Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Hương vị ngã ba

Từ năm 1954, khu ngã ba Ông Tạ đang vắng vẻ thay đổi hẳn vì cộng đồng người Bắc di cư vào hình thành khu dân cư đông đúc. Nhà thờ, chợ búa, tiệm quán, trường học nhanh chóng xuất hiện.
    Người dân Ông Tạ mang vào Nam phong cách ẩm thực quê hương miền Bắc và tiếp tục giữ gìn, phát triển nhờ có thực khách đồng hương. Họ mở quán xá ngoài mặt phố, trong chợ, trên vỉa hè. Một số nhà trong hẻm biến thành nơi chế biến thực phẩm cung cấp cho các chợ và quán ăn, từ lò mổ heo, làm giò chả, làm bún, quay thịt heo... Rau củ từ vùng Bà Quẹo, Hóc Môn đưa xuống bằng xe ngựa luôn tươi mới vì sáng sớm nào cũng đổ hàng xuống chợ. Chợ Ông Tạ và khu phố chung quanh trở thành nơi giới thiệu và thưởng thức món ngon vật lạ, cũng là nơi bình phẩm, đánh giá thực phẩm từ các bà nội trợ sành ăn.
    Nói về hàng ăn, trước hết, phải nhắc đến món giò chả, đặc sản khu này. Trong đó, có nhà làm giò chả của ông Trùm Bệ, nằm giữa rạp Đại Lợi và ngõ vào cổng nhà thờ Tân Chí Linh.
    Ông Trùm Bệ có một người con trai và hai cô con gái. Hai cô gái ở hai nhà riêng, đều làm giò chả để hằng ngày đem bán ở chợ Vườn Chuối và chợ Hòa Hưng. Giò chả của hai cô từ một gốc mà ra nhưng mỗi người có một hương vị riêng, đều ngon nổi tiếng ở hai khu chợ họ bỏ mối trước và sau năm 1975. Ông Trùm Bệ ở với con trai nhưng hàng ngày đến nhà cô gái nhỏ là cô Nghĩa để phụ làm giò. Ông giúp cô gói những cái giò lụa hay nướng những khuôn chả quế. Đôi khi ông cũng gói những cái bánh giò trong lá chuối rồi hấp nóng, ăn thơm và giòn. Giò chả của cô có chất lượng cao vì chọn thịt heo và thịt bò tươi rất kỹ, được bỏ mối đến nhà hàng ngày từ lò mổ heo bò gần chợ ông Tạ. Công-xi heo này rất coi trọng khách hàng quen từ chợ và các nhà chế biến giò gần đó. Mỗi ngày họ giao hàng trăm cân thịt loại ngon nhất tới nhà cô, thịt heo cho giò lụa, chả chiên, chả quế, giò gân và thịt bò cho giò bò, giò gân. Vì thịt tươi, giò chả của hai cô rất thơm, ăn rất giòn. Khi chế biến, thịt được thái mỏng cho vào máy điện xay cho nhuyễn. Thêm nước mắm nhỉ nguyên chất từ Phú Quốc và tiêu, hành, bột nổi, gia vị cho đậm đà. Sau khi xay xong, những khối giò sống lại được cho vào cối đá giã cho thịt nhuyễn đều.
    Với vài khách quen, ông Trùm Bệ thường kể rằng ngày xưa ở miền Bắc chưa có máy xay thịt nên thịt heo phải thái mỏng xong cho vào cối giã cho nhuyễn rồi mới trộn chung với gia vị. Vào Sài Gòn, lúc đầu vẫn giữ cách làm xưa, cho vào cối giã. Mãi đến khi có máy xay thịt thì đỡ công giã, sản xuất được nhiều hơn hẳn. Tuy nhiên, cối đá giã thịt vẫn được dùng để giã giò sống cho thịt quyện chắc vào nhau. Giò lụa được gói trong lá chuối tùy theo trọng lượng, nửa ký, một ký hoặc hai ký tùy khách hàng đặt hoặc để bán cho các bà đi chợ. Ngoài ra, có những cái giò lụa với đường kính nhỏ khoảng chỉ một tấc được gói đặc biệt cho những bà bán bún mọc. Hai cô cũng bán những cân giò sống cho các bà làm bún mọc hoặc cho các bà đi chợ mua về làm mọc nấu canh.
    Một góc ngã ba ông Tạ ngày nay, với chợ lá dong truyền thống hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn. Ảnh: N.L.D
    Kha, anh bạn tôi ở Mỹ hồi xưa sống cùng gia đình trên đường Thoại Ngọc Hầu, đoạn gần cầu, có kỷ niệm về ông Trùm Bệ này. Kha nhớ nhiều lần mẹ sai đến nhà cô Nghĩa mua vài ký mọc sống để về nhà làm bún mọc, nhồi gà tần hoặc nấu món vịt tiềm đãi khách, hoặc làm mọc nấu canh bí, canh rau ngót. Lúc khác, bà sai sang mua vài ký giò bò sống để làm bò viên ăn mì hay phở, chả chiên để ăn bánh cuốn. Dịp Tết thì mua vài ký chả quế, mấy cây giò lụa để ăn dần mấy ngày Tết. Những lần như vậy, Kha được xem cô Nghĩa xay giò và ông Trùm Bệ gói giò. Ông xúc thịt cho vào lá chuối đặt lên cân đúng trọng lượng rồi cuộn tròn cái giò lại, lấy dây lạt bằng tre gói từng vòng, xong xếp vào cái vạc lớn để luộc cho đầy một mẻ. Khi làm chả chiên, ông cũng xúc từng nửa cân thịt đặt trên miếng lá chuối rồi thả vào trong vạc dầu sôi sùng sục khoảng chừng mười phút thì chín. Những miếng chả chiên vàng ươm khi chín nổi lên trong vạc dầu. Ông vớt ra cho vào cái sọt đan bằng tre và đậy nắp lại để giữ nóng cho tới khi mang ra chợ bán.
    Khi làm chả quế, ông xúc những miếng thịt heo xay có trộn quế đắp lên cái khuôn hình ống dài khoảng chừng sáu tấc, đường kính khoảng chừng hai tấc. Ông đắp thịt cho dầy khoảng chừng ba phân. Sau đó ông đặt cái khuôn chả quế lên quay bên trên bếp lửa than hồng. Làm món này lắm công phu, vì phải quay chậm rãi cho đều chừng hơn một tiếng đồng hồ đến khi chả chín vàng ươm chung quanh. Nếu làm không đúng cách, chả quế có chỗ sẽ bị cháy hoặc có chỗ không chín. Chả quế làm đúng cách khi ăn sẽ cảm thấy trên bề mặt dòn tan như thịt heo quay, nhưng bên trong mềm và dẻo lại thơm mùi quế. Nhiều lần đến mua giò chả, Kha thấy ông Bệ làm những cái bánh giò gói trong lá chuối cột thành từng xâu cho vô trong cái nồi to để hấp. Khi đi về, ông thường dúi vào tay Kha một hai cái bánh giò hay một cái giò lụa nho nhỏ mà ông vét cối vét chày cho vào lá chuối gói để làm quà cho mấy đứa cháu.
    Sau này hai cô con gái của ông sang Mỹ sống nhưng một cô cháu ngoại của ông ở lại Sài Gòn tiếp tục làm giò chả thay mẹ. Giò chả của cô này cũng bán chạy, thậm chí đắt hàng hơn trước.
    Những tiệm thuốc Bắc có nhiều ở khu Ông Tạ, của người Việt và người Hoa. Đối với con nít khu này, thuốc Bắc không có gì để mà ham nhưng trong tiệm cũng có vài thứ để nhấm nháp. Bên kia cầu Ông Tạ, phía chợ Phạm Văn Hai có nhà thuốc Bắc Nhơn Tâm Tế tồn tại khá lâu. Chủ tiệm Nhơn Tâm Tế là người Hoa, biết nói tiếng Việt lơ lớ, hiền và tử tế. Tiệm thuốc của chú cũng có cái để ăn, là có bán cam thảo, táo tàu, ô mai. Kha kể có lần đi mua cam thảo, thấy một thằng bé mang một xâu chuỗi vỏ quít khô vô tiệm chú và đổi lấy ô mai. Kha hỏi nếu có vỏ quít khô có thể đổi được ô mai hay cam thảo ăn không. Chú ấy nói: “Nếu có, cứ mang đến tiệm đổi lấy cam thảo, ô mai, táo tàu hay quế, cũng được!”. Biết vậy, ăn quýt xong, Kha giữ lại vỏ, đi xin vỏ quýt của người khác nữa mang về xâu vào dây thép, cột lại một vòng rồi phơi nắng trên mái tôn, xong đem đổi lấy ô mai, xí muội hay cam thảo về ăn... Lớn lên một chút, mới biết vỏ quýt là trần bì cũng là một vị thuốc Bắc.
    Đi từ ngã ba, qua bên kia cầu Ông Tạ còn có tiệm bán cháo lòng tiết canh heo rất ngon của ông Nho. Qua cầu, đi bộ chừng năm phút thì tới. Một bát cháo ông bán có để giá bên dưới, cháo lòng và tiết bên trên xong mấy miếng dồi và tim, gan heo, ông thái mỏng đặt bên trên và rắc thêm hành ngò, rất là hấp dẫn. Thời đó, không ai ngại món tiết canh như bây giờ và không thấy ai bị bệnh vì món này. Những đĩa tiết canh heo ông đánh lên cho đông lại rất ngon, trên lát mấy miếng gan heo thái mỏng, ăn với rau húng quế. Nước nấu cháo lòng của ông Nho là nước thịt heo quay, không biết là mua hay xin ở nhà ông Nhạ mà người ta bảo là anh em ruột của ông, trong ngõ ấp Hàng Dầu. Ngày nào nhà ông Nhạ cũng làm heo quay bỏ mối hoặc bán ở chợ ông Tạ. Khi quay thịt, ông xâu một thanh sắt qua con heo từ đầu xuống đuôi rồi máng trên hai cây. Bên dưới là một lò bếp than củi, giữa bếp lò và thanh ngang xiên con heo có đặt một nồi nước thật to. Ông quay thịt heo bằng hơi nước chứ không trực tiếp bằng than lửa nên khi thịt heo chín dần, nước mỡ từ thân heo chảy xuống cái nồi phía dưới. Khi quay xong mấy con heo thì nồi nước “lèo” phía dưới toàn là nước cốt từ thịt heo chảy xuống. Heo chín xong, da vàng ươm, giòn rụm còn thịt bên trong trắng tinh đậm đà, mềm và béo. Thịt heo đã ngon, cháo lòng nấu từ nước cốt lấy ở nhà ông Nhạ càng ngon. Nhà nào trong khu này muốn ăn cháo lòng cho đã thì đến nhà ông Nhạ mua nước thịt heo quay. Ai quen thì ông chỉ cho, không bán. Xong, ra tiệm ông Nho mua tiết, lòng heo, dồi, gan, tim, dầu cháo quẩy, giá về cho vào cháo ăn. 
    Kha kể rằng ở bên Mỹ, người lớn tuổi khi nhắc đến Sài Gòn là nhớ nhà hàng Kim Sơn, Thanh Thế, Bát Đạt... còn mình là con nít thời đó nên chỉ nhớ mấy cái quán bán nước mía, xe phở vỉa hè và cái quầy bán bánh kẹo trong mấy nhà gần chợ. Vậy mà khi nhắc lại trong một buổi họp mặt toàn những người U.60, ai cũng tranh nhau kể chuyện ăn vặt thời con nít.
    Giữa những giọng nói râm ran, Kha cảm thấy như đang đi lại khu phố chợ tuổi nhỏ đông đúc, đoạn từ ngã ba Ông Tạ về phía rạp Đại Lợi, đi ngang qua các quán xá vỉa hè đầy màu sắc, âm thanh, mùi hương, vị ngon ngọt của các món ăn trong một buổi tối nay đã xa thật xa. 
    Phạm Công Luận
    ______________
    (*) Lược trích từ bài viết trong Sài Gòn chuyện đời của phố 5 sắp xuất bản

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét