Hà Thu
Tuy là phận gái chân yếu tay mềm nhưng Thiên Ninh công chúa vẫn được sử sách ghi danh như người có công cứu nhà Trần khỏi nguy cơ diệt vong sớm.
Nàng công chúa có khí phách anh hùng
Công chúa Thiên Ninh tên thật là Ngọc Tha, là con của Trần Minh Tông và Lê Thánh Hoàng Hậu, chị em ruột của Trần Dụ Tông và Cung túc vương Trần Nguyên Dục và Cung tĩnh vương Nguyễn Trác. Tháng 4 âm lịch năm Nhâm Ngọ (1342), Ngọc Tha được vua Trần Dụ Tông phong làm Thiên Ninh Công chúa.
Sinh ra với thân phận công chúa, tuy được sống trong nhung lụa nhưng bà có khí phách của một trang hảo hán. Công chúa Thiên Ninh được biết đến là người gan dạ, quả cảm và cương quyết. Sau khi được gả cho Chính Túc Vương Kham, Thiên Ninh công chúa được phong thực ấp ở vùng đất ven sông Luộc với hàng nghìn mẫu ruộng.
Là người có tầm nhìn xa trông rộng, bà đã tự chiêu quân, tập hợp lực lượng vũ trang để xây dựng quân đội của riêng mình, phòng khi có biến. Nhờ vậy, khi triều đình loạn lạc, nhà Trần đứng trước nguy cơ diệt vong, bà có đủ năng lực để tập hợp lực lượng lật đổ Dương Nhật Lễ.
Thân gái đứng lên dẹp loạn
Ngày 25/5 năm Kỷ Dậu (1369), Trần Dụ Tông băng hà sau khi trị vì được 28 năm. Vì không có con nối dõi nên trước khi băng hà, vua Dụ Tông xuống chiếu truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ, lúc đó đang dưới danh nghĩa là con của Cung túc vương Trần Nguyên Dục, tức cháu của vua.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có nhắc đến Dương Nhật Lễ là "con người phường chèo tên là Dương Khương, mẹ của Nhật Lễ hiệu là Vương mẫu (khi ra làm trò có bản tuồng "Vương mẫu hiến bàn đào", mẹ Nhật Lễ đóng vai Vương mẫu cho nên gọi thế) đương có thai, Dục ham sắc đẹp lấy làm vợ.
Đến khi đẻ, Dục nhận làm con mình. Đến đây, Thái hậu bảo các quan rằng: "Dục là con đích trưởng không được làm vua, vả lại mất sớm, nay Nhật Lễ không phải con của Dục ư?". Bèn cho đón về lập làm vua".
Tuy nhiên sau khi lên ngôi, Nhật Lễ rượu chè bê tha, ngày đêm vui chơi. Không những thế, hắn còn muốn đổi lại họ Dương, kết thúc triều đại nhà Trần tại đó.
Thái hậu Hiền Từ, mẹ của Thiên Ninh công chúa chứng kiến Nhật Lễ ăn chơi vô độ đã vô cùng hối hận. Biết chuyện này, ngày 14/12 năm đó, Nhật Lễ giết thái hậu Hiền Từ ở trong cung.
Sự việc đó khiến tôn thất nhà Trần vô cùng phẫn nộ nên đã bàn mưu diệt trừ. Mùa thu, tháng 9, ngày 20, thái tử Nguyễn Trác cùng con trai là Nguyễn Tiết và hai con của công chúa Thiên Ninh đem quân vào cung giết Nhật Lễ.
Đại việt sử ký toàn thư đã viết: "Đêm hôm ấy, cha con Nguyễn Trác và hai con của công chúa Thiên Ninh đem người tôn thất vào trong thành định giết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường nép ở dưới cầu mới, mọi người lùng không thấy, rồi tan về. Khi trời gần sáng, Nhật Lễ vào cung, sai người chia đi bắt những người chủ mưu, tổng cộng 18 người. Bọn Nguyễn Trác đều bị giết".
Trước nỗi đau mất mẹ, mất anh trai và mất 2 con, tưởng chừng công chúa Thiên Ninh sẽ mãi chịu cảnh giống một số quan lại thời Trần lúc bấy giờ. Hoặc im lặng không dám phản kháng, hoặc bỏ trốn để tránh liên lụy. Nhưng bà lại âm thầm tập hợp lực lượng, quyết tâm trả thù cho dòng họ và lấy lại quyền lực vốn thuộc về nhà Trần.
Vì thân gái, khó lòng thu phục được sự tin tưởng hoàn toàn của nhà Trần, công chúa Thiên Ninh đã liên kết với Cung Định vương Trần Phủ – anh cùng cha khác mẹ của mình để hô hào hoàng thân, quan lại cùng đứng lên nổi dậy.
Cung Định Vương có con gái là Hoàng hậu của Nhật Lễ nên không muốn ra mặt nên ngầm hẹn công chúa Thiên Ninh và những hoàng thân khác tại sông Đại Lại (chi lưu sông Mã – Thanh Hóa) để làm địa bàn dấy quân.
Mặc dù sử dụng danh nghĩa của mình để dấy quân nhưng Cung Định Vương không có ý định về việc lấy nước. Thấy vậy, công chúa Thiên Ninh liền bảo rằng: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại bỏ cho người khác. Ông nên đi, tôi đem bọn gia nô dẹp yên được".
Lúc bấy giờ, trong triều có Thiếu úy Ngô Lang, vốn là người được Nhật Lễ tin cậy nhưng không bằng lòng với cách hành xử của Nhật Lễ. Công chúa Thiên Ninh bèn ngầm liên lạc với Ngô Lang để làm nội gián cho mình trong cung.
Mỗi lần Nhật Lễ ra lệnh truy bắt các tướng thời Trần có ý định phục quốc, Ngô Lang đều ngầm báo cho công chúa. Nhờ đó, công chúa Thiên Ninh cùng đội quân của mình thoát khỏi sự truy sát của Nhật Lễ.
Tháng 11 năm Canh Tuất (1370), công chúa Thiên Ninh cùng Cung Định vương Trần Phủ, Cung Tuyên vương Trần Kính đem quân tiến về Thăng Long, lật đổ Nhật Lễ thành công. Cung Định Vương Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Trần Nghệ Tông.
Tháng 2 năm Tân Hợi (1371) vua Nghệ Tông mở yến tiệc tại điện Thiên An, phong công chúa Thiên Ninh làm Lượng Quốc thái trưởng công chúa, đổi tên là Quốc Hinh. Nhưng nghĩ đến hai người con đã mất của mình, công chúa Thiên Ninh không màng chức tước, xin về thái ấp ở ẩn.
Tài liệu tham khảo
- Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Thời đại - từ trang 391 – trang 396
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét