Nguyễn Huệ - Ngọc Hân vốn được coi là một cặp rồng - phụng trên thế gian. Thế nhưng, cuộc đời của người anh hùng kiệt xuất và mỹ nữ, nhà thơ Nôm tài hoa hiếm có vẫn còn những điều trắng đen lẫn lộn do sự nhầm lẫn của dân gian và chính cả những nhà viết sử.
Bìa sách Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế - Ảnh: N.T.T |
Trong đó, hai nghi vấn lớn nhất được nhiều người dẫn đi dẫn lại là việc sau khi hoàng đế Quang Trung mất, bà Ngọc Hân đã lấy vua Gia Long và sinh hạ cho ông hai người con trai; hơn thế nữa bà còn nằm trong nghi án giết chồng (cho hoàng đế Quang Trung uống thuốc độc).
Ngày nay, do mạng toàn cầu nên những quan điểm sai lầm trên vẫn được nhiều người dẫn đi dẫn lại theo cách hiểu và chủ định riêng của mỗi người nên Ngọc Hân vẫn chịu tiếng oan.
Nhân kỷ niệm 215 năm ngày Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời (1799 - 2014), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho ra mắt cuốn Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế. Hòa thượng Thích Giác Đạo, trú trì Tổ đình Kim Tiên, tán thán: “…Đây là một công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị, nhiều tư liệu quý hiếm về Ngọc Hân công chúa thời kỳ ở Huế…”. Hòa thượng mong tập sách này ra mắt bạn đọc để mọi người hiểu một cách đúng đắn về một nhân vật lịch sử của đất nước. Còn tác giả Nguyễn Đắc Xuân thì nói: “Tôi viết quyển sách nhỏ này để khẳng định Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã sống và chết ở chùa Kim Tiên để đặt vấn đề ngày nay nên có một bát hương phụng thờ bà, đến ngày mồng 8 tháng 11 âm lịch hằng năm có một mâm cơm cúng giỗ bà…”.
Trong tập sách này, tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã tập hợp nhiều tư liệu từ cả hai phía (đồng tình và phản bác nghi vấn) để phân tích một cách khách quan đi đến kết luận rằng, cả hai nghi vấn nói trên đều là những câu chuyện không có cơ sở và hoàn toàn sai lệch với lịch sử.
Cuộc đời của Ngọc Hân tài sắc từ lúc còn là công chúa Thăng Long đến khi làm Bắc cung hoàng hậu Phú Xuân không hề bình lặng.
Tranh mô phỏng Lê Ngọc Hân bên Nguyễn Huệ ở Phú Xuân - Nguồn: lấy từ cuốn sách Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và tấm lòng tri ân hậu thế - NXB Văn hóa - Thông tin - Hà Nội 2013 |
Khi qua đời, vẫn còn hai nghi án lấy vua Gia Long và giết chồng là hoàng đế Quang Trung bằng thuốc độc khiến bà tổn hại thanh danh và hậu thế tốn nhiều giấy mực.
Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long. Theo Lịch triều tạp kỷ và Hoàng Lê nhất thống chí thì bà là con gái thứ 9 của vua Lê Hiển Tông, còn Ngự chế ngọc phả ký thì chép bà là con thứ 21. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Ngọc Hân là công chúa có tài sắc hơn cả trong số các cô con gái của vua.
Tháng 5.1786, tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” tới yết kiến vua Hiển Tông và được vua phong tước Công. Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó Ngọc Hân mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi và đã có nhiều người vợ.
Mối nhân duyên này đời sau kẻ cho là cuộc hôn nhân mưu đồ chính trị, người nói đó là nhân duyên trời định; người bảo gượng ép, kẻ bảo yêu từ cái nhìn đầu tiên… Riêng chuyện đó thôi đã tốn biết bao nhiêu giấy mực.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết: “Đêm hợp cẩn… Khi nguyên súy Nguyễn Huệ vào, Ngọc Hân sợ quá không dám ngước nhìn lên, cũng không dám thở mạnh… Bất ngờ nguyên súy quỳ chân xuống trước sập, úp mặt vào hai đầu gối của công chúa Ngọc Hân. Một sức mạnh huyền bí xa lạ thôi thúc, khiến công chúa đưa tay ôm lấy vai nguyên súy. Nguyễn Huệ ngẩng lên vui mừng và lần đầu tiên, công chúa bị cuốn hút vì ánh nhìn đam mê đến cuồng nộ của vị danh tướng vừa làm đảo lộn Bắc Hà.
Nguyễn Huệ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt sượng sùng thảng thốt của công chúa, thì thầm: Công chúa còn nhỏ quá và đẹp quá. Như một cái bông búp. Đừng lo âu. Ta biết công chúa đang lo âu đủ điều. Ta sẽ không cho phép ai, dù là quỷ thần, được làm công chúa khổ. Công chúa hãy yên tâm”.
Nguyễn Mộng Giác là nhà văn, áng văn trên lại được trích trong tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ chứ đêm hợp cẩn của Nguyễn Huệ đâu có mặt ai mà biết?
Tâm đầu ý hợp
Trong Dựng nước - Giữ nước (Diễn đàn của thư viện lịch sử quân sự) đoạn nói về chuyện này có chép: “Sau lễ kết hôn, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân lên kiệu đến bái yết tôn miếu nhà Lê, lễ xong hai người cùng về. Như thấu hiểu được tâm trạng của Ngọc Hân, Nguyễn Huệ mở lời bông đùa: “Con trai con gái nhà vua đã có mấy người được vẻ vang như nàng?”. Công chúa đáp: “Nhà vua ít lộc, các con trai con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó, chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lầu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi”. Nghe Ngọc Hân thủ thỉ lên nỗi niềm đó, Nguyễn Huệ lấy làm thích thú, tâm đắc. Đó là lời trao duyên đầu tiên giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân được sử sách ghi lại.
Từ đó, Ngọc Hân rời cung cấm nhà Lê về sống với Nguyễn Huệ ở trong phủ của mình, nằm bên bờ sông Nhị. Lúc đầu Ngọc Hân có vẻ thẹn thùng, bẽn lẽn vì chưa quen, mặc dù đó vẫn là đất Thăng Long muôn thuở của nàng. Biết được tâm lý của Ngọc Hân, không sỗ sàng như những kẻ chiến thắng thường tình, Nguyễn Huệ muốn tạo một sự thân quen, một tình yêu xuất phát từ sự thông cảm và hiểu biết ngay từ đầu”.
Sau hôn lễ của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân vài ngày, Lê Hiển Tông qua đời, nội tình nhà Lê xảy ra nhiều chuyện tranh giành khiến Nguyễn Huệ nhiều lúc muốn bỏ Thăng Long để vào Thuận Hóa, nhưng cuối cùng đành nuốt giận.
Đến ngày đưa linh cữu vua Lê Hiển Tông, Nguyễn Huệ cưỡi voi, đem ba ngàn quân hộ tống từ cung xuống bến đò, rồi chờ lễ rước từ cung xuống thuyền đâu vào đó mới quay trở lại.
Tang lễ xong, Nguyễn Huệ nói: “Tiên đế có 30 người con trai, ngày báo hiếu chỉ có một người con gái, nào có ai giúp đỡ mảy may? Người xưa bảo, con gái làm rạng rỡ cho nhà cửa, quả đúng thật”. Công chúa đáp: “Nhờ công đức của thượng công, thiếp được báo hiếu với hoàng khảo, mở mặt với anh chị em. Tục ngữ vẫn nói: Trai không ăn mày vợ, gái phải ăn mày chồng chính là thế đó!”.
Qua cách ứng xử nói trên, đủ biết hai người đã sớm tâm đầu ý hợp. Theo sử chép thì ngay cả người khó tính như Nguyễn Nhạc mà cũng không tiếc lời khen Ngọc Hân: “Người quý giá thế này thực không hổ thẹn làm cô em dâu của ta”.
Ít lâu sau, Ngọc Hân theo Nguyễn Huệ vào Thuận Hóa. Công chúa ở tại chùa Kim Tiên.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, phong cho Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu. Năm 1789, sau đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung cho xây cung điện Đan Dương và phong Ngọc Hân làm Bắc cung hoàng hậu. Bà sinh hạ được hai người con là công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Quang Đức. Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Như vậy, Nguyễn Huệ và Ngọc Hân chỉ sống với nhau vỏn vẹn có 6 năm.
Sau cái chết của vua Quang Trung, cuộc đời Bắc cung hoàng hậu xảy ra biết bao sự biến, đến lúc qua đời vẫn chịu hàm oan...
Vào Thuận Hóa cùng Nguyễn Huệ, Ngọc Hân công chúa ở tại chùa Kim Tiên. Đó cũng là nơi bà có những ngày hạnh phúc và chuỗi ngày lạnh lẽo của một người đàn bà tài hoa, yểu mệnh.
Chùa Kim Tiên hiện nay - Ảnh: Tuyết Khoa |
Công chúa Ngọc Hân rời đất Thăng Long theo chồng vào Thuận Hóa. Bấy giờ, Nguyễn Huệ ở với bà chính hậu tên Phạm Thị Liên (Bùi Thị Nhạn) tại phủ Dương Xuân. Bà Liên sinh năm 1758, tại tỉnh Quy Nhơn, Bình Định. Khi 16 tuổi (năm 1774), bà được Nguyễn Huệ chọn làm vợ. Bấy giờ Nguyễn Huệ 22 tuổi. Bà là em ruột của các ông Hộ giá Phạm Văn Ngạn, Giả vương Phạm Văn Trị, Thái úy Phạm Văn Tham, Thái úy Phạm Văn Hưng. Bà còn là anh em cùng mẹ khác cha với Thái sư Bùi Đắc Tuyên, Hình bộ Thượng thư Bùi Văn Nhật. Năm 30 tuổi, bà được phong làm Chánh cung hoàng hậu. Tính tình hiền lành, bà gắn bó với Nguyễn Huệ suốt những năm chồng khởi nghiệp, đến cuối đời. Vua Quang Trung rất thương yêu, trân quý bà. Bà sinh 5 người con: 3 trai, 2 gái. Sau này, Quang Toản được lập thái tử.
Hồi đó, những chùa quanh vùng đều được trưng làm nơi ở của quan quân Tây Sơn, Công chúa Ngọc Hân ở tại chùa Kim Tiên, bờ nam suối Tiên, cách phủ Dương Xuân vài trăm mét.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, phong cho Ngọc Hân làm Hữu cung hoàng hậu.
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, vua cho xây phủ Dương Xuân thành cung điện Đan Dương và phong bà làm Bắc cung hoàng hậu.
|
Viết văn tế cho vua
Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Ngọc Hân đau đớn tự tay viết văn tế cho chồng. Cung điện Đan Dương từ đó thành lăng Đan Dương.
Bài văn tế vua Quang Trung do chính Bắc cung hoàng hậu viết bằng chữ Nôm. Hiện còn nhiều bản chuyển qua quốc ngữ khác nhau và vì thế, có nhiều từ cổ, nhiều điển tích đời nay khá khó hiểu nếu không được chú thích.
Văn tế mở đầu:
Than rằng/Chín từng ngọc sáng bóng trung tinh, ngoài muôn dặm vừa cùng trông vẻ thụy/phút mây che vầng Thái Bạch, trong sáu cung thoắt đã nhạt hơi hương/Tơ đứt tấc lòng ly biệt/Châu sa giọt lệ cương thường...
(Ngô Tất Tố diễn ý: Vua Quang Trung mới lên ngôi báu, như ngôi sao giữa trời, mới rạng vẻ ngọc trên chín tầng mây, các nước vừa thấy cảnh tốt đẹp, bỗng chốc ngài đã tạ thế; như đám mây đen che vầng Thái Bạch khiến cho tất cả sáu cung vì buồn rầu mà nhạt mùi hương. Trong lúc kẻ khuất người còn, tấm lòng (bà) đau đớn như sợi tơ đứt, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, giọt lệ rơi xuống như hạt châu sa).
Và kết thúc:
Tiếc thay!/Ngày thoi thắm thoắt/Bóng khích vội vàng/Thuyền ngự tọa đã ngang ghềnh Thái Thủy/Bóng long xa thẳng trỏ lối minh dương/Nẻo hoàng tuyền xa cách mấy trùng, ngao ngán thêm ngừng cơn biệt duệ/Chén hoàng thủy kính dâng một lễ, xét soi xin thấu cõi minh dương.
(Ngô Tất Tố diễn ý: Than rằng, ngày tháng mau chóng, đời người không được bao lâu. Bây giờ thuyền ngài đã khuất, xe ngài đã tới làng, nghĩ đến cảnh ngài ở suối vàng xa cách, (bà) càng ngao ngán, ngẹn ngùng cho cuộc biệt ly. Lạy xin kính dâng một chén rượu nhạt, mong ngài soi xét đến cho).
Khóc chồng
Quang Toản nối ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh. Cậu ruột của vua lúc này là Bùi Đắc Tuyên lấy chùa Thiền Lâm ngay cạnh Đan Dương để ở. Cảnh Thịnh vốn không mấy tài cán nên Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền độc đoán, đưa họ hàng về làm quan, loại bỏ những người xuất thân từ miền Bắc vào.
Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân bị cô lập. Ở chùa Kim Tiên, hằng ngày bà lo kinh kệ, thờ chồng, nuôi con... Tại đây, trong những ngày đau thương, bà đã viết nên 164 câu ngâm Ai tư vãn, áng văn thơ khóc chồng đó không ngờ trở thành một tuyệt phẩm thơ Nôm.
Qua Văn tế vua Quang Trung và Ai tư vãn, người đời chắc ai cũng thấu hiểu được tấm lòng của Ngọc Hân với Nguyễn Huệ, hẳn không cần bình luận đó là hôn nhân gượng ép hay tình yêu nữa.
Năm 1794, Đô đốc Võ Văn Dũng đã làm chính biến, giết Bùi Đắc Tuyên, phục hồi triều chính, từ đó, bà Ngọc Hân mới được coi trọng. Bằng cớ là bà đã đưa em gái cùng cha khác mẹ Lê Ngọc Bình vào làm chánh cung cho vua Cảnh Thịnh.
Nhưng cuộc đời của người con gái đất Thăng Long tài sắc vẹn toàn không kéo dài được bao lâu, 7 năm sau ngày chồng qua đời, ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4.12.1799) bà hưởng dương 29 tuổi.
Mộ Bắc cung hoàng hậu lúc đầu được táng gần lăng Đan Dương, sau đó nhờ đô đốc tên Hải dời về làng Nành, xã Phù Ninh, nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội.
Trong bài lược sử Công chúa Ngọc Hân, Ngô Tất Tố cho là Lê Ngọc Hân đã tự tử, còn hai con phải thắt cổ mà chết.
Nhiều thuyết cho rằng, công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Quang Đức đều bị Gia Long bức tử, riêng bà Ngọc Hân được cho về quê và mất ở đó. Nhưng sử triều Nguyễn đều chép, hai con của Quang Trung chết trẻ, hài cốt được bí mật đưa về làng Nành.
Sau khi hoàng đế Quang Trung qua đời, bà Ngọc Hân có lấy vua Gia Long và sinh hạ cho ông hai người con hay không? Nếu không thì nỗi oan này từ đâu mà có?
Tranh Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân - Ảnh: B.V.M chụp lại |
Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH), số ra tháng 10 - tháng 12 năm 1941, đăng bài viết của ông Phạm Việt Thường có tên được dịch ra tiếng Việt Những oái oăm của ông Tơ bà Nguyệt hay là số phận lạ lùng của công chúa Ngọc Hân. Do tác giả là thư ký ở Tòa sứ Pháp, BAVH lại là một tập san có uy tín hàng đầu bấy giờ nên từ đây, câu chuyện được nhiều người trích dẫn trở thành nguồn cơn của nghi án Ngọc Hân lấy hai vua là cừu thù của nhau.
Những oái oăm của... tác giả
Những đoạn trích bài bút ký lịch sử của tác giả Phạm Việt Thường sau đây trích lại từ trang tư liệu của Viet Phuong (sonthan.blogspot) mà chúng tôi đã đối chiếu thấy trùng khớp với nhiều tư liệu khác.
Sau khi dẫn hai câu ca dao truyền trong dân gian “Số đâu có số lạ lùng/Con vua lại lấy hai chồng là vua”, một đoạn khác tác giả viết: “Ta vẫn còn nghe những tiếng vọng bí ẩn từ thời xa xưa trong chỗ sâu kín của những nhà cao sang bị sa sút trong đó có các phủ đệ kín đáo của Quảng Oai quận công và Thường Tín quận vương, nhắc nhở chúng ta tình nghĩa vợ chồng của công chúa Ngọc Hân đã lần lượt là vợ của hai vị đại anh hùng trong lịch sử VN: Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Nguyễn Ánh (Gia Long) là hai kẻ thù sinh tử”.
Một đoạn khác tác giả viết: “Bỗng bà nhìn thấy một người đàn ông trong trang phục hoàng gia đang tiến lại gần. Bà nhận ra đó là người quân nhân lạ mặt đêm qua. Chính là Nguyễn Ánh. Bà đứng lên xin lỗi về sự nhầm lẫn hôm trước. Gia Long mỉm cười nói: “Hôm nay lệnh bà dậy sớm quá”. Ngọc Hân đáp: “Thưa chúa thượng, suốt đêm qua tôi không hề ngủ được chút nào cả”. “Lệnh bà quả là một vị hoàng hậu dũng cảm. Xin lệnh bà biết cho rằng dù có gì thay đổi đi nữa, đất nước An Nam vẫn chẳng đổi thay. Xin lệnh bà khuây khỏa, đừng buồn nữa. Cung điện này vẫn thuộc về lệnh bà mà”.
Phần tiếp theo tác giả mô tả một hôm trong buổi thiết triều, viên Tổng quản Thái giám Lê Văn Duyệt biết chuyện nên ra sức can ngăn nhưng “Nguyễn Ánh mỉm cười bình thản trả lời: “Khanh nói có lý. Phụ nữ đẹp rất nhiều, nhưng nếu trẫm chẳng thích ai cả thì sao? Nói Ngọc Hân là vợ của một kẻ phản nghịch chỉ là một cách nói độc ác. Ngọc Hân là một phụ nữ như bao phụ nữ khác, xứng đáng được yêu và được kính trọng, và trẫm tin chắc rằng chẳng thể tìm đâu ra một người thứ hai trong đời. Sau khi quen biết bà ta, trẫm không muốn yêu bất cứ phụ nữ nào khác...”. Trước sự cương quyết của chúa Nguyễn, triều đình đành nhượng bộ và Ngọc Hân đã tìm quên quá khứ trong tình yêu mới”.
Còn đây là đoạn sau này nhiều người dẫn để nói Ngọc Hân từng có với Gia Long hai người con: “Hiện nay, những người bộ hành hiếm hoi khi dừng chân trước đền thờ Quảng Oai quận công và Thường Tín quận vương - hai người con của Ngọc Hân và Gia Long - không khỏi buông tiếng thở dài khi thấy ngôi đền đã đổ nát, đang dần dần biến mất theo thời gian”.
Lấy chồng khi đã chết ?
Nhà thơ Quách Tấn, một học giả uyên thâm, trong bài viết của mình, ông dẫn lại câu nói khôi hài của nhà văn Pháp Bosuet: “Từ ngày có những nhà viết sử thì không còn sử nữa”. Quách Tấn lý giải: “Không còn sử nữa tức là chỉ còn có những chuyện hoang đường do trí tưởng tượng của những nhà viết sử tạo nên. Chuyện bà Ngọc Hân công chúa là một bằng chứng”.
Bằng nhiều cứ liệu thuyết phục, Quách Tấn chứng minh, bà Ngọc Hân mất năm Kỷ Mùi 1799, kinh thành Phú Xuân thất thủ năm Tân Dậu 1801 và nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn diệt năm Nhâm Tuất 1802. Như vậy “bà Ngọc Hân mất 3 năm trước khi vua Gia Long thống nhất sơn hà thì còn có thể nào bị bắt nạp vào cung vua Gia Long?”. Theo Quách Tấn, những cứ liệu có được nhờ tìm thấy tập Dụ Am của Phan Huy Ích.
Trong quyển Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NXB Thuận Hóa, tháng 10.2014) đã tập hợp được nhiều tài liệu từ cả hai chiều đồng tình và phản bác, từ đó phân tích lập luận một cách khoa học để chỉ ra bài viết của Phạm Việt Thường là hoàn toàn không có cơ sở, sai lệch về lịch sử, không thể có chuyện một người đã mất trước đó 3 năm lại... đi lấy chồng. Vua Quang Trung qua đời năm 1792, từ đó đến năm 1801, trong cung điện thành Phú Xuân phải là nơi ở của vợ Quang Toản, làm sao bà Ngọc Hân là vợ vua Quang Trung đã qua đời trước đó gần chục năm lại có thể ở trong đó để Nguyễn Ánh đến gặp? Cũng trong sử nhà Nguyễn, bộ Đại Nam liệt truyện chính biên (sơ tập), viết tiểu sử hai ông hoàng Quảng Oai và Thường Tín là con của Đức phi họ Lê. Từ đó, cùng với các tư liệu khác, khẳng định công chúa Lê Ngọc Bình, con út vua Lê Hiển Tông (em cùng cha khác mẹ với Lê Ngọc Hân, người được Ngọc Hân tác thành với Quang Toản) là thân mẫu của hai ông hoàng Quảng Oai và Thường Tín.
Câu ca: “Con vua mà lấy hai chồng làm vua” mà bài viết của Phạm Việt Thường trích dẫn đầu tiên là nói về Lê Ngọc Bình vậy. Oan thất tiết của bà Ngọc Hân được giải, nhưng sinh một cái oan khác, oan giết chồng.
Tạp chí Phổ Thông số 62 ra ngày 1.8.1961 (xuất bản ở Sài Gòn) đăng bài viết của ông Nguyễn Thượng Khánh nhan đề Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của Ngọc Hân Công chúa.
Hoàng hậu Ngọc Hân và vua Quang Trung (Tranh Vi Vi - Nguồn: Văn hóa Việt - e-cadao.com) |
Điều đáng nói là tác giả thuật lại lời kể của một người đã mất hoàn toàn không có cứ liệu. Dù vậy vẫn làm dấy lên nghi án và Bắc cung Hoàng hậu chịu thêm một nỗi oan...
Như bài trước chúng tôi đã đề cập, bà Ngọc Hân bị cho là “người lấy hai vua” là do sự nhầm lẫn giữa Ngọc Hân và Ngọc Bình - công chúa con vua Lê Hiển Tông, em cùng cha khác mẹ với công chúa Lê Ngọc Hân.
Năm 1795, sau khi Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị Đô đốc Võ Văn Dũng đánh đổ, vị trí bà Ngọc Hân bấy giờ mới có ảnh hưởng ít nhiều với vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) nên việc làm mối em gái của mình cho vua mới thành. Năm đó, Ngọc Bình 12 tuổi, được phong làm chính cung hoàng hậu, ở trong cung 6 năm nhưng chưa có con.
Tháng 5.1801, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, vua tôi Quang Toản bỏ chạy ra Bắc Hà, Ngọc Bình kẹt lại Phú Xuân. Gặp Bình, Nguyễn Ánh mê đắm. Mặc cho Lê Văn Duyệt và các cận thần nhà Nguyễn kịch liệt phản đối, cho là lấy thừa vợ của vua ngụy, nhưng vua Gia Long bất chấp. Ngọc Bình được nạp làm phi và sau đó được phong làm Đệ tam cung Đức Phi. Sau này sử triều Nguyễn chép là Đức phi họ Lê.
Đức phi sinh cho vua Gia Long 4 người con. Hai hoàng tử là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân và Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự; Hai công chúa là Mỹ Khê Ngọc Khuê và An Nghĩa Ngọc Ngôn. Cũng như chị mình, yểu mệnh, Đức phi mất lúc 27 tuổi.
Chuyện có thật về người này trở thành nghi án của người kia lấy hai vua là vậy.
Hạ độc vì... ghen ?
Trong bài viết trên Phổ Thông, ông Thượng Khánh nói ông nội của mình là con trai của hoàng tử Lê Duy Mật và ông là cháu gọi Ngọc Hân bằng cô ruột (nếu theo thứ phả thì công chúa Ngọc Hân phải gọi ông bằng cụ chứ không phải ông gọi Ngọc Hân bằng cô - học giả Quách Tấn đã chỉ ra điểm sai này); những gì ông kể lại trong bài viết, là do ông nội ông kể lại cho ông.
Theo ông Khánh, động cơ để Lê Ngọc Hân giết chồng bắt nguồn từ việc hoàng đế Càn Long (Trung Quốc) hứa gả một người con gái của mình cho Quang Trung và “trong một phút bồng bột vì quá ghen, Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc vào rượu cho Quang Trung uống”. Vì, “Khi nghe tin vua Quang Trung cầu hôn với công chúa con vua Càn Long, thì công chúa Ngọc Hân vùng lên một ý nghĩ táo bạo...”
Nhiều nhà nghiên cứu sau này dẫn lại, vào lúc đó, các tạp chí ở Sài Gòn như Bách Khoa, Phổ Thông, Văn Ðàn... đã mở ra một cuộc bút chiến chung quanh nghi án lịch sử này. Chung quy, các tác giả bằng những luận cứ lịch sử đã phản bác “những lời lẽ mang tính chất hàm hồ và những ngụy biện vô căn cứ của ông Nguyễn Thượng Khánh”. Không chỉ thế, một số tộc phổ, phổ ý của các họ nội, họ ngoại phía Ngọc Hân đưa ra để làm bằng chứng và cũng vạch ra những sai lầm mà ông Nguyễn Thượng Khánh đã công bố.
Về cái chết của vua Quang Trung, các sử gia cũng đã ghi chú ngày, tháng, năm vua mất, không có một dòng nào nói đến việc vua bị đầu độc. (Hoàng Xuân Hãn viết: "Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý vào giờ dạ tý tức ngày 16 tháng 9 năm 1792 vua Quang Trung băng hà. Hoàng Lê nhất thống chí viết: "Vua Quang Trung mất vào năm Nhâm Tý" (1792). Sử gia Trần Trọng Kim viết: "Năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung bị bạo bệnh băng hà".
Nhà thơ Quách Tấn, một học giả uyên thâm, trong bài viết Ngọc Hân công chúa chưa hết chịu tiếng oan này đến chịu tiếng oan khác cũng đã chứng minh những điều ông Khánh viết ra hoàn toàn không có căn cứ, suy diễn vô tội vạ và sai lệch với lịch sử.
Một đoạn trong bài nói trên, ông Thượng Khánh viết: “Vua Quang Trung tiến vào hậu cung dùng cơm. Nhà vua vui mừng quá, không thấy có sự gì thay đổi trên mặt của Ngọc Hân. Vương hân hoan nâng chén rượu lên môi và uống cạn một hơi, không dè Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc trong đó. Liền sau đó, Quang Trung thấy khó chịu, bỏ dở bữa cơm, tiến lại, ngã lưng trên long sàng và giãy dụa một lúc rồi tắt thở luôn”.
Quách Tấn bình: “Đọc những lời ông Thượng Khánh, chắc các bạn cũng như tôi đều có cảm giác thuật giả đã ở một bên vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa nên mới biết rành rõi từng cử chỉ, từng hành động của hai người mới thuật lại tỉ mỉ như vậy”.
Sau khi dẫn ra nhiều cứ liệu lịch sử và lập luận xác đáng, học giả Quách Tấn kết luận: “Những điểm sai lầm này cho chúng ta thấy rõ rằng, đến những việc sử sách chép sờ sờ ra đó mà ông Thượng Khánh còn nói sai, huống hồ những việc trong thâm cung mà từ xưa không có sách nào chép, không nghe ai nói”.
Trong quyển Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, được sự đồng ý và giúp đỡ của ông Quách Giao - con trai trưởng nhà thơ Quách Tấn, đưa vào tập sách 3 bài viết rất giá trị của học giả Quách Tấn viết về công chúa Ngọc Hân. Đây là nguồn tư liệu quý giúp hậu thế hiểu rõ hơn về một công chúa tài sắc vẹn toàn, có mỹ danh là Chúa Tiên.
|
Do hầu hết tài liệu thời Tây Sơn bị nhà Nguyễn tiêu hủy nên số phận của Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân và hai người con sau này trở thành một nghi vấn lịch sử với nhiều giả thuyết khác nhau.
Tranh Công chúa Ngọc Hân - Nguồn: panoramio.com |
Sống trong một thời kỳ đầy biến động nên cuộc đời người con gái tài sắc Ngọc Hân chịu nhiều nỗi truân chuyên, cho đến khi qua đời vẫn còn nhiều chi tiết khiến hậu thế mất thời gian tìm hiểu. Trong đó, cái chết của bà và hai người con với vua Quang Trung là một ví dụ.
Từ những tài liệu chúng tôi đọc được, có thể tóm lược như sau:
Trong tập Nhân vật Tây Sơn do ông Nguyễn An Phong biên khảo hay tác giả tập Thi văn bình chú đều cho rằng, năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh sau khi chiếm được Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) và một số quần thần cùng hoàng tộc thoát chạy ra bắc, còn Ngọc Hân công chúa phải cải trang, thay tên đổi dạng vào lánh nạn ở Quảng Nam. Theo tài liệu đầu, được ít lâu thì bị phát giác, quan quân nhà Nguyễn bắt giải về Phú Xuân và xử theo trọng hình, lối "Tam ban triều điển", tài liệu sau lại nói Ngọc Hân đã uống thuốc độc quyên sinh, hai con cùng chết theo mẹ.
Trong bài lược sử Công chúa Ngọc Hân của Ngô Tất Tố cũng cho là Lê Ngọc Hân đã tự tử, còn hai con phải thắt cổ mà chết.
Một thuyết khác xuất phát từ bức thư đề ngày 16.7.1801 của Barizy, một sĩ quan người Pháp tháp tùng Nguyễn Ánh vào chiếm Phú Xuân mà sau này nhiều người nghiên cứu lịch sử dẫn lại, có đoạn: “Nhà vua (Nguyễn Ánh) bảo tôi đi xem mặt các cô công chúa của kẻ tiếm vị (Quang Trung). Tôi đến đó, họ ở trong một phòng hơi tối, không phải là một phòng sang trọng, có tất cả 5 công chúa: một cô 16 tuổi, theo tôi là một cô gái đẹp, một em bé 12 tuổi là con gái của bà công chúa Bắc Kỳ, em này cũng coi được. Còn 3 cô nữa từ 16 đến 18 tuổi thì nước da hơi nâu nhưng diện mạo cũng dễ thương. Ngoài ra còn có 3 con trai, có một em độ 16 tuổi cũng da nâu nhưng nét mặt thì tầm thường, còn em trai kia độ 12 tuổi là con của bà công chúa Bắc Kỳ thì diện mạo rất đáng yêu và có những cử chỉ rất dễ thương”. Theo suy luận, công chúa Bắc Kỳ viết trong thư chính là hoàng hậu Ngọc Hân và quân Nguyễn Ánh đã bắt được 2 con của vua Quang Trung.
Các giả thuyết trên tồn tại một thời gian dài, tuy nhiên đó đều là ý kiến của các tác giả không phải là người cùng thời hoặc chỉ là mô tả qua thư từ chứ không phải là chính sử hoặc tài liệu có thể coi là cứ liệu lịch sử.
Cứ liệu lịch sử về cái chết của hoàng hậu Ngọc Hân
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 30) thì khi quân Nguyễn Ánh đánh úp Phú Xuân khiến quân Tây Sơn thua chạy tán loạn, “Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đem đồ quý giá chạy về bắc bỏ lại sắc và ấn của triều nhà Thanh phong cho, vừa ra khỏi cầu Phú Xuân mấy dặm thì quân đều tứ tán, bèn cùng em là Thái tể Nguyễn Quang Thiệu, Nguyên súy Nguyễn Quang Khanh, bọn đại tư mã Tứ, đô đốc Trừu cưỡi ngựa nhắm lũy Động Hải ngày đêm chạy gấp...”. Trong bối cảnh đó, công chúa Ngọc Hân có 2 con còn nhỏ dại, khó mà chạy thoát.
Theo các nhà sử học, khi phát hiện ra tập Dụ Am thi tập của Phan Huy Ích thì nghi vấn trên dường như đã được giải đáp. Lý do là trong tập này có 5 bài văn tế của Phan Huy Ích soạn vào năm Kỷ Mùi (1799): một bài soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế, với đề là Kỷ Mùi đông nghĩ, ngự điện Vũ hoàng hậu. Bài văn tế này lời lẽ rất phù hợp với hoàn cảnh của Vũ hoàng hậu tức Ngọc Hân công chúa; một bài soạn cho các công chúa của vua Quang Trung đứng tế; một bài soạn cho bà thân sinh hoàng hậu là Từ Ninh Phù Cung đứng tế; một bài soạn cho các tôn thất nhà Lê đứng tế; một bài soạn cho bà con bên ngoại của hoàng hậu ở Phù Ninh đứng tế.
Bản phả ký họ Nguyễn Ngọc ở làng Phù Ninh, H.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đã ghi ngày chết của Ngọc Hân công chúa: “Tốt vụ Kỷ Mùi niên, thập nhất nguyệt, sơ bát nhật” (chết vào ngày mùng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi, nhằm ngày mùng 4 tháng 12 năm 1799). Như vậy, bà Ngọc Hân đã chết từ 1799 (3 năm trước ngày Phú Xuân thất thủ) là có cơ sở hơn cả.
Vậy còn hai người con bà là công chúa Ngọc Bảo và hoàng tử Quang Đức thì sao?
Chính sử triều Nguyễn chép: “Nhâm Dần, Thiệu Trị năm thứ 2 (1842), mùa thu, tháng 7: tỉnh Bắc Ninh có dân xã Phù Ninh ngầm thờ ngụy quỷ. Việc bị phát giác. Vua sai hủy bỏ đền thờ. Nguyên người xã ấy là Nguyễn Thị Huyền, làm cung nhân của vua Lê Hiển Tông, có người con gái là Ngọc Hân, sau gả cho ngụy (Nguyễn Huệ) sinh được 1 trai, 1 gái. Ngọc Hân chết, trai gái cũng chết non cả. Khoảng đầu năm Gia Long, ngụy đô đốc tên là Hài ngầm đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân từ Phú Xuân về táng trộm ở địa phận xã Phù Ninh. Thị Huyền ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả dối, đổi lại họ tên để làm mất dấu tích. Tới đây, việc ấy phát giác, vua sai hủy đền thờ, đào bỏ hài cốt kẻ ngụy đi”.
Đô đốc Hài là một tướng của Tây Sơn không bị Nguyễn Ánh bắt và có thể bí mật dời hài cốt của mẹ con công chúa Ngọc Hân về chôn cất ở xã Phù Ninh, chứng tỏ các con của bà Ngọc Hân cũng đã chết trẻ trước thời điểm tháng 6.1801 khi Nguyễn Ánh về lại Phú Xuân. Điều này phù hợp với những gì ghi lại trong chính sử triều Nguyễn là hai con của bà đều chết non chứ không phải bị hành hình cùng 31 người thân của vua Quang Trung mà lịch sử cũng đã từng nhắc đến.
Nguyễn Thế Thịnh