Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Mưa rừng Pù Mát

TTO - Những câu chuyện thực hư tìm trầm, săn thú ở nơi “rừng thiêng nước độc” tây Trường Sơn (Nghệ An) chỉ càng làm tăng thêm trí tò mò và những ngày đầu hè nóng nực chúng tôi đã tìm “giấy thông hành” cùng Pù Mát.
Hành trình gian nan - Ảnh: Hoàng Hà

Bốn chúng tôi đã chuẩn bị khá chu đáo cho một chuyến trekking không đơn giản với đủ bếp núc để tự nấu ăn hằng ngày và đủ loại thực phẩm.
Vườn quốc gia Pù Mát nằm ở sườn phía đông của dãy Trường Sơn, trải dài trên ba huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương ở phía tây nam Nghệ An với diện tích khoảng 91.000km2.
Đây là vùng rừng với sinh cảnh chủ yếu là rừng ẩm nhiệt đới núi thấp với các loại cây gỗ và dây leo phát triển mạnh, đồng thời là vùng có đa dạng sinh học lớn nhất tại khu vực Bắc Trường Sơn. Đỉnh cao nhất vùng là đỉnh Pù Mát 1.841m.
Cả nhóm rời thị trấn Con Cuông để tiến vào chân Thác Kèm trong khu vực vườn quốc gia Pù Mát bằng xe máy. Thác Kèm cách thị trấn Con Cuông chừng 25km là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi không khí mát mẻ, môi trường trong lành và vẻ đẹp kỳ thú của dòng thác.
Từ chân thác Kèm, có thể lần theo đường mòn để ngắm cảnh núi non hùng vĩ, đi ngược qua thung lũng Khe Bu hoặc leo núi Pu Loong. Nhưng theo chân người dẫn đường đã đi rừng từ 8 tuổi, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình theo “tiếng gọi nơi hoang dã” bằng con đường mới.
Lầm lũi cắt ngang con đường nhựa, chúng tôi di chuyển trên con đường mòn nhỏ xíu. Đích nhắm đến đầu tiên là leo ngược lên ngọn thác Kèm. 
Vào cửa rừng - Ảnh: Hoàng Hà

Thác Kèm là tên gọi của dòng thác cao trên 100m, ngọn thác chính là nơi hợp lưu của hai dòng suối, một dòng nhỏ xuất phát từ đỉnh cao nhất, chảy khoảng 20m thì gặp dòng thứ hai hợp vào và cả hai dòng suối đều đổ nước xuống một địa danh chung gọi là thác Kèm.
Sau hơn 4 tiếng leo ngược dốc đá, đạp chân lên những thảm lá mục, căng ngang rừng Pù Mát, chúng tôi đến điểm nghỉ chân đầu tiên. Khu hạ trại được dựng lên sau 30 phút, mọi người nhanh chóng nhóm lửa để chuẩn bị nấu ăn, đáp ứng nhu cầu mấy cái dạ dày đang sôi réo ùng ục sau một hành trình mệt mỏi.
Trước chuyến đi, thời tiết ở khu vực vườn quốc gia Pù Mát đã nắng to hơn 10 ngày mà đất rừng vẫn trơn như đổ mỡ. Những cây gỗ ướt nhẹp đã thử thách trình độ nhóm lửa của mấy anh nuôi bất đắc dĩ. Phải mất hơn một tiếng bữa trưa với cá khô và thịt hộp mới xong, được bổ sung một ít rau xanh hái trong rừng như lá chân chim, lá mì chính để bữa ăn thêm phần thịnh soạn.
Sau bữa trưa, ba người bạn đồng hành xuống suối câu cá cho bữa chiều với phương châm lấy thức ăn rừng là chính. Thượng nguồn khe Kèm không có các loại cá lớn, chỉ có những con cá nhỏ cỡ ngón tay.
Nhóm lửa chuẩn bị bữa ăn đầu tiên trong rừng - Ảnh: Hoàng Hà

Nhưng rồi điều không mong đợi và lo sợ nhất cũng đến: mưa rừng. Không lãng mạn mà ầm ầm, dai dẳng cả ngày cả đêm, xối ầm ầm qua các kẽ lá và kêu lộp bộp trên những tấm tăng. Mưa đến ngay khi chúng tôi đang chuẩn bị đèn cho chuyến săn ếch và săn cá ban đêm.
Trong đêm mưa, chúng tôi nằm nghe những câu chuyến phiếm, những câu chuyện về rừng của người dẫn đường. Những ký ức vui buồn. Những câu chuyện như thể bước ra từ trong sách, câu chuyện về những người thợ săn, những người đi cội (tìm trầm)...
Dưới chân thác Kèm - Ảnh: Hoàng Hà
Vượt rừng - Ảnh: Hoàng Hà

Sáng, thức dậy trời vẫn lấm tấm mưa. Loay hoay mãi vẫn không thể nhóm lửa vì củi quá ướt, cuối cùng đành nấu mì gói cho bữa sáng bằng bếp cồn.
Trời vẫn mưa. Đi rừng nhiệt đới ngày mưa thật sự luôn là một thử thách khắc nghiệt. Những con đường trở nên trơn nhẫy, sẵn sàng quật đổ tất cả, những con dốc cao, gập ghềnh, trắc trở... cả với những người đi rừng rắn rỏi và đầy kinh nghiệm.
Chúng tôi bàn bạc và phân tích khá kỹ về tình huống, dự đoán những khó khăn sẽ phải đối mặt. Tất cả dọn dẹp nơi cắm trại và quyết định tìm một con đường mòn mới khác con đường hôm trước để trở lại cửa rừng.
Đến chiều, chúng tôi cũng ra được khỏi rừng, bỏ lại sau lưng cơn mưa rừng đã làm chúng tôi lỡ hẹn với rừng già, để lại sau lưng mình lời hứa với những đỉnh núi cao, với con dốc thẳng đứng và những con vắt đang đợi chờ…
MẠNH NGUYỄN

Khám phá Vườn quốc gia Pù Mát

Nằm về phía tây nam Nghệ An, trên sườn Đông của dãy Trường Sơn, cách thành phố Vinh 130km, Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích 91.113ha với hệ động, thực vật phong phú và cũng là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học lớn nhất nước ta.
Cảnh vật tuyệt đẹp
Trải dài trên ba huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An, Vườn quốc gia Pù Mát thu hút du khách không chỉ bởi những núi rừng ngút ngàn trùng điệp, những dòng suối trong veo êm đềm trôi mà còn là sự đa dạng về thành phần các loài thực vật cùng nhiều loài đặc hữu.
Cho đến năm 2004, vườn được các nhà khoa học trong và ngoài nước điều tra, thu mẫu khoảng 2.494 loài thực vật có mạch như: pơmu (Fokienia hodginsii), samu (Cunninghamia konishii), tuế (Cucas aff. Pectitana), sao hải nam (Hopea hainanensis) và phong lan (Orchidaceae) v.v… Cũng tại đây, các nhà khoa học xác định được hơn 42 loài thú lớn, 20 loài thú nhỏ, 295 loài chim, 305 loài bướm ngày, 83 loài bướm sừng và 11 loài bướm hoàng đế.
Bản Cò Phạt với tộc người Đan Lai.
Bản Cò Phạt với tộc người Đan Lai.
Với những ai thích khám phá cảnh đẹp thiên nhiên hoang dã thì Pù Mát là một trong những sự lựa chọn tối ưu khi có thể tự lựa chọn cho mình lịch trình thám hiểm, tham quan những thắng cảnh tiêu biểu và đầy hấp dẫn. Điểm xuất phát hợp lý cho tất cả các tour bắt đầu từ khu hành chính Vườn quốc gia, du khách có thể tham quan ở khu vườn thực vật ngoại vi, nhà bảo tàng và trung tâm giáo dục.
Níu chân khách tham quan ngay dưới chân đỉnh Pù Mát là rất nhiều cảnh vật tuyệt đẹp với những cây cổ thụ uy nghi, sừng sững luôn tỏa bóng mát quanh năm của rừng săng lẻ; với thác nước đổ từ trên độ cao 150m tung bọt trắng xóa của thác Khe Kèm; với dòng nước trong từ lòng đất mọc lên, dẫu trời mưa to hay nắng hạn kéo dài, mực nước vẫn không thay đổi của suối Mọc, hay bia Ma Nhai - một di tích lịch sử độc đáo có từ thế kỷ XIV, văn bia được khắc vào vòm đá núi trước cửa hang ghi lại chiến công của quan quân nhà Trần trong việc giữ gìn bờ cõi.
Để Vườn quốc gia Pù Mát trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút du khách, ban quản lý khu hành chính hiện đang tiếp tục đầu tư hệ thống nhà nghỉ tiện nghi, đặc biệt là nâng cấp những khu nhà sàn xây dựng theo kiểu nhà truyền thống của đồng bào dân tộc miền tây tỉnh Nghệ An.
Ngược dòng sông Giăng...
Nếu đến với những cánh rừng bạt ngàn của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, không ai có thể bỏ lỡ chuyến du lịch mạo hiểm ngược dòng sông Giăng, đây có lẽ là “điểm sáng” trong tour khám phá Vườn quốc gia. Bắt đầu từ bến đập Phà Lài, du khách có thể đi thuyền trên sông Giăng để thưởng lãm cảnh đẹp tự nhiên dọc hai bên bờ sông mênh mang trong lành. Thuyền nhỏ bằng gỗ được thiết kế theo hình dáng thuyền độc mộc, điều khiển bằng động cơ chân vịt, chỉ đủ sức chứa từ 4 - 5 người.
Du khách sẽ có thêm nhiều cảm giác thú vị xen lẫn hồi hộp khi thuyền ngược dòng lên thượng nguồn sông Giăng. Uốn lượn và gập ghềnh, càng đi sâu nước sông Giăng càng trong vắt, nhìn rõ những hòn đá cuội to nằm dưới lòng sông. Hơn nửa quãng đường nước chảy xiết với nhiều đoạn ghềnh nhấp nhô, vào mùa nước cạn, du khách buộc phải đi bộ băng qua những bãi đá hay xuống hỗ trợ đẩy thuyền. Steve Hoem - một du khách người Mỹ nói: “Tôi luôn thích khám phá, nhất là đối với những tour du lịch mạo hiểm, vì vậy, tôi đặc biệt rất ấn tượng trong chuyến đi lần này.
Thác Khe Kèm.     Ảnh: M.C
Thác Khe Kèm. Ảnh: M.C
Ấn tượng nhất là đoạn cùng hò nhau lội suối đẩy thuyền vượt qua thác ghềnh, khá mệt và vất vả nhưng lại là một kỷ niệm khó quên”. Gần hai tiếng ngược dòng sông Giăng, du khách đến thăm bản Cò Phạt, có cơ hội tìm hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt của người Đan Lai - tộc người ngủ ngồi duy nhất ở Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng, xa xưa người Đan Lai sống trong rừng núi của miền Tây, để đề phòng thú dữ, tộc người Đan Lai đã đốt lửa và làm que chống hình chữ X, tựa cằm vào đó để không ngủ quên và ngã vào đống lửa.
Nếu có thời gian, du khách có thể nghỉ đêm tại các bản làng và tham gia sinh hoạt cùng bà con dân tộc cũng như nếm thử những món ăn đặc sản: cơm lam, cháo chuối, cá mát, gà nướng và cùng ngồi nhâm nhi thưởng thức rượu cần bên ánh đuốc lửa trại khi đêm về… Anh Lê Xuân Đường - trưởng bản Cò Phạt cho biết, nay đời sống người trong bản đã khá hơn, người dân nơi đây đa phần đều đã có nhà cửa ổn định.
Ngoài công việc chính là làm ruộng, người dân có thêm khoản thu nhập khi kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó khách nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, anh Dương Xuân Tráng - Giám đốc Công ty du lịch Mai Phượng Vy (Hà Nội) cho rằng, chính quyền sở tại nên khôi phục mô hình tục ngủ ngồi của tộc người Đan Lai, và có thể coi đây như một sản phẩm du lịch giới thiệu đến với du khách.
Cũng dựa trên cơ sở khảo sát lần này, các công ty du lịch sẽ vạch ra cung đường đi của tour du lịch: Hà Nội - bản Mai Châu (Hòa Bình) - Pù Luông (Thanh Hóa) - Pù Mát (Nghệ An) - Ninh Bình. Hy vọng trong thời gian tới, tour du lịch sinh thái và thăm bản dân tộc, du lịch mạo hiểm sẽ là một sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Mai Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét