuống đều thấy một cảnh tượng khác hẳn khi trèo lên tường ngày hôm trước: bên trong trên bệ đứng bắn đầy lính phòng ngự, kẻ súng dài, kẻ mang giáo hay súng ngắn, chờ quân ta bên ngoài trèo vào...
(...) Ba quân lính chui qua trước, một bị giết ngay; hai người bị thương. Cả ba bị xô ngược ra phía sau và rớt xuống hào...
Khi thế trận đã nghiêng về liên quân, "quân An Nam ngưng đánh vì thấy rào gai bị phá thủng, rút xa vài phút trước khi quân Pháp ập vào, họ rút lui rất trật tự, thật chậm dọc theo bờ tường thành. Một nhóm lính của ta rượt theo nhưng không ăn thua gì; vì địch quân rút hết vào một lớp thành khác trước khi quân Pháp đuổi tới...".
Vũ khí chênh lệch quá rõ: súng ta bắn từng viên một, pháo cũng là đạn gang, sức công phá không lớn nên đại đồn Chí Hòa thất thủ cũng không khó hiểu.
Theo các báo cáo và số liệu của người Pháp sau trận đánh, năm 1861 phía liên quân có khoảng 12-19 người chết (có 5 sĩ quan) nhưng bị thương trên dưới 300 người (một chứng minh cho sức công phá của đạn pháo quân ta không cao).
Quân dân Việt không rõ con số cụ thể nhưng theo nhiều số liệu thì khoảng 1.000 người chết và bị thương. Tham tán Phạm Thế Hiển, lang trung Nguyễn Duy (em trai Nguyễn Tri Phương), tán tương Tôn Thất Trĩ hy sinh. Tướng chỉ huy là Nguyễn Tri Phương bị thương nặng...
Quân ta rút về đồn Thuận Kiều (nay thuộc Tân Thới Nhứt, Q.12). Ba ngày sau, liên quân tấn công Thuận Kiều. Nguyễn Tri Phương gượng đau bỏ ba đồn Thuận Kiều, Tây Thới (nay thuộc Hóc Môn), Rạch Tra (Hóc Môn - Củ Chi) kéo quân về Biên Hòa. Một viên chỉ huy là Trương Định chia tay đại quân về Gò Công tự tổ chức đánh Pháp.
Có thể nói đây là trận đánh Pháp lớn nhất của quan quân triều đình nhà Nguyễn trước 1945; diễn ra giữa Sài Gòn.

CÙ MAI CÔNG

Thử dựng lại đại đồn Chí Hòa từ... nghĩa địa cũ


TTO - Giữa thập niên 1960, khi đào móng xây dựng một số khu nhà ở cho quân đội Mỹ trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM), người ta phát  hiện một hố chôn tập thể.

Các nghĩa địa ở Sài Gòn năm 1968 - Ảnh tư liệu
Hố chôn nằm dưới một cái ao trong rừng cao su nơi đây vừa bị đốn bỏ khi xây các khu nhà. Ao khá lớn, rộng khoảng 100m2 nhưng chỉ sâu trên dưới 1m.
Ao nằm trong rừng cao su mát mẻ nên đám con nít ở khu Ông Tạ (Tân Bình, TP.HCM) thường đến đây tắm khi trời nóng bức.
Những bộ xương khô bí ẩn ở các nghĩa trang cũ trước 1975
Chúng tôi không rõ có bao nhiêu bộ xương nơi đây, chỉ thấy có một xe camnhông (camion) Mỹ chở đi số xương khoảng 1/4 xe. 
Xương đã ngả màu vàng và lấy lên một lát là khô ráo ngay chứ không trắng và ẩm như xương người mới chết vài chục năm. Những người thợ bốc cốt ở cái ao khu vực Phú Thọ trước đó nhận định: "Xương khô cỡ này thì xưa hàng thế kỷ rồi".
Đám con nít Ông Tạ sau đó lượm được vài khẩu súng xưa loại nòng không xẻ rãnh, cái tét nòng, cái gãy đôi mà nhóm bốc mộ tìm thấy dưới ao, ném lăn lóc trên bờ.
Một trùng hợp là những ngôi mộ tập thể có những bộ xương khô và ngả vàng này không chỉ xuất hiện ở đây mà có cả tại các nghĩa địa của Sài Gòn (đã giải tỏa giữa thập niên 1980) khi các nghĩa địa này sau năm 1955 được chính quyền Sài Gòn quy hoạch từ những bãi tha ma trong khu vực: đô thành Chí Hòa (nay là công viên Lê Thị Riêng), Phú Thọ Hòa, Quảng Đông (khu vực Phú Thọ, nay thuộc phường 3, 8, Q.11, TP.HCM), Chợ Đũi (giữa chợ Hòa Hưng và công viên Lê Thị Riêng hiện nay).
Thậm chí khi bãi tha ma mà nay là chợ Phạm Văn Hai (P.3, Q.Tân Bình) giữa thập kỷ 1960 được một số hội đoàn tôn giáo chỉnh trang thành các khu nghĩa trang của hội đoàn mình, người ta cũng thấy có hố chôn nhiều bộ xương khô như vậy trong một khu vực.
Chắc chắn đây không phải là những bộ xương ngẫu nhiên vốn nằm rải rác trong "cánh đồng mồ mả" (plan de mares) mà người Pháp gọi để chỉ khu vực từ đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay lên Hòa Hưng, Phú Thọ... vì không ai chôn người thân trong những hố chôn tập thể.
Càng không phải mộ tập thể "biền tru" (chém ngay không xét xử) sau loạn Lê Văn Khôi 1835 vốn đã xác định ở khu vực Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Ba Tháng Hai hiện nay (khi đào móng xây dựng lại Bệnh viện Bình Dân năm 1968, lính công binh Đại Hàn đã phát hiện hàng trăm bộ hài cốt nơi đây). 
Theo ông C.N.C (năm 1983-1984 là người phụ trách bốc 7.000 ngôi mộ ở khu vực chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình hiện nay), xương chôn dưới đất vài chục năm thường màu trắng; xương trên dưới 100 năm dù chôn trong đất ẩm, đầm lầy bốc lên khô nhanh và ngả vàng.
Công viên Lê Thị Riêng (Q.10, TP.HCM) sáng 11-11. Trước 1983 là nghĩa địa Đô Thành Chí Hòa, nằm sát và bên ngoài đường Bắc Hải (Q.Tân Bình) - Ảnh: M.C.
Công viên Lê Thị Riêng (Q.10, TP.HCM) sáng 11-11. Trước 1983 là nghĩa địa Đô Thành Chí Hòa, nằm sát và bên ngoài đường Bắc Hải (Q.Tân Bình) - Ảnh: M.C.
Ngã ba Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám sáng 11-11. Đường Bắc Hải vốn là một phần con rạch tự nhiên chảy ra kênh Nhiêu Lộc và là hào nước cạnh ngang mặt trước đại đồn Chí Hòa - Ảnh: M.C.
Ngã ba Bắc Hải - Cách Mạng Tháng Tám sáng 11-11. Đường Bắc Hải vốn là một phần con rạch tự nhiên chảy ra kênh Nhiêu Lộc và là hào nước cạnh ngang mặt trước đại đồn Chí Hòa - Ảnh: M.C.
Vỉa hè bên hông Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền trên đường Hoàng Văn Thụ sáng 11-11. Đoạn bóng râm hồi thập niên 1980 vẫn còn là một đoạn kênh Nhiêu Lộc, chạy dài gần tới Bà Quẹo, song song với Cách Mạng Tháng Tám. Và đây là một phần cạnh dài phía bắc của đại đồn Chí Hòa - Ảnh: M.C.
Vỉa hè bên hông Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền trên đường Hoàng Văn Thụ sáng 11-11. Đoạn bóng râm hồi thập niên 1980 vẫn còn là một đoạn kênh Nhiêu Lộc, chạy dài gần tới Bà Quẹo, song song với Cách Mạng Tháng Tám. Và đây là một phần cạnh dài phía bắc của đại đồn Chí Hòa - Ảnh: M.C.

Bí ẩn ở đây là gì?
Đại đồn Chí Hòa là hệ thống đồn lũy lớn nhất mà triều đình Huế xây dựng trong hai năm 1860-1861 ở làng Chí Hòa (nay thuộc quận Tân Bình và quận 10, dọc theo Cách Mạng Tháng Tám hiện nay). Đại đồn nằm phía tây bắc thành Gia Định (đã bị Pháp đánh chiếm năm 1859) nhằm thực hiện chủ trương "đánh và giữ" của nhà Nguyễn lúc đó.

Báo Phụ Nữ Tân Văn số 28 ngày 7-11-1929 đăng bài thơ Qua Chí Hòa hoài cổ của tác giả Sài Sơn P.H.C.: Tiện bước qua thăm cảnh Chí Hòa - Đây nơi chiến địa buổi can qua - Đống xương vô định sương vùi lấp - Giọt máu hy sanh cỏ nhuộm lòa - Cứu nước chẳng nề thân sống thác - Liều mình không quản sức xông pha! - Người xưa, cảnh cũ nay còn nhớ? - Tang hải buồn thay nỗi nước nhà!
Với bài thơ, tác giả đã xác định thi thể của những binh sĩ Việt vô danh trong cuộc chiến đại đồn Chí Hòa 1861 đã được chôn tập thể ("đống xương vô định") ngay tại khu vực mình hi sinh.
Điều này trùng lặp với nội dung lá thư của một người lính Pháp gửi về cho gia đình mình khi khói lửa cuộc chiến vừa tan: "Thi thể những người lính An Nam mà con không thể nào không khẳng định quả cảm hơn đội quân tấn công (Pháp, Tây Ban Nha...) đã được chôn vùi ngay bên ngoài các tường bao bằng đất của chiến lũy kỳ lạ và cực kỳ vĩ đại này, dưới các hào nước quanh đồn...".
Lâu nay, các nhà nghiên cứu thường chỉ nói tổng thể khu vực đồn lũy lớn nhất của quan quân nhà Nguyễn kháng cự lại cuộc xâm lược của người Pháp những năm 1859-1861. Chẳng hạn nhà văn Sơn Nam nói đại đồn ở làng Chí Hòa và Phú Thọ, nằm dọc rạch Nhiêu Lộc, lấy một đoạn đường Thiên Lý đi Tây Ninh (nay là Cách mạng Tháng Tám) làm trục trung tâm.
Còn theo Địa chí văn hóa TP. HCM, trước đại đồn nằm trong thôn Tân Hưng, đến năm 1836 đổi tên thôn là Hòa Hưng, thuộc tổng Bình Chánh Thượng. Năm 1910, thôn Hòa Hưng thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. 
Ranh giới các làng xưa không cụ thể. Đường sá lúc ấy hầu như chỉ là những đường mòn mà ngay sau đó người Pháp đã thay đổi hoàn toàn nên các ý kiến về khu vực đại đồn thường chỉ có thể phỏng đoán. 
Chúng tôi xin được dựa vào những kênh rạch trên bản đồ cuộc chiến thời đó và những "đống xương vô định" để tiếp tục đưa thêm một phác họa khu vực đại đồn xưa.
Theo đó, đại đồn có hình thang mà đáy lớn nằm trên đường Bắc Hải, cắt ngang đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay. Bên ngoài đáy lớn này là con rạch gãy cạnh trở thành hào nước tự nhiên cản đà tấn công của đối phương (năm 1862, người Pháp đã biến đoạn hào này thành một đoạn của kinh Vòng Thành (Bao Ngạn - canal de Ceinture. Con kênh này bị lấp lần hồi từ trước 1975, đến nay thì mất hẳn).
Cạnh dọc phía bắc của đại đồn hình thang áp sát kênh Nhiêu Lộc làm hào tự nhiên. Con rạch này qua đường Hoàng Văn Thụ, phía sau Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (đầu thập niên 1980, phía sau Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền vẫn còn con rạch này. Học sinh chúng tôi lúc đó khi cúp tiết thường lội qua con rạch để ra đường Hoàng Văn Thụ).
Cạnh dài này ngưng theo rạch Nhiêu Lộc và cắt ngang Cách Mạng Tháng Tám ở khoảng đường Trương Công Định hiện nay, hình thành cạnh ngang mặt sau đại đồn dài gần 1km.
Từ đây đồn bẻ xuống phía nam, nối với khu vực ngã ba đường Lý Thường Kiệt - Bắc Hải hiện nay.
Các nghĩa trang tìm thấy những mồ chôn tập thể với nhưng bộ xương khô xưa cũ đều nằm ngoài hoặc sát cạnh khu vực tường bao đại đồn này.
Không chỉ vậy, xung quanh khu vực tường đất của đại đồn còn khá nhiều nghĩa địa như nghĩa trang Đất Thánh (nay vẫn còn trên đường Bành Văn Trân), nghĩa địa Ông Tạ (gần ngã ba Ông Tạ, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nay đã giải tỏa), nghĩa trang quân đội Pháp (ở ngã tư Bảy Hiền. Khi học Trường trung học Nguyễn Thượng Hiền nằm đối diện trước 1975, học sinh chúng tôi thỉnh thoảng qua đây chơi, thấy vài mộ ghi mất năm 1861, năm Pháp tấn công đại đồn Chí Hòa - đã giải tỏa giữa thập niên 1980)...
Khu vực này trùng khớp với ý kiến của đa số nhà nghiên cứu xác định hình dáng cũng như diện tích của đại đồn có chiều ngang khoảng 1km, dài khoảng 3km như trong bản đồ quân sự của trung úy hải quân Pháp Léopold Pallu, sĩ quan tùy viên Tổng hành dinh tướng Charner và là người trực tiếp tham dự trận đánh đại đồn.
Bản đồ vị trí đại đồn Chí Hòa (màu cam) trong Lịch sử viễn chinh Nam kỳ 1861 của viên sĩ quan tham gia tấn công đại đồn Léopold Pallu de la Barrière 
Bản đồ Sài Gòn 1892 vẫn còn con rạch gãy cạnh đi ngang đường Cách Mạng Tháng Tám để chảy vô kênh Nhiêu Lộc hiện nay (lúc ấy còn dài tới gần Bà Quẹo). Công viên văn hóa Đầm Sen lúc ấy vẫn còn là một cái đầm lớn bên trái đường Lý Thường Kiệt. Và đây là khu đầm che chắn tự nhiên cho cạnh tây nam của đại đồn Chí Hòa - Đồ họa: Trị Thiên
Đón đọc kỳ 2: Đại đồn Chí Hòa, hệ thống chiến lũy dân quân Việt lớn nhất của nhà Nguyễn cho công cuộc tái chiếm thành Gia Định - Bến Nghé xưa
CÙ MAI CÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét