Rằm tháng Giêng là một trong ba dịp dùng chay lớn nhất trong năm.
Ngày này được gọi là tết Nguyên tiêu hay lễ Thượng nguyên, còn rằm tháng Bảy là lễ Trung nguyên và rằm tháng Mười là lễ Hạ nguyên. Do đó, ngoài ý nghĩa làm thanh tịnh tâm hồn, nhiều người còn xem đây là dịp cầu phước lành để bắt đầu một năm mới suôn sẻ. “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng” là vì thế.
Lên chùa ăn chay
Có nhiều cách để thưởng thức món chay ngày rằm. Đa phần các phật tử ngoài việc đi chùa còn bày biện một mâm cơm chay tại nhà. Tiệc chay tại gia thường không quá cầu kỳ, đa phần cũng là rau quả, chè xôi, canh, món mặn, đồ xào…
Mâm cơm chay là sự biến hóa muôn hình vạn trạng của những thực phẩm quen thuộc như nấm, đậu hũ, rau quả… từ kho mặn, kho khô, chiên, xào đến rang khô, nướng. Riêng món canh là sự tổng hòa của nhiều loại rau quả nên chẳng bao giờ thấy đơn điệu.
Cầu kỳ hơn một chút thì có cà ri chay hoặc kiểm – món chay ngon lành, quen thuộc với người Nam bộ. Kiểm được nấu từ bí đỏ, hầm với nước cốt dừa tươi cùng nhiều loại rau củ tinh khiết mà đậm đà. Một chén kiểm có vị ngọt thanh và béo ngậy, mới ăn tưởng hương sắc của chè, nhưng nếm kỹ thì ẩn chút vị mặn của món chính, đủ khiến người ăn thấy bụng dạ đủ đầy khi dùng món chay.
Ngày rằm lên chùa lễ Phật thì ăn chay cũng trở thành thói quen tâm linh của nhiều người, bởi bữa cơm chay đầu năm ở chùa được xem không khác gì lộc đầu Xuân. Tại nhiều chùa và thiền viện, những mâm cỗ chay ngày rằm tháng Giêng luôn được phục vụ miễn phí cho khách thập phương. Mâm cơm chùa khá đơn giản, thường có vài ba món đồ xào, nấm, canh và đậu hũ kho ăn với cơm trắng.
Ngoài ra, mỗi chùa còn có một món “đinh”, khi thì bún riêu, lúc là kiểm hay gỏi, bì cuốn… Bữa cơm chùa ngày rằm nào cũng được bá tánh chờ đợi vì thế đôi khi người ta xếp hàng dài từ sớm mà đến trưa vẫn chưa được thưởng thức. Tuy đơn giản, song tâm thế “ăn cơm chùa” vẫn khiến bữa ăn đạm bạc chẳng khác gì cỗ tiệc thịnh soạn mà lại vui vẻ, thanh nhàn.
Những địa chỉ chay nổi tiếng
Không có nhiều thời gian vãn cảnh chùa, nhiều thực khách chọn cho mình những địa chỉ chay tịnh quen thuộc để thưởng thức món chay. Danh sách quán chay trong thành phố khá phong phú. Những quán cơm chay nằm rải rác ở khắp các quận, huyện, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh…, có nơi tạo thành những khu đồ chay như ở chợ Vườn Chuối (quận 3), trên đường Nguyễn Văn Đậu (Bình Thạnh)…
Nổi tiếng xưa nay là các quán Thuyền Viên (13 Nguyễn Văn Đậu, quận Phú Nhuận), Thanh Lương (545A đường 3/2, quận 10), Âu Lạc (60 Tân Vĩnh, quận 4), Giác Đức (492 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3)… với thực đơn có đến hơn 200 món từ bún, phở đến cơm, lẩu…
Trong số các quán chay theo phong cách Hoa, lâu đời và nổi tiếng nhất có thể kể đến Phật Hữu Duyên (527 Nguyễn Trãi, quận 5). Chủ quán vốn là người Hoa, tự tay chế biến tất cả món ăn từ nguyên liệu trong nước và nhập từ Đài Loan thành những món chay đạm đà hương vị Hoa như mì xào ba thứ nấm, bún gạo xào Singapore, mì vịt tiềm, cơm Dương Châu, xúp đại truyển Hồng Đồ, xúp cua vi cá, tóc tiên đậu hủ, vịt phá lấu…
Hai nhà hàng Hoa Đăng (38 Huỳnh Khương Ninh, quận 1) và Tib chay (170 Trần Quang Khải, quận 1) lại mang màu sắc khác, sang trọng và bớt được sự xô bồ, chen chúc, dù vẫn bị quá tải những ngày rằm. Đến những nơi này, không khó bắt gặp các du khách nước ngoài hào hứng bên bàn tiệc chay được chế biến tinh tế, có món đa quốc gia như pizza, mì spaghetti, bò xốt táo, xốt cam… hay thuần Việt như vịt nấu chao, gỏi gà làm từ mì căn, nấm bào ngư xé sợi trộn với củ hành, rau răm hay bún thang vị ngọt đậm mà thanh với nước dùng trong vắt, chay tịnh mà vẫn ngon lành.
Theo trào lưu ăn chay với nấm, có một nhà hàng lẩu nấm chay mang tên An Nhiên ra đời từ mùa Vu Lan 2009, nằm lọt thỏm trên đường Phạm Ngũ Lão (phường 3, quận Gò Vấp), nơi được mang danh là phố lẩu cá kèo. Điều thú vị là chủ nhân của quán chay này là một người Công giáo nên tiêu chí của quán là kết hợp nguồn dinh dưỡng quý giá từ nấm, bữa chay không bột ngọt để tạo nên một phong cách ăn uống đủ dinh dưỡng lại trong lành.
Nhìn vào thực đơn của quán dễ thấy nấm xuất hiện ở hầu hết các món ăn, từ món chủ đạo là lẩu thập cẩm, lẩu mắm, lẩu Tom Yum Thái, lẩu tiềm vị thuốc mát đến mì Quảng, cơm tấm, mì xào giòn… Riêng các tô phở nấm ở nhà hàng đặc biệt hấp dẫn và giàu hương vị, như phở thập cẩm nước trong vắt, phở Bắc đậm đà hay phở sa tế được thêm chút nước cốt dừa béo lựng, nấm tươi giòn và sa tế cay, ăn lạ miệng mà không ngán. Sự khác lạ có lẽ nằm ở cách nêm nếm tự nhiên, không đậm mùi rau củ hầm thường thấy ở nhiều hàng quán chay khác.
Trong khi đó, mô hình buffet chay lại là phong cách riêng của các nhà hàng như Vân Cảnh (184 Calmette, quận 1) và Á Đông (22-23 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5), với gần 100 món chay thay đổi mỗi ngày, phục vụ suốt từ mùng 9 tháng Giêng đến mùng 1 tháng Hai Âm lịch. Tiệc buffet cũng thịnh soạn với đầy đủ chủng loại.
Khai vị có xúp hành, kem bơ, bí đỏ kiểu Âu, nấm tuyết, măng cua kiểu Á. Gỏi có tới hàng chục loại như gỏi khế, khô bò, bò bóp thấu, gà xé phay, món giòn rụm, món xé sợi tơi nhuyễn, trộn với rau tươi và nước cốt chanh. Tại nơi này, thực khách còn dễ dàng tìm thấy cả sushi Nhật, kim chi Hàn Quốc, mì Ý, pad Thái, cà ri tôm… như một thế giới ẩm thực đa quốc gia thu nhỏ và tất nhiên đều là món chay. Kết thúc tiệc là hơn chục loại bánh, chè và các loại trái cây mùa tết.
Còn tại nhà hàng Việt Chay trong chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), tiệc buffet chay dù có quy mô nhỏ hơn (khoảng 30 món) song cũng được chuẩn bị thịnh soạn để khách sau khi vãn cảnh chùa hoàn toàn thỏa mãn với bữa tiệc chay. Vào ngày rằm, hầu hết không gian nhà hàng đều chật kín chỗ ngồi, nhiều thực khách còn tình nguyện… ăn đứng để phát tâm mà vẫn vui vẻ, hồ hởi.
Mỗi người có một cách thưởng thức món chay riêng. Tuy nhiên, ăn chay ngày rằm tháng Giêng giờ đây không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, giữ cho tâm hồn thanh tịnh, cầu những điều may, mà còn là cách để sống khỏe hơn. Ăn chay tịnh mang nghĩa cách dùng thức ăn thanh sạch với cái “tịnh” của tâm là thế.
Theo Doanhnhan+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét