Sự thú vị đó không lệ thuộc vào khoảng thời gian sinh sống lâu hay mau, nắm bắt bao nhiêu thông tin, dữ liệu khảo cứu về lịch sử thành phố. Bởi mỗi người có những cột mốc lịch sử cá nhân của riêng mình, để lôi thôi dông dài, và bằng cách đó, ký ức nọ được nhân bản và được hào phóng sẻ chia.
Nói một cách nào đó, dân Sài Gòn là một tộc người hoài cổ. Chả trách thứ âm nhạc của họ thật buồn. Một tộc người ồn ào, nhớ dai và lãng mạn. Họ hiếu kỳ như những đứa trẻ và hay chuyện như những người già. Nếu như tất thảy bọn họ, những thị dân mang nặng những thuộc tính ấy, đều rành tiếng ngoại quốc, thì Sài Gòn chẳng còn cần đến các hướng dẫn viên du lịch lùa những đoàn du khách buồn bã vô bảo tàng ngắm bào thai ngâm trong keo, hay ra chợ mua tranh sơn mài.
Những người di gan trong phố
Ngay cả dẫu sinh trưởng ở Sài Gòn tới ba bảy đời, hầu hết người ở đây đều không sống cố định một nơi. Chỉ cần một biến cố trong cuộc sống, một sự thay đổi về công việc, thậm chí bởi cao hứng theo một mẩu quảng cáo bắt mắt giá hời, người ta lại di dời, như một thói quen, như một tập quán, như ý thức được cái sự bất định của mình. Một tỷ lệ lớn dân Sài Gòn ở nhà mướn, mà họ chẳng ở đâu quá lâu. Ở Sài Gòn, chuyện thất bát hay lên đời qua đêm là sự thường, và lại bắt đầu những cuộc di dân nho nhỏ.
Như thể nó nằm trong huyết quản lưu dân tứ xứ, những kỷ niệm được đóng gói cùng những lỉnh kỉnh ghế bố gấu bông, thau nhôm chén nhựa, để lại sẵn sàng thiết lập những ký ức mới ở môi trường mới, đôi khi chỉ ở ngay quận giáp ranh cách vài ba con đường, nhưng cũng đủ để gọi là một chuyến sang trang chương đời.
Ở giữa Sài Gòn, chuyện thất bát hay lên đời qua đêm là sự thường. Ảnh Thanh Tùng
Bản thân mỗi người là cả một hành trình loanh quanh mà họ chẳng mấy khi ngoái đầu nhìn lại những chốn đã từng là xóm, là nhà. Chỉ là bất chợt có chuyện chạy ngang xóm cũ, những nếp sống, khuôn mặt, những biến cố linh tinh không biết bao lâu giấu trong ngăn kẹt nào của não bộ lại ùa về.
Quần ống patte, kem Bạch Đằng và con gà trống của tôi
Cuộc hành trình di gan của tôi có lẽ đã khởi hành từ căn nhà số 20 đại lộ Lê Lợi. Tới bây giờ tôi còn nhớ như in cứ vào khoảng 4 giờ chiều, nằm bật ngửa trên chiếc ghế xích đu bằng mây ngoài ban công, người ta có thể nhìn thấy tụi chim én bay mù mịt trên đầu. Hồi đó, những năm cuối thập niên 1970 định mệnh, thành phố còn rất nhiều chim chóc: tụi bồ câu ở khu nhà thờ, bọn én hay kêu chí chóe, tụi sẻ xù cắn nhau om xòm ở bất kỳ đâu, và cả sóc nữa, chúng chạy trên những tán cây cao chóng mặt rồi xô nhau té lộp độp giữa sân trường, tụi con gái kêu la chí chóe. Hình như trường cấp ba nào cũng có những cái cây và tụi sóc như vậy.
Đó là những năm mới tiếp quản, tôi có thể đứng trên lầu thò đầu xuống coi mấy cô gái ban bar hết thời đón khách ngay trên vỉa hè đại lộ. Có lần họ đánh nhau bằng những chiếc giày sa pô đế thiệt bự mà ngày thường được che dưới gấu quần ống patte kiểu hippy.
Chúng tôi sẽ không băng qua bốn line đại lộ để qua tới thương xá Tax, khi đó là Cửa hàng Bách hóa Thiếu nhi ở bên kia đường, mà loanh quanh chơi với lũ con nít trong xóm, chạy hùng hục từ đầu đường bên này, nơi khách sạn Rex còn giữ chiếc đèn hình bông hoa khổng lồ vươn nhánh tới tận mái platform, tới đầu Pasteur, nơi bên này đường vẫn còn tiệm kem Bạch Đằng nổi tiếng.
Bán cơm trưa cạnh dãy kiosque trên đại lộ Nguyễn Huệ 1966. Ảnh TL
Có hôm bọn tôi làm gan thì băng qua Pasteur để đi coi mấy anh chị lớn tấp vô vỉa hè mua bút máy, đồ vẽ và mấy cuốn nhạc in roneo vẽ hình mình họa rất đẹp. Chạy rấn thêm chút nữa là tới thương xá Tam Đa, người ta bán cả dầu thơm Pháp và tơ Thượng Hải ngay giữa thời bao cấp.
Bây giờ những dãy mặt tiền bên dưới đã thay đổi ít nhiều, Rex giờ thành trung tâm thương mại hạng sang, kem Bạch Đằng phía bên này bị tịch thu làm văn phòng du lịch, thương xá Tam Đa cháy rụi lâu rồi, và tụi thanh niên bây giờ không còn tập hát theo những tờ bướm nhạc quay roneo nữa. Có lẽ chỉ còn tiệm bán quà sinh nhật Vân Anh là vẫn còn ở đó, giờ bán tranh sơn mài và đồ thêu cho khách du lịch. Hồi thương xá Tax khai tử, tôi xuống lượn chơi một vòng, vuốt ve vĩnh biệt con gà trống bằng đồng tôi đã vuốt ve một vạn lần thời thơ ấu.
Gia đình tôi rời khỏi nơi đó hàng chục năm rồi, hãy cứ để những cư dân mới tạo nên cho họ những ký ức mới của riêng mình với cái văn phòng du lịch gì đó và khu thương mại hạng sang kia. Còn tôi, chính những năm tháng đó đã cho tôi tất thảy những khuôn mặt, con người và những sự tích con con của từng căn nhà trên vỉa hè Lê Lợi.
Chợ “tiểu Tonkin” và những ngày hấp hối của một con hẻm nhỏ
Chuyển nhà khỏi đó, gia đình tôi dời đến khu cư xá Gia Long, ngay đối diện bệnh viện Grall, khi này đã là bệnh viện Nhi Đồng. Buổi tối đầu tiên, tôi tựa mặt vào cửa sổ nhìn xuống viện Văn hóa Pháp tối thui bên đường Đồn Đất mà khóc thét lên vì nghĩ ba má đã đem mình về... nhà quê. Con đường Đồn Đất khi ấy đen thui, tối không có đèn, dân tình cũng sợ cướp bóc nên càng tránh đi vào đó. Ngay ở trung tâm quận nhất nhưng ngã ba Đồn Đất – Gia Long (bây giờ là Thái Văn Lung-Lý Tự Trọng) hoàn toàn yên ắng.
Một sự tình cờ của số phận, về sau có lần tôi lại dọn về thuê chính căn hộ đó. Vốn là một căn nhà rộng kiểu Pháp, những cổng ngách mái vòm của nó đã bị đập bỏ, thay bằng những bức tường chia tất cả thành ba cái hộp nhỏ để cho mướn. Tôi ở trong một trong những cái hộp đó, lọt thỏm giữa một vòm me. Đêm đầu tiên trở lại, tôi cũng dí mũi vào cửa sổ nhìn xuống dốc Đồn Đất, khi này đã là Thái Văn Lung.
Một trong những cái thú ở đây là thả bộ xuống khu chợ nhỏ xíu ở Chu Mạnh Trinh có món bánh ướt của người Bắc rất ngon, vài sạp hàng hiền hòa nho nhỏ. Vài bước dạo qua Tôn Đức Thắng, chọn ngồi quán cóc nép dựa vào tường tu viện, để tôi kể cho nghe hồi mấy năm mới mở cửa thập niên 1990, ở phía sau lưng một tu viện ở đây có một hộp đêm kỳ lạ, lập lòe như cái bàn thờ ông địa, nơi tôi đã gặp hai nhân vật trong cuốn sách của mình về sau...
Tôi sẽ dẫn bạn theo vô con hẻm nhỏ, ta cùng ngồi xuống ngắm những con mèo tôi biết chắc chúng sẽ trốn ở đâu, nơi có chiếc xe đạp ba bánh xanh đỏ đã cũ bị vứt chỏng chơ. Tôi sẽ kể về vị cha cố từng ở đây khi trước, chỉ cho bạn coi con số năm xây dựng từ giữa thế kỷ trước được đắp nổi ở đâu. Ta sẽ cùng ngắm nghía cuộc bình yên đang đếm ngược từng ngày, bởi lệnh giải tỏa đã được ký dù chưa biết ngày nào. Ta sẽ được chứng kiến một quần thể hiền lành đang bình an hấp hối ra sao, ngay trước mắt mình.
Mộng Tuyền, Thanh Lan, và cú cựa mình phân hủy
Mấy năm sau thời ở khu Gia Long-Đồn Đất, gia đình tôi lại chuyển về Hiền Vương, là đường Võ Thị Sáu bây giờ, ngay ngã ba Lê Quý Đôn. Thời đó, khu quận 3 còn rất yên tĩnh. Những ngôi biệt thự ở Lê Quý Đôn chưa bị méo mó phá hoại nhiều, còn Tú Xương thì từ sáng đến tối hầu như không có bóng người.
Bây giờ hàng xóm cũ chắc cũng chẳng còn mấy ai, duy chỉ có tòa nhà mà báo Đại Đoàn Kết lấy làm trụ sở vẫn còn đó. Hồi xưa căn biệt thự kế đó là nhà riêng của cô đào Mộng Tuyền, thi thoảng tôi vẫn thấy cô đi ngang qua cửa sổ, mái tóc bồng đen thật dày. Bên đường Tú Xương thì có biệt thự của ca sĩ Thanh Lan. Mấy năm sau giải phóng thi thoảng cô vẫn duy trì nếp sống cũ, tổ chức nhảy đầm lén mà cứ phải nơm nớp ngó chừng công an phường xuống hỏi thăm sức khỏe.
Một lúc nào đó, người ta nói cô Mộng Tuyền đã đi Mỹ mà hàng xóm không ai hay. Hồi đó người ta phải kín đáo làm vậy, vả lại mỗi khi ra đường, cổ ngồi trong xe hơi đi ra tới cổng, không mấy khi thấy mặt, nên cổ đi Mỹ một thời gian rồi mà hàng xóm mới biết.
Cô Thanh Lan đóng phim Ván bài lật ngửa hay quá xá hay, cô hát “a ha đêm nay ai cũng cho em là xinh nhất nơi đây...”, nhảy Bebop với ảnh đế Trần Quang thiệt bắt mắt, cũng lẳng lặng sang hải ngoại từ lúc nào.
Sài Gòn khi này, những năm đầu thập niên 90, cũng đang lật qua một chương rất mới mà thị dân gọi là thời mở cửa. Khi ấy, tất cả mang dáng vẻ của một cuộc hồi sinh nhưng thực chất là cú cựa mình trước khi phân hủy. Tôi cũng bỏ con đường Hiền Vương cũ, bắt đầu những chuyến di cư mới của riêng mình.
Những cuộc di cư sau cùng
Tôi bắt đầu những chuyến “du lịch cư trú” của mình với Sài Gòn như những người nhập cư trẻ mới đến Sài Gòn, lăn lóc qua những con hẻm bình dân, sống giữa những người lao động, và cả những compound biệt thự xa xỉ thời Thảo Điền còn là những bãi đất hoang.
Tôi có thể dẫn bạn tìm về những con hẻm chằng chịt như vệt chân chim vạch giữa khuôn diện tồi tàn của Sài Gòn khi ấy. Người ta có thể cho thuê một căn gác gỗ chung đụng. Đêm về, tôi-đứa con gái duy nhất mướn lầu ở đó, được giăng một tấm rideau cũ làm vách ngăn như một đặc ân xa xỉ của giới tính. Ở đối diện cửa sau chợ Bến Thành khi đó có một khách sạn thật đặc biệt mà thành phần lưu trú khá đặc biệt: tất thảy họ là tù trốn trại. Đủ mọi loại án từ dân sự tới kinh tế. Chính trong thời gian này, tôi đã học biết bao thứ về “cái rốn của Sài Gòn”.
Tôi còn biết cách nói khó để người ta cho phép leo lên gác thờ ở chợ Bến Thành, thờ ai không rõ, nhưng rất ít ai biết tới nơi này. Tôi còn quen cả một bà già, già hơn cả thời gian, người từng đóng guốc cho những giai nhân huyền thoại bậc nhứt Sài Gòn, tôi có thể kể vanh vách những chuyện ma truyền khẩu về gốc đa Bạch Tùng Diệp, và cả những con ma sống trong tòa pháp đình cách không xa nơi đó...
Hãy theo tôi, lần mò xuống tận khu Chợ Lớn, tôi sẽ chỉ cho coi căn nhà tôi từng thuê lại của một bà xẩm già. Căn nhà có những bức tường được sơn tươi rói một màu xanh da trời khó hiểu, với những chấn song uốn hình bông mai, hình lồng đèn và những bức vách dán đầy bùa ngải đỏ chót. Khi con cái bảo lãnh đi sang Mỹ, bà xẩm vẫn dùng dằng không muốn bán nhà nên tìm người tín cẩn cho mướn giá rẻ và nhờ trông nom chăm sóc con mèo mà bà không thể đem theo. Tôi sống trong căn nhà đầy mùi lưu cữu đó chưa tròn năm thì bà xẩm lại dọn về, xủng xẻng cằn nhằn bằng tiếng Hoa về nước Mỹ, đòi lại con mèo và tôi lại tiếp tục hành trình di gan.
Hãy để sự tò mò giữ cho phố và đời những kịch tính của những trận di cư nho nhỏ. Ảnh Thanh Tùng
Cơn đại di dân cuối cùng của Sài Gòn cũng vừa kịp nguội. Những cuộc ra đi có trật tự lẫn mất trật tự rồi cũng vơi dần, Sài Gòn lại tiếp tục đón nhận đợt di dân mới - những gia đình từ ngoài Bắc theo thân nhân là cán bộ tiếp quản bắt đầu chuyển vô Nam. Giữa lòng phố âm thầm hình thành những khu người Bắc. Đó là những căn nhà hai ba tầng, khang trang với tiện nghi hiện đại như những khách sạn nhỏ và những “landlord” đời mới. Họ mặc áo may ô, quần bộ đội với những chiếc dây lưng bằng nhựa màu nâu, bên cạnh những bà vợ kẹp xoắn tóc thành hình số 8 sau ót bằng những chiếc kẹp nhôm ba lá. Tôi thuê một căn nhà như vậy, và chậm rãi quan sát những cuộc va chạm ngộ nghĩnh giữa hai thành phần cư dân mới của Sài Gòn: những người ngoại quốc đến theo những hợp đồng đầu tư thời mở cửa, và những tân dân đầy quyền lực đến từ miền ngoài. Những cuộc kiểm tra hộ khẩu diễn ra ở những khu này năng nổ hơn hẳn. Những người đàn ông ngoại quốc trẻ tuổi với những cô bồ của họ luôn gây rắc rối, và đám phường đội với những cây gậy trắng đỏ của họ luôn đến rồi đi trong đêm, để lại sau lưng tiếng léo xéo phàn nàn của các bà chủ nhà người Bắc lẫn những lời nguyền rủa kịch liệt bằng tiếng nước ngoài. Cư dân ở đó, phần lớn đã ngán ngẩm xách va ly về nước từ lâu, một số cưới vợ, vợ họ vẫn là những cô gái thường bị dân phòng “bắt tại trận” ngày đó. Thi thoảng tôi bắt gặp họ ngoài đường, ông chồng đã nói tiếng địa phương như gió, họ dẫn theo một lũ trẻ lai ngộ nghĩnh không biết tiếng Việt. Nhưng họ không còn nhận ra “con nhỏ hàng xóm người Việt” là tôi khi xưa nữa. Tôi đã rời khu xóm đó thêm một lần nữa, với những cuộc di cư và kiếp sống thời vụ kỳ lạ của riêng mình.
Tôi lập gia đình, chồng tôi là người sau này mới đến Sài Gòn. Cuộc viễn chinh loanh quanh của tôi giờ có thêm một kẻ đồng hành. Chúng tôi lại chuyển về khu Tân Định - Đa Kao. Chính thời gian sống ở đây đã tiết lộ cho tôi biết những căn nhà mặt tiền vẫn tử thủ trước thời cuộc, còn nguyên trạng từ hồi xây dựng tới giờ mà tôi sẵn lòng dẫn bạn tới loanh quanh thăm thú. Mới hồi năm ngoái, người ta đã đập vụn ngôi nhà nơi từng là tiệm La Cigale một thời. Ta có thể vô ngó chơi hàng guốc từng đóng cho tôi từ thời đi học, để tôi chỉ cho coi cách để leo từ trường mẫu giáo Thiên Phước qua sân sau nhà thờ Tân Định ra sao. Trong khuôn viên nơi bây giờ là trường Thiên Phước, các bà xơ bày ra tới hơn năm chiếc dương cầm mà hai trong số đó cũ tới mức tôi từng nghĩ có thể sập xuống lòng người chơi đàn bất kỳ lúc nào.
Khó có thể kể hết tất thảy những nơi tôi từng sống, từng đi qua, dẫu trọn kiếp quanh quẩn như con chuột nhỏ trong chiếc bánh xe của nó. Lóc cóc lóc cóc, nó quay thật nhanh mà tưởng như đứng yên tại chỗ, mỗi chiếc nan hoa lại là một màu sắc khác. Mới và cũ, nhanh và chậm, vui và buồn, còn và mất... tất thảy đan xen, chắp vá, chất chồng và bất khả nắm bắt. Bạn sẽ rối mù khi những “chỉ mới như hôm qua...” và những “rất có thể chỉ trong nay mai...” vẫn xoắn bện vào nhau trong từng câu chuyện của một thị dân.
Trác Thúy Miêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét