Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Lễ cúng cơm mới của người Xtiêng

Người Xtiêng quan niệm rằng “vạn vật hữu linh” tất cả đều linh thiêng đều có thần trú ngụ, như thần mặt trời, thần mặt trăng, thần núi, thần rừng, thần gió, thần mưa… nên đều phải có cúng lễ cầu, mong thần ban phúc.
Trong các tín ngưỡng nghi lễ của người Xtiêng phải kể đến “lễ cúng cơm mới” (paba Khiêu) - nghi lễ quan trọng có ảnh hưởng tới tình cảm đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Xtiêng.

Lễ cúng cơm mới thể hiện tấm lòng tôn kính thần lúa đã đem lại cuộc sống ấm no cho người Xtiêng. Được tổ chức vào những dịp thu hoạch mùa màng bội thu, theo nghi lễ của người Xtiêng.

Trong lễ cúng cơm mới, người Xtiêng thường có tục hiến sinh (giết gà, heo, trâu) để tế thần. Ở lễ hiến sinh có tục đâm trâu (có nơi gọi là lễ đâm trâu) khá hấp dẫn lôi cuốn các thành phần trong buôn (bon) tham gia.

Trong lễ hội này người ta có sự chuẩn bị công phu: Rượu ngâm trước hàng tháng. Chọn cây nêu và chạm trổ hoa văn cây nêu (cột buộc trâu) thật đẹp. Chăm sóc con trâu kĩ lưỡng để tế thần. Chuẩn bị quần áo đẹp để đi trẩy hội.

Ngày lễ chọn một số trai, gái trong bon khỏe và đẹp nhảy múa vòng quanh con trâu theo vùng ngược kim đồng hồ để làm lễ đâm trâu.Trai làng cùng nhảy múa, một số người khỏe mạnh trai tráng thì tham gia “đâm trâu” cùng với già làng (hoặc người có uy tín trong làng) được làng cử ra làm trưởng lễ. Sau đó, trâu được mổ thịt chia đều cho dân bon cùng mở hội hân hoan, mừng lúa rẫy tươi tốt.

Lễ đâm trâu là biểu hiện tinh thần trọng vọng thần linh của người Xtiêng. Người Xtiêng giết trâu để dâng hiến thần linh nhờ che chở phù hộ, biểu hiện lòng biết ơn của mình đối với các vị thần đã cho họ mùa màng bội thu.

Tổ chức đâm trâu trong lễ cúng cơm mới.

Ngoài thịt trâu, thức ăn thiết đãi khách trong buổi lễ còn có cơm lam, rượu cần, cháo bồi, canh thụt, đọt mây nướng... Tiệc kéo dài thêm một vài ngày nữa cho đến khi hết thịt, rượu nhạt.

Trong những tín ngưỡng trên, có các điệu múa tham gia như là một thành tố quan trọng không thể thiếu vắng. Những điệu múa do các thầy cúng, ông bóng, bà bóng thực hiện. Thầy cúng, bà bóng là trung gian chuyển tải mối quan hệ giữa thần linh với người trần gian. Từ nhu cầu của sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà người Xtiêng đã sáng tạo hình thái múa tín ngưỡng.

Múa tín ngưỡng có đặc điểm cơ bản là yếu tố ngẫu hứng và mang tính độc diễn. Tuy theo bài bản, quy ước chung, nhưng nó vẫn mang dấu ấn sáng tạo cá thể. Đó là phụ thuộc vào nghệ thuật của các thầy cúng, bà bóng. Song nó vẫn bảo tồn đặc trưng, bản sắc, bài bản, quy ước của từng tộc người. Do vậy, đều là tín ngưỡng cầu mùa, tín ngưỡng thờ thần nước, thần núi, thần rừng nhưng nghệ thuật múa tín ngưỡng có khác nhau. Mặt khác còn phụ thuộc vào phong tục, tập quán, nghi lễ, luật tục và truyền thống văn hóa của từng người.

Việc tổ chức lễ hội cúng cơm mới truyền thống đối với đồng bào Xtiêng rất quan trọng, nhằm phát huy và gìn giữ nét đẹp văn hóa bao đời, tạ ơn trời đất, mừng được mùa, gắn kết cộng đồng…
Theo dantocviet.cinet.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét