(Kiến Thức) - Trải qua một thế kỷ thăng trầm, nhiều công trình lớn ở kinh thành Huế đã sụp đổ, đài phun nước cổ này vẫn đứng vững như thách thức thời gian.
Bên bờ sông Hương, đối diện với Kỳ đài của Hoàng thành Huế, có một công trình kiến trúc cổ độc đáo nhưng không được nhiều người biết đến.
Đó là một đài phun nước bằng đá, được người Pháp xây dựng vào năm 1936.
Công trình do kiến trúc sư Pháp Raoul Desmarets thiết kế, là sự kết hợp bất ngờ giữa kiến trúc phương Tây và văn hóa truyền thống phương Đông.
Đài phun nước cổ này có hai phần, gồm một bể nước hình bông hoa bốn cánh và bệ đài ở giữa.
Bệ đài là một cấu trúc hình trụ tứ giác, bốn mặt có bốn tượng rồng được tạo hình khá tinh xảo.
Để tạo hình những con rồng này, kiến trúc sư Pháp Raoul Desmarets đã phải tham khảo rất nhiều hình tượng rồng ở kinh thành Huế.
Theo quan niệm phương Đông, rồng là biểu tượng cho quyền lực vua chúa. Việc đưa hình tượng rồng vào một công trình kiến trúc kiểu phương Tây là một điều khá hiếm gặp ở Việt Nam thời thuộc địa.
Điều thú vị là đài phun nước hình rồng được xây vào thời Bảo Đại, vị vua chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Pháp. Xét trên phương diện này thì đây là một công trình rất "hợp thời".
Phần chóp của đài phun nước được trang trí bằng một số hoa văn phương Đông giản lược. Đỉnh chóp từng có một đóa hoa sen, nay không còn nữa.
Trải qua một thế kỷ thăng trầm, nhiều công trình lớn ở kinh thành Huế đã sụp đổ, đài phun nước cổ này vẫn đứng vững như thách thức thời gian.
Đây cũng là một trong số rất ít đài phun nước có từ thời thuộc địa còn được bảo tồn ở Việt Nam.
Quốc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét