(Kiến Thức) - Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ được coi là nữ nhà giáo đầu tiên của nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp của bà đã và đang được lịch sử đánh giá lại.
Ở chính nơi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng năm xưa, giờ là một tượng đài nữ nhà giáo trắng phau như tuyết cùng một tượng "Giọt lệ" đầy xót xa, oan khuất.
Về Lệ Chi Viên ở xã Đại Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) tôi tìm gặp ông Nguyễn Trọng Viện. Là người trông coi di tích nên ông rất rõ những chuyện xưa cũ về Nguyễn Thị Lộ. Không chỉ rành rọt những chuyện ghi chép tỉ mẩn trong chính sử các đời, ông Viện còn mò mẫm sưu tầm những giai thoại dân gian.
Tài sắc vẹn toàn
Ông Viện bảo, bà Nguyễn Thị Lộ quê gốc ở Hải Hồ hay còn có tên là Hải Triều, tên nôm là làng Hới của tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng xưa. Những địa danh ấy nay vẫn còn, làng Hới vẫn giữ tên nôm như xưa thuộc xã Tân Lễ (Hưng Hà, Thái Bình). Qua cầu Triều Dương bắc qua sông Luộc theo quốc lộ 39 vẫn dễ dàng thấy tên ngôi làng này.
Nguyễn Thị Lộ sinh năm 1400 (thời nhà Hồ) có cha làm nghề thầy thuốc. Tính vốn thông minh thiên bẩm, gia đình lại có điều kiện nên được học hành cẩn thận. Hơn 10 tuổi bà đã thuộc hết sách Tứ Thư, Ngũ Kinh lại thông hiểu y dược, âm luật, lịch số, các môn đều thấu hiểu đến chỗ uyên bác. 15 tuổi bà đã nổi tiếng khắp phủ Tân Hưng.
Sau khi người cha qua đời, cuộc sống rơi vào bĩ cực, bà phải lên kinh thành làm nghề bán chiếu mưu sinh giúp mẹ nuôi các em. Tại đây, Nguyễn Trãi bất ngờ gặp một cô gái bán chiếu trẻ đẹp, và ông đã xướng mấy câu thơ ghẹo: Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?/Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?/Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?/Đã có chồng chưa, được mấy con?
Cô gái Nguyễn Thị Lộ đã tỉnh bơ họa lại: Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon/Cớ chi ông hỏi hết hay còn?/Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/Chồng còn chưa có, hỏi chi con! Nguyễn Trãi nghe thế thì yêu sắc, phục tài bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới Nguyễn Thị Lộ làm thiếp.
Oan khuất
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức Lê Thái Tông. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho vời bà vào cung để dạy dỗ cung nữ. Điều này, sử thần Phan Huy Chú có chép: "Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ".
Như vậy, trong lịch sử bà là người phụ nữ đầu tiên ở chức vụ này. Trong suốt thời gian làm Lễ nghi học sĩ, bà đã tận tâm dốc tài lực vào công việc được giao. Như sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh viết: Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước.
Nhưng rồi, chẳng bao lâu sau, bà lại dính vào vụ án Lệ Chi Viên oan khuất đã tàn hại cả một tộc họ, nhất là tiêu diệt một con người tài hoa, uyên bác vĩ đại cách đây đúng 572 năm.
Ông Trần Danh Thuận, Chủ tịch UBND xã Đại Lai, kiêm Trưởng ban Ban Quản lý di tích Lệ Chi Viên cho biết: "Lệ Chi Viên được hiểu như một khu nghỉ dưỡng sinh thái bây giờ. Ở đó trồng rất nhiều vải, lại có một con sông gọi là Thiên Đức chảy phía sau nối về kinh thành. Dòng sông ấy bây giờ đã bị thu hẹp lại".
Theo ông Thuận, nhiều hội thảo đã được tổ chức, các nhà sử học đều thiên về giả thuyết một âm mưu hãm hại để trả thù vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ mà chủ mưu là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Trước đó, Nguyễn Trãi đã cứu bà Ngọc Dao vốn là đối thủ trong hậu cung của Hoàng hậu.
Đồng thời, chính tai Nguyễn Trãi từng được nghe Đinh Phúc, Đinh Thắng là Tổng quản nội quan trong cung báo cho biết chuyện bà Nguyễn Thị Anh được tiến cung làm Hoàng hậu. Nhưng lạ là chỉ 6 tháng sau bà Nguyễn Thị Anh đã sinh Bang Cơ. Điều đó đặt ra nghi vấn chưa chắc Bang Cơ đã là con đẻ Thái Tông. Cái điều biết đó có thể là mầm họa về sau cho Nguyễn Trãi.
Ông Nguyễn Trọng Viện, người trông coi di tích cho biết: Văn thần Phan Huy Chú có ghi chép rằng: "... kịp khi kết tội, lâm hình. Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước". Nhưng tôi tìm được một ghi chép khác nói là vì không chịu nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay, Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết".
Tượng đài "Giọt lệ"
Lệ Chi Viên bây giờ đã trở thành một khu di lích lịch sử văn hóa rất quy mô và rộng rãi. Địa phương dựng một tượng đài Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trắng phau như tuyết được tạc từ đá nguyên khối ở phía bên phải ngôi đền. Tay bà vẫn mềm mại cầm chiếc bút lông với nét mặt thanh thản viết lên trời xanh tấm lòng trong sáng của mình.
Đối diện đó là tượng đài "Giọt lệ" đầy ý nghĩa lẫn xót xa. Ông Thuận cho biết: "Tượng đài được xây dựng là nhờ nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, hội chủ hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ, người suốt 20 năm nay bền bỉ vận động tổ chức hội thảo minh oan cho vợ chồng Nguyễn Trãi và kêu gọi tài trợ xây dựng ba ngôi đền thờ ở Tân Lễ (Thái Bình), Khuyến Lương (Hà Nội) và Lệ Chi Viên".
"Giọt lệ" bằng đá hoa cương đỏ được đặt trên một cuốn sách mở, tượng trưng cho tri thức. Đế là ba vòng tròn đồng tâm tạo thành tam cấp, tượng trưng cho bầu trời, sự giao hòa Thiên - Địa - Nhân sâu sắc, đồng thời cũng ngầm ý ba họ bị tru di. Trụ vuông nâng cuốn sách như bầu trời trong quan niệm cổ. Tượng đài như một giọt lệ đang rơi trên cuốn sách", ông Thuận giải thích.
"Nhân dân địa phương rất tự hào vì có di tích Lệ Chi Viên. Hình tượng bà Nguyễn Thị Lộ là một tấm gương lớn mà hậu thế soi vào đó để noi theo. Lệ Chi Viên bây giờ đã được trùng tu, xây dựng quy mô hơn để khách thập phương đến đây có thể hiểu hơn về lịch sử, về những con người tuyệt vời như Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ".
Ông Trần Danh Thuận (Chủ tịch UBND xã Đại Lai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét