Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Hương vị của những trăm năm

Nếu nói con nước sông Hậu dưới kia là mạch sống của quê tôi, thì cây sầu đâu chính là hồn cốt của những tâm hồn từng được nuôi lớn tại đây. Nó đứng đâu đó quanh tôi, không nhiều không ít.
    Cây sầu đâu. Ảnh: TL
    Rất chậm lớn và sống lâu năm, ngả ngớn giương xuống sông, xuống đường làng mấy cánh tay khẳng khiu lại uốn lượn cầu kì như những vũ công điệu nghệ. Tháng mười một, nước sông trong dần, vực ráo riết. Cũng là lúc hàng sầu đâu vươn vai trút lá, chuẩn bị chu đáo cho một mùa khai hoa nở nhụy mới của mình. Dáng cổ thụ sần sùi kiêu hãnh nhìn mớ lá rơi nghiêng, rơi thẳng, chao lượn vòng vèo.
    Chắc bụng hài lòng như người mẹ muộn con, cười tự mãn trong cơn oặn mình nôn ọe khi cấn thai ốm nghén. Tôi nói muộn con vì mỗi cây sầu đâu muốn có được những lứa bông đầu tiên phải trải qua mười mấy tới hai mươi lần trút lá mỗi độ đông về. Nó hình như là loại cây duy nhất ở đây khai nhụy giữa mùa rét mướt. Sầu đông, đơn độc giữa đông, kiêu hãnh những chùm bông hoa hiếm hoi gan góc.
    Nó, cây sầu đâu quê tôi, có một bộ rễ to, bò vòng vòng quanh gốc. Không ai nhớ được trong đời mình đã bao nhiêu lần từng ngồi trên đó. Đó là nơi bắt đầu cho một đứa trẻ mới biết đi tập leo trèo. Nơi những người phụ nữ đi làm đồng về mệt ngồi lại tán dóc đôi câu, cho ráo mồ hôi trước khi xuống bến sông tắm giặt. Nếu cây sầu đâu biết nói chuyện, nó sẽ có lắm chuyện kể bạn nghe. Không phải là chuyện tình lâm li vì ít ai hò hẹn dưới gốc sầu đâu. Phần lớn người ta chỉ ngồi trên đó tán dóc, đón cá, đón gánh bún kiếm một tô no bụng buổi sáng… Gốc sầu đâu đã trở thành một thành viên của xóm. Chúng tôi ngồi trên những cái ghế tự nhiên đó mà không bận tâm nó đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết là những cái rễ bò nghênh bò ngang trên mặt đất kia đã quen thuộc lắm rồi.
    Nội kể ngay từ khi nội còn con nít, nó đã già cỗi như vậy, cứng cáp như vậy. Có lẽ nó nhiều tuổi hơn cả bà cố. Vì sầu đâu là cây chậm lớn. Từ một cây con đặt vào đất, mười mấy năm sau cây chỉ mới có thể bằng nắm tay người lớn. Để sầu đâu có những bộ rễ bò rồng rắn lên đất phải tốn hơn trăm năm, có khi còn hơn thế nữa.
    Sống hơn trăm năm cũng là hơn trăm lần ngâm mình trong nước suốt sáu tháng mỗi khi lũ về. Có lẽ vậy mà hương sầu đâu ở vùng đầu nguồn sông Hậu quê tôi mới đậm đà, gắn bó với con người bền chặt như thế.
    Sao mà không bền chặt được. Khi nước lên tràn ngập các cánh đồng, không một ngọn rau nào còn chỗ sống trừ những loại rau nước như bông súng, rau dừa, rau muống. Giữa nước linh binh, mùi đất từ rau trở nên đắt đỏ. Đọt sầu đâu đem tới cho vùng lũ lụt nguồn sinh khí hiếm hoi. Nó làm cho những con cá nước lên no nưỡng, nhiều mỡ trở nên đậm đà đặc sắc không đâu có được.
    Ảnh: TL
    Mùa cá ra sông cũng là mùa sầu đâu trút bỏ lớp áo lá già cỗi của mình. Mươi ngày sau, những chồi non màu nâu sậm, những chùm bông li ti xanh mượt, đội lớp da sần sùi của cây mẹ, túa lên khắp ngọn ngành cổ thụ. Những gốc sầu đâu già lão nhất lại là những cây đâm bông, nẩy lộc mãnh liệt nhất. Trong mỗi chùm bông, chùm lá, thời gian của những trăm năm như đong đầy, gợi cơn thèm ngay khi vừa nhìn thấy.
    Tôi không biết leo cây. Thường đứng dưới này đưa tay đón những chùm lá, chùm bông từ trên cao rơi xuống. Chúng rơi nhẹ nhàng, lấp đầy một khoảng ký ức của tuổi thơ. Tôi thích như thế. Dù tôi không thể ăn được một lá nào. Nhưng tôi biết, anh tôi, ba tôi coi lá sầu đâu như một thứ báu vật.
    Mỗi buổi cơm, tôi ngồi nhìn người lớn tuốt từng chùm lá, cuộn gọn chấm nước mắm me, nhai ràu rạu. Anh tôi nói mùi lâu năm ngấm tới đâu đã tới đó. Anh ghiền nặng, có thể ăn sầu đâu với bất cứ món nước chấm nào. Tôi thấy thèm, bắt chước họ nhấm nháp vài lá.
    Chưa có loại rau nào đắng như lá sầu đâu. Vị đắng mạnh, đánh thẳng vào vị giác, gây choáng váng ngay khi lưỡi chạm vào. Nhưng khi vượt qua được rào cản ban đầu, ta mới thấy được tận cùng của cái đắng tê lưỡi là cái ngọt ngất ngây. Ngọt không giống mật giống đường mà ngọt âm ỉ như một thứ thâm tình quyến thuộc. Để mỗi độ gió bấc trở mình, lòng lao xao cơn thèm cái vị đắng mạnh mẽ đậm đà.
    Người quê tôi không nói thèm sầu đâu mà nói là ghiền sầu đâu. Tôi chưa biết sầu đâu có nối duyên cho ai không. Nhưng rất nhiều nàng dâu chàng rể bén duyên đất này đều đã bị món gỏi sầu đâu chinh phục. Anh rể chị dâu tôi ai cũng ghiền sầu đâu như chính họ được nuôi lớn tại đây. Giờ món ăn này đã đi khắp xứ. Thực khách thích nhất là gỏi sầu đâu trộn khô cá sặc bổi, vài lát dưa leo, chén nước mắm me. Đó là món gỏi có đủ đầy hương vị của đất trời. Vị ngọt béo của cá, vị đắng chát sầu đâu, chua của me, cay nồng của ớt. Tất cả hương vị hòa quyện lại, đi sâu vào lòng thực khách. Cuối cùng đọng lại hậu ngọt nồng say.
    Sầu đâu, ngay cái tên của nó gợi nên một nỗi vấn vương nào đó, một sự tìm kiếm đa đoan nào đó, rất tình cảm, rất độ lượng. Khi cơm áo bộn bề, người của những buổi cơm sum vầy ngày xưa đi tứ tán. Tôi thường ngồi một mình với món ăn hằng ưa thích, nhìn cây, nhìn khoảng sông thưa vắng, nhai một miếng rớt nước mắt một miếng. Cái đắng tan từ đầu lưỡi chạy mãi tận trong lòng. Sầu đâu chỉ ngon khi được nhai ràu rạu giữa những ngày tình thâm hội tụ.
    Đất vẫn như xưa nhưng người đã lớn. Người đi muôn phương đem theo nỗi nhớ hương vị quê nhà. Mỗi mùa gió bấc tràn về, tôi lại gom góp những lá non, bông non gói trong mấy lớp lá sen, gởi cho những người thân trót ghiền món ăn dân dã. Mỗi lần như thế tôi như thấy mình gởi đi muôn phương một mảnh tình quê, mặn mòi, ấm áp.
    Thời gian trôi, ai cũng già đi. Cội sầu đâu vẫn cứ như vậy, sần sùi kiêu hãnh với dáng vẻ mộc mạc độc đáo của mình. Như một cụ già mà tuổi càng cao càng quắc thước và dồi dào sinh lực. Mỗi mùa thêm tuổi lại cho ra những chùm hoa ngày càng nồng đượm, ngày càng làm ngây ngất người quen khách lạ.
    Ba tôi nói sầu đâu là món ăn cá tính, hào sảng, khẳng khái và nặng nghĩa tình. Anh Hai lúc xa nhà, nhớ sầu đâu có nói nó là món gợi nhớ gợi thương. Thật vậy. Trót để vị đắng của sầu đâu đi vào sâu trong huyết quản một lần, người có chút tình quê khó lòng có thể lãng quên.
    Võ Diệu Thanh

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét