Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Vạn Phúc – Hà Đông: Lụa không phải là thứ duy nhất tồn tại ở nơi đây

(CLO) Mỗi khi nói về làng Vạn Phúc (Hà Đông), người ta sẽ nghĩ ngay đến làng lụa nổi tiếng Hà thành hơn 1.000 năm tuổi duy nhất ở Việt Nam còn hoạt động đến ngày nay. Nhưng ít ai biết rằng, bên cạnh những dải lụa tơ tằm đẹp mê hồn thì chính tại nơi đây còn ẩn chứa một nét đẹp của khu chợ hoa và những dãy hàng cổ vật – điểm dừng chân của những người hoài cổ.

Trong dân gian vẫn truyền tụng câu “The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn”. Còn người Sài Gòn ai cũng beiest đến bài “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa với hai câu thơ nổi tiếng: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Chẳng vậy mà người Pháp từng ca ngợi lụa Vạn Phúc là “đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”.
Nằm bên bờ sông Nhuệ, cho đến nay làng lụa Vạn Phúc vẫn còn giữ được ít nhiều nét đẹp cổ kính của làng quê xưa. Tương truyền, hơn 1.000 năm trước có bà A Lã Thị Nương, người Cao Bằng nổi tiếng đảm đang, dệt lụa khéo léo, theo chồng về làm dâu tại làng Vạn Phúc.
 Bà đã truyền nghề cho dân làng. Sau khi bà mất, để ghi nhớ công đức của bà, dân làng lập đền thờ ngay cạnh bến sông và phong bà làm Thành Hoàng làng. Hằng năm, cứ vào ngày 8 tháng 10 (âm lịch), làng tổ chức lễ rước với nhiều nghi thức trọng thể và dâng lên bà tấm lụa đẹp nhất mà dân làng đã dệt.
Lụa Vạn Phúc nổi tiếng trong nước và quốc tế bởi vẻ đẹp đặc biệt của rất nhiều mẫu: Gấm, vóc, vân, the, lĩnh, sa, đũi… Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là lụa vân với hàng chục mẫu khác nhau – đây là loại lụa mà hoa văn được dệt nổi và chìm trên mặt lụa mượt, có đặc điểm ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè.
Nhưng đến Vạn Phúc, người ta không chỉ được ngắm nhìn và chiêm ngưỡng những dải lụa đẹp hút hồn mà giờ đây, Vạn Phúc còn nổi tiếng với khu chợ hoa, cây cảnh hết sức sôi động. Ngay từ 7h sáng, chợ hoa Vạn Phúc nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài – nơi giáp làng lụa nổi tiếng đất kinh kỳ đã tấp nập người mua bán. Vào dịp cuối tuần, cũng là ngày chợ phiên, người dân đã có mặt ở đây tranh thủ lúc cái nắng chưa gay gắt để chọn cho mình những loài cây ưng ý về trồng.
Chợ hoa Vạn Phúc họp quanh năm, nhưng đông hơn vào những ngày phiên. Chợ phiên họp vào mùng 5, 10, 15, 20, 25, 30 và các ngày cuối tuần trong tháng. Tại đây, người ta có thể tìm thấy muôn vàn chủng loại, từ cây cảnh, cây thế, hạt giống cây, chậu, phân bón… đến cả những chiếc giá để đặt chậu cây.
 Cũng tại đây, nếu muốn bắt quen hay học tập kinh nghiệm trồng hoa, cây cảnh cũng hết sức dễ dàng. Bởi cánh thương lái, chủ vườn trong chợ đến từ khắp vùng ngoại thành Hà Nội như: Hồng Vân (Thường Tín), Mê Linh, Gia Lâm…  
Đến chợ cây, khách hàng không chỉ tìm lại được cảm giác thôn quê, dân dã trong lòng phố thị mà còn là điểm giao lưu của nhiều người yêu cây hoa, cây cảnh của Hà Nội. Người ta đến chợ phần đông là để gặp gỡ giao lưu trao đổi với khách hàng, đến chợ để thong dong dạo bước giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng thư giãn sau một thời gian dài vất vả, đến chợ để được tư vấn cách trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh miễn phí, để đàm đạo chuyện nghề, chuyện đời với các văn nghệ sĩ…
Cùng với đó, ngay trong khuôn viên chợ hoa là la liệt hàng quán chuyên bày bán đồ cổ. Có đến đây mới thấy, ở đây khi trời tờ mờ sáng, tiếng huyên náo, tiếng dọn hàng đã xua tan bầu không khí yên ắng. Khách hàng đến đây chủ yếu là những người luống tuổi và giới sưu tầm. 
Vì mỗi tháng chợ chỉ mở vỏn vẹn sáu phiên, nên những vị khách yêu thích đồ cổ nếu muốn chọn cho mình được đồ tốt mà có nhiều thời gian để chọn lựa thì chỉ có cách duy nhất là đến thật sớm. 
Theo như kinh nghiệm của những người thích sưu tầm đồ cổ thì chợ ở đây tuy bày bán nhiều đồ cũ, đồ xưa nhưng để mua được món hàng thực sự chất lượng thì người ta phải thật “sành” về món đồ đó. Bởi không dễ gì có thể xác định được thật – giả, thậm chí trong số ấy có không ít món đồ là những thứ vỏ cũ, ruột mới.
 Đến Vạn Phúc, người ta không chỉ ngắm lụa tơ tằm mà còn được chiêm ngưỡng hoa, đồ cổ. Ảnh: baodansinh.vn
Riêng với khu bán đồ điện tử, việc mua bán cũng kỳ lạ không kém. Theo như cách nói của những người bán ở đây thì nếu mua nhanh, không cần thử thì sẽ được giá rẻ. Ngược lại, nếu cắm điện thử thì sẽ tính giá tiền khác. 
Điều đặc biệt là có những món đồ người mua không biết, người bán khi được hỏi cũng chẳng hay. Lúc đó, cả hai bên sẽ đoán món hàng là gì và đặt giá. Rất nhiều khách hàng thích thú với điều này bởi đây là điều không phải có thể gặp ở các khu chợ khác.
Một điểm nhấn khá đặc biệt ở đây có lẽ là những gian hàng bày bán các kỷ vật của thời chiến, vốn là một phần ký ức không thể phai nhòa trong những người cựu chiến binh. Tại đây, có thể thấy và mua được từ chiếc bi-đông, túi cứu thương, bộ đàm… thậm chí là những bộ quân phục đã sờn rách, bong tróc. Tất thảy những thứ này dường như đều ẩn chứa, mang trong mình những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gian khổ.
Bất cứ ai khi đến phiên chợ không chỉ chìm đắm trong hoa mà đều bị thu hút bởi những món đồ “theo thời gian đã dần mất đi”. Không chỉ những người đam mê đồ cổ, mà còn có nhiều người tìm đến đây với ao ước được “trở về với quá khứ”. 
Chừng ấy thôi cũng đã đủ chứng minh cho người ta thấy đó chính là những gì đặc trưng nhất của làng Vạn Phúc truyền thống xưa nay.
Bích Việt (t/h)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét