Lưu Thủy
Các hoàng đế nhà Trần luôn coi trọng việc dạy dỗ con cái để có thể cai trị đất nước tốt nhất, và sau đây chính là 2 câu chuyện tiêu biểu.
Thượng hoàng Trần Nhân Tông thẳng tay truất ngôi vua
Khi vua Trần Anh Tông mới lên ngôi thì tuổi còn trẻ, tính tình vẫn ham chơi. Một lần, Thượng hoàng Trần Nhân Tông từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua tôi uống rượu say khướt.
Ban đầu thượng hoàng thấy vua không ra tiếp đón, cũng chưa lấy làm lạ vì biết mình đến bất ngờ. Cho đến khi ngài thong thả đi thăm khắp các cung điện từ giờ Thìn tới giờ Tỵ, cung nhân dâng bữa lên rồi, Thượng hoàng ngoảnh lại vẫn không thấy vua thì ngài mới hỏi rằng Quan gia đâu.
Cung nhân đành vào trong đánh thức, nhưng vua Anh Tông vẫn say, không tỉnh được. Thượng hoàng biết chuyện, giận lắm, lập tức trở về phủ Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội. Điều này ngụ ý sẽ chuẩn bị thay vua mới.
Đến giờ Mùi vua Anh tông mới tỉnh. Cung nhân đem những chuyện xảy ra trong lúc vua say tâu lại. Vị vua trẻ hoảng sợ, vội rảo bước ra cửa cung thì không thấy ai coi giữ, liền sai cung nhân chuẩn bị ngựa để đuổi theo cha mình.
Khi vua đi qua chùa Tư Phúc thì va phải một chàng thư sinh, đành phải dừng lại. Chàng thư sinh đó chính là Đoàn Nhữ Hải. Vua biết Nhữ Hải là người có chữ, liền kể lại sự tình rồi sai viết một bài biểu tạ tội. Nhữ hải tuân mệnh. Thế là vua Anh Tông lập tức đem Nhữ Hải theo mình suốt ngày đêm để kịp về Thiên Trường.
Sáng sớm hôm sau, Trần Anh Tông về tới phủ Thiên trường, dâng biểu tạ tội. Nhưng Thượng hoàng nhận biểu rồi vẫn không nói năng gì, để mặc cho người thay vua dâng biểu là Nhữ hải quỳ ngoài sân. Mãi cho đến khi mưa gió ập đến, chàng thư sinh kia vẫn quỳ không nhúc nhích, Thượng hoàng thấy vậy mới gọi vua Anh Tông vào mà mắng:
"Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?".
Vua Anh Tông nghe vậy, liền rập đầu tạ tội. Thượng hoàng răn dạy thêm hồi lâu rồi mới tha lỗi cho, sau đó ban chức quan cho Đoàn Nhữ hải vì bài biểu rất hợp lòng ngài.
Về sau, quả thực vua Anh Tông không uống rượu nữa, tu dưỡng bản thân, được sử sách ca ngợi"khéo nối nghiệp trước, thương dân, lập chính, đời được yên vui, chính trị tốt đẹp, chế độ rực rỡ đáng khen".
Vua Anh Tông nghiêm khắc với đứa con ham chơi mà còn chối tội
Về sau, vua Anh Tông lập tứ hoàng tử Mạnh làm thái tử. Vua hết sức kì vọng vào người con này và dốc lòng dạy dỗ, để con mình sau này sẽ trở thành minh quân cai trị đất nước. Ngài từng soạn ra "Thạch dược châm" (Bài châm về những lời can ngăn trung trực) để tứ hoàng tử học.
Nhưng dù sao, tứ hoàng tử lúc còn ở Đông cung vẫn chỉ còn là đứa trẻ, tính tình ham chơi. Nhiều lúc quá đà khiến vua cha nổi giân. Mà nặng nhất có lẽ là lần thái tử làm cây đèn bằng tre để chơi. Trò chơi này vốn không hợp với con nhà quý tộc, huống hồ là con vua. Vua Anh tông biết tin đòi xem, hoàng tử Mạnh không dám đưa ra, bèn giấu đi.
Một ngày khác thái tử vào tẩm điện vua cha chầu, Trần Anh Tông đang rửa mặt, nhân tiện hỏi con mình về việc chơi kia. Thái tử vẫn quanh co giấu diếm, vua giận lắm, liền cầm cả chậu nước mà ném vào tứ hoàng tử. May mà hoàng tử kịp nấp vào cửa tránh được, còn chậu vỡ tan.
Sau lần bị quở trách "đáng sợ" như vậy, thái tử không dám ham chơi nữa mà chuyên tâm học hành, sau này kế vị của vua cha, trở thành người "đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ cơ nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, kỷ cương đủ bày".
Lời bình:
Dù con còn thơ trẻ, hay là đã bước lên ngôi cửu ngũ, thì các vị vua Trần vẫn phải theo sát, răn dạy uốn nắn. Điều này trước hết xuất phát từ tấm lòng của người làm cha mẹ, muốn con mình luôn hoàn thiện, tốt đẹp.
Sau là vì tấm lòng của một vị vua, muốn người kế nghiệp mình cũng sẽ là một vị vua sáng, đủ đức, trí, tài mà gây dựng, gìn giữ non song. Tuy cách dạy có phần nghiêm khắc, cứng rắn, nhưng chính vì vậy, chúng ta mới có những vị vua giỏi giang, làm nên một thời kì lịch sử đáng tự hào.
*Tham khảo từ:
Những điều lạ thời Trần - Trần Đình Ba - NXB Văn Hóa Thông Tin
Đại Việt sử kí toàn thư
Lịch triều hiến chương loại chí-NXB Trẻ
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét