Cây sung nằm ở đầu một bức tường chia đôi hẻm Bà Ba. Từ nhà tôi ra đầu đường Nguyễn Minh Chiếu phải đi ngang cây sung. Những buổi tối ra tiệm thuốc gác khi nhà có người cảm sốt, từ xa thấy cây sung tôi đã cảm thấy ái ngại. Không thấy có người đàn ông nào ngồi trên cành cây hút thuốc và rít đỏ tàn thuốc trong bóng tối như lời đồn đãi, cũng không có tay hay chân ai rớt xuống nhưng trong buổi tối cuối năm lạnh, lưng tôi lạnh nhưng đầu tôi bừng bừng. Chạy!
Khổ nỗi, đó mới chỉ là chuyện đầu ngõ bên kia. Nếu không thích đi con ngõ đó, tôi ra con ngõ phía đường Trương Tấn Bửu thì lại gặp cây keo. Nói đúng ra, từ khi tôi lên mười, ở đó chẳng còn cái cây nào hết mà chỉ còn nơi đã từng có cây keo với khoảnh đất trống tối mò vì không có đèn đường. Ai đó đã đồn cây keo có ma? Phải chăng từ chuyện một người lái taxi trong xóm? Do công việc, ông thường lái xe về khuya. Một lần, ông về tới xóm mặt tái mét, kể với mọi người là khi lái xe về tới cây keo đầu ngõ thì thấy có một cái mặt to chần dần hiện ra trước đầu xe khiến ông lái loạng choạng. Dì tôi lúc đó đang học trường Áo Tím, có tính dạn dĩ nên bảo với ông là không tin trên đời có ma. Dì dặn là khi nào ông thấy nữa thì báo cho biết, dì sẽ chạy ra. Lần khác, ông lại thấy “ma” xuất hiện lần nữa trước mũi xe. Ông chạy về nhà dừng xe kêu cái “két”, kêu dì cùng ra cây keo xem sao có chuyện lạ vậy. Không hiểu do sợ hay vì sao mà dì không chịu ra xem ma. Sau câu chuyện của dượng, cả xóm đồn cây keo đầu ngõ có ma khiến phụ nữ và con nít đi ngang qua đó luôn thấy chờn chờn.
Ảnh: TL
Nhưng có lần dì bị “ma” nhát thiệt. Sát vách nhà thờ Nam phía ngoài mặt tiền đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Huy Liệu), có một con mương sâu lộ thiên, nước luôn chảy róc rách. Một buổi đi học về trễ khi trời đã chạng vạng, dì thấy một bóng đen dưới mương ngoi lên, miệng ngậm cây nhang đỏ lè trong bóng tối. Giật thót cả mình nhưng dì gan góc định thần nhìn kỹ thì thấy chính là chú Trọng, một thanh niên trong xóm. Như vậy, dì có sợ ma nhưng lần này lại do ma giả nhát.
Dọc đường tuổi thơ tôi không hề thiếu vắng những câu chuyện ma. Cách nay nửa thế kỷ, đèn đóm trong nhà khu ngoại ô còn tù mù nói chi đến đèn ngoài đường nên chiều xuống bóng tối dần chiếm không gian, các ngõ hẻm tối thui. Cây mọc sân nhà, cây mọc ngoài rào, ban ngày lung lay cành lá và ban đêm biến thành ma lắc lư quơ tay quơ chân tùy theo trí tưởng tượng từng người. Ngoài phía đường rầy đã có người bị xe lửa cán và xe cam nhông 18 bánh của Mỹ cũng làm chết vài người gần đó. Trong xóm có người chết trận, có người thắt cổ vì chồng Mỹ bỏ về nước. Ai chết oan, chết ức đều thành ma quỷ từ những lời đồn. Mua xác nhà cũ, dỡ ra xây lại thấy treo trên cột nhà cuốn sách chữ Hán Tam tự kinh cũng nghĩ bùa thợ mộc ếm. Tuổi thơ tôi sống chung với những câu chuyện huyền hoặc đáng sợ và kích thích trí tưởng tượng như vậy.
Các bà chị trong xóm là nguồn phát tán chuyện ma và hình thành đường dây loan đi xa. Những buổi tối cúp điện trời nóng và khi người già con nít, thanh niên trai gái ra ngồi hóng mát trong bóng tối của khoảng sân trước nhà là các thể loại ma bắt đầu xuất hiện. Chị tôi khẳng định đã có lần thấy một ngón tay ló ra lỗ khóa vào ban đêm, khi chị đi ngang cái cửa hông thông ra con hẻm bên nhà để ra sau nhà vệ sinh vào nửa đêm.
Một chị khác kể khá nhiều chuyện ma nhà thương thí vì chị từng nuôi bệnh cho mẹ suốt mấy tháng trong nhà thương Sài Gòn. Một anh trong xóm kể có lần anh đi Thủ Đức trên xe ngựa vào buổi sáng sớm trời còn tối. Xe ngựa đang lọc cọc chạy trên đường, hai bên là ruộng và trời còn tối thui thì từ phía sau xe ngựa, anh thấy có hai bóng đen từ hai phía bờ ruộng nhảy lên. Có điều lạ là mỗi người chỉ có một giò ở chân phía gần tim đường. Cả hai nhanh chóng nắm tay nhau nhảy lò cò rượt theo cái xe. Ngựa lồng lên, hí to. Ông phu xe quay lại nhìn rồi hốt hoảng quất ngựa chạy thật nhanh nhưng nhanh tới cỡ nào, hai bóng đen lò cò này vẫn rượt kịp. Trong xe, mấy bà đi chợ sớm đọc kinh lâm râm trong miệng. Hai bóng đen, tức là hai con ma một giò, chạy theo riết cho đến khi xe ngựa chạy gần tới đường xe lửa và có tiếng còi tàu hú cùng đèn sáng thì chúng mới biến mất. Nghe xong, các chị gái hít hà còn tôi thì ngờ vực: “Chuyện này em đã đọc rồi, trên báo!”. Anh kia tỉnh bơ còn mấy bà chị còn lừ mắt bảo tôi im lặng.
Sau này, tôi đọc lại câu chuyện đó trên một tờ báo thiếu nhi và nghiệm rằng đối với người nghe, quan trọng là mức hấp dẫn và hồi hộp của chuyện từ một giọng kể khéo léo, không ai quan tâm nó từ đâu ra.
Hầu như địa phương nào cũng có những chuyện ma gắn với cuộc sống ở đó. Đi ngang cầu Ông Tạ, tôi nhớ lời đứa bạn sống ở đó kể về bóng ma nó thấy (?) chạy từ công-xy heo, lò sát sinh hàng chục con heo mỗi ngày, nháo nhào ra cầu và nhảy ùm xuống rạch Nhiêu Lộc vào một buổi sáng sớm khi nó đi lễ nhà thờ. Đến khu Bà Chiểu, câu chuyện cô Ba Trâm thắt cổ sau trường Vẽ Gia Định vì bị hãm hiếp được nghe kể dài dài từ khu cầu Băng Ky đến Ngã tư Bình Hòa rồi vòng ra đường Vạn Kiếp.
Những lời thì thầm như không dám kinh động quỷ thần của các bà trong ngày giỗ, về chuyện những người đi xe bò xe ngựa được quá giang bởi một cô gái tóc xõa và trả tiền bằng lá cây. Đó là những ngày xa xưa, đường xá vùng Gia Định buổi trưa thường vắng hoe vì đang giờ Ngọ nhiều âm khí và ma đang đi. Câu chuyện cô gái bị xe điện chạy trên cầu sắt Đa Kao tông khiến đầu của cô bay lên tới vọng gác của lính Tây gây ấn tượng mạnh đến mức sau 1975, con nít lớn lên ở đường Bùi Hữu Nghĩa dưới dốc cầu vẫn được người lớn khuyến cáo không được ra cầu sắt chơi ban đêm nếu không muốn hồn ma cô gái ra nhát.
Trong đợt du lịch xứ xa, những câu chuyện huyền hoặc được kể giúp chuyến đi đậm màu sắc văn hóa và đáng nhớ hơn những cuộc mua sắm vội vàng. Thành phố nào cũng có những chuyện ma, tất nhiên. Nói cách khác, ở đâu có người sinh sống là có chuyện kể về những con ma. Năm 2000, tôi đến Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và nghe A Xủn, hướng dẫn viên du lịch, một người Việt gốc Hoa Móng Cái và sau năm 1979 là người Hoa, kể một câu chuyện ma xa xưa. Thế kỷ XV, hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh đã ra lệnh giết gần ba ngàn cung nữ chỉ vì ông nghĩ rằng một người vợ yêu dấu đã bị ai trong số đó đầu độc. A Xủn bảo đến giờ thỉnh thoảng vẫn có những người lính gác ban đêm ở đó nhìn thấy một người phụ nữ với mái tóc đen chạy vụt ra và có những âm thanh la hét, khóc lóc và tiếng gươm khua như đang đánh nhau. Tử Cấm Thành chỉ mở vào ban ngày, đóng cửa trước khi màn đêm buông xuống. Rời thành lúc chiều tà để đến một nhà hàng trước khi đóng cửa, khách du lịch nghĩ về thân phận con người, nhất là phụ nữ thời vua chúa phương Đông, được nâng niu và sử dụng như một bông hoa hay con thú cưng và có thể vứt bỏ không thương tiếc.
Một vài lần khác, khách sang Nhật du lịch được hướng dẫn viên đùa rằng hãy cẩn thận khi xuống phố vào đêm khuya, khi đến cửa hàng tiện lợi tranh thủ mua quà. Có thể khách sẽ gặp một phụ nữ tên Kushisake Onna, có nghĩa là “Người phụ nữ bị rách miệng“. Cô ta xuất hiện khi mang một chiếc khẩu trang trong phòng phẫu thuật và một chiếc áo khoác. Cô ta sẽ hỏi: “Tôi có đẹp không?”. Nếu nói không, cô ấy sẽ cắt đầu khách bằng một chiếc kéo lớn mà cô ấy mang theo. Nếu nói có, cô ta sẽ tháo mặt nạ ra, để lộ cái miệng bị rách từ tai này sang tai kia. Một câu chuyện khác là đừng bao giờ ngồi trong nhà vệ sinh khi không có giấy vệ sinh. Có thể sẽ có Aka Manto (có nghĩa là “áo choàng đỏ”) đang chờ bạn. Đây là một hồn ma ám nhà vệ sinh ở Nhật. Nếu ta ngồi trong nhà vệ sinh và không có giấy, con ma này sẽ hỏi: “Bạn muốn giấy đỏ hoặc giấy màu xanh?”. Nếu bạn chọn màu đỏ, bạn sẽ được cắt thành từng miếng. Nếu bạn chọn màu xanh, bạn sẽ bị bóp nghẹt đến chết.
Ma, âm hồn, người khuất mày khuất mặt... ám ảnh cả thời niên thiếu của rất nhiều người. Những cơn rùng mình khi đi ngang một nhà có người mới chết, những sợ hãi trong căn phòng tối khi trời mưa sầm sập và sấm chớp đì đùng bên ngoài, khi tiếng cú kêu ngoài cây chùm ruột trước nhà, những lần cùng anh em vừa sợ hãi vừa phấn khích trùm vội tấm mền khi cả nhà cúp điện... đó là những cảm xúc mạnh mẽ và tuyệt vời đã xa biền biệt, kể từ khi ta bước vào cuộc đời đầy tranh giành và gặp nhiều người còn đáng sợ hơn những con ma mơ hồ không bao giờ thấy đụng chạm đến ai trong thuở thiếu thời.
Phạm Công Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét