Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Đi bộ để khám phá Pù Luông

Là một huyện miền núi ở tỉnh Thanh Hóa, Bá Thước có nhiều cảnh thiên nhiên nên thơ, phong tục tập quán, lễ hội độc đáo của cộng đồng ba dân tộc Thái, Mường và Kinh cùng hệ thống nhà sàn truyền thống còn nguyên vẹn đến 85%…
Đặc biệt Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ở đây đang được những người yêu thích trekking (hình thức du lịch khám phá bằng cách đi bộ) chú ý nhờ có hàng nghìn ha rừng nguyên sinh, khí hậu mát mẻ, hệ động, thực vật phong phú, nhiều khe suối, thác đẹp…

Nhà sàn dưới chân đồi
Con đường 15C đưa chúng tôi từ thị trấn Cành Nàng đi đến các xã xa xôi của huyện Bá Thước. Đường hẹp và dằn xóc nhưng không ai phàn nàn gì vì cảnh xung quanh quá đẹp.

Đường chạy qua Pù Luông, nơi nổi tiếng là phong phú và đa dạng về sinh học. Không chỉ thế, hệ sinh thái núi đá vôi nơi đây còn lưu giữ nhiều hang động hoang sơ huyền bí.

Các làng bản ruộng nương của người Thái, người Mường cũng khá thơ mộng với những ngôi nhà sàn mộc mạc trên sườn đồi, cách đó không xa là ruộng bậc thang đang xanh mơn mởn lúa non.

Mấy năm gần đây, ngày càng nhiều khách du lịch trẻ và người nước ngoài đến Pù Luông theo hình thức trekking để có thời gian khám phá kỹ càng vùng đất này.

Suối cá thần
Tỉnh Thanh Hóa vốn nổi tiếng với các “suối cá thần” – những dòng suối trong vắt đặc nghẹt đàn cá sống lâu năm. Huyện Bá Thước cũng có một dòng suối như vậy ở bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, cách thị trấn Cành Nàng 15 cây số.

Những người dân trong bản cho biết suối cá đã có từ rất lâu đời nhưng không ai dám đánh bắt vì họ cho rằng đây là “cá thần”. Du khách không khỏi trầm trồ khi chứng kiến cảnh dòng nước chảy từ trong khe núi trong đến độ thấy rõ mồn một từng đàn cá đông đúc, tung tăng bơi lượn.

Cá ở đây con lớn nặng khoảng từ 4 – 5kg, con nhỏ khoảng nửa ký. Sau khi phát hiện ra suối cá này, người dân trong bản đã lập bàn thờ bên khu vực hang động phía trên suối.

Đường qua Pù Luông
Một cảnh đẹp khác của Bá Thước là Thác Mơ hùng vĩ giữa đại ngàn xanh thẳm. Dòng thác bắt nguồn từ đỉnh núi Muốn có độ cao 500 m so với mực nước biển, len lỏi qua cánh rừng già, tưới nước cho ruộng nương rồi chảy ra sông Mã.

Đỉnh Muốn có một thung lũng nhỏ khí hậu quanh năm ôn hòa, cây trồng tốt tươi cho nhiều hoa thơm, quả ngọt. Nước từ các khe núi chảy vào thung lũng, đổ xuống sườn núi tạo thành 43 tầng thác liên hoàn như những bậc thang.

Du khách leo bộ từ chân thác ngược lên tận đỉnh mà không cần bỏ dép vì đá mòn nhẵn, không có rêu trơn trượt. Ở mỗi tầng thác, cảnh sắc và tiếng nước đổ xuống khác nhau.

Có thác nước tràn qua mềm mại, nơi lại cao vút, nước đổ ào ào tung bọt trắng. Những hạt nước nhỏ li ti tạo nên màn sương mỏng bao trùm cả vùng rộng lớn.

Chợ ở thị trấn Cành Nàng
Không khí thoáng đãng xen lẫn mùi hương thoang thoảng của hoa rừng hít vào thật sảng khoái. Nằm trong quần thể thác Muốn, thác Gió tuôn nước mạnh mẽ trắng xóa, đổ xuống dưới tạo thành một hồ nước trong vắt in bóng mây trời.

Tiếp đó là thác Bến Bai khói nước bay mịt mờ như mây. Phía sau làn nước là hang Bến Bai có nhiều nhũ đá rủ muôn hình, muôn vẻ nhiều màu sắc óng ánh…

Với những ai đủ sức để lên đến tầng thác trên cùng, phần thưởng sẽ là giây phút khám phá cánh rừng còn nhiều loại cây quý như dổi, vàng tâm, lim, lát, nhiều loài thú hoang và các loại thảo dược quý hiếm...
Theo doanhnhansaigon
Giữa đại ngàn Pù Luông

 Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông hiện đang lưu giữ những giá trị cảnh quan thiên nhiên phong phú, hệ động thực vật đa dạng, là điểm đến hấp dẫn với những ai ưa thích khám phá thiên nhiên…
Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông có diện tích 17.662 ha, hiện là khu vực rừng núi đá vôi đất thấp lớn nhất còn lại ở miền Bắc Việt Nam với 3 kiểu rừng chính: Rừng rậm trên đất thấp, núi thấp; rừng trên núi đá vôi; các thảm thực vật măng tre nứa và cây bụi.
Con đường 15C lịch sử chạy xuyên suốt từ thị trấn Cành Nàng của huyện Bá Thước tới cuối địa phận xã Phú Lệ thuộc huyện Quan Hoá và được nối với đường 47 đi về bản Lác của huyện Mai Châu tỉnh Hoà Bình đã chia cắt Pù Luông thành hai hệ sinh thái khác biệt với một bên là hệ sinh thái núi đá vôi và một bên là hệ sinh thái núi đất.
Pù Luông được biết đến như là một điểm đến thú vị với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, đó là những khu rừng tự nhiên còn giàu tài nguyên động thực vật rừng, những thửa ruộng bậc thang trải dài xanh tươi, những thác nước uốn mình trên các triền đá, những ngôi nhà sàn cổ, những khu làng ven rừng và trên đỉnh núi mang dáng vẻ nguyên sơ, nhiều hang động kỳ bí, hấp dẫn.  Bên cạnh đó là những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc và đa dạng của đồng bào người Thái nơi đây đã làm cho Pù luông càng có một dáng vẻ độc đáo và riêng có của mình.
 

Với những ai ưa thích mạo hiểm, thì chuyến leo núi chinh phục đỉnh Pù Luông, ngọn núi cao nhất vùng với độ cao 1700m sẽ là một trải nghiệm khó quên. Những khó khăn, vất vả sau một chặng leo núi hơn 5 tiếng dường như tan biến khi được ngắm từ trên cao vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Pù Luông. Dù đi theo hướng nào, du khách cũng được hòa mình với thiên nhiên, qua những bản làng dựa lưng vào núi, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp xen kẽ những khu rừng nguyên sinh xanh mướt.


Dừng chân ở bản Hang, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, được tìm hiểu tập quán canh tác truyền thống của người dân nơi đây. Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách được khám phá hang động với những nhũ đá huyền bí.
Một địa danh không thể bỏ qua khi đến Pù Luông là bản Hiêu. Trên con đường không xa từ thị trấn Phố Đoàn vào bản, du khách có thể bắt gặp rất nhiều guồng nước đặc trưng của người Thái. Qua cầu treo, vượt lên con dốc trên đồi đất, từ xa đã nghe tiếng thác nước bản Hiêu ầm ầm đổ. Thật lạ lùng, dòng suối với những nhánh nhỏ len lỏi chảy quanh bản, ngay cạnh chân cầu thang của những nếp nhà sàn, chảy ra ruộng lúa rồi bất chợt đổ xuống tạo ra hai thác nước hùng vĩ tung bọt trắng xóa.
Sau một ngày khám phá đất Pù Luông, du khách có thể nghỉ ngơi lưu trú trong các ngôi nhà sàn rộng rãi, thoáng mát của người dân bản địa. Tại KBTTN Pù Luông hiện đang phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là loại hình du lịch do chính người dân tổ chức dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống song song với việc bảo vệ, gìn giữ cảnh quan môi trường. Bên bếp lửa nhà sàn, chủ và khách cùng thưởng thức các món ăn lạ miệng như cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng…, cùng say men rượu cần và say mê thưởng thức những điệu múa sạp, múa xòe, hát lượn…
Đến Pù Luông, một màu xanh mướt trải đều trên các cánh rừng bất tận, ruộng bậc thang trùng điệp đem lại cho du khách cảm giác như lạc vào một thung lũng cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Pù Luông vẫn còn ẩn chứa không ít điều thú vị, hiện là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Khánh Chi (TTVN)
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét