Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc

Gần một thế kỷ xâm lược Việt Nam, người Pháp từ chỗ còn lúng túng đã xây dựng được một nền giáo dục khá hoàn thiện.


Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, lần lượt chiếm đóng Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường rồi cưỡng chiếm nốt ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.
Để phục vụ cho guồng máy cai trị, người Pháp đặt mục tiêu hủy diệt nền Nho học, chữ Hán, chữ Nôm phải triệt bỏ và thay thế bằng chữ Pháp, chữ quốc ngữ cùng một họ mẫu tự La tinh. Hệ thống thi cử thời phong kiến bị hủy bỏ. Năm 1864 là kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ (tổ chức ở ba tỉnh miền Tây). Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quy chế bảo hộ, sự thay đổi về giáo dục chậm hơn. 
Loại bỏ được chế độ giáo dục Nho học, nhưng để áp dụng nền giáo dục Pháp vào Việt Nam thì không đơn giản. Những năm đầu, soái phủ Nam Kỳ gặp rất nhiều khó khăn khi hệ thống trường Nho học giải tán. Các giáo chức rời bỏ nhiệm sở ra vùng tự do thuộc triều đình Huế để tiếp tục chức vụ. Nhiều học trò gác bút nghiên, cầm giáo mác tham gia các lực lượng nghĩa quân.
nen-giao-duc-viet-nam-duoi-thoi-phap-thuoc
Thầy trò một trường bản xứ ở Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Ngày 17/11/1874, chuẩn đô đốc Krantz, thống đốc Nam Kỳ ký nghị định tổ chức lại ngành học, được áp dụng đến tháng 3/1879 quy định hệ thống giáo dục với hai bậc, tiểu học và trung học. Tiểu học sẽ tập đọc và viết chữ quốc ngữ, chữ Nho, học tiếng Pháp; mẹo hay pháp ngữ sơ đẳng; toán sơ đẳng; hình học sơ đẳng; khái niệm đo đạc; tổng quan về lịch sử và địa lý. 
Đến bậc trung học, học sinh sẽ học kỹ hơn về tiếng Pháp, văn học Pháp; làm luận bằng tiếng Pháp, quốc ngữ và chữ Nho và nhiều nội dung nâng cao hơn về toán, vũ trụ, vật lý, hội họa…
Song, Pháp nhận ra chương trình giáo dục của họ quá Tây, khi áp dụng với dân tộc có nền văn hiến lâu đời lại trở nên phản tác dụng. Người Pháp thấy cần thay đổi chính sách giáo dục. 
Năm 1879, nghị định cải tổ giáo dục Nam Kỳ được ban hành, chia chương trình học chính làm ba cấp. Cấp một học trong ba năm, dạy Pháp văn, quốc ngữ và Hán văn. Cấp hai có thời lượng ba năm, mỗi tuần sẽ dành hai giờ cho chữ Nho và quốc ngữ, còn lại dành cho tiếng Pháp.
Riêng cấp ba sẽ học trong bốn năm với nhiều nội dung, dạy bằng tiếng Pháp như số học, hình học phẳng, đại số, lượng giác, trắc lượng, vẽ, địa lý, vũ trụ, hóa học, vật lý, vạn vật học…
Chính sách giáo dục và chương trình giáo khoa ba cấp 10 năm được thi hành khá nghiêm túc và lâu dài, ngôn ngữ chính là tiếng Pháp nhằm thay thế chương trình hai cấp sáu năm trước đó.
nen-giao-duc-viet-nam-duoi-thoi-phap-thuoc-1
Trường Chasseloup Laubat được xây dựng từ năm 1874. Ảnh tư liệu
Năm 1906 đánh dấu bước cải cách mạnh mẽ nền giáo dục cho toàn cõi Đông Dương bằng việc Pháp lập nha tổng giám đốc Học chính Đông Dương để thống nhất và chỉ đạo, điều hành giáo dục các địa phương. 
Người Pháp lập hội đồng cải thiện giáo dục bản xứ, nghiên cứu tất cả vấn đề có liên quan đến sự sáng tạo, hoặc cải tổ nền giáo dục. Bậc tiểu học trước đây được phó mặc cho thôn xã hay tư nhân, nay trở thành việc của chính quyền với tên gọi là đệ nhị cấp (tiểu học) và đệ tam cấp (trung học). Chương trình học được thêm vào nội dung mới nhất của khoa học phương Tây, tri thức thực hành thông dụng.
Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, theo quy chế bảo hộ nên đầu thế kỷ 20 Pháp mới bắt đầu cải tổ giáo dục, đầu tiên là thay đổi kỳ thi Hương. Pháp lập trường Quốc học Huế và trường Bảo hộ ở Hà Nội (nay là THPT Chu Văn An) để dạy trung học.
Đợt cải cách này không mấy thuận buồm xuôi gió, đặc biệt khi tiến hành ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ bởi những nơi này có hệ thống giáo dục tồn tại lâu đời, do tầng lớp văn thân điều khiển, chống lại ý đồ của Pháp. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ là năm 1915, và ở Huế năm 1918. Chế độ giáo dục và khoa cử Nho học thực sự bị khai tử với khoa thi Hội năm 1919 ở Huế.
Giai đoạn 1917-1945, đánh dấu đợt cải cách giáo dục lần thứ hai bằng việc thiết lập chương trình học chính Pháp - Việt, mở đầu bằng sự kiện ngày 21/12/1917 Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký nghị định ban hành tổng quy chế nền học chính toàn cõi Đông Dương. Văn bản được xem như bộ luật giáo dục, dày 282 trang, với mục tiêu thống nhất nền giáo dục bản xứ, tiến tới xóa bỏ nền giáo dục cũ.
Nền học chính lúc này được chia làm ba cấp, cấp một là các trường tiểu học, cấp hai là cao đẳng tiểu học, cấp ba là bậc trung học (tú tài), với hai hệ thống giáo dục gồm trường Pháp và trường Pháp bản xứ. Chương trình giáo khoa Pháp ở Đông Dương gần giống như bên Pháp, dành cho học sinh Pháp và một số ít học sinh Việt vào làng Tây hoặc được coi như Tây. 
Với đợt cải cách giáo dục lần hai, việc đưa chữ quốc ngữ vào tiểu học đã giúp trẻ nhanh chóng biết đọc biết viết, hơn hẳn trước kia học chữ Hán khó nhớ. Chương trình học bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với tính hệ thống cao. Bên cạnh các trường phổ thông, Pháp còn lập ra trường dạy nghề để học sinh khó khăn khi học xong tiểu học có thể học nghề, tìm việc kiếm sống. 
Ở cuối thời Pháp trị 1945-1955, tình hình giáo dục rất phức tạp. Pháp vẫn chỉ đạo nền giáo dục tại vùng tạm chiếm Sài Gòn - Gia Định, song giữa Pháp và các nước liên hiệp Lào, Campuchia, Việt Nam (chính quyền Sài Gòn) ký hiệp ước chuyển giao các cơ quan giáo dục và văn hóa từ năm 1949. Do đó, chính quyền Sài Gòn ít nhiều bắt đầu can thiệp vào giáo dục từ đấy. Nhiều trường cao đẳng, đại học lớn được thành lập trong giai đoạn này.
nen-giao-duc-viet-nam-duoi-thoi-phap-thuoc-2
Một mẫu bằng cũ năm 1925. Ảnh tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Giáo dục thời Pháp kéo dài gần một thế kỷ với nhiều ý kiến đánh giá trái chiều. Mặt tiêu cực của nó với Việt Nam là những mưu đồ thực dân của Pháp đã đạt được. Bởi thế năm 1905, Phan Bội Châu cho rằng nền giáo dục của Pháp "chỉ dạy viết văn Pháp, nói tiếng Pháp, tạm thời làm nô lệ cho Pháp".
Còn học giả Trần Trọng Kim lại giật mình khi nền giáo dục Pháp đã biến một xã hội "nghe đến nước mình thì ngây ngây như người ngoại quốc, sử nước mình không biết, tiếng nói nước mình thì chỉ biết qua loa".
Song, mặt tích cực ngoài ý muốn của Pháp là tạo ra một tầng lớp tri thức có trình độ đại học, nắm vững khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Những người này trước là phục vụ bộ máy cai trị của Pháp, sau tháng 8/1945 lại trở thành nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn, phục vụ trong bộ máy của Việt Nam. 
Mạnh Tùng

Chương trình tiểu học nặng nề dưới thời Pháp

Lớp đầu tiên của cấp tiểu học theo chương trình Pháp - Việt, học sinh phải học 11 môn như luận lý, địa dư, tiếng Pháp, chữ Nho.


Gần 10 năm sau khi chiếm đóng Nam Kỳ, khoảng 60 trường tiểu học được Pháp thành lập ở khu vực này với gần 1.400 học sinh. Nhiều con em người Việt tiếp tục theo học chương trình chữ Hán ở trường tư thục.
Nhận thấy giáo dục phát triển chậm, năm 1873 nhà cầm quyền tổ chức hội nghị tìm hiểu nguyên nhân giáo dục chữ quốc ngữ và Pháp ngữ không được hưởng ứng. Họ nhận ra người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu rộng của Nho học, thiếu sách giáo khoa, chữ quốc ngữ hay chữ Pháp vẫn xa lạ với số đông công chúng. 
chuong-trinh-tieu-hoc-nang-ne-duoi-thoi-phap
Một giờ học lịch sử thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
Tiểu học ba năm, thầy đồ được thưởng tiền khi dạy thêm chữ quốc ngữ
Năm 1874, thống đốc Krantz quyết định chia nền giáo dục làm hai cấp, tiểu học và trung học. Thời gian tiểu học là ba năm với nội dung tập đọc và viết chữ quốc ngữ, chữ Nho và học tiếng Pháp; mẹo hay văn phạm sơ cấp; toán sơ cấp; hình học; khái niệm đo đạc và tổng quan về địa lý và lịch sử.
Cuối bậc tiểu học sẽ có một kỳ thi, gồm bài viết và vấn đáp, kết quả được đăng trên Gia Định báo. Học sinh điểm cao, nếu có đơn xin riêng và tùy theo ý kiến của hội đồng giám khảo sẽ được nhận vào học tiếp trung học bản xứ ở Sài Gòn.
Quy chế năm 1874 siết chặt việc mở trường tư thục, tăng cường kiểm soát trường làng. Pháp bãi bỏ trường dạy quốc ngữ ở các làng mà tập trung về trường ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng.
Thực tế, tại các trường của thầy đồ, học sinh vẫn học theo lối cũ. Pháp dù rất lo nhưng không thể can thiệp thô bạo vì ngại sự phản ứng của người dân. Họ tìm cách khuyến khích thầy đồ nào dạy thêm chữ quốc ngữ sẽ được thưởng 200 Francs. Cấp tiểu học khi đó chỉ còn vài tiết học chữ Nho, không còn tiết nào khác dành cho kiến thức hay phổ cập văn hóa dân tộc bản xứ.
Do đó, một phản ứng rất tự nhiên là người Việt không chịu theo học chương trình của chính quyền Pháp, nhiều làng phải thuê người nghèo đi học cho đủ sĩ số, mặc dù trên lý thuyết là giáo dục tự nguyện.
Hệ thống phổ thông mới chia làm ba cấp, cấp tiểu học sáu năm 
Sau ba năm áp dụng chương trình giáo dục theo quy chế 1874, chính quyền Pháp nhận ra nhiều khuyết điểm. Đến năm 1879, thống soái Nam Kỳ khi đó là J.Lafont ban hành nghị định mới về giáo dục, giải thể các trường tiểu học và trung học, thay thế bằng trường cấp một năm năm (primier degré), cấp hai bốn năm (second degré) và cấp ba ba năm (troisième degré).
Muốn vào trường cấp một, học sinh phải trải qua kỳ thi tuyển tại nơi có trường này như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Hà Tiên, Châu Đốc…
chuong-trinh-tieu-hoc-nang-ne-duoi-thoi-phap-1
Trường tiểu học theo chương trình Pháp - Việt ở Châu Đốc. Ảnh: Flickr 
Chương trình tiểu học mới thời lượng ba năm với lớp tiếng Pháp học các yếu tố về Pháp ngữ, số học (bốn phép tính và hệ thống đo đạc so sánh), tương quan giữa đong đo Pháp - Việt (đo đếm). Pháp còn mở lớp Hán văn và lớp quốc ngữ với thời lượng ít hơn so với lớp tiếng Pháp.
Pháp chọn học sinh vào cấp một không phải từ những em không biết chữ mà phải biết tiếng Hán tới một trình độ nào đó. Họ muốn lớp trẻ đã bắt đầu làm quen với văn hóa cổ truyền qua môn học chữ Hán sẽ vì quyền lợi hấp dẫn mà bước vào nền học vấn Pháp.
Trong lúc này, ở miền Bắc và Trung, một số cải tổ với mục đích giới thiệu và phát triển chương trình giáo dục cũng được Pháp tiến hành. Tháng 7/1886, Paul Bert ký nghị định thành lập Bắc Kỳ hàn lâm viện, trụ sở tại Hà Nội để lôi kéo các sĩ phu, nhân sĩ vào hội nhằm truyền bá tư tưởng, học thuật Pháp tại miền Bắc.
Tiếp đó, Paul Bert cho thành lập một trường hoàng gia dành riêng cho việc giảng dạy tiếng Pháp cho con em tôn thất và quan lại Huế. Lúc này, ở Hà Nội chỉ có một trường tiểu học nhưng một năm sau đó, đã có hệ thống trường Pháp - Việt gồm chín trường tiểu học cho nam sinh, bốn trường tiểu học cho nữ sinh.
Năm 1900, Hà Nội có 15 trường tiểu học; Hải Phòng năm trường; Nam Định bốn trường; Thanh Hóa, Vinh, Huế, mỗi nơi có hai trường; Hội An và Nha Trang mỗi nơi một trường.
chuong-trinh-tieu-hoc-nang-ne-duoi-thoi-phap-2
Các cô cậu học trò Hà Nội đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu
Tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao
Năm 1917, chương trình học chính Pháp - Việt được thiết lập trên toàn cõi Đông Dương nhằm xóa bỏ nền giáo dục cũ và thống nhất giáo dục bản xứ. Một chỉ dụ của vua nhà Nguyễn hồi bấy giờ đã bãi bỏ hoàn toàn trường chữ Nho và thay vào đó là hệ thống trường Pháp - Việt.
Chương trình tiểu học Pháp bản xứ chia thành năm lớp: lớp đồng ấu cho học sinh 7 tuổi; lớp dự bị 8 tuổi; lớp ba 9 tuổi, lớp nhì 10 tuổi và lớp nhất 11 tuổi. Học sinh lớp nhì lên lớp nhất phải làm bài thi gồm phần viết chính tả và luận Pháp văn cùng ba bài thi vấn đáp.
Bậc tiểu học theo chương trình Pháp - Việt khi đó rất nặng và khó. Đơn cử lớp đồng ấu phải học 11 môn như luận lý (morale), thể dục, tiếng Việt, tiếng Pháp, học số và hệ thống mét, địa dư, chữ Nho… Chương trình lớp nhất sơ học (theo hệ thống trường Pháp) phải học đủ 15 môn toàn bằng tiếng Pháp.
Việc học quá tải nên nhiều học sinh ở ba lớp chót của tiểu học bỏ rất nhiều. Một thống kê năm 1923 ở ba miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tổng số học sinh lớp đồng ấu là 90.000 (trong tổng số 187.000) thì lớp nhì và nhất chỉ có 17.000.
Năm 1924, Pháp buộc phải điều chỉnh bậc học này bởi nhận ra học sinh không thâu lượm được kiến thức vững chắc, rốt cục sẽ không thông thạo cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Pháp. Khi đó, lớp nhì được chia thành lớp nhì năm thứ nhất và lớp nhì năm hai nên bậc tiểu học có sáu lớp.
Trong ba lớp đầu của bậc này (còn gọi là bậc sơ học) sẽ dạy bằng chữ quốc ngữ, đến những năm cuối tiểu học sẽ dùng tiếng Pháp. Song, chương trình tiểu học càng dài, càng khó khăn tạo thành rào cản lớn cho học sinh. Bình quân cứ 40 em học lớp đồng ấu thì chỉ còn một em đậu bằng tốt nghiệp Pháp - Việt.
Những năm sau đó, kéo dài đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, hệ thống giáo dục Pháp - Việt không có nhiều thay đổi về quy mô, chính sách.
Mạnh Tùng

Học sinh lấy bằng thành chung thời Pháp sau 8-10 năm học

Vượt qua 5-6 năm tiểu học, 3-4 năm trung học (cấp hai), học sinh được cấp bằng thành chung, nói thông thạo tiếng Pháp, am hiểu lịch sử thế giới. 

Trước năm 1874, trẻ 14-16 tuổi học ở các trường dành cho học sinh lớn tuổi. Năm 1860, nhà chung Công giáo lập trường Adran, tự xây dựng chương trình giáo dục, thêm cả học đạo, mệnh danh là Pháp - Việt. Sau đó các sư huynh thiện giáo được mời đến để điều hành trường và chuyển thành công lập. 
Tiếp đó, loạt trường đặc biệt cho thiếu niên được mở tại các thị trấn Cần Lố, Sóc Trăng, Gò Công, Tân An, Rạch Giá, Cần Giuộc, đều do người Pháp làm giám đốc. Đến ngày 17/11/1874, nghị định tổ chức ngành học lần đầu quy định cấp trung học (enseignement secondaire) với thời gian học ba năm. Hoàn thành 5-6 năm tiểu học, học sinh sẽ lên bậc trung học. 
chuong-trinh-trung-hoc-thoi-phap-thuoc
Một trường trung học tư thục công giáo ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19. Ảnh tư liệu
Trường trung học đầu tiên Chasseloup Laubat
Theo chương trình trung học ban hành năm 1874, học sinh học kỹ tiếng Pháp, sơ yếu văn học Pháp; làm luận văn bằng Pháp ngữ, quốc ngữ và chữ Nho. Môn lịch sử gồm khái niệm sử cổ đại, hiện đại căn cứ chính yếu trên vai trò của nước Pháp. Ngoài ra, học sinh còn học các môn khoa học tự nhiên khác, như: toán, vật lý, vạn vật học và các phép đo đạc, giữ sổ sách kế toán, hội họa…
Cùng năm 1874, trường trung học bản xứ Chasseloup Laubat (nay là THPT Lê Quý Đôn, TP HCM) ra đời, lấy tên của Bộ trưởng Bộ thuộc địa của Pháp. Đây là trường trung học lâu đời nhất ở Sài Gòn và xứ Nam Kỳ. Ban đầu, trường dạy bậc tiểu học và trung học, chỉ nhận con em người Pháp, sau đó nhận thêm học sinh người Việt, ở nội trú một khu riêng. 
Năm 1879, Pháp quyết định cải tổ giáo dục, chia thành ba cấp, gồm cấp một, cấp hai và ba. Trường cấp hai (tương đương với trung học) học sinh học ba năm, mỗi tuần sẽ có hai giờ chữ Nho và quốc ngữ (học tứ thư), còn lại dành hết cho lớp tiếng Pháp (với các môn Pháp ngữ, số học, hình học, địa lý, tập vẽ).
Sách dành cho môn chữ Nho và quốc ngữ khi đó rất hiếm, với các cuốn Tứ thư, Việt địa dư ký, truyện ký của Trương Vĩnh Ký và sách Lục Vân Tiên theo bản phiên âm bằng tiếng Pháp. Chương trình trung học này kéo dài ở Nam Kỳ tới năm 1918.
Trong khi đó, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, cuối khóa sát hạch trung học, thí sinh có thể dự thi Hương, ai đậu cao gọi là cử nhân, đậu thấp gọi là tú tài.
chuong-trinh-trung-hoc-thoi-phap-thuoc-1
Một lớp học toán ở trường La San Taberd Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Học lấy bằng thành chung thời Pháp
Khi chương trình học chính Pháp - Việt được áp dụng cho toàn cõi Đông Dương năm 1917, bậc trung học ở miền Nam có ba trường Gia Định, Mỹ Tho, Chasseloup Laubat; ở miền Bắc có trường Bảo hộ (Lycée du Protectorat), ở miền Trung có trường Quốc học Huế với tổng số gần 1.000 học sinh.
Bậc trung học lúc này có bốn lớp gồm đệ nhất niên (tương đương lớp 6 ngày nay), đệ nhị niên (lớp 7), đệ tam niên (lớp 8) và đệ tứ niên (lớp 9). Tốt nghiệp bậc học này, học sinh được cấp bằng thành chung. 
Mỗi tuần học sinh có hơn 27 giờ lên lớp, hầu hết học bằng tiếng Pháp; tiếng Việt và Hán không quá ba giờ. Học sinh phải học lịch sử và địa lý Pháp rất kỹ, học một số nước khác sơ lược, học về các công trình của Pháp ở Đông Dương.
Chương trình thành chung Pháp - Việt khó và nặng, học sinh phải theo đủ 11 môn như Pháp văn, luận lý, lịch sử, Việt văn - Hán văn, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, tập viết chữ đẹp, vẽ theo hình mẫu và tìm hiểu công nghiệp. 
Đơn cử, môn lịch sử năm thứ nhất ôn nhanh lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy tới triều Nguyễn và lịch sử các địa phương khác. Lịch sử Pháp, học sinh phải nắm được thời tiểu quốc Gaule và thời trung cổ.
Năm thứ hai, chương trình gồm lịch sử Việt Nam thế kỷ 19, cuộc bảo hộ của Pháp, luận đàm về sử Pháp và thế giới, các phát minh lớn, thời Phục hưng, các cuộc chiến tranh về tôn giáo...
Đến năm thứ tư, môn lịch sử bao quát khắp thế giới, trải từ Âu sang Á với đủ mọi ngóc ngách đời sống, văn hóa, khoa học. Khó như vậy nên thời đó, bằng tốt nghiệp thành chung được coi ngang hàng với bằng tú tài khi xin việc vào các vị trí trung cấp hoặc có thể học tiếp cao đẳng, đại học.
Năm 1925, Pháp ban hành nghị định mới, bằng thành chung không còn giá trị tương đương với tú tài. Học sinh muốn đạt bằng tú tài phải học thêm ba năm.
chuong-trinh-trung-hoc-thoi-phap-thuoc-2
Học sinh trường trung học Pétrus Ký năm 1929. Ảnh tư liệu
Theo quy định của chính quyền, muốn mở trường dạy trung học phải do thống đốc, thống sứ hay khâm sứ đề nghị lên toàn quyền Đông Dương. Do có sự hạn chế này miền Nam chỉ có năm trường dạy bậc trung học gồm Chasseloup Laubat, Pétrus Trương Vĩnh Ký, trường nữ trung học Áo Tím, Mỹ Tho, Cần Thơ; ở miền Trung có Quốc học Huế; miền Bắc có trường Bảo hộ (trưởng Bưởi).
10 năm sau, đến 1927 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định cải thiện bậc giáo dục trung học Pháp bản xứ. Người Pháp lập riêng cấp trung học bản xứ, tách ra từ lớp trung học mà người Việt học chung với Pháp ở Chasseloup Laubat. 
Trường trung học bản xử Pétrus Ký được xây xong năm 1927 nhưng một năm sau đó mới khai giảng khóa đầu tiên với 200 học sinh. Một năm sau, trường được đổi tên Cao đẳng tiểu học Pháp bản xứ. Ngoài cấp cao đẳng tiểu học (trung học đệ nhất cấp), Pétrus Ký còn có đệ nhị cấp (trung học đệ nhị cấp hay cấp ba).
Mạnh Tùng   |

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét