Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Lịm ngọt bát canh cần

Người Việt Nam ta vẫn thích những món ăn cổ truyền dân tộc (mà món rau cần có xa Tổ quốc gần cả cuộc đời vẫn nhớ khôn nguôi). Mùa rau cần kéo dài là thế, có người ngày nào cũng ăn cho được một bữa rau cần mà hết mùa vẫn cứ ngẩn ngơ...


Dân ta có câu dân dã, ngọt ngào, tình tự mà như một lời nhắn gửi mỗi ai.
Có phúc gả con chồng gần
Có bát canh cần nó cũng mang cho

Rau cần gần gũi, gắn bó máu thịt với con người là thế. Từ thị thành đến nông thôn, không mấy ai là không thích rau cần. Cần có hai loại chính (cần ta và cần tây) nhưng thông dụng nhất, đại đa số người thích ăn vẫn là cần ta (thì tôi xin được phép nói về cây cần ta cho gần gũi với mọi người).
Cần ta có từ ngày xưa: Thân cần mềm như lụa, lá xanh rờn như lá mạ. Phần cây nằm sâu dưới bùn tua tủa rễ và nõn nà như bún... ở đâu có đất bùn, cần đều có thể nương tựa vào đó mà sống đàng hoàng, và phát triển rất nhanh. Cứ trước tết Nguyên đán vài ba tháng là cây cần đã lác đác có mặt nơi chợ gần, chợ xa (cần đầu mùa thường là đắt) nhưng ai cũng muốn được thưởng thức cái hương vị đầu mùa. Càng gần tết thì cần càng nhiều và sau tết cũng tới vài ba tháng thì cần mới hoá già, kém duyên, bịn rịn ra đi, để năm sau lại da diết nhớ nhung con người mà về thật đúng vụ nà nuột, rờn xanh nõn nà mềm mại...
Cho đến bây giờ, sau gần 30 năm xa người mẹ quanh năm đầu tắt mặt tối, có dáng lưng còng rạp đất, rất hiếm hoi có dịp về ăn tết ở quê nhà, nhưng tôi có nhớ như in, cứ phiên chợ 29, 30 tết là mẹ tôi lại đi chợ về mua nhiều rau cần tích lại (vì chợ quê thường nghỉ ba ngày tết). Mua về, mẹ tôi gượng nhẹ để thân và lá cần không giập gãy, rồi buộc dây thả cạnh cầu ao cho nổi lềnh phềnh trên mặt nước, để lúc nào cũng có cần tươi ngon nấu 3 ngày tết. Chính vì lẽ đó mà mỗi năm không về ăn tết được với mẹ, nhớ tới bát canh cần mẹ nấu, ngọt ngào mà mắt cứ rân rân nhớ mẹ quá chừng. Bây giờ, mua rau cần về, cũng là để nhớ mẹ, cũng là sở thích của mọi người trong gia đình mà bữa cơm nhà tôi thường có bát canh cần. Mà bữa nào có bát canh cần là nồi cơm lại hết veo.


Cần chế biến được nhiều món ăn (cần xào thịt bò, thịt nạc, lòng gà... cần nấu canh với cá rô, cá trê, cá chày…). Tết đến hay có giỗ chạp mà có bát canh cần, nấu cá thì tuyệt lắm. Cái thú vị nhất là lúc múc bát canh cần vừa nấu bốc khói nghi ngút, sực mùi cá tươi, mùi cần thân thuộc dân dã, mùi gừng chen tới dậy thơm... Với cá rô, cá chày, người ta luộc chín (cá trê thì nướng chín cho hết nhớt) gỡ lấy những miếng nặc, xào với gia vị thơm lừng, còn xương, đầu cá cho vào chối giã nhỏ, đổ nước cá luộc còn nóng vào cối khoắng tan, lọc lấy nước đó, cho vào nồi cá xào (không để một tý xương lẫn vào). Đun cho nồi nước canh cá sôi ào lên, bỏ rau cần đã nhặt kỹ, cắt ngắn (chừng hơn một đốt tay) vào nồi, đun to lửa cho sôi rồi bắc ngay ra (đừng đậy bằng vung kẻo nhũn),...
Người ta còn dùng rau cần muối lẫn với rau răm và là cải bắp thái nhỏ bay. Khi ăn nó có cái vị bùi bùi chua chua của cần, có vị hăng hăng cay cay của dăm, có cái dai dai giòn giòn của là cải bắp... Món ăn này đơn giản và dân dã thế mà nhiều người ăn mãi vẫn thèm.
Bây giờ các cô, các bà bán rau cần cũng tâm lý lắm. Họ chọn cần ngon, rửa sạch, nhặt sạch, người mua về không mất thời gian làm cần mà vẫn có món ăn rẻ tiền, hợp vị.
Người Việt Nam ta vẫn thích những món ăn cổ truyền dân tộc (mà món rau cần có xa Tổ quốc gần cả cuộc đời vẫn nhớ khôn nguôi). Mùa rau cần kéo dài là thế, có người ngày nào cũng ăn cho được một bữa rau cần mà hết mùa vẫn cứ ngẩn ngơ...
(Hà Nội Mới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét