Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

'Thần dược sung sướng' từ loài thằn lằn trinh nữ

Giới ẩm tửu đang kháo nhau về một loại thần dược mới được chế biến từ một loài thằn lằn đặc biệt.

Đi tìm thằn lằn trinh nữ
Theo ghi nhận từ nhiều người dân, thằn lằn trinh nữ là một loài bò sát mới được phát hiện. Cái tên trinh nữ đầy quyến rũ được hình thành từ đặc tính sinh sản của loài thằn lằn trên. Được biết, trong số các loại thuộc họ nhông, thằn lằn trinh nữ thuộc vào hàng quý hiếm và có giá trị cao.
Theo giới thiệu của một tay chuyên cung cấp loại thằn lằn này cho các quán nhậu, thằn lằn trinh nữ lần đầu tiên được phát hiện tại khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thằn lằn trinh nữ - loại nhông cát đặc hữu của Việt Nam mới được phát hiện.
Ghi nhận từ các cán bộ phòng kỹ thuật thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bửu Bình Châu, được biết: Thằn lằn trinh nữ thực chất là một loại nhông cát có tên khoa học là Leiolepis ngovantri sp. nov. Grismer & Grismer. Đây là một phát hiện mới của giáo sư Ngô Văn Trí nên còn được biết đến với tên gọi thằn lằn nữ sinh Ngôn Văn Trí. Loài nhông này có kích thước tương đối  nhỏ so với các loài khác trong họ.
Chiều dài nhông cát khoảng 11,5cm, với chín hàng vảy có gờ nở rộng phía chi trước và 37 - 40 giáp bám phụ bên dưới ngón chân thứ tư. Ngoài việc thịt rất ngon, loài này còn hấp dẫn dân săn bắt bởi màu sắc bắt mắt. Trên lưng nhông cát có những đốm nâu trắng nhạt hình mắt lưới rải đều từ sau gáy và nhỏ nhạt dần ở cuống đuôi. Hai sọc màu vàng nhạt chạy song song hai bên riềm (nếp) lưng và hai sọc khác có màu vàng nhạt hơn ở hai bên hông.
Chia sẻ về cái tên đầy quyến rũ thằn lằn trinh nữ của loài nhông cát trên, ông Bùi Đình Sơn, người nhiều năm thực hiện công tác bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Phước Bửu  Bình Châu cho biết: "Loài nhông này rất đặc biệt. Chúng không hề có giống đực mà chỉ toàn giống cái. Vì không có giống đực mà vẫn sinh sản nên dân gian gọi vui là thằn lằn trinh nữ".
Một cán bộ phòng kỹ thuật thuộc khu bảo tồn cho biết thêm: "Loài nhông này là loài nhông cát vô tính, trong thiên nhiên chúng là một quần thể chỉ toàn con cái. Đây là loài sinh sản vô tính. Sinh sản vô tính (hay sinh sản) là hình thức sinh sản không có liên quan đến quá trình phân bào giảm nhiễm hay thụ tinh. Nghĩa là chỉ có một cá thể mẹ (không cần con đực, bố) cũng có thể sinh sản được.
Những nghiên cứu ban đầu của đơn vị này cho thấy, thằn lằn trinh nữ thích nghi tuyệt vời với kiểu rừng khô, ưu thế cây họ dầu trên nền đất cát ven biển, hay kiểu rừng tràm trên vùng đất nhiễm phèn của khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, các khu vực ven biển tỉnh Bình Thuận. Chúng được nhận định là loài đặc hữu của Việt Nam và có giá trị cao. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, những nghiên cứu trên giống loài này cho thấy chúng có những giá trị dinh dưỡng nhất định.
Hơn thế, theo kinh nghiệm của dân gian, loài nhông này còn có một số tác dụng đến sức khỏe con người. Và từ lâu, thịt nhông đã được dân gian sử dụng như những món ăn cao cấp, phương thuốc trị bệnh. Đó cũng là lý do không biết tự bao giờ, nhông có mặt trong những vị thuốc ngâm rượu với tác dụng bồi bổ cơ thể và được xem như loại biệt dược "ông uống bà khen".
Thằn lắn nướng, thực phẩm có lợi cho các quý ông.
Thức ăn bổ dưỡng cho quý ông?
Xung quanh những giá trị của loài nhông mới được phát hiện, người dân sinh sống quanh khu bảo tồn cho biết: "Loài nhông này đã được người dân biết từ lâu nhưng chỉ nghĩ là một loại tắc kè bình thường nên không mấy ai để ý. Tuy nhiên, sau khi báo chí, các phương tiện truyền thông công bố danh tính, giá trị kinh tế và triển khai các mô hình nuôi nhông thịt thì loài nhông này trở thành một thứ hái ra tiền. Thịt nhông thơm, ngọt, xương mềm và có vị gần giống như thịt gà nên còn được gọi là "gà đất".
Khi chế biến, người ta có thể ướp thịt nhông với sả và gia vị. Trứng nhông bùi béo nhưng không ngấy, mật nhông hơi đắng để lại hậu vị ngọt. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của loài nhông này không chỉ đến từ giá trị kinh tế của nó mà từ sự sinh trưởng và sinh sản được cho là bí ẩn của chúng.
Chia sẻ về những bí ẩn trên ông Bùi Đình Sơn cho biết: "Người dân nơi đây tin rằng loài thằn lằn này không chỉ ăn các loại côn trùng mà thực phẩm chủ yếu của chúng là các mầm non thảo dược nên dược tính của nhiều loài thảo dược đã thấm vào thịt nhông. Do đó, thịt nhông cát vốn đã ngon nay còn quý bởi trở thành một phương thuốc chữa bệnh.
Cũng vì thế mà người ta đổ dồn vào khu bảo tồn tìm kiếm, săn bắt trộm loài nhông quý về bán cho các nhà hàng. Nhiều người con tin rằng nhông cát là một phương thuốc bổ thận tráng dương nếu biết cách ngâm nhông với các loại thuốc bắc nhất định.
Cùng những nhận định trên, các tài liệu của Đông y về nhông cát cũng ghi nhận những giá trị dinh dưỡng và những công dụng trong lĩnh vực y học của chúng. Theo đó, thịt nhông cát có vị ngọt, mặn, mùi thơm, tính bình, không độc, có tác dụng bồi bổ, giảm đau, kích thích tiêu hóa, tiêu độc, làm khô vết thương, được dùng như thịt cóc, thịt tắc kè để chữa suy dinh dưỡng, gầy còm, kém ăn, chậm lớn ở trẻ em. Thịt nhông không chỉ có tác dụng trong việc chữa trị bệnh hen suyễn, chứng nhức mỏi gân xương, thấp khớp, tê bại mà còn có khả năng cải thiện chuyện phòng the của các quý ông là điều y học dân gian đã khẳng định.
Thế nên, mới đây, nhiều người tại Xuyên Mộc đã tự sáng chế ra đủ các loại thần dược từ thịt nhông. Đặc biệt, theo ông Sơn, hiện nay, rất nhiều người tin theo tin đồn uống rượu ngâm nhông cát có thể mạnh mẽ hơn trong chuyện giường chiếu.
Ông Sơn cho biết, thằn lằn trinh nữ vốn là loài rất sạch chúng chỉ tìm ăn chồi non của nhiều loại cây thuốc và uống những giọt sương đêm đọng trên lá cây nên thịt của nó săn, lành và mát. Do đó, khi ngâm rượu người dân có thể làm sạch nội tạng hoặc không rồi bỏ nguyên con vào hũ thủy tinh. Loại rượu để ngâm cũng phải chọn những loại rượu có nồng độ cao từ 60 - 70 độ trở lên mới có tác dụng.
Nếu ngâm khô, thằn lằn trinh nữ phải được làm sạch nội tạng rồi xao vàng với gừng để khử mùi rồi bỏ vào hũ thủy tinh cùng với những vị thuốc bắc nhất định. Được biết, tùy vào mục đích sử dụng, người ngâm có thể sử dụng những vị thuốc khác nhau. Theo kinh nghiệm của người dân Xuyên Mộc, rượu nhông phải được ngâm từ 100 đến 200 ngày mới có chất lượng.
Nhiều tín đồ của loại rượu được xem như biệt dược phòng the khẳng định rượu bổ từ tắc kè, rắn, bổ củi, đặc biệt là rượu bổ từ thằn lằn trinh  nữ có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, loại biệt dược này rất tốt cho các trường hợp thận dương kém, suy yếu sinh lý, trí lực, thần kinh suy giảm.
Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng các thức uống trên và quá lệ thuộc vào nó. Nhiều bậc cao nhân trong nghề chế rượu bổ từ các loài bò sát cũng nhấn mạnh việc dễ gặp trường hợp bổ ngửa khi không am tường phương thức bào chế cũng như các phương thuốc bí truyền được bổ vào rượu trong quá trình ngâm mà tự tiện tiến hành bào chế rượu.                              
Nhông cát Việt Nam chiếm 50% tổng số loài của thế giới
Cán bộ kỹ thuật thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu  Phước Bửu cho biết: "Việt Nam có 4 loài nhông cát, chiếm 50% tổng số loài của thế giới, gồm: Nhông cát Guta  Leiolepis guttata, nhông cát Ri vơ  L. reevesii, nhông cát Guentherpetersi  L. guentherpetersi và loài nhông cát mới khám phá  nhông cát Ngô Văn Trí  L. ngovantri. Hiện nay, trung bình 1kg nhông giống có thể từ 350.000 - 400.000 đồng. Do giá trị cao, các loài nhông là đối tượng bị săn bắt ráo riết làm nguồn cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng, giống cho các trại chăn nuôi nhông cát khiến số lượng loài nhông sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, loài này vẫn chưa được liệt vào Sách đỏ Việt Nam.    
Hà Nguyễn – Ngọc Lài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét