Lê Thái Dũng
Bánh cáy là một món ăn dân dã nổi tiếng của đất Thái Bình và từng là vật phẩm để tiến vua.Tuy nhiên ít ai hay món bánh này lại liên quan đến một vụ án oan vô cùng bi thảm.
Vụ thảm án này xuất phát từ sự đố kị, ghen tức của chúa Trịnh Sâm với Thái tử Lê Duy Vĩ. Sử chép rằng vào tháng 3 năm Kỷ Sửu (1769) chúa Trịnh Sâm truất ngôi Thái tử Duy Vĩ, rồi bắt giam vào ngục.
Thái tử là con trưởng của vua Lê Hiển Tông, nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, học rộng, hiền lành, nhân từ nên các sĩ phu trong triều và thần dân rất yêu mến, kính phục. Chúa Trịnh Doanh cũng rất trọng tài của thái tử, nên đem con gái trưởng là Tiên Dung quận chúa gả cho.
Con của chúa Trịnh Doanh là thế tử Trịnh Sâm vốn tự phụ về tài năng thấy thái tử được mọi người quý trọng nên nảy sinh sự đố kị, ghen ghét. Một hôm chúa Trịnh Doanh gọi hai người vào phủ đường để ăn cơm, cho ngồi cùng một mâm. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết:
"Lúc ấy vợ Trịnh Doanh là Nguyễn Thị ngăn đi và nói:
- Thế tử, với thái tử có danh phận vua tôi, lẽ nào được ngồi cùng mâm? Nên phân biệt ngồi làm hai chiếu.
Sâm đổi nét mặt, bước ra về, nói với người ngoài rằng:
- Ta với Duy Vĩ hai người, phải một chết một sống, quyết không song song cùng đứng với nhau được.
Kịp khi Sâm nối ngôi, bàn với hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh định mưu truất bãi thái tử, nhưng không có lẽ gì buộc tội, bèn vu cho thái tử tư thông với người phủ thiếp của Trịnh Doanh, rồi đem tội trạng ấy tâu bày với nhà vua bắt thái tử giam vào ngục".
Ở thời Lê Trung hưng, hầu như mọi quyền hành đều nằm cả trong tay chúa Trịnh vì thế Lê Hiển Tông không có cách nào để cứu con. Bè đảng của Trịnh Sâm là Phạm Huy Đĩnh đem quân xông thẳng vào trong cung bắt Thái tử, vua Lê Hiển Tông chỉ biết gạt nước mắt khóc than khi con bị dẫn đi.
Sau khi bắt Thái tử Lê Duy Vĩ, Trịnh Sâm ép vua Lê phế Thái tử làm dân thường. Tuy muốn giết luôn Thái tử nhưng vì chưa tìm được cớ để hãm hại nên đành phải giam lại chờ dịp ra tay.Buồn thay một giai đoạn lịch sử nhiều biến động trái ngang, dân gian mới có câu than rằng:
Phủ chúa quản giám cung vua,
Mặc lòng sinh sát không chừa một ai.
Thái tử Lê Duy Vĩ bị biệt giam, không ai được vào tiếp xúc, thăm hỏi trừ bảo mẫu của Thái tử là bà Nguyễn Thị Tần.
Bà Tần quê ở làng Nguyễn Xá, tổng Cổ Cốc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) xuất thân trong gia đình quyền quý, cha là Quận công Nguyễn Đoan Tước, các anh đều là tướng quân, hầu tước.
Vì nổi tiếng là người hát hay đàn giỏi, đủ cả Tức đức (công, dung, ngôn, hạnh) nên bà được vua Lê Hiển Tông cho vào cung dạy dỗ công chúa, cung nữ rồi trở thành bảo mẫu của Thái tử Lê Duy Vĩ. Không chỉ vậy, bà Nguyễn Thị Tần còn giỏi việc bếp núc, những khi nhàn rỗi bà thường cùng các nữ tỳ làm các món ăn ngon, nghĩ ra các chế phẩm bánh trái dâng vua.
Lúc thái tử bị giam cầm, chúa Trịnh vì muốn hại cho suy nhược mà chết nên cho ăn uống rất đạm bạc, kham khổ. Thấy thái tử không nuốt nổi cơm canh chốn ngục tù, bà Tần từ kinh nghiệm làm chè lam, thêm các hương liệu, gia vị như bỏng nếp, gừng, đỗ, lạc, gấc… để làm ra một loại bánh rồi bí mật đem vào cho Thái tử ăn thay cơm, nhờ đó Thái tử vẫn đủ sức sống hơn 2 năm trong ngục.
Bánh mà bà Tần làm để cho Thái tử dùng không chỉ nhiều vị, ngon, dẻo thơm, dễ ăn mà lại tuân theo "âm dương ngũ hành" với ngũ sắc (đỏ, xanh, vàng, trắng, đen) và bát vị (đắng, cay, chua, mặn, ngọt, bùi, ngậy, béo) có giá trị bồi dưỡng cơ thể.
Không may về sau sự việc bị phát giác, chúa Trịnh sai giam bà Nguyễn Thị Tần, lại thấy nếu để Thái tử sống, lâu ngày sẽ sinh biến vì thế tháng 12 năm Tân Mão (1771), Trịnh Sâm và bè đảng dựng thành bản cáo trạng quy cho Thái tử phải tội giảo (thắt cổ), lại bức hại cả một số người thân cận của Thái tử như cống sĩ Vũ Bá Xưởng, tự thừa Lương Giản, Điện tiền hiệu điểm Nguyễn Lệ…
Sau đó, Trịnh Sâm sai Phạm Huy Đĩnh trực tiếp thắt cổ giết Thái tử, sách Hoàng Lê nhất thống chí cho hay:
"Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, giữa ban ngày mà chỉ cách nhau gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại sáng sủa. Già, trẻ, trai, gái trong thiên hạ, không ai là không rơi nước mắt. Họ đều cho rằng đó là việc trái ngược nhất, bi thảm nhất từ xưa đến nay".
Sách Lê triều dã sử thì viết ngắn gọn như sau: "Hoàng tử Duy Vỹ, bản tính sáng suốt, Tĩnh vương (Trịnh Sâm) sai Hoàng Ngũ Phúc vu cho tội dâm loạn, phế bỏ làm thứ dân, gần hai năm sau thì giết chết".
Về bà bảo mẫu Nguyễn Thị Tần, năm bà bị giam vào ngục cũng là năm Thái tử bị giết, kể từ đó bà phải chịu cảnh đọa đày chốn lao tù hơn 10 năm.
Đến tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), sau khi Trịnh Sâm chết không lâu, con út là Trịnh Cán được lập làm chúa được khoảng 1 tháng thì quân Tam phủ nổi dậy phế truất và tôn Trịnh Tông lên ngôi chúa. Sau sự biến này, bà Nguyễn Thị Tần được tha ra khỏi ngục.
Nhớ ơn và cảm động về lòng trung thành của bà, vua Lê Hiển Tông đã phong cho Nguyễn Thị Tần làm Quận phu nhân. Sau khi Lê Hiển Tông qua đời, tháng 8 năm Bính Ngọ (1786) cháu đích tôn của ông là Lê Duy Kỳ (con trưởng của Thái tử Lê Duy Vĩ) lên kế vị (tức vua Lê Chiêu Thống) đã phong cho bà Tần là Kiệt tiết công thần Bảo mẫu đại vương, lại ban thưởng nhiều vàng, lụa.
Bấy giờ thấy triều chính đảo điên, xã hội loạn lạc, tuổi cũng đã già nên bà Nguyễn Thị Tần xin về quê. Tại quê hương, bà dùng của cải mua đất cho dân nghèo trồng cấy, hiến lộc điền cho làng, lại xây cầu, mở chợ và truyền dạy cho người dân cách làm một số món ăn cung đình, đặc biệt là cách làm loại bánh từng dâng cho Thái tử Duy Vĩ.
Bánh này được gọi là bánh cáy, bởi trông màu sắc nhìn giống trứng con cáy; có thuyết lại nói vì bánh thơm ngon nên được quan chức địa phương chọn làm vật phẩm dâng vua, vua ăn thấy vị bùi, ngọt lại hơi cay cay của vị gừng nên mới hỏi tên, viên quan dâng bánh nói rằng đó là bánh cay; bánh cay sau đọc chệch là bánh cáy.
Vì làng Nguyễn Xá là nơi được truyền nghề đầu tiên nên bánh cáy ở đây ngon nổi tiếng, đứng đầu các loại bánh trong vùng, vì thế mới có câu:
Nguyễn Xá bánh cáy,
Khoai ráy Động Trung.
Bánh lọc thật trong,
Đô Kỳ, chợ Quếch.
Bà Nguyễn Thị Tần mất ngày mồng 5 tháng 4 (không rõ năm), làng Nguyễn Xá và nhiều làng quanh vùng như Thọ Cao, Lũ Phong, Kim Châu, Cổ Dũng… tri ân công đức đã lập đền thờ, tôn bà làm Thành hoàng, là tổ nghề. Năm Kỷ Mão (1819) đời vua Gia Long triều Nguyễn, dân các làng cùng dựng chung tấm bia ca ngợi bà Nguyễn Thị Tần:
Trời sinh trác vĩ,
Nữ trang anh hùng.
Với nước kiệt tiết,
Với dân phả thị.
Với đời có công,
Với người đáng thờ.
Trung với vua,
Tiết tháo không bỡ.
Với sử có khắc,
Với bia không mờ…
Triều đình thì truy tặng bà mỹ hiệu: Lê triều kiệt tiết công thần, Trinh kiệt bảo mẫu đại vương.
Lời bình:
Ngày nay, bánh cáy đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất Thái Bình, được biết đến rộng rãi cả trong và ngoài nước.
Khi thưởng thức miếng bánh dẻo, thơm và có hương vị đặc trưng, chúng ta không chỉ khâm phục tài trí của người nông dân đã biết cách kết hợp khéo léo giữa các nguyên liệu dân dã sẵn có từ hương đất, hương đồng để làm ra một sản phẩm tuyệt vời, mà còn nhớ đến một người phụ nữ có tấm lòng thảo thơm, trung nghĩa biết sống vì mọi người và cống hiến cho cuộc đời những điều tốt đẹp.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký tục biên – NXB Văn hóa thông tin, 2011
2. Hoàng Lê nhất thống chí– NXB Giáo dục, 1998
3. Khâm định Việt sử thông giám Cương mục – NXB Giáo dục, 1998
4. Lê triều dã sử - NXB Văn hóa thông tin, 2006
5. Những làng văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc tỉnh Thái Bình - NXB Văn hóa thông tin, 2014
6. Nữ thần và Thánh mẫu Thái Bình – NXB Thời đại, 2013
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét