(CLO) Bát Tràng, một làng cổ nằm phía ngoài bãi đê sông Hồng, kể từ khi mang tên phường Bạch Thổ đến nay, vẫn luôn được người trong và ngoài nước biết đến bởi những sản phẩm gốm nổi tiếng có hơn 700 năm lịch sử.
Hà Nội, đất ngàn năm văn hiến với 36 phố phường xưa cũng là những phường nghề chuyên bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Nhiều làng nghề nổi tiếng gắn với lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, nhưng trong quá trình phát triển của xã hội, nhiều làng nghề, phường nghề bị mai một hoặc dần thu hẹp lại. Riêng Bát Tràng, một làng cổ nằm phía ngoài bãi đê sông Hồng, kể từ khi mang tên phường Bạch Thổ đến nay, vẫn luôn được người trong và ngoài nước biết đến bởi những sản phẩm gốm nổi tiếng có hơn 700 năm lịch sử.
Có thể nói Bát Tràng là một trong những kho lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể nhất của Hà Nội và của cả dân tộc, là làng nghề có bề dày lịch sử, nhiều đời kế tiếp chuyên sản xuất các sản phẩm gốm độc đáo ghi đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Nghề gốm phát triển cuốn theo nhiều gia đình ở Bồ Bát tiếp tục đến lập nghiệp, đông nhất là vào thời Lê Trung Hưng. Cho đến nay, nhiều dòng họ vẫn còn lưu giữ được những cuốn gia phả viết về thời điểm chuyển cư từ Ninh Bình ra Bát Tràng vào giai đoạn cuối thời Trần và Lê sơ (thế kỷ XIV - đầu XV).
Tiếng tăm của Bát Tràng được truyền tụng qua nhiều thế hệ và đã đi vào tâm thức của người Việt:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…
Bức đại tự treo ở văn chỉ làng Bát Tràng có 4 chữ: “Hiếu - Nghĩa - Cấp - Công” do vua Tự Đức ban tặng, phần lạc khoản ghi “Tự Đức thập tam niên, ngũ nguyệt sở cửu nhật”. Có nghĩa: Năm Tự Đức thứ 13, ngày 9 tháng 5. 4 chữ trên có nghĩa: “Ham làm việc nghĩa, nhanh chóng việc công” vì Bát Tràng đã cung tiến gạch để xây Hiếu lăng (lăng Minh Mạng ở Huế). Thư tịch Bát Tràng chép rằng, ở làng này đã có gần 400 người thi đỗ tới tam trường, trong đó có 9 người đậu Tiến sĩ, trạng nguyên, đứng đầu là Giáp Hải (1516 - 1588) đỗ Trạng nguyên thời nhà Mạc khi mới 23 tuổi. Vậy mà trên tấm bia đá đặt trên mình rùa trong văn chỉ của làng lại để trắng, không một nét khắc chữ. Các học giả cho rằng, bia để trắng ngụ ý: xin để đời sau phán xét và phẩm bình, còn tự nói về mình khắc lên bia đá để hậu thế soi thì đâu phải khó. Ngẫm ra các bậc tiền bối ở làng Bát Tràng thâm thúy thật.
Năm 2014 nhân Festival Huế, Ban tổ chức phối hợp với Hội gốm Bát Tràng tổ chức lễ rước gốm và gạch Bát Tràng từ bờ sông Hương, phía ngoài cột cờ Huế vào vườn thượng uyển trong Hoàng cung với hàng trăm thiếu nữ tham gia và 70 người dân Bát Tràng từ Hà Nội vào dự.
Làng Bát Tràng cổ nay vẫn giữ nhiều dấu tích xưa qua kiến trúc của 19 ngôi nhà thờ của dòng tộc, lối ngõ, những ô cửa sổ, đình chùa, đặc biệt là vật liệu xây dựng: Gạch Bát Tràng, những viên gạch từng được xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân trong ca dao xưa. Tiếp nối truyền thống, Bát Tràng nay càng phát triển rực rỡ qua những sản phẩm gốm của mình. Nhiều thợ gốm xưa với kinh nghiệm gia truyền lâu đời đã chế tác ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo cả về dáng, họa tiết trang trí lẫn về men, đặc biệt là men đồng đen, men cổ hoặc dát lá đồng mỏng trên họa tiết nổi của chân đèn men nâu.
Thật ý nghĩa biết bao khi Hà Nội 1000 năm tuổi làng gốm Bát Tràng đã trở thành một trung tâm gốm với các vệ tinh ở Đa Tốn, Kim Lan, Đào Xuyên, Quan Tế, Đông Dư… tô thêm vào bản đồ kinh tế Hà Nội một mảng mầu rất đậm ở phần đất cuối huyện Gia Lâm, bên tả ngạn sông Hồng.
Đinh Quang Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét