Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Đi du lịch Ninh Bình - một Việt Nam thu nhỏ

Chỉ cách thủ đô Hà Nội hơn 90km, Ninh Bình ngày nay đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nằm ở vùng cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của tổ quốc.

Ninh Bình là mảnh đất giàu  về tài nguyên thiên nhiên, phong phú về danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá. Đó chính là thế mạnh để Ninh Bình phát triển du lịch.
 Ninh Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đặc thù của mảnh đất được mệnh danh là Việt Nam thu nhỏ cùng với  nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và  tâm linh vật thể và phi vật thể quý giá.
Đến với Ninh Bình, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cố đô Hoa Lư, hay vẻ uy nghiêm của nhà thờ đá Phát Diệm, nơi đây bạn có thể tự do khám phá những bất ngờ thiên tạo ở khu hang động sinh thái Tràng An, khu Tam Cốc – Bích Động…Đó là chưa kể đến thế giới thiên nhiên nguyên vẹn được bảo tồn trong rừng nguyên sinh Cúc Phương, hay sự độc đáo, kỳ thú, hệ động thực vật phong phú, đa dạng của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, hay tắm mình ở suối nước khoáng nóng Kênh Gà trước khi đi lễ chùa Bái Đính hoành tráng và linh thiêng...
Thăm chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập là chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam (700ha), chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á…
Chùa nằm ở cửa ngõ phía Tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình 15 km. Để cảm nhận đầy đủ sự linh thiêng và u tịch của chốn thiền Phật, bạn nên đến thăm chùa Bái Đính cổ – địa danh gắn liền với tên tuổi của Đức thánh Nguyễn Minh Không, cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía Đông Nam men theo sườn núi Đính. Nơi đây không chỉ đơn thuần là một khu chùa thờ Phật tổ, thờ Thần núi và Chúa Thượng Ngàn mà còn gắn với lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh.
Mỗi năm Chùa Bái Đính là điểm đến quen thuộc không chỉ các du khách du lịch mà cả những người quan tâm và muốn tìm hiểu về Phật giáo. Với lịch sử hơn 1000 năm, lại vừa mới được tu sửa, mở rộng, quần thể chùa Bái Đính mang đậm bản sắc kiến trúc chùa Việt Nam và thực sự đã làm thỏa lòng các tín đồ đạo Phật, các du khách gần xa, xứng danh là điểm đến hấp dẫn của đất Cố đô.
Khu du lịch sinh thái Tràng An
Khu du lịch sinh thái Tràng An là một quần thể danh lam - thắng cảnh được các nhà khoa học ví như một "bảo tàng địa chất ngoài trời" với nhiều hang động, núi non, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử nằm xen kẽ nhau.  Nhiều dãy núi đá vôi vách dựng đứng ôm trọn cả thung lũng, dưới chân các dãy núi đá vôi có rất nhiều hàm ếch, cửa hang là dấu tích sự xâm thực của nước biển. Đến Tràng An, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng với núi đá chon von, cỏ cây xanh ngắt cùng những thung nước trong vắt dưới chân vách đá và nhiều hang động kỳ bí.
Tràng An có khoảng 50 hang động có nước trong khoảng 100 hang động, được nối với nhau bởi gần 30 thung, các thung lại thông với nhau qua các hang thủy động tạo nên hệ thống xuyên thủy động như một trận đồ bát quái vừa kỳ ảo vừa biến hóa khôn lường. Như sự sắp đặt vô tình của tạo hóa khiến cho chặng đi chặng về không lặp lại như con đường độc đạo trên nước. Cùng với cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, nên thơ, đặc điểm này tạo cho Tràng An một nét độc đáo mà hiếm nơi nào có được.
Rừng quốc gia Cúc Phương
Cách thành phố Ninh Bình 45km về phía Tây Bắc, vườn Quốc gia Cúc Phương là bảo tàng thiên nhiên rộng lớn, nơi lưu giữ hệ động, thực vật rừng trên núi đá vôi phong phú nhất ở Việt Nam.
So với các vườn quốc gia  khác thì Cúc Phương có nhiều lợi thế hơn mà ấn tượng nhất là cây. Giữa rừng già, những cây đại thụ to hàng chục người ôm chưa xuể, ngửa cổ hết cỡ vẫn chưa thấy ngọn.  Không chỉ có cây, Cúc Phương còn có cả sông, núi, hồ, hang động, di chỉ khảo cổ, thú rừng…Động vật có xương sống ở Cúc Phương gồm 661 loài với 137 loài thú, 336 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 66 loài cá. Động vật không xương sống có 1.899 loài gồm 454 loài bọ cánh cứng, 378 loài bọ cánh vảy, 314 loài bọ cánh màng... 33 loài có tên trong sách đỏ thế giới như voọc quần trắng, báo hoa mai, cầy vằn... 3 loài đặc hữu của Cúc Phương là sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá niết và thằn lằn tai. Cúc Phương còn có 296 loài cây thuốc, 229 loài cây có thể ăn trái và 140 loài phong lan... Trong vườn có nhiều cây kim giao, loại cây quý được dùng làm đũa cho vua chúa ngày xưa, vì gỗ có tác dụng thử độc. Trước khi dùng bữa, nhúng đũa vào thức ăn, đầu đũa sẽ báo hiệu có độc tố hay không.
Tại Cúc Phương bạn có thể đi bộ, du lịch mạo hiểm, leo núi… Cúc Phương đẹp nhất vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, khi những cơn mưa rừng dữ dội đã đi qua. Đến rừng quốc gia, du khách cũng có thể thưởng thức món dê núi đặc sản của Ninh Bình và món ốc núi đặc biệt chỉ có ở đây.
Nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp tinh hoa văn hoá phương Tây và phương Ðông. Nhà thờ được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ, tên Phát Diệm (phát sinh ra cái đẹp) do Nguyễn Công Trứ đặt. Toàn bộ công trình được tạo nên từ những khối đá lớn, phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp và sống động đến lạ thường.
Điểm đặc biệt của nhà thờ này là ở chỗ dù là một trong những nhà thờ Công giáo nổi tiếng nhất nước ta song nhà thờ Đá Phát Diệm lại mang một lối kiến trúc hệt như những ngôi chùa truyền thống của người Việt. Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 1 Nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá), Phương Đình (nhà chuông), Ao Hồ và 3 hang đá nhân tạo.
Có thể nói, Nhà thờ đá Phát Diệm là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, là điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương Ninh Bình.
Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long
Non nước Vân Long có diện tích trên 3.000 ha, nằm trên địa phận 7 xã thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đây là miền đất huyền thoại, một vùng du lịch tuyệt đẹp, đồng thời là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất, đây cũng là nơi cư trú của loài Voọc Quần đùi trắng với số lượng cá thể lớn nhất Việt Nam cùng nhiều loài chim và động vật quý khác. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long có 32 hang động, mỗi hang mang một vẻ đẹp độc đáo riêng nhưng đẹp nhất vẫn là hang Cá dưới chân núi Hoàng Quyển. Ngoài ra, Vân Long còn là địa chỉ du lịch tâm linh với cây thị 600 năm tuổi, chùa Chi Lễ, chùa Mai Trung, khu danh thắng chùa và động Địch Lộng, di tích đền thờ Đinh Tiên Hoàng, đền Thánh Mẫu thờ tứ vị Hồng Nương, chùa Thanh Sơn Tự ở lưng chừng núi…
Ẩm thực
Ninh Bình – vùng đất kinh đô trước đây – hiện còn tồn tại những di tích văn hóa lịch sử của dân tộc và đặc biệt, những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực vẫn còn được lưu truyền đến nay .Sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại đã tạo nên một nét văn hóa mang vẻ đẹp của vùng đất đồng chiêm trũng, nơi cuối cùng của vùng châu thổ sông Hồng.
Về thăm Ninh Bình – một chuyến du lịch thật lý thú cho những người thích khám phá những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và nhất là được thưởng thức những món ăn dân dã và cả những món “cao sang” của người Ninh Bình.
Nói tới ẩm thực Ninh Bình là phải nói tới thịt dê. Không ở đâu ngon bằng dê núi Ninh Bình bởi dê ở đây được  nuôi thả tự do trên các quả núi đá vôi, ăn nhiều loại lá cây thuốc tại đó. Từ thịt dê có thể chế biến hàng chục món: tiết canh dê, tái dê, dê nướng, dê xào lăn, lẩu dê… Ngoài dê còn có nhiều món ăn ngon khác như: Bánh xù chợ quê, Cơm cháy, Xôi cá rô Trường Yên, Ốc Quang Hiển hầm và mắm tép Gia Viễn “vừa đỏ như son, vừa ngon như… yến” .
Những thắng cảnh đẹp, những món ăn ngon của vùng đất địa linh nhân kiệt này chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
Theo Thể thao Việt Nam

Du ngoạn Tràng An
.

Nằm trong quần thể danh thắng Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình, khu du lịch sinh thái Tràng An có sông, hang động, rừng ngập nước, rừng trên hệ thống dãy núi đá vôi tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm và các di tích lịch sử của thành Nam cố đô Hoa Lư. Tương truyền rằng nơi đây là hậu cứ của triều vua Ðinh Tiên Hoàng từ hơn một nghìn năm trước.

Bến thuyền vào Tràng An cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 7km về phía tây theo đại lộ Tràng An. Giá vé tham quan là 100 ngàn đồng/người.
Có khoảng 1.500 chiếc thuyền neo đậu san sát vòng quanh bến. Vào mùa đông khách, thường là sau Tết Âm lịch hay mùa hè, các thuyền hoạt động hết công suất, còn mùa vắng khách có khi mỗi thuyền một tháng mới đến lượt.
Đền Trình
Chúng tôi đến Tràng An vào đầu tháng 10, trời không mưa, khí hậu mát mẻ, khách không đông, tham quan được nhiều hang động. Hôm ấy đoàn đi sớm, khi ánh mặt trời còn dịu.
Thuyền trôi chầm chậm trên sông giữa một vùng non nước mây trời đẹp, nên thơ và không khí trong lành. Hai bên lau lách và hoa súng hồng nở đầy tạo cho quang cảnh thêm phần lãng mạn.
Dãy núi đá vôi sừng sững hai bên khiến khí hậu càng mát mẻ. Đây đó thấp thoáng thuyền của những người vớt rong, họ có nhiệm vụ làm sạch dòng sông mỗi ngày.
Hoa súng
Điểm dừng đầu tiên là đền Trình, nơi thờ hai công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Sau đó, khách xuống thuyền và bắt đầu hành trình đi qua các hang động như: hang Tối, hang Sáng, hang Nấu rượu…
Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá, nước phía trên lác đác nhỏ xuống. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp thay đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với nhũ đá óng ánh.
Người đưa đò bảo rằng hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, chúng tôi thấy trong hang có nhiều bình gốm, hũ, chum…
Đường lên Phủ Khống
Điểm dừng chân thứ hai là đền Trần. Theo các tài liệu, đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần.
Đền là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam của Hoa Lư tứ trấn. Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 Âm lịch hằng năm.
Phủ Khống
Rời khỏi đền Trần, thuyền đưa mọi người tham quan các hang động khác như: hang Ba Giọt, Seo, Sơn Dương, Khống… rồi đến điểm dừng chân thứ ba là Phủ Khống, nơi thờ bảy vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, bảy vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật.
Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của bảy vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần.
Chuẩn bị vào hang
Điểm qua cuối cùng là hang Quy Hậu và thuyền đi luôn ra bên ngoài. Như vậy, chúng tôi đã có một hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Nhìn trên bản đồ, quần thể hang động ở Tràng An giống như một trận đồ bát quái.
Những dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Ðiều diệu kỳ nữa là các hồ được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau.
Những hang, động này chuyển tải nước chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành lũy bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo.
Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên và được đánh giá như một “bảo tàng địa chất ngoài trời”. Đặc biệt, do các núi đá vôi cao, khiến dòng sông như một hành lang hút gió, có đoạn đi qua gió thổi rất mạnh.
Thuyền chờ khách
Một vòng các hang động như vậy mất khoảng ba giờ. Khi chúng tôi trở ra, những bông hoa súng đã tàn, người lái đò giải thích rằng, hoa súng này giống như hoa mười giờ, chỉ nở trong khoảng 2-3 giờ là tàn. Nắng đã bắt đầu gắt. Đây đó vẫn còn những chiếc thuyền vớt rong chăm chỉ làm nhiệm vụ…
KIM DUY/DNSGCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét