Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Những chầu khóc cuối tuần

“Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương, tối leo lên giường nằm coi cải lương” - bài hát Beautiful Sunday đã được dân Sài Gòn chế tác thành một cuối tuần rất đặc thù: nhàn nhã, vô tư, nhưng tới cuối ngày thì phải có món gì mùi mẫn.
    Sài Gòn không chỉ có cải lương, mà còn có thoại kịch để coi cuối tuần. Nhưng một kịch bản thuần chất Sài Gòn Nam bộ nhất, vẫn phải là một kịch bản buồn (có mấy vở cải lương được coi là vui bao giờ). Nỗi buồn nằm trong thuộc tính bản địa của dân Sài Gòn tự khi nào, không ai rõ. Nỗi buồn dân Sài Gòn kéo dài thành vệt, như vệt nước mắt dài hàng thế kỷ vậy, mà rất có thể bắt nguồn từ những bài bản cổ nhạc đượm buồn của thuở khẩn hoang, cho tới những tuồng tích cổ trang kiếm hiệp cũng đầy rẫy phận buồn. Tới người hùng huyền thoại họ Lục của cụ đồ Chiểu cũng đượm màu kiếm hiệp diễm tình, khóc tới mù hai con mắt.
    Thời hoàng kim của sân khấu cải lương ở rạp Hưng Đạo những năm 1980-1990. Ảnh TL
    Ngày nay, người ta lại chuyển qua ham coi tấu hài nhiều quá mà trên mâm cỗ tiêu khiển cuối tuần đã vắng bóng hẳn những bài bản diễm lệ và bi thương của một thời đỉnh cao kịch nghệ.
    Sự tích “tuồng chính trị” và những mảnh Sài Gòn trắng đen
    Hồi mấy năm 1980-1990, ngoài việc bát phố ăn tiệm hay vô rạp coi hát thì thú vui tại nhà duy nhất vào buổi tối của dân Sài Gòn là coi truyền hình. Có lẽ cũng bởi khi đó chỉ có một kênh duy nhất, và cũng chỉ phát vài tiếng đồng hồ vào buổi tối nên trở thành món giải trí được chờ đợi nhất trong ngày.
    Thuở đó, nếu ngoài các rạp vẫn diễn chủ yếu là tuồng cổ trang thì tuồng tâm lý xã hội lại được phát nhiều hơn trên truyền hình, mà trong đó, đa số là các kịch bản tuyên truyền, mang màu sắc tư tưởng chính trị để làm công tác văn hóa cho cư dân cái thành phố còn nhuốm nặng vệt mùi tiểu tư sản. Vậy là ra đời hàng loạt các bài bản tuồng cách mạng, phần lớn là hình ảnh những anh hùng biệt động sống trong lòng địch, hoặc bối cảnh tầng lớp tư sản Sài Gòn, gái điếm “tàn dư” được cải hóa và thuyết phục một anh cán bộ địa phương mặt thoa phấn trắng mũi kẻ sống đậm lè biết “bỏ xề” mùi mẫn những đường lối chánh sách bao dung của chính quyền khiến khán giả vỗ đùi cái chách vỗ tay ào ào như thể đang ngồi coi trong rạp. Kết cục thường là tất cả cùng vui vẻ nắm tay nhau đi kinh tế mới. Tới đây thì mọi người hài lòng thỏa mãn, đám con nít chúng tôi được đãi tô mì tôm ăn khuya rồi lùa đi ngủ.
        Phải ăn cùng bữa ăn tinh thần của họ, thì mới biết được cái chất máu chảy trong huyết quản Sài Gòn chính là lệ. Dân Sài Gòn buồn, và dân Sài Gòn si mê vẻ đẹp của nỗi buồn hơn bất cứ điều gì khác.
    Vậy mà từ lúc nào không hay, chính cái hơi hướm “Sài Gòn cũ” lại ám vào chúng tôi mạnh mẽ tới vậy, qua chính những vở tuồng tâm lý. Thuở đó chỉ có ti vi đen trắng, vậy mà cả một thế giới sặc sỡ đã được tái dựng tài tình qua màn hình nhị sắc, được thêm thắt tô màu bởi trí tưởng tượng trẻ con.
    Thời đó, bolero (khi này còn gọi là nhạc vàng) bị cấm triệt để, chính màn ảnh nhỏ là chiếc cửa thoát hiểm an toàn duy nhất để chúng tôi, những thị dân sinh sau đẻ muộn vớt vát chút tàn dư sống động hơi hướm bolero diễm tình được “cải biên” thành những đoạn nhạc minh họa không lời, xen vào câu thoại theo lối giao duyên, hoặc được dùng làm một phần thoại cho các nhân vật để khắc họa rõ nét hơn môi trường văn hóa chế độ cũ. Kỳ lạ một nỗi, đó là hàng chục năm sau này, tôi có thể quên sạch sành sanh những bài học tư tưởng được cài cắm vào kịch bản, nhưng những câu ca, những trích đoạn tân nhạc đó lập tức ngấm sâu và ở mãi trong tâm thức như một giọt nước hiếm hoi thấm tháp ngay vào miếng bọt bể đang hau háu đến khát khô.
    Lần đầu tiên tôi biết tới bản Phố đêm lại là qua một vở tuồng cách mạng. Đương nhiên là tôi không tài nào nhớ nổi tên vở, hay tên đoàn hát, nhưng lại nhớ như in cảnh một ông lão cùng cô con gái nhỏ lưu lạc lên Sài Gòn hát rong để tìm kiếm cô con gái lớn, khi này đang là biệt động thành dưới lốt gái bán bar. Tôi còn nhớ như in tiếng guitar nhão tới chùng lòng của ông già, rồi cái giọng giả thanh vỡ vụn tới khi khản đặc ở những nốt cao của cô gái nhỏ: “Nhớ ngày nao hoa nắng ngủ trên cây thương lá vàng úa tàn…”. Đứa nhỏ sáu tuổi là tôi khi ấy chợt mủi lòng thổn thức theo, dù không thật sự hiểu cái ý nhị của những hình ảnh ám dụ sâu xa nọ. Có lẽ vì thứ âm nhạc tôi được học và được nghe khi ấy, phần lớn là về anh bộ đội bắn Mỹ tài ghê, hay mùa xuân thắm tình Việt Nam - Liên Xô, nên một nét phác đượm buồn màu tang chế ấy đã dễ dàng khơi bật cái nhu cầu lãng mạn tiềm tàng tự nhiên trong mỗi đứa con gái của phố thị Sài Gòn “sến từ trong trứng nước”.
    Từ Khách sạn Hào Hoa đến bi kịch Tần nương thất
    Tuồng tâm lý xã hội thời đó, dù vẫn bảo đảm tính tư tưởng và hiệu quả tuyên truyền, nhưng nhờ nét diễn và văn phong bài bản của các soạn giả cũ nên vẫn đậm đà hơi hướm nửa diễm tình, nửa tình báo, trinh thám. Kết hợp cả hai miếng tuồng “sở trường” đó là có được một câu chuyện tình kháng chiến vừa lâm ly vừa giựt gân, có cả đánh võ và đấu súng dư sức ly kì để gây háo hức cho khán giả mê tuồng sân khấu.
    Điển hình của thể loại này là vở Khách sạn Hào Hoa do đoàn Sài Gòn 2 diễn, có làn hơi trầm hương độc nhất vô nhị của đào Mỹ Châu và diễn xuất lịch duyệt của kép Thanh Tuấn. Cô Mỹ Châu có mái tóc đen mun xõa dài, khuôn mặt sắc sảo nhưng nghiêm và buồn, đặc biệt là làn hơi sang trọng đài các chớ không lanh lảnh giọng kim như phần lớn mấy cô đào thương đào lẳng bấy giờ.
    Nghệ sĩ Bạch Tuyết vào năm nhận Huy chương Vàng giải Thanh Tâm (1965) cho vai cô Tần trong vở Tần nương thất. Ảnh TL
    Đây cũng là một vở được phát tới phát lui trên đài phát thanh vào trưa Chủ nhật, tới nỗi tôi gần như thuộc làu mấy lớp ca của cô Mỹ Châu trong vai nữ tình báo biệt động. Phải đến giữa thập niên 1990 vở này mới được dựng và diễn cho truyền hình. Lúc này đã bắt đầu có ti vi màu, cô Mỹ Châu lúc này tuy đã quá tuổi vào vai “nữ biệt động” ngày xưa, nhưng bởi giọng ca vô tiền khoáng hậu mà khán giả vẫn mê như ngày nào. Cô bận áo dài cách tân hở cổ bằng nhung đen, tóc dày bỏ xõa, tai đeo đôi bông lấp lánh, xoay một vòng rồi dựa ngửa trên bức vách, dòm trân trối vô người tình cũ trong màu áo sĩ quan Cộng hòa, ôi chao là đẹp!
    Ngoài mấy vở “tuồng cách mạng”pha màu trinh thám phản gián thì tôi mê coi nhất vẫn là các tuồng tâm lý xã hội – trường phái kịch bản mang đậm đà cốt cách diễm tình Sài Gòn nhất. Là bước tiến hóa ngay sau khi vọng cổ được đưa vào lớp lang bài bản để thành cải lương – một lối nhạc kịch của người miền Nam, ngay lập tức dòng kịch bản tâm lý xã hội cũng được các gánh hát tung ra, bên cạnh dòng kịch bản hương xa, hay kiếm hiệp đường rừng. Với những vở “thủy tổ” lừng lẫy một thời như tuồng Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Lá sầu riêng… đưa bối cảnh đương đại lên sân khấu, ranh giới giữa những mảnh đời dưới hàng ghế khán giả và thế giới phông màn bị xóa mờ. Người ta khóc theo đào kép, và cùng lúc khóc ngon lành thấm thía cho chính mình.
    Những năm 1980, một số vở diễn được dàn dựng trước đây vẫn may mắn được coi là có tư tưởng tố cáo lối sống tàn dư tư sản của chế độ cũ nên vẫn được phát sóng như vở thoại kịch Dưới hai màu áo. Cô Kim Cương vừa mặc quần ống patt, hút thuốc phì phèo, vừa vô vai cô bán hột vịt lộn bận bà ba tập đi giày cao gót khiến khán giả cười nghiêng ngửa đó rồi cũng khóc xiêu khóc đổ theo cô. Cũng từ vở này mà câu “một đi không trở lại” của kép hài Bảo Quốc trở thành câu cửa miệng của thị dân, nhất là mấy tay giang hồ hẻm và tụi choai choai tới tuổi đi bụi đời.
    Vua vọng cổ Út TRà Ôn. Ảnh TL
    Nhưng vở khiến tôi mê mẩn mụ mị nhất khi ấy vẫn là vở cải lương Tần nương thất có đào Bạch Tuyết diễn vai chính. Trong vai góa phụ đa tình, cô hững hờ dựa ngửa vô chiếc ghế mây, chìa bàn tay tuyệt đẹp cho người làm giũa móng, ánh mắt nửa thương hại nửa khinh miệt giành cho người em chồng si tình do chú Út Trà Ôn thủ diễn, rồi cô lại lụy tình đến tuyệt vọng khi cố tìm sự thương cảm trong đáy mắt tình nhân, đoạn kép Thanh Sang quyết rũ áo ra đi. Thế rồi cô nỉ non cất lên chỉ vài câu tân nhạc đậm đặc mùi nhạc vàng diễm lệ. Vở bi kịch không đoạn kết, người đẹp tên Tần bị bỏ lại trong cùng quẫn và dở dang, nhưng đọng lại trong trí óc vị khán giả là tôi một sắc diện đài các sầu bi đặc thù của tác phẩm văn nghệ Sài Gòn “nguyên chất”, cùng lúc đậm đà dấu ấn tuyệt tác Hà Triều - Hoa Phượng mà về sau, cho tới tận bây giờ, không dễ còn có hiện tượng tương tự. Bên cạnh đào chính Bạch Tuyết còn có những nghệ sĩ hạng thượng thừa cỡ kép độc Tám Vân, Thanh Sang, và đặc biệt là Út Trà Ôn trong vai Trần Lộ.
    Thanh Thúy, tiểu thuyết diễm tình và tiếng khóc khan giữa lớp tuồng hoan hỉ
    Ngoài đêm thứ Bảy trên ti vi thì thời đó, thi thoảng Nhà hát kịch Hà Nội vô diễn mấy kịch bản của Lưu Quang Vũ để “đổi gió” cho khán giả miền Nam. Thú thật về loại chính kịch hiện đại này, đặc biệt là dòng Lưu Quang Vũ thì các nghệ sĩ trong Nam không sao bì được.
    Nhưng kịch Bắc chỉ thu hút khán giả là cán bộ miền Bắc sinh sống tại Sài Gòn, chính kịch miền Bắc vẫn chưa “hạp khẩu vị” khán giả Sài Gòn lắm. Người ta vẫn chuộng bi kịch màu mè diễm lệ với những cô đào thương được trang điểm lộng lẫy và một phần số éo le. Có lần, đoàn kịch nói Bông Hồng diễn ở Nhà hát Thành phố người ta kéo nhau coi đông lắm, bởi nghe nói có cô Thẩm thủ diễn, dù chỉ là một vai “đóng chơi cho vui” sau nhiều năm vắng bóng kịch trường. Thời đó các suất diễn ở Nhà hát Thành phố rất nghiêm, không cho con nít vào, ba má phải năn nỉ gãy lưỡi, nhờ vả người quen tôi mới may mắn lọt vô được khán phòng, báo hại con nhỏ mém khóc xỉu trước cửa rạp. Đó là lần đầu và cũng là lần duy nhứt tôi được coi tận mắt cô Thẩm Thúy Hằng diễn trên sân khấu.
    Giai nhân Thẩm Thúy Hằng. Ảnh TL
    Tới khi có nhà hát Hòa Bình thì khán giả Sài Gòn lại được một phen khóc như mưa như gió khi đoàn Kim Cương diễn vở Trà hoa nữ. Nguyên tác được chuyển thể kịch bản và địa phương hóa thành câu chuyện của cô vũ nữ Sài Gòn. Cô Kim Cương đóng cặp với kép Thương Tín, cứ tới đoạn cổ giả đò bỏ rơi người tình để trả chàng về với gia đình là dưới này mấy bà mấy chị khóc hù hụ, có mấy người vẫn quen tay theo kiểu cũ, kẹp tiền vô bông, vô quạt, chọi tới tấp lên sân khấu, bảo vệ phải ra nhắc nhở mấy lần mới thôi.
    Khuya đó, trên suốt đường về mẹ tôi lại ghẹo ba “mít ướt”, hễ động coi tuồng nào có người đẹp truân chuyên là ba lại mủi lòng. Ba tôi cười cho qua chuyện, nhưng với tôi, đó là lần đầu tiên hiểu được cái cảm giác phỉ khoái lạ lẫm của một trận khóc vay. Trước đó thì tôi chỉ biết tới việc khóc lóc đến từ những cây roi hay việc không được cho 5 đồng đi ăn kem Bạch Đằng. Chẳng khoan khoái chút nào. Nhưng việc khóc theo một vở bi kịch thì lại hoàn toàn là một chuyện khác hẳn mà ai trải qua rồi mới hiểu vì sao người ta mê đi coi hát, khóc theo đào kép diễn tuồng, vì sao các bà các chị vẫn mướn về mấy cuốn tiểu thuyết diễm tình cũ xì rồi sụt sịt khóc. Có lẽ cũng bởi vậy mà giọng ca Thanh Thúy rền rĩ như tiếng ma nữ khóc chồng lại có thể làm si mê điên đảo cư dân thị thành hoa lệ đến vậy.
    Ca sĩ Thanh Thúy trên một bìa nhạc 1968. Ảnh TL
    Ai không hiểu, cứ nghĩ dân Sài Gòn chỉ khoái tấu hài, nghe nhạc Mỹ, ăn mì tôm và chơi xổ số mà giàu. Rằng người Sài Gòn chỉ thích cái gì vui vẻ, tiện nghi và hời hợt. Nhưng hiểu cư dân ở một miền đất, phải ăn cùng bữa ăn tinh thần của họ, thì mới biết được cái chất máu chảy trong huyết quản Sài Gòn chính là lệ.
    Dân Sài Gòn buồn, và dân Sài Gòn si mê vẻ đẹp của nỗi buồn hơn bất cứ điều gì khác.
    Dân Sài Gòn đọc tiểu thuyết diễm tình, nghe Thanh Thúy và coi tuồng tâm lý xã hội chỉ để được buồn, buồn hết phần mình buồn ké phần người khác.
    Bây giờ thì ở Sài Gòn, muốn khóc cũng đã thành chuyện khó. Ở khắp nơi người ta chọc cho nhau cười một trận cười ngô nghê hoan hỉ. Các rạp hát điêu tàn hoang phế, những soạn giả tài hoa thế hệ cuối cùng cũng đã thành người thiên cổ. Ở khu trung tâm, một khối nhà nhìn giống nhà băng xây bằng đá thứ phẩm được gọi là nhà hát, mấy năm nay vẫn kéo sập lớp lưới rào bằng sắt lạnh. Góc Nguyễn Thái Bình chỉ còn là một nhà mồ hoang phế, lỏng chỏng mấy tấm áp phích hình đào kép cổ trang.
    Bây giờ, bất kể giữa tuần hay cuối tuần, đi đâu cũng nghe thấy tiếng cười. Người ta bây giờ mê coi hài, từ chương trình nhạc hội hàng tuần trên sân khấu ngoài trời, cho tới những sân khấu mini tự lập của các nhóm nghệ sĩ, cho tới hàng loạt những chương trình trên khắp các kênh truyền hình, khắp nơi, người ta thi thố cách làm cho nhau cười.
    Chắc cũng bởi cái cốt cách Sài Gòn ủy mị cổ lỗ kia đã khiến tôi nghe tiếng cười rộ lên khắp nơi mà nghe như giữa một lớp tuồng bi thảm nhất, chợt muốn bật một tiếng khóc khan.
    Trác Thúy Miêu

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét