Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Phố đóng giày thủ công ở Sài Gòn xưa

Bên cạnh những cửa hàng giày thời trang sản xuất theo dây chuyền, tại quận 4, TP.HCM vẫn còn những con phố đóng giày thủ công truyền đời

Nghề đóng giày thủ công có mặt rất sớm ở Sài Gòn. Nhưng cái nghề này không dành cho người dân gốc miền Nam, mà là nghề kiếm cơm của những người di cư từ miền Bắc và miền Trung vào. Bởi vì người miền Nam tự nhận họ không khéo tay và kiên nhẫn để làm ra những đôi giày thủ công đẹp.
Hình minh họa
Những người làm giày ở đây hầu hết đều là người quê gốc tỉnh Hải Dương, nơi có làng giày từ mấy trăm năm về trước, làng giày Tứ Kỳ. Khi vào Nam, họ chọn quận 4 để tiếp tục tổ nghề. Từ nơi này, những thế hệ làm giày thủ công nối tiếp nhau truyền từ đời này sang đời khác.
Theo thời gian và vòng xoáy của sự hiện đại, tiện lợi, rất nhiều người không còn thiết tha với những đôi giày thủ công nữa. Phố giày quận 4 cũng từ lâu rơi vào sự đìu hiu, thưa thớt khách. Đến nỗi rất nhiều thợ đóng giày đã không thể sống tiếp được với nghề. Họ bỏ nghề, chuyển nghề khác, hoặc cho thuê cửa tiệm. Dù rằng nhiều người cũng đã mất khá nhiều thời gian để chọn lựa, suy ngẫm giữa việc gìn giữ một nghề truyền thống ông cha để lại hay tìm kiếm một con đường khác, mang lại cuộc sống tốt hơn.
Cũng có một số người đã thành công với cái nghề đóng giày từ khu phố giày thủ công quận 4. Có một cửa hiệu khá nổi tiếng đó là giày Khánh Hội. Những hình ảnh người ta thường thấy ở đây là cửa tiệm với đèn điện sáng xanh, khách hàng ra vào nhộn nhịp, nhân viên khá đông và mẫu mã giày đa dạng. Hoặc như ông Vũ Văn Chầm, một thợ thủ công đóng giày quận 4 đã tạo nên thương hiệu VinaGiày nổi tiếng khắp nơi.
Nhưng những người này không nhiều. Phố đóng giày thủ công quận 4 vẫn đang chết mòn bởi hàng hóa ế ẩm, khách hàng thưa vắng. Thêm nữa là giày Trung Quốc tràn ngập trên thị trường, giá rẻ, mẫu mã đẹp đã hút hết thành phần khách hàng trẻ tuổi. Chỉ còn lại những vị khách già, tuổi trung niên, những người sống ở Sài Gòn nhiều năm và xa Sài Gòn cũng nhiều năm như thế…
Có những thứ, vượt lên trên cả đôi giày, là kỷ niệm, là nỗi nhớ, là tình yêu, là niềm hân hoan, là tâm huyết, là lòng trân trọng với tiền nhân, là một cái gật đầu cảm ơn người đã dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để tạo nên những đôi giày đẹp, cho những bàn chân đẹp. Bao nhiêu thứ trong một đôi giày thủ công. Có phải vì thế chăng mà những người thợ thủ công già vẫn ngồi đấy, với đôi giày trên đầu gối, cần mẫn ngày này qua ngày khác. Dù cho cửa tiệm của ông đã vắng khách tự bao giờ.                                                             
Hương Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét