Gánh bánh canh 50 năm không có bàn, không biển hiệu, chỉ bán từ 11 giờ trưa đến khoảng 13 giờ là hết sạch. Dù là bán giữa trưa, nhưng ngày nào cũng rất đông người kiên nhẫn đợi để được thưởng thức bánh canh dì Liên.
Gánh bánh canh của dì Liên chỉ có một nồi bánh canh và một nồi cháo lòng đặt vào hai quang gánh, nhưng bánh canh lúc nào cũng bán hết trước cháo lòng nên mọi người quen gọi là bánh canh dì Liên.
Dù chỉ là gánh bánh canh nhỏ ở đầu hẻm đủ cho 1 người đi, nhưng dì Liên chỉ bán trong vòng 2 tiếng đồng là hết sạch.
Giữa trưa nắng hầm hập, khách tới ăn chỉ ngồi trên những chiếc ghế nhựa, cầm tô bánh canh hoặc cháo xì xụp húp, dù đổ mồ hôi hột nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon và nói sẽ quay trở lại lần sau. Phần khác, đây đều là khách quen của dì Liên nên chỉ muốn ăn bánh canh ở đây thay vì mua nơi khác.
50 năm trôi qua, chứng kiến bao nhiêu sự thay đổi của đường Hậu Giang và cả khu Chợ Lớn, từ khi nhà chưa xây, đường chưa mở đến giờ và cũng chừng ấy thời gian dì Liên gắn bó với gánh bánh canh gia truyền của mình.
Gánh bánh canh 50 năm không bàn
Ai ở Sài Gòn cũng đều biết, những gánh hàng rong, bánh canh, hủ tiếu không bàn rất dễ tìm. Nhưng dù không bàn, gánh bánh canh của dì Liên vẫn tồn tại ngót ngét thời gian của một đời người. 50 năm, gánh bánh canh vẫn hương vị ấy, người bán ấy và vẫn thu hút bao nhiêu thế hệ đến ăn.
Mỗi ngày, dì Liên đều bán một nồi bánh canh và một nồi cháo để khách đến nếu không ăn bánh canh thì có món khác đổi vị. Tô bánh canh đầy đủ sẽ bao gồm: bột bánh vừa đủ no một bữa, thịt nạc hoặc ba chỉ heo cắt dài, miếng huyết giòn giòn, da heo nhai sừn sựt, cá viên và quẩy tôm giòn tan. Tất cả cho vào tô rồi chan nước lèo sền sệt, cho thêm vài cọng hành, một xíu ớt khiến nhìn thôi... cũng đã thòm thèm.
Chính vì vậy, dù không có tôm, cua như nhiều quán bánh canh sang chảnh khác nhưng tô bánh canh vẫn đủ vị với nước dùng đậm đà gia truyền.
Khi quán chưa đông, khách đến ăn sẽ được xếp chồng hai cái ghế lên làm thành bàn để ăn cho đỡ mỏi, nhưng tới tầm đông khách thì phải chia sẻ ghế cho những người khác.
Thế nhưng, nhiều khách hàng không ngại ngồi chiếc ghế nhựa thấp tay bưng tô bánh canh nóng hổi mà ăn ngon lành, mặc kệ mồ hôi cứ vậy đổ ròng ròng.
Dì Liên năm nay đã 75 tuổi, bán bánh canh được 50 năm, công thức nấu món bánh canh này là sản phẩm gia truyền nhà dì Liên từ đời cố truyền cho mẹ và giờ là đến lượt dì: “Bánh canh này từ thời cố của tôi để lại, tôi thấy mẹ làm rồi bắt chước làm theo mẹ từ đó đến giờ cũng không thay đổi gì hết”. Dì Liên cho biết bán bánh canh này từ hồi dì mang bầu con gái, đến nay con gái dì đã 50 tuổi cũng ra phụ bán và theo nghiệp của dì.
Anh Hồ Nguyễn Thành Tài (22 tuổi) sống gần đây cho biết thường xuyên đến mua bánh canh ở đây tuy nhiên anh chỉ mua mang về chứ không ngồi lại vì không có thời gian.
“Tuy làm không có cua nhưng nước vẫn rất ngon ngọt, vị đậm đà, nói chung rất ngon. Bánh canh ngon nhưng rẻ hơn những chỗ khác”, anh nói.
Bà Nguyễn Thị Huệ (63 tuổi), khách quen của quán cũng cho biết bà ăn thường xuyên ở đây vì ăn ngon mà rẻ nữa. “Hồi xưa bán bên kia kìa, bán mấy chục năm rồi”, bà Huê chia sẻ.
Bán giờ ‘thiêng’
Sở dĩ nói bánh canh dì Liên chỉ bán “giờ thiêng” là do 50 năm qua, ngày nào cũng vậy, cứ đến khoảng 11 giờ người ta mới thấy gánh bánh canh quen thuộc của dì Liên dọn hàng và chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ từ 11 giờ đến 13 giờ là hết sạch.
Khi được hỏi vì sao dì không mở bán thêm vào buổi tối, cô con gái của dì nhanh miệng trả lời vì buổi tối có người đã đến bán bún riêu.
Chúng tôi khá may mắn khi hôm nay là ngày đầu tiên dì mở bán lại sau dịp nghỉ Tết. Gọi một tô bánh canh đầy đủ, chúng tôi khá bất ngờ vì có quá nhiều “topping” (thịt, bánh quẩy, huyết,…) trong một tô. Vị nước đậm đà vừa đủ ăn, dù việc một tay cầm tô, tay còn lại chỉ ăn bằng đũa hoặc muỗng cũng có chút bất tiện nhưng cũng rất thú vị. Giá như sau khi ăn xong gánh bánh canh của dì Liên có để sẵn tăm cho khách xỉa răng thì mọi thứ sẽ thật tròn trịa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét