Pháp áp đặt nền giáo dục ở Việt Nam gần 100 năm, nhưng giáo dục đại học ra đời khá muộn, vào nửa đầu thế kỷ 20.
Những năm đầu thế kỷ 20, dưới tác động của cao trào "Châu Á thức tỉnh" và sự du nhập trào lưu dân chủ tư sản vào Việt Nam, tổ chức Duy Tân Hội do Phan Bội Châu sáng lập đã phát động phong trào Đông Du, đưa thanh niên Việt Nam sang du học Nhật Bản.
Tại Hà Nội, Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập và hoạt động sôi nổi (1907), dần trở thành trung tâm tuyên truyền, cải cách văn hóa, giáo dục có ảnh hưởng rộng lớn ở Bắc Kỳ.
Ở Trung Kỳ, phong trào Duy Tân được khởi xướng, dẫn đến sự hình thành của 300 tổ chức trường học, giảng dạy theo lối mới, hướng tới mục tiêu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
Trước sức ép từ ảnh hưởng của những phong trào này và tầng lớp sĩ phu yêu nước, chính quyền Pháp buộc nghĩ đến tổ chức bậc đại học.
Đại học Đông Dương - thiết chế đại học đầu tiên ở Việt Nam
Năm 1907, Pháp ra nghị định thành lập Đại học Đông Dương với một số trường cao đẳng, nhưng thực chất là trường trung cấp chuyên nghiệp. Hoạt động không được bao lâu, Đại học Đông Dương đóng cửa bởi không có sinh viên và thiếu giáo sư.
Một giờ học môn Vật lý tại Đại học Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu
|
Hơn 10 năm sau đó, Pháp tổ chức một số trường cao đẳng (trên danh nghĩa mô hình đại học) nhưng vẫn phải nhận những sinh viên có trình độ cao đẳng tiểu học nên khi ra trường, bằng cấp chỉ tương đương trung cấp. Khoảng 20 năm tiếp theo (1920-1939), Pháp nâng cấp các trường cao đẳng thành đại học, mở thêm trường cao đẳng mới như Thương mại, Văn khoa, Khoa học, Mỹ thuật.
Một trong những đại học có tuổi đời lâu nhất ở Việt Nam là Y khoa Hà Nội, thành lập năm 1902 như một trường thuốc École de Médecine. Sinh viên muốn vào trường phải có bằng thành chung (cấp hai), được đào tạo 3-4 năm rồi ra trường với danh xưng Y sĩ bản xứ, Y sĩ Đông Dương, Y sĩ phụ tá.
Kỳ thi tuyển đầu tiên vào trường Y khoa có 121 thí sinh ở Bắc Kỳ, với tiêu chuẩn cao nhất là biết tiếng Pháp, kết quả 15 người trúng tuyển. Tiếp đó, trường tuyển sinh viên với chất lượng cao hơn, yêu cầu tốt nghiệp tú tài toàn phần (cấp ba), bắt đầu cấp phát bằng Bác sĩ đa khoa.
Trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), một số trường đại học được thành lập hoặc nâng cấp từ cao đẳng. Hai trường Y Dược và Luật (từ cao đẳng Luật khoa) trở thành đại học theo quy chế đại học ở Pháp nhằm cung cấp nhân lực chăm sóc sức khỏe cho nhân viên bộ máy hành chính.
Khóa y sĩ Đông Dương 1921-1925 trường Y khoa Hà Nội. Ảnh tư liệu
|
Năm 1941, Pháp thành lập Cao đẳng Khoa học đào tạo sinh viên lấy bằng cử nhân khoa học như đại học khoa học ở Pháp. Tiếp đó, Pháp mở rộng Cao đẳng Nông lâm đào tạo kỹ sư nông nghiệp và lâm nghiệp, Cao đẳng Công chính đào tạo kỹ sư và phó kỹ sư công chính.
Tất cả cao đẳng và đại học trên đều nằm trong một tổ chức chung là Viện Đại học Đông Dương, cơ quan mới được thành lập để chỉ đạo bậc giáo dục cao đẳng và đại học. Những người muốn thi vào các trường trên phải có bằng tú tài toàn phần hoặc tú tài thứ nhất.
Mục tiêu mở các đại học này là cho thanh niên Pháp ở Đông Dương có nơi học lên cao, thay vì phải về Pháp - vốn đang bị cắt đứt bởi chiến tranh leo thang. Mặt khác, Pháp phải cạnh tranh giành ảnh hưởng với Nhật trong tầng lớp thanh niên trí thức Việt Nam. Các hoạt động mở rộng, nâng cấp trường cao đẳng thành đại học được Pháp tuyên truyền rầm rộ khắp Đông Dương.
Năm 1941, Pháp thành lập ký túc xá khang trang cho sinh viên Đại học Đông Dương ở Hà Nội, nhằm tách sinh viên ra khỏi ảnh hưởng của Nhật.
Đại học phải sơ tán vì chiến tranh, nhiều trường được mở ở Sài Gòn
Sau tháng 8/1945, nhiều đại học ở Hà Nội phải sơ tán theo kháng chiến, phần còn lại mãi hai năm sau mới bắt đầu dạy và học lại.
Năm 1947, Sài Gòn bắt đầu có một số cơ sở của Đại học Y khoa, nơi đầu tiên mang tên Y Dược do giáo sư Massias người Pháp làm Khoa trưởng. Kết quả khóa tuyển sinh đầu tiên có 39 người đỗ ngành Bác sĩ Y khoa, 22 người ngành Nữ hộ sinh. Cũng trong năm này, Đại học Luật khoa được phục hồi ở Sài Gòn với hàng trăm thí sinh dự thi cử nhân và cao học Luật.
Trụ sở Y dược Đại học đường Sài Gòn. Ảnh tư liệu
|
Do tình hình chính trị phức tạp nên Pháp bỏ tên Đại học Đông Dương, tập hợp các trường Y khoa, Luật và Khoa học thành Viện Đại học hỗn hợp Việt - Pháp. Viện trưởng là một người Pháp, viện phó là người Việt. Họ còn mở thêm một trung tâm của viện này ở Sài Gòn do nhu cầu theo bậc đại học ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ phát triển khá mạnh.
Lần lượt đại học Văn khoa, Sư phạm (ở Hà Nội); Công chính, Truyền thanh - Điện khí (ở Sài Gòn) được ra đời. Nhiều nhà trí thức cách mạng lớn vốn xuất thân từ các trường này như Nguyễn Khánh Toàn (Sư phạm), Trường Chinh (Thương mại), Võ Nguyên Giáp (Luật khoa).
Cuối năm 1954, các trường ở Hà Nội với đa số nhân viên, trang thiết bị cùng một phần nhỏ sinh viên được di chuyển vào Sài Gòn và hợp nhất với các trung tâm giáo dục đại học đã có sẵn, giao cho chính quyền ở thành phố này quản lý, trở thành Viện Đại học Sài Gòn.
Đây cũng là dấu mốc kết thúc nền giáo dục của Pháp xây dựng ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét