Cũng treo đèn, chạy ra tiệm học cụ văn hoá phẩm mua xấp giấy cắt ren tua treo dán lên trần nhà giả làm chandlier (bây giờ khoing biết còn có ai bán loại này). Cũng rải bột lên sàn cho trơn giày, tụi con trai thâu sẵn mấy cuộn cassette nhạc tour theo đúng tour vũ trường. Gặp thằng nào hôm đó đi với bồ thì nó thâu một lèo tám chục bản slow "mùi" toàn nhạc kỷ niệm của tụi nó, làm cả đám nhảy ngu người vẫn chưa hết tour...
Môn “nam giáo” của những bậc phong lưu
Ngày đó, ngay cả tác phong hành xử giao tế khi đi vũ hội cũng được các vũ sư hay ba mẹ dạy kỹ càng, đứa nào cũng phải học cách phục sức điệu nghệ, con trai học thắt cravat, chải gel, xài những chai Brut hay Old Spice đầu đời, con gái tập tự bới tóc, thoa son, tập ráp xắc tay với váy đầm cho hạp.
Không đơn giản chỉ là lề luật nguyên tắc xã giao của một thú tiêu khiển cao nhã văn minh, mà đó đã làm nên cũng cách phong lưu mã thượng của một thanh niên Sài Gòn sành điệu, trong cả hành vi xã hội và tình ái về sau.
Không đơn giản chỉ là lề luật nguyên tắc xã giao của một thú tiêu khiển cao nhã văn minh, mà đó đã làm nên cũng cách phong lưu mã thượng của một thanh niên Sài Gòn sành điệu, trong cả hành vi xã hội và tình ái về sau.
Con trai Sài Gòn đúng điệu khi ấy, ngoài công cuộc kinh sử ở trường văn hóa thì cậu nào cũng được gia đình đầu tư “thủ thân” cho ít nhất một môn võ thuật theo đúng hình mẫu Lý Tiểu Long, biết chơi một nhạc cụ, bình dân nhất cũng xử lí được món Tây Ban cầm làm tài vặt, và cuối cùng, phổ cập nhất, vẫn là vài đường lả lướt để đối phó với nghi thức giao tế trưởng thành: đó là nhảy đầm. Cũng như nhu đạo hay thái cực đạo, nhảy đầm, hay khiêu vũ, không chỉ là một kỹ năng mềm trong giao tế xã hội, mà đạo lý và những nguyên tắc bất thành văn của “món ăn chơi” này chính là bộ môn “nam giáo” sơ đẳng cho hành trang trưởng thành của bất kì cậu thiếu niên nào.
Bài học đầu tiên nào cũng đáng nhớ đáng yêu. Ảnh TL
Tụi con trai được dạy cho biết cách đường hoàng thẳng thớm và luôn nắm thế chủ động mời bạn nhảy, hơi cúi mình nhưng không quá thấp, học cách lịch duyệt xin phép thằng cha nào đó đi cùng cô gái khi muốn mời cô ấy một bản vũ. Dìu cô gái ra piste phải luôn đi trước, nhắm chỗ nào vắng cặp nhảy nhứt để bạn gái không bị va chạm. Phải từ tốn nhưng dứt khoát, không lừng khừng ngơ ngáo vì sẽ gây bối rối cho cô gái đang theo mình ra piste.
Bàn tay nắm tay con gái nhà người ta phải như cầm một con chim sẻ trong tay, siết mạnh thì con chim sẽ chết mà nơi lỏng quá thì sẽ vụt bay. Có thể vừa khiêu vũ vừa thủ thỉ gợi chuyện, khen tụng mùi dầu thơm, bộ váy, hay dáng nhảy của bạn nhưng chớ luyện thuyên leo lẻo cái mồm, đừng kề quá sát vô tai con nhà người ta mà hét thủng lỗ nhĩ. Tay trái choàng qua eo người nữ chỉ có thể thấp nhất là tới vòng eo, trượt thấp xuống tranh thủ sờ mông là bảo đảm sẽ có thằng bạn khác đứng trong dòm ra ngứa mắt bay ra xáng cho cái bợp tai thúi qoắc gia phong.
Dìu bạn theo nhạc nhưng là đàn ông, là người cầm lái, thì đường lượn phải điệu nghệ, giản đơn, và nhắm tuyến nhảy chống va chạm tối đa. Như chở cô gái trên xe vậy, lịch duyệt đúng điệu là anh chàng không phải cứ rồ ga phóng như hung thần xa lộ là ngon, là ngầu, mà anh chàng cưỡi Honda 50 nhẩn nha, không thắng gấp để tranh thủ cú động chạm, khéo léo đường lượn guidon tránh những ổ gà trên đường, tinh tế giảm tiếng động cơ khi đi qua công viên để nhường không gian cho tiếng ve sau mưa kêu ran, và tắt động cơ, giảm tốc tối đa đoạn thả dốc cầu như một cú thở ra khoan khoái, lường trước được cú dằn chân dốc, và cho phép gió lùa tóc cô bạn gái đi cùng.
Xong một bài vũ, “mết” cô ả quá thì cùng lắm chỉ nên nhảy đến lần thứ hai liên tiếp, phải tôn trọng luật change partner để bạn nam khác cũng được nhảy với cô ấy chớ không lạm quyền độc chiếm. Đàn ông Sài Gòn yêu đương khoáng đạt, khoác tay người tình xuống phố không hẹp hòi bắt nàng phải xống áo kín bưng mặt không son phấn, mà phải biết hãnh diện tiếp nhận mọi ánh mắt tán tụng thèm muốn hướng về người đẹp kế bên.
Nhảy xong nhớ dìu con người ta về tận ghế, không bỏ người ta ngơ nhác giữa sàn, và không bao giờ quên lời cảm ơn, hoặc nếu có xíu tình ý gì thì chỉ cần siết nhẹ bàn tay cô ấy khi dìu về ghế là cô ả sẽ tự hiểu. Như thể một nụ hôn lên má, một cái bắt tay giữ hơi lâu một xíu ngay thềm nhà nàng, đủ cho nàng tin vào một cuộc hẹn sắp tới, nhưng đừng để nàng biết khi nào.
Ngay các nguyên tắc chọn bạn nhảy của một quý ông trẻ tuổi cũng chớ bu như bầy nhặng vào cô nào đẹp nhất, nhảy giỏi nhất mà mời. Hãy luôn lưu tâm mời cả những bạn nữ ít được mời nhảy, những cô mờ nhạt với những bộ váy khiêm tốn ngồi trong góc. Một tay hào hoa chính nghĩa là một quý ông sẵn sàng gallant chu đáo với người già, trẻ bé, và những phụ nữ mình không định đưa lên giường. Gallant chính phái là gallant không vụ lợi, một lời khen cho cô phục vụ mang nhan sắc mờ nhạt, một cánh tay cho bà thím không quen bước lên xích-lô, hay một bông hoa, cái kẹo cho em bé gái, thậm chí sự ân cần lịch duyệt giành cho cô gái giang hồ không quen biết,…tất thảy những nghĩa cử hào hoa ấy phải được dàn trải một cách tự nhiên như bản năng nghĩa hiệp, mà không lệ thuộc vào nhan sắc hay độ lả lơi của đối tượng, không vụ lợi đợi chờ “lại quả”. Đối với họ, mọi đàn bà đều đáng nâng niu như nhau, mới gọi là mẫu đàn ông sáng giá.
Không đơn giản chỉ là lề luật nguyên tắc xã giao của một thú tiêu khiển tao nhã văn minh, mà đó đã làm nên cung cách phong lưu mã thượng của thanh niên Sài Gòn sành điệu, trong cả hành vi xã hội và tình ái về sau.
|
Party nào mà có một cô gái phải tiu nghỉu ngó bức tường đối diện cả đêm rồi lủi thủi ra về mà không được nhảy bản nào thì đó đáng là nỗi nhục của nguyên đám đàn ông con trai trong buổi dạ vũ đó.
Ác mộng kinh hoàng của các cậu trai khi đi dạ vũ đó là bị từ chối khi mời nhảy. Cảm giác bị khước từ, không biết phải lủi thủi về chỗ ngồi hay cố gắng nài nỉ, hay mời bừa một cô nào gần đó để khoả lấp. Cậu trai sẽ mất tới vài tháng tự dằn vặt liệu tại bước nhảy của mình chưa đủ điêu luyện, bộ đồ vía trông nhà quê cù lần quá, hay bởi nguyên do gì mà giữa bao nhiêu gã đang tung tẩy ngoài piste danse kia, ta lại là thằng cha duy nhất bị từ chối. Nó táng thẳng một cú trời giáng vào giữa sự tôn nghiêm mới nhú của những gã đàn ông mới dậy thì.
Họ sẽ được trang bị trước để đối mặt với cơn ác mộng kinh hoàng này, được huấn luyện cách lịch duyệt mỉm cười thông cảm, và đường hoàng thư thái trở về chỗ của mình. Không nhảy xổ đi mời bừa một cô gái khác vì như vậy là coi rẻ cô gái thứ hai và nhìn anh sẽ như thằng bại trận đương cay cú phục thù. Không tự ái hậm hực, không sấp mặt tự ti và rời bỏ một vũ hội khi bị từ chối, và tập thanh thản nhìn nhận rằng rất có thể cô ấy mệt thật sự, đang đau chân, cần nghỉ ngơi uống nước, không thích bản nhạc đó, hay đơn giản là không ưa cái bản mặt của anh. Là đàn ông phải biết chấp thuận điều này một cách gallant, trượng phu và điệu nghệ. Bởi đôi khi, chính tác phong chấp thuận đầy tự tin lịch lãm đó sẽ khiến người đẹp hối hận và ước có một cơ hội được mời nhảy lần sau.
Mà nếu không thì cũng chẳng sao, cá vẫn tung tăng ngoài đại dương, vũ hội chỉ mới bắt đầu và còn vài chục cô gái khác còn chưa được mời ra sàn cùng bạn.
Đàn ông trượng phu đúng nghĩa thừa hào hoa để không níu kéo ân tình, dư tỉnh táo để chấp nhận một thực tế là tất thảy đàn bà con gái sinh ra trên đời không phải để chờ đợi nhảy cùng một người đàn ông duy nhất, rằng người nam có quyền chủ động chọn lựa bạn nhảy, bạn tình, và nữ giới cũng sở hữu một quyền tương tự: quyền chấp thuận hay chối từ.
Cuối cùng, thì như luật bất thành văn của mọi vũ hội trên đời, không phải cô ả sẵn lòng du dương trong mọi vòng tay mới nhất thiết là cô nàng sáng giá nhất.
Đặc quyền thụ động và cõi đàn bà bên trong những chiếc xắc tay
Nếu những nguyên tắc của khiêu vũ được coi là môn nam giáo văn minh Âu hóa hiếm hoi ở xứ An Nam còn nặng lề thói gia trưởng, thì thuộc tính điển lễ của khiêu vũ cũng đủ khiến phụ huynh coi đây là một trong những ngón nghề “nữ công” cơ bản cho một nữ nhân toàn diện, để trang bị cho lứa tuổi thanh nữ sẵn sàng cho những biến cố trưởng thành trên hành trình từ một bé gái trở thành một quý bà phong lưu chánh hiệu.
Mỹ học, thời trang, cảm thụ âm nhạc, xảo thuật giao tế,… tất thảy được tổng hợp trong chỉ một ngón giao tiếp mà vào thời này khá phổ biến cho bất kì dịp cuối tuần, hò hẹn hay lễ lạc nào.
Mọi phòng khách được coi là tao nhã đều có thể được dọn dẹp và trang hoàng trở thành những salon khánh tiết nho nhỏ vừa đủ chỗ cho một sàn khiêu vũ bỏ túi, và mọi phòng trà đều có một khoảng trống nhất định trước sân khấu cho một cặp đôi nào đó trong đêm lãng mạn nổi hứng phong lưu, và thật tệ khi một cô gái phải ngờ nghệch bối rối với thân thể của chính mình, và bị chê cười là “mọt sách cù lần”.
Một cô gái biết cách hành xử yêu kiều, với những dáng điệu đẹp mắt, nhịp nhàng theo âm nhạc luôn hứa hẹn một hồng nhan tri kỷ tuyệt hảo, đó là điều mà người ta sẽ không ngần ngại nói cho một bé gái tuổi hoa niên biết trước để sẵn sàng ý thức về toà chánh điện thánh đường nhục thể của chính mình.
Vẻ đẹp thanh lịch, hiện đại của thiếu nữ Sài Gòn những năm 1960-1970. Ảnh TL
Họ được dạy cách “dọn mình” và trang sức cho sắc diện tòa “chánh điện” thật nguy nga lịch sự khi xuất hiện tại một vũ hội. Trên cả một bộ váy đầm hay một đôi giày nhảy bít mũi, tất cả bắt đầu từ một chiếc bóp đầm, hay lối người Bắc di cư gọi khi này, một chiếc xắc tay.
Một cô gái phải biết mang theo cả thế giới trong những chiếc xắc tay nhỏ xíu vừa đủ treo tòn teng trên cườm tay. Trong đó, luôn luôn là một chút phấn sáp để giữ sắc diện tươi tắn, khăn mouchoir phải luôn được ướp thơm, một chút tiền mặt để cô gái tự trọng luôn có thể tự thanh toán cho một ly nước hoặc một cuốc xe, và một chùm chìa khóa để luôn có cho mình một nơi để ra về sau mọi cuộc vui.
Việc mang vác những chiếc giỏ xách quá khổ luôn bị coi là dấu hiệu của sự lam lũ, của lối cả nghĩ cả lo của người phụ nữ quen sống bần hàn. Hành trang của một quý cô lịch sự không bao giờ nên nặng quá sức mang vác của một cổ tay mảnh khảnh.
Sự lịch lãm đối với người nữ được bắt đầu như vậy, với những chiếc xắc tay nhỏ xíu chứa đựng bên trong cả một hành trang trưởng thành của cõi đàn bà.
Tụi con gái sẽ vẫn luôn như vậy, nếu không đến cùng một chàng trai của mình. Trong những bộ đầm “ăn nói”, chúng ngồi túm tụm sát nhau trên dãy ghế kê sát vách tường, một số thủ thỉ chuyện trò, thi thoảng tia mắt ý nhị liếc về phía một hiệp sĩ chemise trắng nào đó vừa tiến vào phòng. Người ta thậm chí có thể cảm nhận một cơn rùng mình nhè nhẹ chạy dọc theo vách tường khi trái châu thủy tinh bắt đầu xoay, đèn được tắt, và nhạc trỗi lên bản khai mạc điệu pasodoble. Mạnh mẽ, khoáng hoạt, vô hại và những bước chân hành khúc sẽ cho vũ điệu “khai sàn” những kết nối vô ưu mà các cặp đôi có thể hồn nhiên đồng hành một cách vui vẻ mà chưa quá vội kết nối vào một bản vũ mùi mẫn lãng mạn nào đó.
Thông thường chỉ những cô nàng dạn dĩ sành sỏi nhứt, hay chính nữ gia chủ sẽ là những cô gái được chọn khai mạc điệu vũ đầu tiên cho đêm dạ hội.
Chỉ đến khi đoạn dạo đầu du dương của bản rumba kế tiếp, theo đúng trình tự của một tour khiêu vũ tấu lên thì piste danse mới thật sự sôi nổi với nhiều hơn các cặp nhảy mạnh dạn tiến vào vùng ánh sáng đèn màu. Cơn rùng mình e lệ ban đầu đã dọn đường cho một sự phấn khích đợi chờ từ dãy ghế của các cô gái. Đó là khi mọi ngón tiểu xảo rù quến của những nàng thanh nữ măng tơ được thi triển ngay trên ghế ngồi, nơi phát ra những tín hiệu sẵn sàng cho một điệu vũ, sẵn sàng để trao bàn tay cho một chàng trai xa lạ để thử đồng hành cùng nhau cho một vũ điệu du dương.
Cũng chính trong những đêm vũ hội tại gia con con ấy, những cô thanh nữ Sài Gòn học được thi vị tuyệt hảo của đặc quyền…thụ động. Nghe có vẻ đi ngược lại tinh thần bình đẳng giới kích phát từ văn hoá Tây phương, với hình ảnh nôm na về những ả đàn bà gân guốc ngổ ngáo, đội đá vá trời, và sẵn sàng đầu đội rổ trầu cau xồng xộc đến trước mặt chàng trai mình ưa thích để mời một điệu nhảy.
Một cô gái đi nhảy đầm, nàng thừa biết quyền năng chủ động của người đàn bà đã được thực thi một cách kín đáo từ trước. Nàng chủ động chọn chiếc váy hợp mốt, quyết định “chôm” vài giọt nước hoa từ bàn trang điểm của mẹ, và một vài nét phấn sáp trang nhã là quá đủ cho một sự chủ động kiểu đàn bà. Chỉ bước ra đường khi đã thập thành tráng lệ, tất cả những gì một cô gái sáng giá có thể làm là điềm tĩnh ngồi thật an thái trong chiếc ghế của mình như thể đó là một chiếc ngai nữ hoàng và đợi chờ một minh quân sáng giá.
Các cô gái cũng học về ái tình phóng khoáng từ những buổi dạ vũ, khi luật change partner (nguyên tắc thay bạn nhảy), bảo đảm rằng mọi bản nhạc lẫn những cuộc tình đều hữu hạn, và một cô gái sẽ được quyền trao tay mình cho nhiều bạn nhảy mà không ngại mang tiếng trăng hoa, bởi nàng cũng có quyền tận hưởng mọi trải nghiệm tình ái không kém so với một người đàn ông.
Các cô thanh nữ sẽ học hỏi về tác phong của một nữ hoàng từ trước khi tiến bước ra sàn, trao bàn tay cho bạn nhảy thay cho một lời thuận ý bằng động tác như ban phát một ân huệ, yêu kiều và không trịch thượng. Bàn tay hơi nhấc lên cao trước khi nhẹ nhàng đáp xuống lòng bàn tay mở ngửa của người đàn ông, một sự tin cậy và tín nhiệm tuyệt đối chính là lời tán tụng tuyệt vời nhất giành cho bản ngã đàn ông. Tuyệt đối không chìa ra theo lối chiến hữu bắt tay nhau, và tối kỵ chìa bàn tay ra trước khi người nam phát đầy đủ tín hiệu cho thấy mình chính là người anh ta muốn mời ra sàn.
Luôn đi sau người nam khi tiến ra sàn, không xớn xác mở đường, khiến người đàn ông phải ở trong tư thế đi sau lưng phụ nữ. Không tự ý chọn chỗ đứng trên sàn để bắt đầu bài nhảy, mà để mặc người con trai chủ động định đoạt cho thời điểm bắt đầu một bản vũ, cũng như một mối quan hệ. Điều này tuyệt đẹp trong không chỉ quan niệm Đông phương về vị thế tự nhiên của người nam và người nữ trong tự nhiên. Một chút xíu thụ động ý nhị không hề có ý nghĩa phục tòng, mà chính là thái độ cần có của một nữ hoàng xứng đáng được tôn thờ và phục dịch.
Bàn tay trái tin cậy đặt lên vai người nam cũng nhẹ nhõm như thể có một loài mỹ điểu đậu lên đó. Không nặng chịch như một áp lực của đòn ngũ trảo, cũng không quá lỏng lẻo nhợt nhạt như một chiếc lá khô không sinh lực.
Trong triết thuyết của nguyên tắc khiêu vũ, người nữ luôn phải dùng sự mẫn cảm để thả lỏng bản thân, đoán định sự dẫn dắt của nam và bước theo, bằng vẻ duyên dáng riêng của mình. Không mù quáng cắm cúi hùng hục tuân thủ như một mụ vợ hủ lậu, cũng không biến bản vũ trở thành một cuộc đối đầu quyền lực giữa hai gã đàn ông. Vòng tay ôm, những bước nhảy, và cả những cuộc tình nữa, sẽ lập tức lọng cọng bấp bênh vào bất cứ khi nào người nữ cố vượt ra khỏi thiên tính của mình, cố chui vào vai trò dẫn dắt chỉ đạo một cách chủ động và chuyên quyền. Có lẽ cũng từ đó mà những bóng hồng Sài Gòn vẫn điêu luyện trên những vòng bánh xe bát phố, dẫn dụ sau lưng là mấy gã trai tơ si tình đã thấm mệt mà vẫn quên lối về. Những cú bắt-thả vờ vịt tuổi hoa niên đó đã tạo ra cho Sài Gòn những giai nhân mẫu mực biết “lẳng” vừa phải, và cũng biết cách “lơ” một cách vừa chừng.
Cùng với tuổi hoa niên của hai cô gái Sài Gòn này, một thời đại đã thuộc về quá vãng... Ảnh TL
Và cuối cùng, trước vũ hội Noel đầu tiên trong đời, Ba tôi mang về nhà một chiếc đồng hồ đeo tay loại dành riêng cho cổ tay phụ nữ, tặng con gái kèm theo một triết thuyết sâu xa mà cho đến tận sau này tôi mới hiểu:
“Hãy luôn biết cách ra về vào đúng khi cuộc vui hẵng còn đang vui nhất!”
Chiếc đồng hồ luôn đeo trên chính cổ tay trái, phía tay luôn đặt trên vai người nam với những chiếc kim nạm lân tinh, rất dễ liếc coi giờ trong bóng tối, đủ để trong mọi điệu vũ đê mê nhất, vẫn nhắc nhớ các ả Lọ Lem tập sự một nguyên tắc tối thượng: rời cuộc vui, khi những cỗ mã xa chưa biến thành trái bí!
Thế nên con gái Sài Gòn đúng nghĩa sẽ luôn hãi sợ là kẻ sau cùng còn đứng lại trong một cuộc tình đã mất vui. Những ả ham vui luôn chính là những kẻ đầu tiên biết cách chào gia chủ ra về, chỉ để không phải chứng kiến cảnh “tiệc tàn ly cốc đổ”, và luôn lưu lại hình ảnh hoàn mỹ nhất của một nữ hoàng dạ vũ sành sỏi luật đời.
* * *
Về sau, khi đọc lại những bài viết thời cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, về thời kỳ tiếp quản văn hóa miền Nam, với luận điệu gay gắt về lối sống trác táng, đồi truỵ của thanh thiếu niên Sài Gòn, và những cuộc truy sát “tàn dư tệ nạn đế quốc”, những đợt bắt bớ ập đến tại các dạ vũ “chui”, những chàng hiệp sĩ salon hào hoa hiền lành bị cắt ống quần, lôi đi diễu ngoài đường, trước ngực là tấm bản bêu riếu tội “nhảy đầm” như một tội luỵ ô nhục… tôi chỉ nhẹ cười, chọn cách dung thứ cho sự xung đột ắt nhiên phải có trong thời cuộc va chạm giữa hai nền văn minh thụ hưởng quá cách biệt.
Những năm gần đây, sau thời kỳ được “cấp phép” trở lại vào thập niên 1990, thoạt tiên dưới tên gọi “dân vũ quốc tế”, hay “múa đôi nghệ thuật”, món “nhảy đầm nhạc tour” đã lẳng lặng dẹp mình khiêm tốn sang bên lề thực đơn tiêu khiển của dân Sài Gòn, nhường chỗ cho thú vui đẳng cấp thời thượng, và phiên bản hậu duệ mang danh xưng đầy tính thể dục hì hục, đó là “khiêu vũ thể thao”. Những bước nhảy nhỏ chân, đủng đỉnh của mốt nhảy salon ngày xưa, vốn phù hợp hơn với những salon nhỏ của một đô thị nhỏ, hơn là những gian đại khánh tiết Âu châu, đã trở nên hiếm gặp. Tại một vài sàn nhảy còn hoạt động, người ta trưng trổ những màn biểu diễn trông như phim chưởng Tàu, những bước sải chỉ phù hợp cho sàn thi đấu, những múa may tít mù chỉ hợp với vận động trường.
Bất chợt, một lúc nào đó, thoáng nhìn thấy một đôi bạn trung niên nhẩn nha một bước vũ salon lịch duyệt ở một góc piste danse, một đôi lời thủ thỉ bên tai, và bóng dáng một người đàn bà luôn biết đi sau đàn ông nửa bước chân, vẫn dấy lên trong lòng kẻ lẩn thẩn hoài cổ một dư vị của những điển lễ phong lưu của những dạ vũ hoa niên quá vãng.
Trác Thúy Miêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét